• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thành lập Hội Cá cảnh TP.HCM

Nguồn tin: TN, 15/07/2005
Ngày cập nhật: 15/7/2005

Ngày 15/7, UBND TP.HCM tổ chức Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Cá cảnh TP. Trong tình hình trồng lúa kém hiệu quả và chăn nuôi gia cầm đang bị hạn chế bởi dịch cúm thì sản xuất cá cảnh hiện nay đang vươn lên là một trong những mũi nhọn mới của TP.HCM.

Hội Cá cảnh thành phố được thành lập sẽ là nơi tập hợp những nghệ nhân cá cảnh, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các hộ cá thể có liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm cá cảnh nhằm kết nối thị trường tiêu thụ, thu hút đầu tư quốc tế và đưa cá cảnh Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Nhân dịp này, Ban vận động thành lập hội cũng cho ra mắt ấn phẩm Cá cảnh, phát hành trong sáng 15/7.

Quang Thuần

 


ĐBSCL: khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình lúa - cá, lúa - tôm

Nguồn tin: Vasep, 13/7/2005
Ngày cập nhật: 15/7/2005

Hội Nông dân các tỉnh, thành ở ĐBSCL đang khuyến khích các hộ nông dân học tập kinh nghiệm nhân rộng mô hình sản xuất lúa - cá hoặc lúa - tôm. Các mô hình này hiện được nhiều hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả cao, thu nhập mỗi năm 20 - 30 triệu đồng/công. Nông dân tỉnh Vĩnh Long thả nuôi cá chép, cá mè, cá rô phi trên diện tích 200 ha; Trà Vinh nhân rộng trên 250ha tập trung ở các huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Cầu Ngang. Hiện các trạm khuyến nông phối hợp với hội nông dân tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và khuyến khích nông dân thành lập các tổ hợp tác sản xuất theo từng mô hình.

(TN)Tuổi trẻ, 13/7/2005

 


Nam Định có 17 hợp tác xã thuỷ sản

Nguồn tin: Vasep, 9/7/2005
Ngày cập nhật: 15/7/2005

Tỉnh Nam Định hiện có 17 hợp tác xã (HTX) thuỷ sản, với 1.276 xã viên; trong đó, có 13 HTX khai thác hải sản, 4 HTX nuôi trồng thuỷ sản. Việc thành lập và phát triển các HTX khai thác hải sản đã tạo ra đội tàu có công suất lớn, vươn khơi khai thác hải sản. Các HTX thuỷ sản từng bước tiếp thu kỹ thuật, công nghệ khai thác, nuôi trồng thuỷ sản mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

(TN)theo Nhân dân


Cà Mau: Thành lập tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp

Nguồn tin: Vasep, 12/7/2005
Ngày cập nhật: 15/7/2005

Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Vinh, huyện Cái Nước (Cà Mau) vừa được thành lập do 16 hộ dân hợp tác để nuôi tôm công nghiệp, với diện tích 17ha. Việc thành lập tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp này đã mở ra một hướng mới trong phong trào phát triển nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau. Tổ hợp tác được Trung tâm khuyến ngư tỉnh hỗ trợ kỹ thuật chọn giống, chăm sóc và hướng dẫn các biện pháp nuôi tôm thâm canh, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao.

(TN)theo Nhân dân


Phát triển bền vững: Ngành thủy sản nhìn xa trông rộng

Nguồn tin: VNECONOMY, 14/07/2005
Ngày cập nhật: 14/7/2005

 


Trà Vinh: Xuất hiện bãi sò huyết giống ven rừng phòng hộ Cầu Ngang

Nguồn tin: BCT, 13/7/2005
Ngày cập nhật: 14/7/2005

Ông Dương Văn Điện, Trưởng Trạm kiểm lâm của huyện Cầu Ngang cho biết: Từ đầu mùa mưa đến nay, trên bãi biển ven rừng bần phòng hộ (kéo dài khoảng 6km) thuộc khu vực xã Mỹ Long Nam của huyện Cầu Ngang xuất hiện lượng sò huyết con khá lớn. Hiện nay, mỗi ngày có từ 7 - 10 ghe cào ở Bến Tre đến khai thác sò với sản lượng từ 15 - 20 kg/ngày. Giá sò huyết con (chỉ lớn bằng đầu ngón tay út trở lại) được bán cho các ghe đến tại bãi thu mua từ 200.000 - 220.000 đồng/kg. Vào mùa mưa năm 2004, cũng trên bãi biển này, lượng sò huyết giống được khai thác có đến trên một tấn, tương đương số tiền hơn 2 tỉ đồng. Không chỉ có sò huyết, loài cua biển cũng kéo đến rừng bần phòng hộ trú ẩn và sinh trưởng rất nhiều. Bình quân mỗi ngày có gần cả trăm người dân địa phương và các nơi khác đến để bắt cua biển con. Giá cua biển con được bán làm giống từ 1.200 - 1.500 đồng/con.

Để bảo vệ môi trường và khai thác nguồn lợi thủy sản lâu dài, UBND huyện Cầu Ngang đang khẩn trương giao khoán rừng cho hộ dân bảo vệ và khai thác hợp lý.

PHÚC SƠN

 


TPHCM nuôi cá sấu theo mô hình vệ tinh

Nguồn tin: NLĐ, 12/7/2005
Ngày cập nhật: 13/7/2005

“Thà làm chậm so với kế hoạch một vài năm, nhưng phải chắc chắn để giảm tối đa mức rủi ro cho người nuôi và doanh nghiệp”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo Thực trạng, tiềm năng và triển vọng nghề nuôi cá sấu trên địa bàn TP, tổ chức ngày 12-7. Để làm được điều này, Phó chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP nên chọn nuôi cá sấu theo mô hình vệ tinh. Bốn doanh nghiệp được chọn làm hạt nhân (Công ty Cá sấu Hoa Cà, Công ty Tồn Phát, Công ty Forimex và Công ty Du lịch Suối Tiên) sẽ xác định thị trường, lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, sau đó sẽ vận động người dân tham gia nuôi. TPHCM sẽ thành lập Hội Những người nuôi và chế biến cá sấu xuất khẩu.

Theo đề án phát triển nghề nuôi cá sấu trên địa bàn TPHCM, đến năm 2010, sản lượng cá sấu nuôi sẽ đạt 100.000 con. Trong đó 30% cá sấu sống sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan; 60% sản phẩm da, thịt, xuất khẩu sang thị trường EU và Úc; 10% sản phẩm da, thịt tiêu thụ trong nước. Hiện nay, tổng đàn cá sấu của TP có trên 46.800 con.

L.Cường

 


ĐBSCL: Giá tôm nguyên liệu tăng 5 – 10 ngàn đồng/kg

Nguồn tin: SGGP, 12/7/2005
Ngày cập nhật: 12/7/2005

Sau thời gian dài rớt giá, những ngày gần đây tôm nguyên liệu ở ĐBSCL tăng trở lại. Chiều 11-7, giới thương lái các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… thu mua tôm loại 20 con/kg với giá 130.000-135.000đ/kg; tôm loại 30 con giá khoảng 95.000-100.000đ/kg… bình quân tăng 5.000-10.000đ/kg so tháng trước.

Chiều 11-7, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết “Loại tôm cỡ lớn của các nước đang rất ít, đã tạo điều kiện cho tôm trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng mạnh dạn nhập tôm của ta. Trước tình hình trên, chúng tôi khuyến cáo bà con tập trung thả nuôi thưa và dài ngày để tôm lớn, chất lượng cao sẽ rất dễ bán”.

H.P.L.

 


Sớm có biện pháp thực hiện tốt hợp đồng tiêu thụ nông, thủy sản

Nguồn tin: WAG, 11/7/2005
Ngày cập nhật: 12/7/2005

 


Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa Việt Nam: Triệu tập phiên họp đầu tiên tại An Giang

Nguồn tin: WAG, 11/7/2005
Ngày cập nhật: 12/7/2005

 


Tìm cách gỡ khó cho thủy sản

Nguồn tin: VNECONOMY, 12/07/2005
Ngày cập nhật: 12/7/2005

Đối với mặt hàng tôm, tính bình quân chung hệ thống kho đã có hàng tồn trên 70% công suất.

...

 


Đồng bằng sông Cửu Long: Cần liên kết phân vùng bố trí lại cây - con

Nguồn tin: CT, 11/07/2005
Ngày cập nhật: 11/7/2005

Điệp khúc được mùa rớt giá đối với hàng nông-lâm-thủy sản ở ĐBSCL sẽ rất khó chấm dứt được, vì chừng nào người nông dân trong vùng vẫn còn sản xuất, nuôi trồng chạy theo giá cả thị trường mà không tạo được mối liên kết giữa “các nhà”, không chịu nắm bắt thông tin và dựa vào thế mạnh riêng của từng địa phương mình, thì sẽ còn cảnh “đụng hàng dội chợ”; sẽ hết trồng rồi sẽ chặt dài dài. Vì thế cần phải có sự phân công bố trí lại cây con trên phạm vi vùng thì mới hy vọng sản xuất của người nông dân đi dần vào thế ổn định và bền vững được.

Hiện tại ở ĐBSCL, nông dân đang sản xuất theo hai hệ sinh thái mặn – ngọt tương đối rõ ràng. Mỗi hệ sinh thái đều có những lợi thế và khó khăn riêng, nhưng nhìn chung đều có tiềm năng kinh tế rất to lớn, nếu khéo tổ chức, quản lý khai thác tốt sẽ rất bền vững và không bao lâu toàn vùng sẽ trở nên giàu có, có thể trở thành một trong những vùng kinh tế động lực của cả nước. Tuy nhiên, do thời gian qua việc quy hoạch bố trí cây trồng vật nuôi, quản lý thực hiện quy hoạch và xây dựng hạ tầng còn nhiều điều bất cập, chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ. Đặc biệt do khâu tổ chức thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chưa đáp ứng nổi yêu cầu phục vụ sản xuất, nên phần lớn nông dân còn phải tự phát chạy theo thời giá; không theo lợi thế riêng từng vùng nên không phát huy được những thế mạnh vốn có mà còn tự triệt tiêu lẫn nhau và phá luôn cả thế mạnh của địa phương khác. Điều tai hại này đã cho chúng ta những bài học đắt giá qua các phong trào chuyển dịch sản xuất từ trồng lúa, mía sang nuôi tôm, nuôi cá tra, cá ba sa, cá sấu, ba ba... mà chính những người nông dân làm ăn theo kiểu thời vụ, ít nắm bắt thông tin hay bảo thủ là người thiệt hại nhiều nhất !

Việc không quản lý nổi; để người nông dân tự phát chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, dẫn đến tình trạng bị “thủng” quy hoạch tại nhiều địa phương trong vùng thời gian qua, không chỉ đang ngày càng làm cho chính người nông dân “thấm đòn” mà cả bộ máy quản lý nhà nước từng tỉnh, huyện và Trung ương đều bối rối, không ít trường hợp rơi vào thế bị động, khó ứng phó trước những tình huống thật bất ngờ như vụ nông dân huyện Đầm Dơi (Cà Mau) lại bửa đập là một bài học đáng suy nghĩ. Hay như chuyện cũ khi có chủ trương cho một số vùng đất xấu, nhiễm phèn mặn được chuyển dịch, thì nhiều vùng đất gò trồng lúa năng suất cao, vườn cây ăn trái sum suê, giữ được nước ngọt tốt không thuộc diện ấy cũng bị nông dân đưa nước mặn vào vườn ruộng để nuôi tôm sú, phá vỡ sản xuất vùng ngọt hóa nhiều nơi, khiến cho ruộng lúa, vườn cây đều tổn thất và nhiều vườn cây đặc sản nổi tiếng có giá trị nhiều mặt cũng dần biến mất, như dâu Cái Tàu, nhãn Bạc Liêu, dừa Phú Tân... là những điển hình đau lòng nhất.

Kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường và chuẩn bị hội nhập kinh tế thế giới, với kiểu sản xuất “chạy theo” của nông dân trong vùng ĐBSCL và trên phạm vi cả nước như từ nhiều năm qua, nguồn hàng sẽ thường xuyên mất cân đối và không ổn định là một tồn tại rất bất lợi, nếu không sớm được khắc phục thì rất khó đứng vững trong thời gian tới. Chúng ta cần sớm có quy hoạch bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp lợi thế riêng từng vùng, với quy mô hợp lý, đảm bảo được tính ổn định lâu dài. Cần đầu tư, tác động nhiều thêm những thành tựu khoa học kỹ thuật lên các quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi và khắc phục cho được các yếu điểm như: chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản lượng manh mún, nặng tính mùa vụ và không tạo được nguồn hàng đủ lớn để tổ chức chế biến hay xuất khẩu đáp ứng đạt yêu cầu khách hàng... như thế mới có thể phát huy được các thế mạnh tiềm năng trong vùng. Mặt khác, cần nhanh chóng phổ cập cho nông dân nắm bắt những tiến bộ kỹ thuật phù hợp, tránh sử dụng kháng sinh, hóa chất không đạt tiêu chuẩn... và tăng cường công nghệ bảo quản, chế biến, tồn trữ vốn còn quá nhiều bất cập để tránh cho nông dân không bị tư thương ép giá khi đến mùa thu hoạch rộ hoặc lúc thị trường không ổn định.

Để sản xuất đi vào thế ổn định và bền vững, các tỉnh ĐBSCL nên sớm có sự liên kết thống nhất trong việc quy hoạch các vùng sản xuất cây con cụ thể theo những thế mạnh riêng, chú ý bảo vệ môi trường sinh thái, cần có sự quản lý tốt chất lượng giống và tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm một cách đồng bộ, hợp lý, tránh chạy theo phong trào ào ạt dễ bị trùng lắp và đi đến tình trạng triệt tiêu nhau, nông dân sẽ dễ bị tư thương ép giá khi có sản lượng lớn, nhất là vào mùa thu hoạch tập trung khiến cho sản xuất không mang lại hiệu quả kinh tế, không những nông dân không thoát được nghèo mà còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Nếu làm tốt các điều trên sẽ giúp cho việc sản xuất của nông dân được ổn định lâu dài, hạn chế cảnh “trồng rồi lại chặt” mà còn thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn và hình thành thị trường kinh doanh lành mạnh, da dạng hóa được cây trồng vật nuôi để thực hiện đa dạng hóa sản phẩm.

NGUYỄN VĂN THƯỚC

 


Phát triển kinh tế tập thể sản xuất thủy sản

Nguồn tin: ND, 11/07/2005
Ngày cập nhật: 11/7/2005

 


Ninh Thuận: Ninh Phước phát triển nhanh mô hình kinh tế trang trại

Nguồn tin: NT, 11/07/2005
Ngày cập nhật: 11/7/2005

Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, vài năm gần đây kinh tế trang trại (KTTT) trên địa bàn huyện Ninh Phước đã có bước phát triển khá cả về số lượng lẫn chất lượng. Hoạt động của KTTT, cùng các thành phần kinh tế khác đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển kinh tế chung của huyện, góp phần tăng thu nhập và tạo thêm việc làm trong nông nghiệp, nông thôn.

Chỉ cách đây hơn 4 năm, trên địa bàn huyện Ninh Phước mới có 373 trang trại, trong đó có 261 trang trại nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 316 ha; 84 trang trại chăn nuôi bò (tổng đàn 8.704 con), 25 trang trại chăn nuôi dê cừu (10.186 con) và 3 trang trại chăn nuôi gia cầm (11.000 con). Theo số liệu tổng hợp mới đây nhất, trên địa bàn huyện Ninh Phước hiện đã phát triển lên được 663 trang trại; trong số này có 372 trang trại chăn nuôi với tổng đàn gia súc 103.520 con, 231 trang trại nuôi trồng thủy sản, 37 trang trại trồng cây lâu năm, 21 trang trại trồng cây hàng năm và 2 trang trại lâm nghiệp. Nhiều trang trại được ghi nhận là làm ăn giỏi, đặc biệt phát triển nhanh là các trang trại chăn nuôi gia súc có sừng.

Kinh tế trang trại ở Ninh Phước phát triển khá nhanh thời gian gần đây do Nhà nước có chính sách phát triển mô hình kinh tế này, nhất là từ khi có Nghị quyết 03 của Chính phủ về KTTT. Nhiều nông dân có đất đai, lao động, tiền vốn đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, phấn đấu để đạt được tiêu chí trang trại theo quy định của Nhà nước. Nhờ vậy, mỗi năm bình quân Ninh Phước tăng 38,5% số lượng trang trại trên địa bàn; qua đó đã từng bước phát huy lợi thế sẵn có của địa phương như đồng cỏ tự nhiên, đồi rừng, sông suối, ao hồ. Đáng chú ý là trong khoảng 2 năm trở lại đây, loại hình KTTT chăn nuôi bò, dê và cừu phát triển nhanh, tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 2003. Trong số này, trang trại chăn nuôi cừu và trồng cỏ phát triển mạnh do cừu là động vật dễ thích nghi, chịu hạn giỏi, có sức đề kháng tốt lại ăn tạp nên việc chăn thả đơn giản hơn một số gia súc khác. Cùng với đó là nguồn thức ăn cho loại vật nuôi này trên địa bàn khá dồi dào, ngoài các loại cỏ trồng chủ động như cỏ sả, cỏ voi, cỏ sữa, chúng còn ăn được hàng chục loại cây cỏ khác, kể cả cây xương rồng – những loại cây mọc khá nhiều và là đặc thù của vùng khô hạn Ninh Phước. Mặt khác, con cừu cũng sinh trưởng và phát triển rất nhanh, lợi nhuận khá hấp dẫn lại không lo thiếu nơi tiêu thụ nên hiện là loại gia súc đang được rất nhiều nông dân ưa thích; tại Ninh Phước, các trang trại chăn nuôi cừu tập trung nhiều nhất ở các xã thuộc khu vực khô hạn như Phước Dinh, Phước Nam, Phước Minh và Phước Diêm.

Có thể nói mô hình KTTT phát triển đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, là bước đột phá làm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Sự phát triển khá nhanh của loại hình kinh tế này cũng đã kéo theo nhu cầu sử dụng lao động tăng, góp phần tạo thêm công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn thời gian qua. Tuy vậy trong quá trình hình thành và phát triển, KTTT cũng còn có không ít khó khăn như trong việc quy hoạch vùng phát triển, trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trang trại, công tác tín dụng, tiêu thụ nông phẩm. Từ đó cũng đã làm ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển mô hình kinh tế này trên địa bàn thời gian qua. Riêng trong việc thực hiện cấp giấy chứng nhận trang trại, mặc dù huyện và các ngành chức năng tham mưu đã có cố gắng nhiều nhưng vẫn còn chậm và đạt thấp so với yêu cầu. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Ninh Phước chỉ mới có 120/663 trang trại (tỷ lệ 18,9%) được quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt mô hình KTTT.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KTTT trên địa bàn trước mắt và trong thời gian tới, huyện Ninh Phước đã chỉ đạo các địa phương rà soát và xây dựng kế hoạch phát triển KTTT phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi, trên cơ sở quy hoạch đồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc có sừng, quy hoạch sử dụng đất của huyện đã được phê duyệt. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân là chính, việc phát triển KTTT ở cơ sở cũng cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan của tỉnh trong việc tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đối với KTTT, bảo đảm cho các chủ trang trại được hưởng đầy đủ các chính sách, bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản và các lợi ích khác của họ, đồng thời với việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Với góc độ của địa phương, huyện Ninh Phước cũng đang có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng để tư vấn và xúc tiến các hoạt động thương mại, qua đó tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù của địa phương.

(Theo Báo Ninh Thuận)

 


Chuyện đồng bằng - Cần quy định nghiêm ngặt việc bảo vệ cá đồng

Nguồn tin: CT, 8/7/2005
Ngày cập nhật: 10/7/2005

Thật tội nghiệp cho lũ cá đồng, chịu suốt mùa khô hạn cơ cực, nguy hiểm, do nước cạn và bị săn bắt ráo riết là thế! Chỉ mong được trời mưa xuống để vượt mương lên đồng, hay vào kinh rạch tìm chỗ đẻ duy trì nòi giống, phục hội bầy đàn, nhưng ác thay chỉ ngay sau những đám mưa lớn đầu mùa cũng đã có sẵn biết bao nhiêu mối hiểm nguy như lờ, lú, lợp, lưới, xuyệt, chĩa... đang chực chờ tìm bắt chúng.

Những phương tiện hủy diệt cá đồng nói trên lúc bình thường đã không ngừng làm “nghèo kiệt” nguồn tài nguyên đặc thù quý giá của ĐBSCL rồi, trong mùa “cá lên” chúng càng phát huy hiệu quả cao hơn, do cá tập trung theo bầy đàn tìm đường lên bãi đẻ rất dễ chặn bắt, có thể bắt không còn sót con nào nếu mưa không tràn đồng ngay. Khi cá lên” không bị bắt hết được, thì người ta cũng còn những hình thức hủy diệt khác không kém phần tàn bạo, là bắt cá mẹ tại ổ đang trông trứng, giữ cá con ngày lẫn đêm, nhất là đối với cá lóc. Một số người không ngại bắt những con cá lóc mẹ “ốm nhách” để ăn hay bán, bất chấp đàn con “đỏ hỏn” hàng vạn con sẽ làm mồi cho các đàn cá dữ. Lẽ ra với đàn “cá lên” đầu mùa còn ôm trứng giữ con ấy, nếu được bảo vệ tốt để thành cá giống cho đến ngày đủ sức tách bầy thì khi chúng lớn lên chúng ta sẽ bắt được lượng cá nhiều gấp hàng chục, hàng trăm lần, sẽ có ý nghĩa biết bao trong mùa giáp hạt, và công tác xóa đói giảm nghèo cùng đỡ gay gắt hơn!

Cá đồng là nguồn thực phẩm quan trọng trong bữa ăn người dân Nam bộ, nhất là đối với gia đình nông dân Miền Tây. Đặc biệt nguồn lợi này là cơm áo của người nghèo trong mùa nước nổi hay mùa giáp hạt. Họ mang về chợ tất cả những gì bắt được, như ngay cả trong “mùa cá lên” tại các chợ ta vẫn thấy bán đầy cá rô, cá chốt, cá nâu, cá đối “thừa đầu thiếu đuôi” và đầy nhớt, chỉ vì cặp trứng ngon, bán được giá. Tuy cá đồng lẽ ra cần phải được bảo vệ và tạo điều kiện cho chúng phát triển phong phú thêm, nhưng xem ra với cái đà săn bắt vô tổ chức, vô tội vạ như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa loại thực phẩm ngon, bổ, khoái khẩu này sẽ chẳng còn được bao nhiêu cho mọi người, khi đó hẳn phải đắt đỏ lắm!

Thời gian qua, chuyện bảo vệ nguồn lợi cá đồng luôn được các ngành, các cấp, các địa phương hô hào tuyên truyền, thậm chí có địa phương đã đưa vào thành chương trình, dự án phát triển kinh tế của địa phương và bước đầu cho kết quả rất đáng trân trọng, nhưng bất chấp những nỗ lực của chính quyền và nhân dân có ý thức tốt nguồn lợi cá đồng vẫn từng ngày bị kẻ xấu xâm hại bằng nhiều hình thức càng ngày càng tinh vi thâm độc hơn.

Mong sao chính quyền sớm vào cuộc một cách tích cực và kiên quyết hơn bằng văn bản quy định các mức, hình thức xử phạt những ai cố tình xâm hại nguồn lợi cá đồng, làm thiệt hại cho người nuôi cá đồng thật cụ thể, và cũng phải xử lý thật nghiêm minh mọi vi phạm.

MỤC ĐỒNG

 


Biến ghẹ già thành đặc sản

Nguồn tin: ND, 9//7/2005
Ngày cập nhật: 10/7/2005

Ghẹ từ lâu là một trong những thứ đặc sản khoái khẩu của khắp vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tuy nhiên, hầu như chưa có ai ở vùng sông nước Thừa Thiên-Huế nuôi thả thành công loài thủy sinh họ cua này, mà chỉ dựa vào đánh bắt tự nhiên. Thất bại là mẹ thành công.

Người “sáng tạo” ra nghề nuôi ghẹ lột tại vùng đầm Cầu Hai (xã Lộc Bình, Phú Lộc) là Lê Duy Khiêm, 27 tuổi, quê ở Tuy An (Tuy Hòa, Phú Yên).

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Khiêm phải sớm rời xa mái trường tuổi thơ để góp tay đỡ đần công việc nuôi trồng thủy sản cực nhọc cùng mẹ cha.

Có lẽ nếm trải sự gian nan, cực nhọc từ nhỏ đã tạo cho anh tính tự lập, kiên nhẫn, khiêm tốn. Và chỉ có những người kiên trì chịu khó như Khiêm mới gắn bó được với công việc nuôi ghẹ lột rất kỳ công và mệt nhọc.

Dẫu biết đây là nghề “một vốn bốn lãi”, nhưng không phải ai cũng nuôi được. Có trực tiếp chứng kiến diễn biến công việc, mới thấy hết sự nhọc nhằn, căng thẳng sớm khuya của nghề nuôi ghẹ lột.

Hầu như suốt 24/24 giờ trong ngày, người nuôi phải luôn “trực chiến” xử lý ghẹ lột, chẳng khác nào một bà đỡ phải vào ca liên tục. Nếu ghẹ lột xong không kịp thời đưa đi sơ chế, bỏ đông, ướp lạnh, vỏ của chúng sẽ mau chóng dày cứng trở lại, mọi cố gắng sẽ chỉ là công cốc, phải đổ bỏ.

Khi mới 22 tuổi (năm 2000), Khiêm quyết định xa quê hương, gia đình, lặn lội ra xã Lộc Bình, mang theo một ý tưởng táo bạo là mở cơ sở nuôi ghẹ lột - một nghề mà xưa nay chưa thấy ai ở vùng sông nước Thừa Thiên-Huế dám mạo hiểm thực hiện.

Buổi đầu chân ướt chân ráo, lạ lẫm với đất khách quê người, nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của những người dân quê tốt bụng và chính quyền địa phương, cơ sở nuôi ghẹ ở thôn Tân Bình của Khiêm đã ra đời.

Vạn sự khởi đầu nan, ba năm đầu cơ sở nuôi ghẹ lột của Khiêm liên tục thua lỗ. Hàng chục triệu đồng vốn ban đầu do Khiêm tích lũy, vay mượn từ quê mang ra Thừa Thiên-Huế làm ăn dần trôi theo sóng nước. Nợ nần, nguy cơ phá sản đến gần mỗi ngày.

“Thất bại là mẹ thành công” - Khiêm tâm niệm, anh quyết gượng dậy, dốc vét hết những đồng vốn cuối cùng vào vụ nuôi năm 2004. Thành công rồi cũng mỉm cười với Khiêm. Liên tục hai năm trở lại đây, cơ sở ghẹ lột của anh đã có lãi. Hiện nay, Khiêm đang mở rộng diện tích khu nuôi lên gần 100 m2, với 14 lồng lưới tập trung trên một bè nổi, có nơi chế xuất, xử lý đông lạnh. Vị trí nuôi nằm ngay trên luồng nước thủy triều vào ra cửa biển Tư Hiền.

Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ kỹ thuật nuôi ghẹ lột quá đơn giản. Chỉ cần cắt bỏ hai mắt, buộc càng, cho ăn... rồi nằm đợi ngày ghẹ lột và... đếm tiền.

Tuy nhiên, đây lại là công việc đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ. Nguồn ghẹ thô vỏ cứng sau khi thu mua từ ngư dân vùng đầm phá, được xử lý bằng cách cắt bỏ mắt, buộc càng, cho ăn và kích thích theo một bí quyết “gia truyền” riêng để ghẹ không chết lại chóng lột. Quá trình can thiệp trong vòng bảy ngày.

Ghẹ thường lột xác vào buổi thủy triều lên từ cửa biển, nước mát, sạch sẽ và chảy mạnh. Thời gian lột vỏ cao điểm từ hai giờ chiều đến hai giờ sáng mỗi ngày.

Do vậy, người nuôi phải canh chừng hầu như suốt 24/24 giờ, thường xuyên di chuyển ghẹ sang các lồng lưới khác nhau, khi phát hiện những dấu hiệu thay đổi về màu sắc, kích cỡ...

Ô lưới “trung tâm” là nơi tiếp nhận cuối cùng những con ghẹ sống sắp “thay da đổi thịt”. Sau khi lột vỏ xong 25 phút, ghẹ phải được đem sơ chế, đóng gói nylon và bỏ đông ngay.

Một vốn bốn lời

Cơ sở anh Khiêm hình thành đã đem lại niềm vui cho bà con ngư dân nghèo vùng đầm phá, bởi nguồn ghẹ thịt thô dồi dào có trong tự nhiên lâu nay chỉ bán ở các chợ quê với giá “bèo”, từ 5.000 - 20.000 đồng/kg.

Trong khi cơ sở của anh Khiêm luôn thu mua với giá ổn định, trên dưới 30.000 đồng/kg. Mỗi ngày mua vào khoảng 40 - 50 kg ghẹ thô. Được biết, khi ghẹ chuẩn bị lột, lượng nước tích lũy bên trong cơ thể tăng lên từ 30 - 50%.

Một kg ghẹ ban đầu có thể tăng lên thành 1,3 - 1,5 kg sau khi lột vỏ. Ghẹ lột là thứ đặc sản ẩm thực rất ngon, bổ và hiếm, nên giá đầu ra cao gấp 4 lần so với sản phẩm thô ban đầu.

Chưa kể trọng lượng thay đổi. Mỗi cân ghẹ lột ở cơ sở của anh Khiêm hiện dao động ở mức 100.000 - 120.000 đồng/kg, lúc khan hàng có thể lên đến 150.000 đồng/kg.

Tính ra, trừ các khoản chi phí, mỗi ngày anh Khiêm lãi từ 1,5 - 2,5 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở anh sản xuất gần 2 tấn ghẹ lột cung cấp cho chủ nậu ở Nha Trang, TP Hồ Chí Minh để bán về các nhà hàng, khách sạn hay xuất khẩu.

Nuôi ghẹ lột ở Thừa Thiên-Huế mỗi năm chỉ kéo dài trong vòng 6 tháng (từ tháng Hai đến tháng Tám âm lịch). Thời gian còn lại là mùa mưa bão, đây cũng là lúc để nguồn ghẹ tự nhiên trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sinh sôi nảy nở, tái tạo lại giống nòi.

Theo thông tin khiêm tốn từ anh Khiêm, mỗi năm cơ sở thu lãi được trên 200 triệu đồng. Trong thời gian tới, anh dự kiến mở thêm cơ sở ghẹ lột ở Thuận An và Trường Hà (Phú Vang), tiến tới nâng “công suất” lên trên 100 kg ghẹ nguyên liệu/ngày, nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Lê Túy - Chủ tịch UBND xã Lộc Bình - nhận xét: Cơ sở nuôi, chế biến ghẹ lột của anh Khiêm đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động, với mức thu nhập ổn định hơn một triệu đồng/người/tháng.

Là địa phương đặc biệt khó khăn, đang thuộc diện hưởng chương trình 135, sự thành công của mô hình nuôi ghẹ lột đang mở ra hướng làm ăn mới và phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ven đầm phá, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Tiền phong


Phú Yên: Tổ chức 15 lớp tập huấn nuôi tôm sú và nuôi cá nước ngọt

Nguồn tin: PY, 8/7/2005
Ngày cập nhật: 10/7/2005

Trong 6 tháng đầu năm 2005, Trung tâm Khuyến ngư đã tổ chức 15 lớp tập huấn nuôi tôm sú và nuôi cá nước ngọt cho 752 người tham dự và 4 cuộc hội thảo kỹ thuật cho 916 người tham dự. Qua đó, nông dân đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi và các phương pháp phòng trị bệnh tôm, cá, quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung, vệ sinh môi trường, dinh dưỡng... Trung tâm cũng đã triển khai thực hiện 3 mô hình nuôi cá lóc lai đen trên diện tích 900m2 ở các huyện Phú Hoà, Đồng Xuân, Sông Hinh; 1 mô hình nuôi cá lóc bông trên diện tích 2.000m2 ở thôn Định Thắng, xã Hoà Định Đông, huyện Phú Hoà.

(Theo Quốc Đạt, Báo Phú Yên 1846)


Hàm Tân: Kinh tế thủy sản nhiều mặt còn khó khăn

Nguồn tin: BT, 9/7/2005
Ngày cập nhật: 10/7/2005

 


Trung tâm khuyến ngư: Cầu nối giữa nhà khoa học và người nông dân

Nguồn tin: KH, 08/07/2005
Ngày cập nhật: 10/7/2005

 


Ra mắt Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa Việt Nam

Nguồn tin: BCT, 9/7/2005
Ngày cập nhật: 9/7/2005

 


Làng săn cá mập

Nguồn tin: SGGP, 8/7/2005
Ngày cập nhật: 9/7/2005

Một chiều giữa tháng sáu, chúng tôi đến thăm làng Hưng Lương - một làng chài ven biển thuộc xã đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn-Bình Định). Làng có vài trăm nóc nhà, chưa đến 2.500 nhân khẩu, nằm lặng lẽ trên một động cát lớn, bên những rừng dương và tiếng sóng biển xô bờ rì rầm. Phần lớn ngư dân ở đây xưa nay sinh sống bằng cái nghề đầy mạo hiểm - nghề săn cá mập.

Hồi ức khơi xa

Hầu như không một ai trong làng Hưng Lương biết nghề săn cá mập ở làng mình có tự bao giờ. Nhưng những ngư phủ câu cá mập cao tuổi ở đây đều khẳng định: Từ hơn 50 năm trước, vào mùa trăng từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, thanh niên trong làng Hưng Lương đã từng rủ nhau ra biển săn tìm cá mập. Ngày ấy, làng có khoảng 600 hộ với chừng 2.000 nhân khẩu, nhưng có tới quá nửa số gia đình kiếm sống bằng nghề săn cá mập.

Săn cá mập tuy là nghề dễ gặp bất trắc, nhưng lại được người dân làng chài Hưng Lương coi như một nghề bình thường như bao nghề khác để kiếm sống. Lẽ thường, vì cá mập có giá trị cao, nhất là bộ vi cá, mỗi lần trúng biển thì thu lãi mát mặt.

Tuy nhiên, bao năm nay đã có nhiều ngư dân ở làng Hưng Lương ra với biển nhưng không trở về. Đó là những đêm giông tố, bão ập đến không kịp trở tay đành phó mặc cho con thuyền bị quăng quật theo dòng nước. Nhiều ngư dân xấu số bị sóng biển cuốn trôi, không tìm thấy xác; vài người may mắn còn sống sót, như ông Nguyễn Sạo, thì bị sóng xô dạt vào động cát ở tận đảo Lò Ba - Phú Yên, ông Lê Dược thì được tìm thấy ở nhà thương Khánh Hòa.

Ông Huỳnh Đức Châu, 63 tuổi, ngư dân làng chài Hưng Lương, theo nghề câu cá mập hơn 40 năm nay, cho biết: Câu cá mập phải đợi đêm có trăng. Trăng sáng, làm nhòa ánh sáng bạc của ngời biển bám nơi thẻo câu. Nước biển sáng lấp lánh, khiến cá mập hoa mắt không phát hiện được mồi cá được móc vào lưỡi câu có ngạnh làm bằng đồng thau. Mồi câu cá mập thường là cá hồng, cá sáng nặng khoảng 3-4 kg câu tại biển, nhưng hấp dẫn nhất với cá mập là cá thu vì có mùi thơm, sáng cá.

Trước khi tiến hành trận “đánh” chính, thì phải “đánh” thăm dò động tĩnh. Một đường biển dài chừng 4 km, độ sâu dao động 200 - 500m được các ngư phủ buông câu, thấy nơi nào cá mập tập trung là chuẩn bị cho cuộc bủa vây đầy ngoạn mục. Thế nhưng, nguy hiểm chỉ bắt đầu khi con cá dính câu. Khi con cá đã được lôi đến mặt nước, một bạn chài khéo tay nhất có nhiệm vụ đâm chiếc lao thép cắm vào đầu cá. Lao nối với đôi sợi cước rất lớn, một đầu gắn vào một cần trục. Cần trục quay, cá được ép sát mạn tàu. Bấy giờ, thợ câu sẽ dùng một cây lao nhọn, thọc từ óc cá thẳng xuống xương sống cá cho đến khi nào cá chết hẳn. Đây là công đoạn nguy hiểm, vì nếu làm không khéo sẽ bị cá táp trúng người.

Với những con cá mập cỡ trung là vậy, nhưng gặp phải con cá lớn, nặng cỡ 400-500 kg, thợ câu phải rọi đèn pha, dùng lưới quây vùng xung quanh con cá dính câu và cho 1 - 2 người xuống nước tìm cách cắt lấy bộ vây cá, thịt gửi lại cho biển. Cá mập vốn say mùi máu, chỉ cần đánh hơi thấy thì cả bầy sẽ lao đến rất nhanh. Không có dàn lưới bảo vệ, không có sự hỗ trợ của các bạn câu thì…

Ông Nguyễn Thuộc, một ngư dân có thâm niên trong nghề câu cá mập hơn 50 năm, trầm ngâm kể: “Có lần, tôi chưa kịp móc lưỡi khấu vào miệng cá thì đầu nó đụng thuyền. Theo phản xạ tự nhiên, nó quẫy mình lặn xuống và dùng đuôi đập mạnh làm thuyền bể một mảng lớn, còn tôi bị trúng vào lưng ngã ra bất tỉnh. Thế nhưng, đó cũng chưa là gì cả. Nhiều bạn thuyền xấu số của tôi còn bỏ mạng ngoài biển khơi hoặc mang thương tật vĩnh viễn do bị cá mập cắn”.

Xa rồi thuyền buồm

Ba bốn mươi năm về trước, ngư dân làng Hưng Lương săn cá mập bằng thuyền buồm. Đội thuyền buồm của làng Hưng Lương lúc ấy có chừng 20 chiếc, mỗi chiếc dài chừng 5 mét, rộng 2 mét, chỉ vừa đủ cho 3-4 người ngồi. Đoàn thuyền được chia thành nhiều tốp, đi hỗ trợ nhau đề phòng khi trời nổi cơn thịnh nộ hay gặp những bất trắc trên biển.

Bây giờ, thuyền buồm dần lui vào ký ức, nhường chỗ cho thuyền máy ra khơi. Số lượng cá mập cũng cạn dần. Cá mập sinh sản chậm và có rất ít con. Giống như người, cá mập thường tìm nhau khi tuổi trên 20 và mỗi con cái lại chỉ có thể đẻ một con.

Trong khi đó, việc săn bắt cá mập đã có từ lâu, không chỉ Việt Nam mà ở khắp các nước châu Á. Người săn cá mật giờ phải dong thuyền ra tận các ngư trường gần các nước Philippines Malaysia, Thái Lan... mới câu được. Hành trình săn cá mập cũng kéo dài 20-30 ngày cho mỗi chuyến nên cần phải có thuyền to, máy lớn.

Hơn thế, đã có nhiều loài cá mập quý hiếm có dấu hiệu bị diệt vong do con người khai thác quá mức, nên đã có nhiều khoản luật ra đời ngăn cấm việc săn bắt cá mập nhằm bảo vệ giống loài và cân bằng hệ sinh thái môi trường biển. Điều này khiến cho nhiều người ở làng chài Hưng Lương không còn chỉ ra khơi câu cá mập đơn thuần như trước mà thường kết hợp câu cả cá nhám, cá ngừ đại dương, mực…

Cả làng câu cá mập Hưng Lương bây giờ có hơn 50 thuyền máy, có công suất từ 50 mã lực trở lên, được trang bị đầy đủ phương tiện đánh bắt hiện đại: máy tầm ngư, máy định vị, máy đàm thoại tầm xa, la bàn, hệ thống kéo cá dính câu bằng dây cáp… Mỗi thuyền có 9-10 ngư dân, tuổi đời từ 20-40.

Sản phẩm thu được từ nghề câu cá mập ngày nay không chỉ có vi cước cá mà người ta còn tận dụng cả da cá, thịt cá để chế biến thành những mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Da cá mập phơi khô dùng chế biến món nhậu như: chiên giòn, làm gỏi, hầm với chân giò và măng khô.... Thịt cá mập cũng được chế biến thành nhiều sản phẩm để bán đi các nơi. Do vậy, giá trị của cá mập ngày càng cao nên dù hiện nay số lượng cá mập câu được ít hơn trước nhưng nghề câu cá mập đem lại thu nhập bình quân vài chục triệu đồng một đợt câu. Khi trúng đậm lên đến cả trăm triệu đồng cũng là chuyện thường.

Hiện nay, đội thuyền chuyên câu cá mập kết hợp với câu cá nhám, cá ngừ đại dương ở Bình Định có đến gần 700 chiếc, công suất máy từ 60 -150CV, hoạt động thường xuyên ở các ngư trường: Hoàng Sa, Trường Sa... Hầu hết các thuyền câu cá mập ở đây đều trang bị dàn câu đến 600-700 lưỡi, mỗi khi buông câu kéo dài đến cả chục kilômét…

Tôi nhìn ra biển, nơi đám thanh niên đang khẩn trương vác gạo, nước đá cây, xăng dầu… từ triền cát lao nhanh xuống thuyền. Tối nay, những chiếc thuyền máy của làng sẽ lại bắt đầu một chuyến ra khơi...

NGỌC THÁI - QUỐC VIỆT

 

 


Trà Vinh: nhiều ngư dân chuyển sang đánh bắt ghẹ xuất khẩu

Nguồn tin: TT, 9/7/2005
Ngày cập nhật: 9/7/2005

Hiện nay, do ghẹ biển xuất hiện nhiều ở vùng biển Trà Vinh nên nhiều ngư dân sinh sống bằng nghề câu lưới đã chuyển sang nghề khai thác đánh bắt ghẹ xuất khẩu bằng bẫy rập lưới (ảnh).

Một tàu có công suất 45 - 75 CV và sáu thuyền viên sử dụng 350 - 400 cái rập, vốn đầu tư 25 - 30 triệu đồng, sau mỗi chuyến khai thác từ 9 - 10 ngày trừ chi phí thu lợi nhuận 12 - 14 triệu đồng. Ngoài ra nghề này còn giúp các hộ ngư dân khai thác đánh bắt xa bờ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ven bờ biển của tỉnh.

TR.VINH

 


71 cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã

Nguồn tin: WAG, 8/7/2005
Ngày cập nhật: 8/7/2005

Theo thống kê Ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 71 cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã hung dữ, chủ yếu là nuôi cá sấu nước ngọt với hơn 28.800 con cá sấu và 4 cơ sở nuôi gấu. Các trại này đều được xây dựng kiên cố đảm bảo không để xảy ra tình trạng vật nuôi xổng chuồng thoát ra ngoài.

Tuy nhiên, việc thay đổi con giống bố mẹ và xây dựng đàn giống kiểu mẫu hậu bị chưa được các chủ cơ sở nuôi cá sấu quan tâm nhiều. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đồng huyết và cận huyết.

(Pháp Luật VN)

 


Nuôi cá tra sinh thái

Nguồn tin: NNVN, 7/7/2005
Ngày cập nhật: 8/7/2005

Tỉnh An Giang liên kết với Công ty Binca Seafood (Đức) triển khai mô hình nuôi cá tra sinh thái tại xã Mỹ Hòa Hưng, Tp. Long Xuyên. Đây là hình thức nuôi cá “sạch” hoàn toàn từ khi còn là con giống cho đến lúc thành sản phẩm phi lê đóng gói. Hợp đồng nuôi được quy định nghiêm ngặt, người nuôi chỉ đảm nhiệm về con giống (phải khỏe mạnh, không mang mầm bệnh), vị trí đặt quầng và bột cá để pha trộn làm thức ăn, các khâu còn lại do đối tác thực hiện.

Thức ăn cho cá phải có nguồn gốc sinh thái. Mật độ thả thưa chỉ bằng 30% so với nuôi truyền thống. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 650g đến 1kg/con. Lô hàng cá sinh thái đầu tiên đã được xuất sang Đức và Đan Mạch.

 


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang