• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thuỷ sản giảm chỉ tiêu xuất khẩu vì xăng dầu

Săn tôm

Nguồn tin: TBKTSG, 24/4/2005
Ngày cập nhật: 26/7/2005

Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc họ bắt đầu khởi hành. Lặng lẽ trong đêm, mỗi người một ghe, họ săn tìm loại đặc sản của vùng nước ngọt: tôm càng xanh.

Cái thú nghề câu

Trời sụp tối, chiếc ghe nhỏ của anh Dương Văn Út cũng vừa neo lại bến câu sau hơn bốn ki-lô-mét rong ruổi. Đó là một vàm sông nhỏ, thuộc phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng. Bên kia sông là quận Ninh Kiều lác đác những ngọn đèn xanh, đỏ. Còn bên này sông, màn đêm đã tĩnh lặng, chỉ thấp thoáng vài ánh đèn nhỏ từ những căn nhà rải rác ven sông.

Đâu phải đơn giản có thể ghé bất cứ bến sông nào của con sông Cần Thơ này. “Kinh nghiệm của dân câu tôm là phải chọn những vịnh sông (đoạn sông cong vào), bến sâu, nhiều chà… mới thả câu”- anh Út khẳng định.

Trang bị cho nghề hạ bạc này khá đơn giản. Một cần câu nhỏ với sợi nhợ dài chừng mười mét quấn cuộn, một chiếc phao nhỏ luồn theo cước để biết hướng vớt tôm, một vợt lưới nối với đoạn tre dài chừng ba mét và một hũ sành nhỏ đựng mồi. Tất nhiên, không thể thiếu chiếc ghe nhỏ mà chúng tôi ngồi gần hai giờ đồng hồ để đến đây.

Thời trước, dân câu tôm dùng mồi trùn - loại trùn sống đầy rẫy ở đất vườn vùng này. Dần dà, ai đó khám phá và rỉ tai nhau, dân câu tôm chuyển sang sử dụng mồi trùn lá, loại trùn chỉ sống trong các bẹ dừa nước ở vùng nước mặn. Hôm trước, anh Út lặn lội xuống tận Sóc Trăng tìm mua, với giá 60.000 đồng/ki-lô-gam. “Còn tại Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, giá được kê lên tới 90.000 đồng/ki-lô-gam”, anh Út nói. Thứ mồi đặc biệt này bán rất chạy cho dân câu tôm ở Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long…

Lưỡi câu là một vòng sắt nhỏ, quấn sẵn một mớ ốc. Nối thêm vào đoạn trùn lá, anh Út thong dong thả câu, chờ “hàng”… Chưa đầy mười phút sau, anh Út đã ra dấu có tôm cắn câu. Nhóng thử cần câu, anh lắc đầu: “Con này nhỏ”.

Chiếc cần câu được anh nhấc lên từ từ, cũng lúc là chiếc vợt nhẹ nhàng đưa xuống, vớt từ dưới lên. Khi vợt cách mặt sông chừng một mét, anh hớt mạnh. Một chú tôm trứng nhỏ đã nằm co ro trong vợt.

“Con này nhỏ, bị đánh rớt xuống tôm “nhì”, giá hiện giờ khoảng 110.000 đồng/ki-lô-gam. Còn tôm “nhất” - từ 100 gam trở lên - hổm rày bán được 150.000 đồng/ki-lô-gam”. Anh Út kể, đợt câu trước, chỉ trong vòng mười ngày anh thu được trên một triệu đồng tiền bán tôm. Tuy nhiên, theo con nước, mỗi tháng chỉ câu trúng được chừng mười ngày.

Cái xóm nhỏ mà anh Út đang sinh sống, thuộc khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, vài chục năm trước có trên sáu mươi tay câu, có nhiều tay câu “sừng sỏ” như Ba Tây, Sáu Long... Lúc còn nhỏ, anh Út theo ghe câu tôm ít chuyến rồi đâm mê luôn từ đó. Ngay lúc ông Ba Tây ở gần nhà chê cái vợt vớt không vừa tay, anh Út dạm mua ngay. Tiếp đó anh sắm nhợ, cần và mua chiếc ghe nhỏ lênh đênh những đêm trắng trên sông nước.

Anh Út lại ra dấu. Con này chừng 100 gam - tôm “nhất” đây”- anh Út thì thào. Nhưng cần vừa nhóng nhẹ, con tôm đã buông mồi… Đến lần cắn câu thứ ba, con tôm mới chịu theo mồi lên mặt nước. Loáng cái, chú tôm đã nằm gọn trong vợt, hai càng xanh dài, chắc lẳn. Cầm thử, đúng là khoảng 100 gam.

Hai chục năm theo nghề câu, anh Út chỉ cần nhóng nhẹ chiếc cần đã biết con tôm đang ăn nặng khoảng bao nhiêu. Tép ăn cũng biết. Còn cá, anh có thể khẳng định con cá đang phá mồi bên dưới là cá bống hay cá chim trắng, chạch lấu… Tay nghề dân câu hơn nhau là chọn bến câu và điều khiển chiếc vợt bằng tay trái, canh khoảng cách với con tôm. Bởi cứ lóng ngóng, cục mồi vớt còn không trúng, nói chi tôm.

Đêm lạnh, nhưng mỗi khi vớt được một chú tôm, ném nhảy xoi xói trên khoang ghe thì cái nặng trĩu của cặp mắt, cái buồn của bến sông đêm dường như tan biến. Thú nhất là khoảng tháng 11 Âm lịch, tôm càng lửa đổ về nhiều. Con nào con nấy to tướng, thịt chắc lẳn. Ba năm trước, anh Út câu được con tôm nặng “kỷ lục”: 400 gam. Mà tôm câu trên sông thì khỏi chê. Thịt chắc, ngọt đậm hơn nhiều so với tôm nuôi.

Đối với dân câu tôm, sự cô độc suốt đêm không làm họ ngại. Cứ ngồi thong dong, ngắm sông đêm, sóng vỗ mạn ghe rì rầm, hứng gió mát lộng. Mỏi thì nằm, ngửa mặt nhìn sao đêm lấp lánh, tha hồ ngẫm sự đời.

Sát bên là mặt sông lạnh, bên kia là những ánh đèn ấm cúng của những căn nhà đầy tiếng trẻ bi bô, đôi khi cũng khiến họ chạnh lòng, nhớ chăn êm, nệm ấm, nhất là những đêm mưa nằm trùm nylon co ro dưới khoang ghe. Nhưng theo nghề riết rồi con tôm khiến họ mê hơn - tất nhiên, chỉ khi lên ghe đi câu…

Dân câu tôm chỉ xem đấy là nghề phụ. Như anh Út, công việc chính của anh là chở bàn, tủ, ghế gỗ từ Cần Thơ xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu bán lại. Thời này, tôm cá khan hiếm, chỉ độc nghề câu thì khó đủ sống. Ở Vĩnh Long, trước đây có xóm câu tôm vài trăm người, nhưng giờ bỏ nghề dần. Còn tại xóm anh Út, giờ cũng chỉ còn lèo tèo vài người, cứ đêm xuống là dong ghe ra sông. Trước đây có ông Hai Bổn ở Hưng Phú câu tôm không cần vợt. Lưỡi câu của ông uốn đạt độ chuẩn rất cao, tôm nào ăn thì khó sổng. Dân câu ai nghe đến tên ông cũng phải thán phục. Nhưng giờ ông cũng bỏ nghề…

Nhấc hẳn cần câu lên, châm điếu thuốc, anh Út giải thích: “Hết nước tôm ăn rồi. Nghỉ tay chút”. Theo anh, tôm ăn có thời điểm, có thể là lúc nước ròng hoặc nước lớn, khó có thể đoán trước. Nhưng khi nào rờ tay chạm mặt sông, thấy âm ấm, đó là lúc tôm ăn. Còn rờ thấy nước sông lạnh toát, ngồi đến cả giờ đồng hồ cũng hoài công.

Đang nằm lim dim, bỗng nghe tiếng mấy chú tôm bắt được búng lách tách trong giỏ máng cặp ghe, anh Út bật dậy: “Tới nước tôm ăn nữa rồi”.

Quả thực. Chưa đầy năm phút sau, anh Út đã nhấc nhẹ cái vợt. “Tôm càng xanh”- anh hí hởn. Nhưng khi chiếc vợt sắp sửa được nhấc mạnh, một nhánh cây nhỏ dưới sông đã cản đường. Vợt mắc kẹt, tôm búng tách chuồn mất.

Gần nửa giờ sau, anh Út vẫn còn chặc lưỡi tiếc con tôm bị sổng. “Trên mười lăm ngàn chứ ít sao!”. Nói vậy, chứ tôi biết cái anh tiếc hơn là mất cảm giác hả hê khi nhìn chú tôm nằm gọn trong vợt. Cái thú nghề câu mà.

Muôn sự nghề câu

“Nhiều tay đi câu chớ mê tín lắm” - anh Út kể. Như anh Tân ở gần nhà, đợt đó câu gần mười ngày không dính một con. Tôm ăn thì vớt xổng… Cay cú, anh này kéo ghe lên bờ, kiếm “bùa” đốt phong long. Ai quá giang ghe anh cũng không cho.

Còn ông Năm T., mỗi lần thấy người khác câu trúng là cũng tay câu, tay vợt đi theo. Chỉ có điều, cũng đi cả đêm nhưng ông ngủ nhiều hơn câu. Có lần, mới khởi hành, dân câu đã thấy ông gác cần nằm ngủ co ro bên bến sông. Đến lúc xong chuyến câu, quay về vẫn thấy ông còn nằm ngáy.

Buồn nhất đối với dân câu là chuyện cặp ghe câu bị dân trên bờ xua đuổi. Thực ra, do dân trộm hoành hành quá nhiều, nên dân câu cũng dính oan.

Quá nửa đêm. Mồi câu bị cá rỉa cạn sạch. Anh Út quay ghe trở về. “Đêm nay thất”. Chiếc giỏ cột bên ghe chỉ có đúng sáu con tôm, tổng cộng khoảng nửa ki-lô-gam. Từ sáu năm trở lại đây, tình trạng thuốc tôm hoành hành khắp nơi. Chỉ cần chai thuốc chừng hai chục ngàn, người ta lén bỏ xuống một đoạn sông nào đó, chưa đầy nửa giờ sau, tôm tép lớn nhỏ trồi đầu chết sạch. “Cách bắt tôm tận diệt này dân câu rất ghét”- anh Út nói với vẻ bực dọc.

Màn đêm vắng lặng. Anh Út lặng lẽ tay chèo. Đoạn đường về vàm sông Cái Răng - Cái Sơn cách nơi câu chỉ chừng ba ki-lô-mét nhưng ghe chèo mất gần một giờ.

Hồ Hùng

 


Sóc Trăng: Thu hoạch tôm được thêm cua biển

Nguồn tin: NLĐ, 26/7/2005
Ngày cập nhật: 26/7/2005

Hiện nay, mùa thu hoạch tôm sú ở Sóc Trăng đang bắt đầu. Ngoài thu hoạch tôm, với năng suất đạt ở mức khá, ngư dân Sóc Trăng còn thu lợi nhuận từ việc thu hoạch cua biển.

Tại 2 huyện nuôi tôm trọng điểm của tỉnh là Mỹ Xuyên và Vĩnh Châu, trong nhiều ao tôm, bà con ngư dân thu được từ 20 - 30 kg cua biển, thậm chí có hộ thu hoạch lên đến 100 kg cua biển/ao. Với giá cua biển dao động trong khoảng 50.000 đồng/kg, nhiều người có thêm khoản thu nhập từ 1 - 5 triệu đồng. Theo những hộ nuôi tôm sú ở Sóc Trăng, đây là lần đầu tiên cua biển xuất hiện nhiều trong ao tôm.

A.Thuận

 


Công trình nghiên cứu "cá basa Việt Nam ngon hơn catfish Mỹ" đang bị gây sức ép

Nguồn tin: TN, 26/07/2005
Ngày cập nhật: 26/7/2005

 


ATI: Thu hoạch tôm chân trắng

Nguồn tin: Vasep, 25/07/2005
Ngày cập nhật: 25/7/2005

Vụ nuôi năm nay, công ty đã hợp tác với các chuyên gia Thái Lan nhập con giống có chất lượng cao, sạch bệnh, đồng thời cải tiến công tác quản lý, điều hành, thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nuôi...

Ngày 23/7 vừa qua, Công ty công nghệ Việt-Mỹ (ATI - Việt Nam) đã tổ chức thu hoạch tôm chân trắng nuôi vụ I trên diện tích 150 ha mặt nước tại trung tâm nuôi trồng và chế biến thủy sản (dự án 19/5) tại xã Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Với 165 ao nuôi (5000 m2/ao) năng suất bình quân 8 tấn/ha, có ao đạt 10 tấn/ha, dự kiến thu hoạch 1.200 tấn cao hơn so với năm ngoái, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao cung ứng cho chế biến xuất khẩu.

Vụ nuôi năm nay, công ty đã hợp tác với các chuyên gia Thái Lan nhập con giống có chất lượng cao, sạch bệnh, đồng thời cải tiến công tác quản lý, điều hành, thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nuôi nên tôm lớn nhanh đạt chất lượng.

(NTNT)

 


Phú Yên: Xây dựng khu sản xuất giống thuỷ sản lớn nhất ở Nam Trung Bộ

Nguồn tin: Vasep, 25/07/2005
Ngày cập nhật: 25/7/2005

Ngày 24/7, Sở Thuỷ sản Phú Yên cho biết: Khu sản xuất giống thuỷ sản lớn nhất ở Nam Trung Bộ rộng 30ha, bao gồm 133 trại sản xuất đang được xây dựng tại xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu, có tổng kinh phí đầu tư gần 39 tỷ đồng. Hiện đã có trên 80 hồ sơ của các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào khu sản xuất giống này.

(TN) theo Lao động, 25/7/2005

 


TP.HCM: xuất hiện khô cá sặt ngoại!

Nguồn tin: TT, 25/07/2005
Ngày cập nhật: 25/7/2005

Sau cá ngoại tươi sống, giờ lại đến lượt khô cá ngoại đổ vào chợ đầu mối. Ông Mai Ngọc Thắng - phó ban quản lý chợ đầu mối thủy hải sản khô Bình Hưng (H.Bình Chánh, TP.HCM) - cho biết mới có thêm loại khô cá sặt từ Myanmar và Malaysia nhập khẩu đổ về chợ đầu mối này.

Khoảng 0,5 - 1 tấn khô cá sặt ngoại về các chợ lẻ mỗi ngày, chiếm khoảng 10% lượng cá khô tiêu thụ tại chợ đầu mối khô thủy sản.

Hiện trong nước chưa đến mùa đánh bắt cá sặt nên hàng khô sặt về chợ rất hiếm, nhờ vậy cá sặt ngoại đã lấp vào chỗ trống, giá lại rẻ: từ 60.000-120.000 đồng/kg, rẻ hơn khô cá sặt nội từ 20.000-30.000 đồng/kg.

KH.NGỌC

 


Sản xuất và xuất khẩu thủy sản: Chất lượng đặt lên hàng đầu

Nguồn tin: TT, 25/07/2005
Ngày cập nhật: 25/7/2005

Tại hội nghị bàn các biện pháp thực hiện kế hoạch năm 2005 của ngành thủy sản (TS) vừa được Bộ TS tổ chức tại TP.HCM ngày 23-7, Thứ trưởng Bộ TS Nguyễn Thị Hồng Minh đã khẳng định: “Vấn đề chất lượng là cực kỳ quan trọng”.

Theo bà Minh, triển vọng xuất khẩu các mặt hàng TS VN, đặc biệt là cá tra và cá ba sa hiện nay rất lớn, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng chứ không phải chạy theo số lượng.

Bà Minh cho biết rất nhiều địa phương có hoạt động nuôi trồng TS lớn hiện nay vẫn chưa xem trọng vấn đề đảm bảo cho sản phẩm sản xuất ra phải sạch và đạt chất lượng.

H.ĐĂNG

 


Bạc Liêu: Giá ốc bươu vàng 3.000 - 3.500 đồng/kg vẫn hút hàng

Nguồn tin: BCT, 20/7/2005
Ngày cập nhật: 23/7/2005

Thứ tư, , 08:12 GMT+7 Con ốc bươu vàng trở nên hút hàng ở Bạc Liêu kể từ đầu tháng 7-2005 dù được các đầu mối thu mua với giá 500 đồng/kg ốc tươi và 3.000 - 3.500 đồng/kg ốc thịt (đã luộc chín và lể lấy thịt). Nguyên nhân vì ốc bươu vàng được các chủ vuông tôm trong tỉnh tận dụng làm thức ăn cho tôm sú. Ông Tô Yến ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, chủ vuông tôm và vựa thu mua ốc bươu vàng cho biết: “Nhà tôi thử cho tôm ăn, rồi mua ốc từ năm ngoái tới giờ. Cao điểm có ngày mua 500-700 kg, có lúc mua không hết. Tôi có gần 20 mối bán ốc, vậy mà nửa tháng nay mua được ít lắm vì lúa hè thu mới sạ, bà con không bắt ốc được”. Tuy nhiên, loại thức ăn này dễ gây ô nhiễm ao nuôi do lượng chất thải lớn, đòi hỏi phải theo dõi, quản lý ao nuôi chặt chẽ.

H.T

 


Nuôi ếch Thái ở Đồng Tháp

Nguồn tin: BCT, 22/7/2005
Ngày cập nhật: 22/7/2005

Hiện nay, anh Nguyễn Văn Thâm (Ba Thâm) được xem là người nuôi ếch Thái Lan có hiệu quả đầu tiên trong xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nhiều người ở Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, có cả TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ… đã đến trại nuôi ếch của anh để xem tận mắt và học tập kỹ thuật nuôi ếch Thái.

Trước đây, anh Ba Thâm làm đủ nghề, từ sản xuất thuốc lá điếu, nước đá đến mua bán vật tư nông nghiệp, nhưng anh vẫn chưa hài lòng nên quyết định mở ra nghề mới ở địa phương. Anh đã cùng người em hợp lực mở trại ếch từ hơn một năm nay. Bây giờ Ba Thâm “thuyết trình” về kỹ thuật nuôi ếch Thái tưởng như một kỹ sư chăn nuôi chính hiệu. Nghề nuôi ếch tưởng đâu dễ dàng như trở bàn tay vậy mà nếu không học sẽ khó thực hiện. Vừa lấy vợt bắt ra cặp ếch Thái Lan, anh vừa giới thiệu: “Cặp ếch bố mẹ này có giá 800.000 đồng. Hiện tôi có 12 hồ chứa 85 con đực và 85 con cái ở riêng. Từ lâu, ếch là món ăn mà người Việt Nam và nhiều nước trên thế giới rất ưa chuộng vì nó có nhiều dưỡng chất lại thơm ngon. Do đắt hàng nên hiện nay giá ếch ngoài chợ đã lên đến 30 ngàn đồng/kg, còn ếch nuôi lấy thịt khoảng 23- 24 ngàn đồng/kg”.

Không đủ chỗ để sản xuất, anh đã thuê thêm mặt bằng 4.000 m2 đất ở xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh với giá 2 triệu đồng/năm để làm cơ sở II ép giống và thuần dưỡng chờ đến ngày xuất trại bán cho khách hàng. Anh Nguyễn Chí Tâm, kỹ sư xây dựng đang công tác ở Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Cao Lãnh, cho biết: “Cách nay một tuần, chú Ba đã xuất 221.000 con ếch giống cho khách hàng ở Hậu Giang , Vĩnh Long và TP Cần Thơ với giá hữu nghị 1.000đồng/con loại 25 ngày tuổi”.

Anh Ba Thâm cho biết thêm: “Cứ 1 cặp ếch bố mẹ, mỗi năm đẻ 6 lần, 75 cặp mỗi năm cho ra đời 450.000 con ếch giống. Sau khi trở thành ếch đến độ nuôi được cứ thả 75 con/m2, lúc con lớn cho vào hộc ngăn nuôi riêng. Nuôi ếch không khó lắm, nếu trong ao hồ mỗi ngày chỉ cần thay nước một lần, còn đối với ao để thoát nước tự nhiên theo con nước lớn, ròng, 10 ngày mới thay một lần”. Đến tận nơi tham quan, anh Nguyễn Linh Vũ, một khách hàng ở thị xã Bạc Liêu, thắc mắc: “Gia đình tôi sống ở vùng nước mặn quanh năm liệu nuôi ếch có thích nghi?”. Anh Ba Thâm giải thích: “Mặn, ngọt gì cũng không khó lắm. Chỉ cần xử lý nước để tránh độ mặn quá cao, ếch không chịu nổi!”.

Mặc dù không tự xưng là “đại gia” làng ếch, song hiện nay, trại nuôi ếch giống của anh Ba Thâm đã được nhiều nơi biết đến. Anh dự định sắp tới sẽ mở rộng cơ sở chăn nuôi thành Trang trại ếch Bình Hàng Tây qui mô lớn, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp cung ứng và chế biến ếch xuất khẩu cho các nước Tây Âu. Như vậy, nếu anh thành công thì ĐBSCL sẽ có thêm một loại vật nuôi góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng đa dạng và bền vững.

HÀ PHƯƠNG

 


Cà Mau: Một hộ dân thu lãi trên 1 tỉ đồng nhờ bán nước biển cho các trại tôm giống

Nguồn tin: NLĐ, 20/07/2005
Ngày cập nhật: 21/7/2005

Với 3 chiếc ghe chở nước trên biển bình quân 20 m3/chiếc, trong 5 năm qua, ông Đoàn Văn Túc, ngụ tại khóm 9, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã thu được 1,25 tỉ đồng từ việc bán nước biển.

Theo ông Túc, nghề bán nước biển rất đơn giản: Chỉ cần ra khỏi cửa biển Sông Ông Đốc 10 km, đưa vòi rồng xuống độ sâu 13 m dưới đáy biển để hút nước vào ghe. Các trại nuôi tôm sú giống tại thị trấn Sông Đốc mua loại nước này với giá 25.000 đồng/m3; các trại giống nằm xa cửa biển sẽ mua với giá cao hơn. Với giá như thế, người bán nước biển sẽ có mức lãi đến 50% doanh thu. Tại cửa biển Sông Ông Đốc đã có 20 tàu thuyền hành nghề này.

H.Nông


Sau loạt bài ĐBSCL - Loay hoay giữa mặn và ngọt: Khảo sát đất bỏ hoang ở Bạc Liêu

Nguồn tin: NLĐ, 19/07/2005
Ngày cập nhật: 21/7/2005

Báo Người Lao Động số ra ngày 4 và 5-7 có đăng loạt bài “ĐBSCL: Loay hoay giữa mặn và ngọt”. Nội dung bài viết phản ánh tình trạng tôm nuôi bị chết liên tục trong thời gian gần đây khiến cho người nuôi tôm ở ĐBSCL phải lao đao; không thể trả nợ ngân hàng; nhiều diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang.

Ngày 14-7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bạc Liêu phối hợp với chính quyền địa phương chính thức thành lập 2 tổ công tác nhằm khảo sát nắm lại toàn bộ diện tích đất bỏ hoang, số hộ nợ ngân hàng và tình hình tôm chết trên địa bàn tỉnh. Đoàn sẽ có báo cáo chính thức với UBND tỉnh về hướng khắc phục tình trạng này. Cùng thời gian, ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cũng đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác nắm lại tình hình tôm chết, đất bỏ hoang tại thị xã Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi. Những giải pháp và hướng khắc phục.

Nh. Huy


Ý kiến người tiêu dùng Mỹ: Cá basa Việt Nam ngon hơn catfish nội địa

Nguồn tin: TN, 19/07/2005
Ngày cập nhật: 21/7/2005

 


Giá xuất khẩu cá sấu giảm mạnh

Nguồn tin: Vasep, 20/7/2005
Ngày cập nhật: 21/7/2005

Theo Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà, quận 12, Tp.HCM, giá xuất khẩu cá sấu nguyên con theo đường tiểu ngạch biên giới sang TQ liên tục giảm. Giá XK giữa tháng 7/2005 chỉ bằng một nửa so với đầu năm, xuống tới 120.000 đ/kg.

Dự báo trong những tháng cuối năm, giá XK cá sấu sang Trung Quốc có thể xuống dưới 100.000 đ/kg do phía Trung Quốc giảm mạnh lượng NK cá sấu từ Việt Nam, 6 tháng đầu năm lượng xuất khẩu cá sấu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2004. Hiện Tp.HCM đang nuôi gần 50.000 con cá sấu, tập trung ở 4 doanh nghiệp lớn được Hiệp hội về buôn bán các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng công nhận đủ tiêu chuẩn XK cá sấu. Trước tình trạng giá XK cá sấu giảm, các DN lớn đang đẩy mạnh NK thiết bị chế biến da cá sấu hiện đại của Italia để thuộc và chế biến da cá sấu XK đạt tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu kỹ thuật quốc tế.

(TN)

 


Khuyến ngư Ninh Thuận: Tập huấn kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Lăng vàng

Nguồn tin: WNT, 20/07/2005
Ngày cập nhật: 20/7/2005

Nhằm đa dạng hoá đối tượng nuôi nước ngọt, sáng ngày 16/7/2005, Trung tâm Khuyến ngư phối hợp Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Lăng vàng cho bà con nông dân xã Lương Sơn – Ninh Sơn.

Cá Lăng vàng là loại cá da trơn, sinh sống ở các sông suối nước ngọt và nước lợ thuộc miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là loại cá bản địa có thịt thơm ngon, bổ dưỡng và có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Giá cá thịt trên thị trường từ 40.000-70.000đồng/kg, tuỳ theo trọng lượng cá vào mùa vụ. Lớp tập huấn đã trang bị cho nông dân qui trình kỹ thuật nuôi cá Lăng vàng trong ao đất với 2 phương pháp nuôi thâm canh và bán thâm canh. Năm 2003, Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã cho sinh sản nhân tạo cá Lăng vàng thành công. Vì vậy, nghề nuôi loại cá này hứa hẹn nhiều thuận lợi về mặt kỹ thuật và có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Đài THNT

 


TPHCM: Xuất khẩu cá cảnh sẽ đạt đến 50 triệu USD

Nguồn tin: TTXVN, 17/07/2005
Ngày cập nhật: 20/7/2005

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu cá cảnh từ 4 đến 5 triệu USD hiện nay lên 40 đến 50 triệu USD vào năm 2010 (tăng gấp 10 lần).

Thực tế phát triển nghề nuôi cá cảnh và những nghiên cứu khoa học đều cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có tiềm năng rất lớn mà còn có nhiều nghệ nhân về cá cảnh thuộc đẳng cấp quốc tế. Năm 1995 trong hội thi cá cảnh quốc tế Aquarama tổ chức tại Xinhgapo, cá đĩa Việt Nam đã đạt 7 trong tổng số 13 giải.

Những năm gần đây, khi mức sống của người dân Thành phố được nâng lên, nhu cầu chơi cá cảnh, từ loại bình dân cho đến cao cấp, từ nước ngọt đến nước mặn cũng phát triển theo. Hàng trăm cơ sở sản xuất và kinh doanh cá cảnh mọc lên, thị trường cá cảnh ngày càng sôi động, nhộn nhịp với nhiều chủng loại cá cảnh, dịch vụ kèm theo ngày càng phong phú, đa dạng. Ngoài việc tiêu thụ nội địa, cá cảnh còn là nguồn hàng xuất khẩu đầy triển vọng, nhiều khách nước ngoài tìm đến các cơ sở ở quận 8, Gò Vấp, Củ Chi đặt mua cá cảnh.

Sự ra đời của Hội cá cảnh Thành phố giúp tập hợp các nghệ nhân sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cá cảnh, đưa cá cảnh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Trong thời gian tới, Hội cá cảnh Thành phố sẽ tập trung xây dựng các làng nghề cá cảnh ở những vùng thích hợp; cân đối chủng loại cá cũng như số lượng sản xuất nhằm điều tiết cho từng thời vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiến tới xây dựng siêu thị cá cảnh nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất trưng bày và giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng.

Hội cũng sẽ xây dựng các phố chuyên kinh doanh cá cảnh ở các quận nội thành, khu vực sân bay; xúc tiến giao dịch để mở rộng thêm thị trường xuất khẩu; tăng cường trao đổi thông tin với các nước để nhập các loài cá mới lạ, đẹp; mở trang web để giới thiệu tiềm năng các loài cá và địa chỉ giao dịch; hình thành trung tâm giống cá cảnh Thành phố; cập nhật và ứng dụng công nghệ sinh học trong phương pháp sinh sản nhân tạo; sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá cảnh cũng nhu kỹ thuật phòng và điều trị một số bệnh trên cá cảnh./.

 


Trà Ôn: Mô hình nuôi cá lóc ao vườn đạt hiệu quả cao

Nguồn tin: SGGP, 20/7/2005
Ngày cập nhật: 20/7/2005

Ở Cù lao Mây xã Phú Thành huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long, anh Nguyễn Văn Lượt nổi tiếng với mô hình nuôi cá lóc. Với diện tích 240m vuông mặt nước, anh thả trên 8000 con. Trong vòng bốn tháng, trọng lượng trung bình mỗi con là 400g trở lên. Anh cho biết, cá lóc phù hợp với việc nuôi thả trong ao vườn do dễ nuôi hơn các loại cá khác và có thể tận dụng các nguồn cá vụn tại chỗ để làm thức ăn. Trung bình 4kg cá phụ phẩm thì cho 1kg cá lóc, chi phí để đầu tư nuôi thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình chăn nuôi của anh, nhiều bà con trong vùng đã mạnh dạn đầu tư nuôi và cũng đạt hiệu quả rất cao. Đặc biệt là những hộ gia đình có diện tích mặt nước thấp, như gia đình anh Nguyễn Văn Út đã đầu tư thả 1000 con trên 100 m vuông; trong thời gian 5 tháng, cá của anh đạt trọng lượng bình quân từ 700g. Theo giá cả thị trường hiện nay thì thu lãi từ 2-3 triệu đồng. Nếu trước đây diện tích mặt nước ao vườn thường không được khai thác vì các loại thủy sản khác không thích nghi được với môi trường bóng râm thì hiện nay mô hình này rất hấp dẫn bà con địa phương vì ao vườn có sẵn không phải đầu tư lớn mà hiệu quả khá cao. Bà con cũng rất an tâm nuôi vì giá cả của nó không biến động nhiều như thị trường cá da trơn, nhu cầu tiêu thụ lớn, giá cả cao (hiện mỗi kg cá ở thị trường từ 23.000 - 27.000đ) cao nhất trong các loại cá hiện thả nuôi trong tỉnh.

Huy Hoàng

 


Chuyện cổ tích trên dòng Cửu Long

Nguồn tin: SGGP, 17/7/2005
Ngày cập nhật: 18/7/2005

Nam bộ có vị cá tra

MartinYan, “vua bếp” nổi tiếng thế giới từng tấm tắc khen “Cá ba sa Việt Nam ít xương, nhiều thịt, vị cá rất ngọt và đậm đà”. Cái vị của loại cá đặc thù vùng ĐBSCL này ngày càng được chăm chút, được chế biến thành trên 100 món ăn hấp dẫn đã hiện diện tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ cá tra, ba sa nhiều năm nay đã làm lung lay cả vị thế hạt gạo, mặt hàng xuất khẩu truyền thống của đất nước.

Ở ĐBSCL, con cá tra, ba sa có lợi thế cạnh tranh vượt hẳn các nơi khác. Mạng lưới sông rạch chằng chịt, lưu lượng nước ngọt lớn, nắng ấm quanh năm đã làm diện tích nuôi trong vùng tăng từ 1.290 ha năm 1997 lên trên 3.200 ha vào năm 2004 với tốc độ tăng 24,6%/năm. Tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu chiếm trên 80% sản lượng hàng năm.

Đến nay, phong trào nuôi cá tra, cá ba sa đã lan ra mười tỉnh trong khu vực (riêng nuôi bè đã có khoảng 20.000 bè cá các loại) với sự tham gia của hàng trăm ngàn hộ dân và hình thành rõ nét những tổ hợp công – nông nghiệp – dịch vụ liên quan và còn mở ra cơ hội làm giàu cho cả ngư dân miền Trung, miền Bắc. Với con cá, nhịp sống nơi đây năng động hơn, sự chuyển dịch cơ cấu nhanh hơn và khát vọng đổi đời của bao người dân châu thổ đã thành hiện thực.

 


Mô hình liên kết "4 nhà" ở Công ty AFASCO - Cách làm ăn mới

Nguồn tin: BCT, 18/7/2005
Ngày cập nhật: 18/7/2005

Hợp tác liên kết giữa Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản AFA (AFASCO) với Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT An Giang, Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Green Feed và nông dân nuôi cá, bắt đầu mở ra cách làm ăn mới cho nghề nuôi cá tra, ba sa ở An Giang và ĐBSCL phát triển theo hướng bền vững.

Hai điểm yếu của nông dân nuôi cá tra, ba sa là luôn thiếu vốn sản xuất nhưng khi đạt sản lượng dồi dào thì giá bán bị sụt giảm, khiến rủi ro ngày càng lớn, làm kềm hãm phát triển ngành nuôi thủy sản ở ĐBSCL. Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng ngoài tầm kiểm soát và qui hoạch dẫn đến yếu kém về chất lượng cá nguyên liệu thương phẩm, trong khi rào cản kỹ thuật về dư lượng kháng sinh và nhiễm hóa chất bị cấm ngày càng gay gắt ở các nước nhập khẩu EU. Mô hình liên kết “4 nhà” khép kín ở AFASCO đã hóa giải cho vấn đề này.

Sau quá trình nuôi thử nghiệm, AFASCO đã chọn thức ăn chăn nuôi thủy sản của Green Feed để “thầu” cung ứng cho nông dân nuôi cá bán cho công ty. Cái lợi trước tiên của nông dân được mua thức ăn giá gốc tại nhà máy “mềm” hơn giá bán trên thị trường và được bán cá trực tiếp cho công ty mà không cần thông qua thương lái. Phía AFASCO mua được cá nguyên liệu sạch của nông dân nuôi theo qui trình kỹ thuật của công ty, thuộc vùng qui hoạch của tỉnh. Ông Nguyễn Hoàng Kha, Giám đốc AFASCO, nói: Công ty đã tính được giá thành nuôi của nông dân nên mua giá cả đảm bảo cho nông dân có lãi. Còn ông Nguyễn Tấn Phước, phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT An Giang tâm đắc vì mô hình này rất thành công ở Thái Lan, nông dân nuôi hạ giá thành sẽ tăng thêm lợi nhuận. Vì thế, ngân hàng tích cực ủng hộ cho mô hình liên kết này. Theo ông Phước, thay vì cho nông dân trực tiếp vay vốn, ngan hàng sẽ “rót” vốn cho công ty để cung ứng thức ăn chăn nuôi theo từng giai đoạn cho nông dân. AFASCO sẽ thanh toán tiền thức ăn cho Green Feed. Khi nông dân bán cá cho AFASCO, công ty có trách nhiệm thanh toán nợ cho ngân hàng, phần còn lại, nông dân đến ngân hàng nhận tiền bán cá. Ông Phước nói: Phương thức trao tiền “tay ba” đồng vốn được sử dụng đúng mục đích và rất hiệu quả, nông dân khỏi bị các công ty mua cá chiếm dụng vốn do trả tiền chậm. Ông Phước còn cho biết thêm, nông dân nuôi cá là hội viên ở các Chi hội nghề cá thuộc Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) sẽ được vay vốn sản xuất trên mức 50% giá trị tài sản nhưng không quá 100% giá trị tài sản cố định theo qui chế phối hợp giữa Ngân hàng và Hiệp hội AFA. Theo qui chế trách nhiệm liên đới, khi nông dân gặp rủi ro, các thành viên Chi hội và Hiệp hội sẽ chịu trách nhiệm trả vốn vay ngan hàng. Còn ông Kha cũng khẳng định sẽ chọn nhà máy cung ứng thức ăn chăn nuôi chất lượng cao nhưng giá hợp lý để hợp tác cung ứng cho nông dân.

Công ty AFASCO ra đời theo ý tưởng “tâm huyết” của 12 sáng lập viên Hiệp hội AFA hồi tháng 7-2003. Từ 117 cổ đông góp vốn ban đầu (20 tỉ đồng, trong đó 98 nông dân nuôi cá góp 80% vốn), được Quỹ hỗ trợ phát triển và Ngân hàng NN-PTNT hỗ trợ vốn, cuối tháng 5 vừa qua, công ty đã khánh thành Nhà máy chế biến thủy sản AFASCO sản xuất theo công nghệ dây chuyền Nhật Bản. Nhà máy có công suất chế biến 75 tấn cá nguyên liệu/ngày. Theo kế hoạch, tháng 8-2005 tới đây, công ty sẽ xây dựng tiếp phân xưởng II, công suất chế biến 150 tấn cá nguyên liệu/ngày và kho đông lạnh 1.500 tấn. Dự kiến xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động quí II-2006, nâng tổng công suất chế biến của công ty lên 225 tấn cá nguyên liệu/ngày, chiếm khoảng một phần tư sản lượng cá tra, ba sa nuôi ở An Giang. Khi đó, nông dân nuôi cá không còn nơm nớp lo sợ các “đại gia” khống chế giá cá tra, ba sa nguyên liệu nữa. Ông Kha cho biết, nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh muốn góp vốn cùng công ty, nhưng AFASCO muốn chỉ là công ty thuần túy của nông dân để quyền lợi không bị đối nghịch, như lời tâm huyết của ban sáng lập “lời cùng ăn, lỗ cùng chịu”.

Vũ Hà

 


Cá cảnh - hy vọng mới cho nông dân

Nguồn tin: TN, 15/07/2005
Ngày cập nhật: 18/7/2005

UBND TP.HCM đã quyết định chuyển tất cả diện tích trồng lúa năng suất thấp sang các cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả cao hơn trong vòng 5 năm 2006 - 2010. Trong đó, cá cảnh là một trong những hy vọng mới cho nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM, đất trồng lúa của thành phố hiện đang chiếm 67 -72% diện tích sản xuất nông nghiệp và thủy sản nhưng năng suất rất thấp, chỉ khoảng 3,38 tấn/ha/vụ và đạt giá trị 6,3 - 6,7 triệu đồng/ha/vụ. Doanh thu của các hộ trồng lúa rất thấp: chỉ khoảng 2,4 triệu đồng/người/năm, hay 200.000 đồng/người/tháng. Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố đã có quyết định trên.

Mục tiêu của Hội Cá cảnh TP.HCM là xây dựng các làng nghề ở những vùng thích hợp, cân đối chủng loại cá cũng như số lượng sản xuất nhằm điều tiết thời vụ trong nước và xuất khẩu. Xây dựng các siêu thị cá cảnh nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất trưng bày và giới thiệu sản phẩm; xây dựng các khu phố chuyên kinh doanh cá cảnh ở các quận nội thành như quận 1, quận 3, quận 5 và khu vực sân bay. Tăng kim ngạch xuất khẩu gấp 10 lần hiện nay, đạt từ 40-50 triệu USD...

Ngày 15/7, UBND TP.HCM đã tổ chức đại hội thành lập hội cá cảnh. "Nông nghiệp thành phố hiện nay phải chuyển dịch nhanh theo hướng hiệu quả - sinh thái, thân thiện với môi trường và con người", ông Trương Hoàng, Phó ban Chỉ đạo nông nghiệp - nông thôn TP.HCM phát biểu, "trên cơ sở đó, cá cảnh nổi lên như một mục tiêu nhắm đến, một mũi nhọn sản xuất thích hợp cho ngoại thành, vùng ven, và cả nội thành. Hiện nay các hộ nuôi cá cảnh đang có thu nhập rất cao và ổn định. Sự ra đời của Hội Cá cảnh ngay trong lúc này là cần thiết và đây là một trong những động thái chuẩn bị cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ sắp tới".

Ông Nguyễn Văn Lãng - Trưởng ban Vận động thành lập Hội Cá cảnh thành phố - không giấu được vẻ vui mừng: "Sản xuất cá cảnh ở thành phố rồi cũng đã đi vào tổ chức, không còn nhỏ lẻ và phân tán, không còn cạnh tranh, giấu nghề và mỏng manh như trước nữa. Hội Cá cảnh thành phố sẽ phối hợp hỗ trợ, phân công sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ giữa các hội viên để thúc đẩy mở rộng thị trường". Ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố - nhận định: "Sự ra đời của Hội Cá cảnh thành phố sẽ là hạt nhân giúp các nghệ nhân, làng nghề cá cảnh hoạt động ngày càng hiệu quả trong sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố".

Niềm hy vọng mới cho nông dân đã mở ra, tuy nhiên theo ông Trương Hoàng: "Dù là địa phương có truyền thống nuôi cá lâu năm và tiềm năng vượt trội nhưng khách quan mà nói thì nghề nuôi cá của chúng ta tụt hậu khá xa so với các nước khác. Không phải 10% như dự kiến mà nghề nuôi cá cảnh ở thành phố cần phải tăng nhanh đến 20% thì mới bắt kịp được nhịp độ và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. TP.HCM phải trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, khoa học kỹ thuật về cá cảnh lớn nhất cả nước".

Quang Thuần

 


Đồng bằng sông Cửu Long: Giá tôm xuất khẩu tăng mạnh

Nguồn tin: SGGP, 17/7/2005
Ngày cập nhật: 17/7/2005

 


Nghề nuôi cá sấu: Thế mạnh trong tương lai?

Nguồn tin: SGGP, 15/7/2005
Ngày cập nhật: 16/7/2005

Cùng với hoa kiểng, cá sấu là vật nuôi mới được TPHCM xác định là thế mạnh phát triển trong thời gian tới. Nhưng làm sao phát triển bền vững, hạn chế rủi ro cho người nuôi là vấn đề được đặt ra.

Nuôi cá sấu lấy da

Đó là yêu cầu khi phát triển nghề nuôi cá sấu TP, vì giá trị da cá sấu chiếm đến 80%, thịt chỉ có 20%. Hiện nay, TPHCM nuôi khoảng 48.000 con cá sấu, tập trung nhiều ở 4 doanh nghiệp lớn được Cites VN (Hiệp hội về buôn bán các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng) công nhận đủ điều kiện xuất khẩu là Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà (quận 12), Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex - Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), Công ty TNHH Tồn Phát (Củ Chi), Công ty Du lịch Suối Tiên (quận 9).

Theo ông Dương Đức Hòa, Giám đốc Forimex, nghề nuôi cá sấu tại TPHCM vẫn còn mang tính tự phát, kỹ thuật nuôi dựa theo kinh nghiệm là chính. Nhiều chuyên gia nước ngoài đến tìm hiểu khả năng để đặt hàng nhưng đều lắc đầu vì số lượng nuôi của từng doanh nghiệp không đủ đáp ứng yêu cầu; chất lượng da chưa đạt (bị trầy sướt da bụng).

Nuôi cá sấu hiện nay chủ yếu chỉ để bán nguyên con và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên chất lượng chưa được chú ý. Mặt khác, Trung Quốc là thị trường luôn thất thường. 6 tháng đầu năm 2005, các doanh nghiệp TPHCM xuất sang thị trường này chỉ bằng 20%-30% so cùng kỳ năm 2004.

Giá bán cũng giảm mạnh, chỉ khoảng 130.000 đồng/kg so với trước đó là 250.000 đồng/kg. Do vậy, TPHCM chỉ có thể phát triển nghề nuôi cá sấu khi giải quyết việc chế biến da, nhằm nâng giá trị và lợi nhuận lên cao. Theo ông Trần Văn Nga, Giám đốc Công ty TNHH Tồn Phát, nếu thuộc và chế biến da cá sấu đúng tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật, giá trị tăng thêm 30 – 40 lần.

Vừa qua, Công ty Tồn Phát và Forimex xuất khẩu gần 50 loại sản phẩm da cá sấu sang thị trường Ý, Tây Ban Nha, Nga, Hungari, Hồng Công và xuất chính ngạch 4.500 con sang Trung Quốc. TP đang tạo điều kiện để Công ty TNHH Tồn Phát xây dựng nhà xưởng và nhập thiết bị chế biến da cá sấu từ Ý. Nếu không có gì thay đổi, năm 2006 nhà máy của công ty sẽ đi vào hoạt động.

Cần có bước đi căn cơ

Thời gian gần đây, cá sấu giống từ Thái Lan, Campuchia nhập trái phép qua biên giới gia tăng làm cho giá cá sấu con từ 750.000 đồng/con giảm xuống còn 300.000 đồng/con. Ông Trần Văn Nga cho rằng giá cá sấu thương phẩm còn có thể giảm xuống mức 100.000 đồng/kg, ngang với mức giá ở Thái Lan. Tuy vậy, theo ông, giá cá sấu hiện nay giảm, nhưng nuôi vẫn có lời.

Các doanh nghiệp cũng tin tưởng dù gặp khó khăn về giá và tiêu thụ nhưng viễn cảnh của cá sấu TP là khả quan, nếu có kế hoạch và bước đi căn cơ. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, để giảm rủi ro cho người nuôi, việc phát triển nghề nuôi cá sấu của TPHCM nên dựa trên mô hình: doanh nghiệp làm hạt nhân, làng nghề gắn với hộ dân làm vệ tinh, lấy chất lượng làm đầu.

Cần có chương trình tiếp thị các sản phẩm da và thịt chế biến. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng hình thành hiệp hội, để giúp nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm, thông tin và liên kết để cùng phát triển, với phương châm: ngành nuôi cá sấu mạnh chứ không phải chỉ có 1 hoặc 2 doanh nghiệp mạnh.

Yêu cầu là phải có giống chất lượng, kỹ thuật, chuồng trại đảm bảo và mỗi DN hạt nhân phải có kế hoạch nuôi, tiêu thụ cụ thể. Từ đó, TP sẽ có chính sách giúp đỡ về tài chánh, vốn vay cho người dân khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh khâu tiếp thị.

Phát triển nuôi cá sấu song song với việc nghiên cứu chế biến thịt cá sấu và có chương trình tiếp thị, phổ biến rộng rãi cho người tiêu dùng và liên kết với các khách sạn, đưa món cá sấu vào làm món ăn thường xuyên.

CÔNG PHIÊN

 


Cà Mau - Lo âu với vùng chuyển dịch

Nguồn tin: BCT, 15/7/2005
Ngày cập nhật: 16/7/2005

Nghề nuôi tôm sú từ nhiều năm qua đã giúp mọc thêm hàng ngàn ngôi nhà tường và cuộc sống tiện nghi hơn cho người dân Cà Mau. Nhưng cũng từ nghề này mà nhiều năm nay chính quyền các cấp, cũng như nhiều nông dân ở Cà Mau vẫn đang loay hoay với vùng chuyển dịch trước những bất ổn của môi trường, hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi chưa hoàn chỉnh...

“BIẾN DẠNG” MÔI TRƯỜNG

Nhiều người nuôi tôm huyện Cái Nước, Đầm Dơi dùng xuồng máy đi mấy chục cây số chở rơm về thả xuống vuông mình, nuôi lại những loài động, thực vật vốn có trước đây.

Cần khẳng định rằng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Cà Mau trong mấy năm qua là một hướng đi đúng, tất yếu trong bối cảnh kinh tế thị trường lúc bấy giờ. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận là sự chuyển dịch ấy đã mang đến nhiều bất lợi cho môi trường sinh thái Cà Mau. Nhiều cánh đồng với màu xanh mơn mởn ngày xưa, nay thì nhiễm mặn với những mối đe dọa sự sống của nhiều loài động thực vật truyền thống. Trước hết là cái chết mòn của hàng ngàn ha dừa, cây ăn trái của người dân, sự mất dần màu xanh của lúa. Tất cả nhường chỗ cho một hệ sinh thái nghèo nàn với chỉ có nước mặn, đất sạm màu và nước trắng xóa đồng tôm quanh năm.

Mỗi lần, so sánh hai “bức tranh” trên, ông Tư Thông (ngụ phường 8, TP Cà Mau, người có một thời vật lộn với con tôm sú, nay chuyển nghề buôn bán nhỏ) buồn rười rượi. Có lần ông mạnh dạn nói trước nhiều người: “Rồi thì có một ngày, Nhà nước lại phải cứu đói người nuôi tôm Cà Mau!”. Nhận định này của ông được đúc rút từ gần chục năm vật vã với nghề nuôi tôm ở Láng Tròn (Bạc Liêu) và ở vùng nuôi tôm Đông Đầm Dơi. Ông bảo: “Hồi ở Láng Tròn, tôi nuôi tôm gần chục năm. Lúc đầu kiếm ăn tốt nhưng sau đó, tôm nuôi cứ thất dần. Mấy người bạn là kỹ sư thủy sản khuyên tôi nên chuyển nghề, vì với tình trạng cả chục năm trời toàn độc canh con tôm, đất đã già nua, chai sạn, không thể nào con tôm có thể sống khỏe được”. Ông đã rời khỏi vùng đất ấy, nhưng không cam tâm, vì mình đã tốn quá nhiều công sức trong nghề nuôi tôm. Khi về Cà Mau ông lặn lội xuống Đầm Dơi tìm hiểu tình hình, thuê đất nuôi tôm tiếp. Nhưng nơi đây, người dân vẫn chỉ độc canh con tôm. Nhìn cái cảnh nước trắng xóa đồng, cỏ cây tàn lụi, Tư Thông lắc đầu!

Câu chuyện của ông Thông rất đáng suy gẫm bởi thời gian gần đây có quá nhiều chuyện “không hay” đã xảy ra trên vùng đất chuyển dịch ở Cà Mau. Đó là tình trạng tôm chết kéo dài, nợ nần của dân ở các ngân hàng ngày một nhiều, đời sống một bộ phận nông dân nuôi tôm càng khó khăn hơn vì thất bát. Đầu năm 2005, có những lúc các nhà máy chỉ chạy 30% đến 40% công suất vì tôm chết, thiếu nguyên liệu.

Tuy nhiên, điều mà mọi người cảm thấy day dứt, lo âu hơn là sự tàn phá môi trường sinh thái ở các vùng đất chuyển dịch. Nó chẳng những là nguyên nhân gây ra tình trạng tôm chết kéo dài mà còn là mối nguy hại cho quá trình sản xuất của người nông dân sau này. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, thì tình hình trồng lại lúa trên đất nuôi tôm ngày môt đi vào bế tắc. Ở Cái Nước, Phú Tân và Đầm Dơi mấy năm đầu chuyển dịch còn trồng lại được vài chục ngàn ha lúa trên đất nuôi tôm, nhưng hai năm trở lại đây, các địa bàn này đã liên tục thất bại. Năm 2004, toàn tỉnh thực hiện gieo trồng lại lúa trên đất nuôi tôm được 43.422ha, nhưng diện tích có thu hoạch chỉ đạt 19.134ha, với năng suất 2,9 tấn/ha. 3 huyện chuyển dịch trọng điểm là Cái Nước, Đầm Dơi và Phú Tân còn nặng nề hơn. Diện tích gieo trồng 3 huyện này đạt 10.044 ha, thế nhưng thu hoạch chỉ có 200 ha với năng suất 1 tấn/ha. Với những kết quả ngày càng bi đát như thế, năm 2005 tỉnh Cà Mau đã quyết định không giao chỉ tiêu sản xuất lúa trên đất nuôi tôm cho huyện Đầm Dơi, tại các huyện Phú Tân, Cái Nước diện tích tôm lúa chỉ còn 6.000 ha, năm trước gần 10.000 ha. Còn kế hoạch sản xuất lúa trên đất nuôi tôm toàn tỉnh năm 2005 là 35.000 ha, giảm gần 10.000 ha so với năm 2004. Nhưng theo nhận định của các kỹ sư nông nghiệp, nhiều khả năng chỉ đạt 20.000 ha.

CẦN 4.000 TỈ ĐỒNG HOÀN CHỈNH HỆ THỐNG THỦY LỢI

Bây giờ, mỗi lần về nông thôn qua những vùng nuôi tôm Cà Mau bất cứ ai cũng có thể nhận ra một thông điệp rằng: Nghề nuôi tôm ngày càng khó ăn hơn, môi trường đang xấu đi nhiều. Bác Nguyễn Văn Hưng (Sáu Hưng), ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau) là một trong những người sớm nhận ra những điều này. Bác kể: “Năm 2001, khi vùng này được phép Nhà nước cho chuyển dịch sang nuôi tôm, tôi đã băn khoăn lắm. Vì những năm 1994, 1995 ở các xã phía Đông huyện Đầm Dơi, Nhà nước đã phải cứu đói người nuôi tôm. Rồi những sụp đổ trong nghề nuôi tôm ở Thái Lan, Đài Loan trong cuối thập niên 90 nữa là những bài học lớn. Tôi đã cố gắng làm mọi cách giữ lại những gì vốn có của vùng đất này”. Bác đã trồng lại lúa trên ruộng của mình. Những năm trồng lúa không được, bác lấy xuồng máy, chạy qua vùng ngọt bên huyện Trần Văn Thời để xin rơm về, bó lại thành từng lọn thả xuống vuông, thả lại các loại tôm, cua, cá, trồng các loại cây, cỏ. Và Bác Hưng đã làm đúng, vuông tôm của bác trúng nhất vùng dù với số tiền thu lại không nhiều, nhưng chưa từng bị dịch chết trắng lần nào, nhiều bà con trong xóm đến tìm hiểu và học tập mô hình này.

Đến nay, sau gần 5 năm chuyển dịch với biết bao thăng trầm, chính quyền Cà Mau và phần lớn người nuôi tôm Cà Mau đã nhận ra những tác động xấu từ vùng chuyển dịch nuôi tôm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc qui hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi chưa hoàn chỉnh, hoàn toàn chưa đáp ứng nhu cầu vùng chuyển dịch nuôi tôm. Anh Lê Văn Suối, xã Khánh An, huyện U Minh lo lắng kể: “Tôi đã cố gắng trồng lại lúa trên vuông tôm của mình mấy năm nay, nhưng không có kết quả gì. Lúa cấy xuống chưa kịp bám rễ đã đỏ lá, rồi lụi tàn dần, có lẽ do không rửa nổi độ mặn trong đất. Với con kinh thủy lợi nhỏ xíu và cạn queo ở khu vực này, không cách nào có thể rửa được mặn trong vuông tôm. Và rất nhiều người nuôi tôm ở các vùng đất mới chuyển dịch cũng cùng chung cảnh ngộ và tâm trạng ấy.

Nhìn lại một cách tổng thể quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất Cà Mau, quả là có sự “tắc nghẽn” ở một số công đoạn trong quy trình chuyển dịch đổi mới cơ cấu sản xuất. Nhất là sự chậm trễ hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi. Theo tính toán của các ngành chức năng để làm được điều này ở tỉnh Cà Mau cần có 4.000 tỉ đồng. Nhưng đến nay, số tiền đầu tư phát triển thủy lợi vùng chuyển dịch chưa đến 400 tỉ đồng.

TRẦN VŨ

 


Nông trường Cờ Đỏ: Trồng lúa, nuôi thủy sản: Những bước đi đúng hướng

Nguồn tin: BCT, 15/7/2005
Ngày cập nhật: 16/7/2005

 


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang