• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Phú: Làm giàu từ con cá rô đồng

Nguồn tin: WAG, 30/5/2005
Ngày cập nhật: 31/5/2005

Xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn là vùng đất có thế mạnh về nông nghiệp, nhất là trồng lúa. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều nông dân đã phát huy lợi thế đất ruộng để phát triển thêm nghề nuôi cá trên chân ruộng. Ðặc biệt, nuôi cá rô đồng cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện, mô hình này đang được chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng trong nhân dân.

Anh Huỳnh Phước Liền, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Phú khoe với chúng tôi, bà con nông dân ở đây làm kinh tế dữ lắm, ngoài làm lúa, nông dân còn chăn nuôi dê, bò, cá; hiêu quả nhất là mô hình nuôi cá rô đồng của ông Trần Hữu Phước, ấp Trung Phú 3. Theo chân anh Liền, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Hữu Phước và gặp ông tại ao cá khi đang cho cá rô ăn. Chúng tôi bắt chuyện, ông Phước chỉ tay về phía dãy ao vuông mà nói: “Tôi đã có 12 năm nuôi cá, cũng dãy ao này, đầu tiên là cá tra, cá lóc,… giờ thì cá rô, nhưng chỉ có con cá rô chịu ở lại với nông dân tụi tôi thôi !”.

Ông Trần Hữu Phước nuôi cá rô đồng từ 3 năm nay, với diện tích 8.000 mét vuông, chia làm 5 ao vuông. Trong số 5 ao, ông dùng 2 ao để ương cá rô giống. Một lần ương khoảng 600.000 con giống, ông chừa lại 200.000 con để nuôi cá thịt, còn lại bán cá giống, kiếm được trên 20 triệu đồng ngay đầu vụ. Từ ngày thả cá bột đến lúc tẽ bầy đúng 1 tháng 5 ngày và hơn 3 tháng sau thì cho thu hoạch. Năng suất đạt từ 10 - 12 tấn/vụ. Năm vừa rồi, ông lời gần 200 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, phơi đáy ao vài ngày cho đất khô, rồi lại cho nước vào, xử lý ao và bắt đầu vụ nuôi mới. Vậy là cầm chắc một năm nuôi 2 vụ.

Theo ông Phước cho biết, cá rô đồng có đặc tính dễ nuôi, ít bệnh, năng suất cao, lại bán được giá. Chỉ có năm nào gió bấc kéo dài, thì gặp khó khăn và năng suất thấp hơn chút đỉnh. Giá cá rô luôn ở mức cao, ổn định, thương lái rất chuộng và đến tận ao thu mua. Giá cá rô loại I: 40.000 - 45.000 đồng/kg (cá từ 100gr/con trở lên); loại II: 30.000 - 35.000 đồng/kg (cá từ 55 - 99 gr/con); loại III: 18.000 đồng/kg (cá dưới 55gr/con). Mấy năm qua, nhờ hiệu quả kinh tế cao từ con cá rô đồng mà gia đình ông Phước phất lên làm giàu. Năm nay, ông phát triển thêm 10.000 mét vuông cũng để nuôi cá rô đồng và đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, với diện tích mới này, ông Phước thả nuôi trên chân ruộng. Theo ông thì mô hình này cho hiệu quả rất khả quan, bởi không tốn kém chi phí bao nhiêu, cá lớn chủ yếu nhờ ăn các loại phiêu sinh vật và các loại rong, rêu có trong ruộng, nhưng mật độ nuôi có thưa hơn so với mô hình ao liên hoàn. Bù lại ruộng lúa rất xanh tốt, ít bị sâu bệnh. Nông dân không có nhiều vốn vẫn có thể nuôi cá rô đồng hiệu quả cao với mô hình này.

Anh Huỳnh Phước Liền, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Phú cho biết, không riêng ông Phước, nhiều nông dân ở đây mấy năm nay cũng khá lên nhờ nuôi cá rô đồng, địa phương đang có chương trình khuyến khích nông dân tham gia mô hình kinh tế khả quan này và đang tìm nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân để cùng tăng gia sản xuất. Thật vậy, trong điều kiện hiện nay, nguồn cá đồng đang khan hiếm dần và có nguy cơ cạn kiệt, thì mô hình nuôi cá rô đồng hiệu quả của nông dân trở nên hấp dẫn hơn, bởi giá trị kinh tế và nhu cầu tiêu thụ cá đồng ngày càng tăng.

Q.D

 


Nghề săn...sú

Nguồn tin: BNT, 27/5/2005
Ngày cập nhật: 31/5/2005

Hàng năm thị trường trên cả nước cần trên 9 tỷ con tôm sú giống, nhưng hiện nay ở nước ta chưa đủ điều kiện để nhân giống tôm sú bố mẹ mà phải đánh bắt từ tự nhiên. Để đáp ứng nhu cầu to lớn này, nhiều ngư dân vùng biển trong tỉnh có hẳn một nghề: săn sú. Theo chân những ngư dân, chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi nghề "săn" này.

Hiện nay ở tỉnh ta có trên 1.200 trại sản xuất tôm giống, nhu cầu hàng năm các trại này cần đến 120 ngàn con tôm sú bố mẹ để sản xuất ra trên 4 tỷ Post cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Nam. Theo ông Đỗ Kim Tâm- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh nhận xét, con tôm sú đánh bắt được ở vùng biển Ninh Thuận đặc biệt sinh sản được nhiều Post, sạch bệnh và có sức đề kháng cao. Do vậy các trại sản xuất tôm giống họ rất ưa chuộng tôm sú bố mẹ đánh bắt tại vùng biển tỉnh ta, nên giá một con tôm sú sinh sản đắt gấp 10 lần so với các vùng lân cận.

Ở làng chài nhỏ nằm cách thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải) chừng 10km, gần 200 chiếc thuyền chuyên làm nghề săn sú (bắt tôm sú bố mẹ), nhiều gia đình phất lên nhờ cái nghề này từ nhiều năm qua. Sau nhiều lần lân la hỏi chuyện, chúng tôi được một số ngư dân đồng ý cho theo chuyến săn thú vị trên biển, nhưng ai cũng “hăm”: “Nhà báo có chịu nổi với sóng biển không?”. Quyết tâm tìm hiểu nghề này, chúng tôi đánh liều “làm một chuyến” ra khơi.

Đến hẹn, đúng 16 giờ, chúng tôi có mặt tại bến cá Dư Khánh để thực hiện chuyến đi biển. Trên chiếc thuyền 45 CV (mã lực) chông chênh của anh Lê Huy Thông (tên người dân chài thường gọi là Thơ) đã chuẩn bị đầy đủ ngư cụ cho một chuyến đi săn sú đêm. Thực ra dụng cụ cho nghề này không nhiều lắm, chỉ cần một tay lưới giã đơn, bình oxy, bộ đàm, và 3 bạn thuyền. Sau 2 tiếng đồng hồ khởi hành, chiếc thuyền đưa chúng tôi đến địa điểm cần thả giã để săn bắt lòai tôm sú luôn nằm sát đáy biển. Anh bạn nghề hô to: “Đến nơi rồi. Thả lưới thôi”. Còn anh Thông không quên giải thích cho chúng tôi từng động tác để làm sao “thó” được mồi. Từ nhỏ anh Thông đã quen với sóng biển và biết độ nông, sâu từng vùng. Nghề này phải thả giã ở độ sâu chừng 20 sãi (khỏang 30m) mới hy vọng có tôm. Nhưng như thế cũng chưa đủ, nếu đánh mẻ đầu mà không có tôm sú, mà được tôm rằn thì chắc chắn vùng nước này phải có tôm sú bố mẹ. Bởi con tôm rằn luôn ở chung với loài tôm sú. Còn đánh được tôm vàng, thì hoàn toàn không có tôm sú. Đây là một kinh nghiệm được đúc kết trong hơn 10 năm làm nghề săn sú của anh Thông. Bởi vậy, điều quan trọng khi săn sú là phải xác định được vùng tôm sú sinh sống. Biển cả bao la, xa xa thấy xuất hiện vài ánh đèn nháy của những thuyền cùng đi săn. Tiếng vang trong bộ đàm của một thuyền cách đó chừng 3 hải lý báo hiệu đã săn được “chú sú” chừng 1,5 lạng. Thế là anh Thông thốt lên:”Trúng mánh rồi, vùng này chắc chắn sẽ có”. 21 giờ, mẻ đầu tiên kéo lưới giã lên mạn thuyền, chiếc đèn 500w rọi vào mẻ lưới, mọi cặp mắt đều dồn vào một mớ lộn xộn nào là mực, cá các lọai để xác định xem có săn được con sú nào không. Thất vọng! Nhưng từ đây cho đến sáng vẫn còn thời gian để đánh tiếp 2 mẻ lưới giã. Tôi quay qua anh Thông cười: “Có lúc nào đi cả đêm ròng mà “mo” không?”. Anh Thông nói nhanh như không muốn điều đó xảy ra vào đêm nay: “Có chứ. Nghề này đành chấp nhận được ăn cả ngã về không mà. Hai đêm trước đã” mo” rồi, lẽ nào tối nay lại trắng tay?”

Thật may, đến 1giờ sáng mẻ lưới thứ 2 kéo lên, bằng con mắt nhà nghề, anh Thông nhanh chóng đưa con tôm sú nặng chừng 2 lạng khoe với chúng tôi: “Đây là một con “củm” ( tôm sú cái)”. Sau đó anh đưa con “củm” này vào thùng chứa có máy oxy để giữ tránh mất sức sau thời gian mắc giã, cùng lúc anh nhấc máy bộ đàm thông báo cho các lái buôn biết để ra bắt. Hòang- bạn thuyền rít điếu thuốc sau mẻ giã mệt nhừ nói: “Nghề săn này cũng thú vị lắm. Khi có “mồi” chỉ cần nhấc bộ đàm là lái buôn ra ngả giá và mua ngay trên thuyền. Các lái buôn này cũng như chúng tôi thức trắng đêm để canh chừng mua từng con một”. Quả vậy, chỉ sau 5 phút, một lái buôn ép sát thuyền và ngả giá mua 3 triệu đồng. Đến khỏang 3 giờ sáng kéo mẻ cuối cùng, thuyền anh Thông được thêm một con tôm sú đực, giá chỉ bằng 1/20 so với con “củm”, nhưng cũng coi như là may mắn trong chuyến ra khơi lần này. Sau khi kéo mẻ thứ 3, mọi người dọn dẹp ngư cụ và chuẩn bị vào bờ. 6 giờ sáng, chiếc thuyền cập bến, và thanh tóan nốt những gì còn lại đánh được trong đêm, mọi người ăn sáng và chúc nhau…ngủ ngon.

Trong 100 thuyền ra khơi săn sú hôm đó có đến 50 thuyền không săn được sú, họ buồn bã bán những thú hải sản mắc lưới để bù lại chi phí sau một chuyến đi. Anh Hoài Trung than thở, cả tuần nay ra khơi, chuyến nào cũng bị lỗ do không săn được sú. Các bạn thuyền của anh đều ê chề vì không chia được gì sau những chuyến ra khơi. “Nghề săn sú là vậy đấy, có khi một đêm “hên” trúng 3 đến 4 con, nhưng nhiều khi”mo” cả tuần lễ đành cắn răng chịu đựng”-Hoài Trung tâm sự.

Trong ngôi nhà khang trang của anh Trần Văn Hùng- một thợ săn có tiếng, với thâm niên hơn 10 năm ở làng chài Dư Khánh kể: làm nghề này cũng lắm chông gai, nhiều chuyến trúng được từ 2 đến 3 con “củm” thì thu về cả chục triệu đồng. Thậm chí thời điểm hòan kim của nghề (vào những năm 1996), một con “củm” nặng 3 lạng bán được trên 10 triệu đồng. “Ngôi nhà trên 100 triệu này cũng nhờ vào những chuyến đánh bắt như thế”- anh Hùng khoe. “Nghề này giỏi một phần, một phần cũng cần phải có thời”- cùng với lời nói, anh Hùng chỉ căn nhà đối diện cũng là một thợ săn sú có tiếng, nhưng rồi chỉ đủ ăn cho gia đình 7 nhân khẩu. Đi săn sú cũng sinh nghề tử nghiệp, có nhiều bạn thuyền đã bỏ mình giữa biển khơi.

Theo các thợ săn lâu năm tại làng chài Dư Khánh việc đánh bắt tôm sú bố mẹ ngày càng khó khăn và khan hiếm, trong khi diện tích đìa nuôi tôm sú ở nước ta tăng, lượng tôm cung cấp cho thị trường càng lớn, nhưng việc ứng dụng khoa học để ươm tôm giống bố mẹ chỉ nằm ở phạm vi đề tài khoa học mà chưa có ứng dụng thực tế. Hiện nay một số nước như Uùc, Mỹ… đã nghiên cứu ứng dụng thành công để tạo ra tôm giống bố mẹ phục vụ cho ngành nghề sản xuất tôm sú thương phẩm.

Chia tay những bạn thuyền, những ngư dân khá thân thiện, chúng tôi vẫn không quên được lời nói của anh Thông: “Tôi nhất định cho các con tôi ăn học đến nơi đến chốn để khỏi phải theo đuổi nghề gia truyền này”. Và 2 con lớn của anh hiện đang học ĐH Bách khoa và Công nghệ thông tin tại Tp Hồ Chí Minh. Tuy nhiên còn nhiều thanh niên khác trong làng vẫn theo đuổi nghề này, và niềm hy vọng của họ gói gọn trong từng đêm một làm sao bắt được tôm sú bố mẹ, và để thực hiện niềm hy vọng đó, nhiều khi họ phải trả giá bằng máu và nước mắt…

Thiện Nhân, Báo Ninh Thuận

 


Mô hình thí điểm trồng rong sụn phát triển tốt

Nguồn tin: BBĐ, 31/5/2005
Ngày cập nhật: 31/5/2005

Tháng 2-2005, Trung tâm Khuyến ngư - NCƯDKT thủy sản Bình Định đã chọn hộ ông Nguyễn Văn Đông, ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát để xây dựng thí điểm mô hình trồng rong sụn. Qua 3 tháng triển khai cho thấy, diện tích rong sụn của ông Nguyễn Văn Đông phát triển rất tốt, thích nghi được với môi trường xung quanh. Từ số lượng giống xuống ban đầu là 1.700 kg, trên diện tích 3.000m2, đến nay từ số lượng rong phát triển, ông Đông phát triển rộng ra trên diện tích hơn 7.000m2. Ông Đông đã tỉa khoảng 1.300 kg rong tươi, bán được 1,5 triệu đồng. Từ thành công này, Trung tâm Khuyến ngư - NCƯDKT thủy sản tỉnh đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phong trào trồng rong sụn trên nhiều vùng biển của tỉnh. Được biết, hiện Bình Định có hơn 2.000 ha mặt nước biển có thể trồng được rong sụn.

Ngọc Thái

 


Cam Ranh: Nhân rộng mô hình nuôi tôm sú sạch

Nguồn tin: BKH, 31/5/2005
Ngày cập nhật: 31/5/2005

Từ tháng 4-2004, Trạm Khuyến ngư thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm sú thương phẩm không dùng thuốc kháng sinh. Mô hình được thực hiện tại đìa tôm của anh Nguyễn Văn Phổ, Chi hội trưởng Chi hội Nuôi tôm phường Ba Ngòi với diện tích ao nuôi 5.000m2, 90.000 con tôm giống.

Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên sau 4 tháng thả nuôi, tôm thương phẩm đạt trọng lượng bình quân 24 gam/con, 42 con/kg; tỷ lệ tôm sống 93%, sản lượng tôm thương phẩm đạt 2.100kg, doanh thu 136,5 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư anh Phổ còn lãi 50,5 triệu đồng. Do sử dụng men vi sinh trong suốt quá trình nuôi và không sử dụng thuốc kháng sinh nên tôm sú thương phẩm thu hoạch đảm bảo chất lượng là tôm sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Mô hình này đang được thị xã Cam Ranh nhân rộng trong vụ nuôi 2005 nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.

NHƯ HƯƠNG

 


Bến Tre: Tổ chức hội nghị triển lãm nghề tôm Việt Nam

Nguồn tin: BCT, 31/5/2005
Ngày cập nhật: 31/5/2005

 


Bộ Thủy sản không khuyến khích nuôi tôm chân trắng ở các tỉnh phía Nam

Nguồn tin: BCT, 31/5/2005
Ngày cập nhật: 31/5/2005

Bộ Thủy sản vừa tổ chức Hội thảo về nuôi tôm chân trắng ở Việt Nam. Tại Hội thảo đã nghe 14 báo cáo tham luận của các chuyên gia nước ngoài, 9 báo cáo của các cơ quan quản lý, các Viện Nghiên cứu, cơ sở sản xuất của Việt Nam. 3 vấn đề chính tập trung thảo luận là chất lượng và sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống; dịch bệnh và thị trường; hiệu quả kinh tế-xã hội của nghề nuôi tôm chân trắng. Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng kết luận: Các tỉnh từ phía Nam từ Bình Thuận trở vào hiện nay đang là vựa tôm sú của Việt Nam, môi trường nuôi tôm ổn định. Để tránh rủi ro, đảm bảo an toàn môi trường nuôi tôm sú, Bộ Thủy sản không khuyến khích nuôi tôm chân trắng ở các địa phương này.

Tuy nhiên, nếu các tỉnh có chủ trương cho nuôi tôm chân trắng, phải có phương án qui hoạch vùng nuôi giảm thiểu tối đa phát sinh và lây lan dịch bệnh sang các giống loài bản địa. Có hệ thống ngăn ngừa tôm chân trắng thất thoát ra môi trường, xử lý chất thải, nước thải khu vực nuôi. Tôm chân trắng bố mẹ, tôm giống sạch bệnh phải được nhập từ các cơ sở sản xuất được Bộ Thủy sản công nhận. Để đảm bảo an ninh sinh học, các trại sản xuất tôm giống và các loài thủy sản khác không được sản xuất giống tôm chân trắng.

QUỐC DŨNG


Quảng Trị: Hơn 50 ha tôm sú bị thiệt hại do dịch bệnh

Nguồn tin: TN, 30/05/2005
Ngày cập nhật: 31/5/2005

Ngày 30/5, Sở Thủy sản cho biết do thời tiết nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 50 ha tôm sú bị dịch bệnh đốm trắng, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong. Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh và diễn biến khá phức tạp, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Quảng Trị đã tích cực tập trung dập dịch và khuyến cáo bà con nông dân không nuôi tôm trên những diện tích có nguy cơ dịch, thay vào đó chuyển sang nuôi các loại thủy sản phù hợp. (Tân Lâm)

 


Khuyến nghị đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh sang Nhật Bản

Nguồn tin: VNECONOMY, 30/5/2005
Ngày cập nhật: 30/5/2005

 


Cá bè rớt giá rất mạnh

Nguồn tin: NLĐ, 26/5/2005
Ngày cập nhật: 30/5/2005

Theo nhiều hộ nuôi cá bè tại Tiền Giang, hiện nay giá cá bè, nhất là cá điêu hồng giảm rất mạnh. Anh Đặng Quang Thăng (Thới Sơn, Châu Thành, Tiền Giang), người có trên 8.000 m2 mặt nước nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền, cho biết khoảng nửa tháng trở lại đây giá cá giảm từ 24.000 đồng/kg xuống còn 16.000 đồng/kg.

Nguyên nhân là do sau lũ, giá cá giống giảm, khiến nhiều hộ nuôi cá ở ĐBSCL phải thu hoạch rộ rồi đồng loạt thả nuôi lứa mới. Thêm vào đó, hơn 1.200 bè cá điêu hồng trên hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) phải thu hoạch sớm để tránh gây ô nhiễm nguồn nước lòng hồ. Vì vậy, cung đã vượt cầu, khiến giá bán cá sụt giảm.

S.Nhung

 


An Giang: Nông dân hùn tiền lập nhà máy

Nguồn tin: NLĐ, 29/5/2005
Ngày cập nhật: 30/5/2005

Nuôi cá tra, ba sa xuất khẩu là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người nuôi cá luôn ở vào thế bị động. Không muốn lệ thuộc vào các doanh nghiệp, họ quyết tâm góp vốn làm ăn

Trong đợt biến động giá cá tra, cá ba sa nguyên liệu xảy ra hồi đầu tháng 4-2005 cho đến nay, có ít nhất 30% người nuôi cá ở ĐBSCL bị phá sản. Nguyên nhân là do giá cá nguyên liệu đã liên tục giảm dưới giá thành sản xuất làm người nuôi bị thua lỗ nặng.

Hợp lực để phát triển

Trong bối cảnh đó, để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của mình, 117 nông dân nuôi cá tra, ba sa của tỉnh An Giang đã hợp lực cùng nhau đóng góp gần 30 tỉ đồng thành lập Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản - AFA, gọi tắt là AFASCO. Trụ sở của công ty đặt tại Quốc lộ 91, khóm An Hưng, phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên (An Giang). Ông Trần Tuấn, Chủ tịch HĐQT của công ty, cho biết: “Mục đích thành lập công ty là để kiểm soát và ổn định đầu vào lẫn đầu ra sản phẩm của người nuôi cá; góp phần tăng mức tiêu thụ cá trên địa bàn tỉnh”.

Ngày 28-7-2003, đơn vị đã được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh An Giang cấp giấy phép hoạt động. Ngày 1-1-2004, công ty khởi công xây dựng nhà máy chế biến cá tra, ba sa xuất khẩu với công suất ban đầu gần 100 tấn nguyên liệu/ngày. Ngày 26-5 vừa qua, sau hơn 1 năm tiến hành xây dựng, công ty đã làm lễ khánh thành đưa nhà máy vào hoạt động. Ông Nguyễn Hoàng Kha, Giám đốc Nhà máy Chế biến thủy sản đông lạnh của công ty, cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu cá tra, ba sa ở một số nước châu Á”. Như vậy, AFASCO đã chính thức tham gia vào thị trường xuất khẩu cá tra, ba sa. Sự kiện này sẽ mở ra một triển vọng mới cho nghề nuôi cá bè ở ĐBSCL.

Ngay sau khi được thành lập, AFASCO đã dùng chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, tập hợp những kỹ sư, công nhân chế biến có tay nghề cao và lực lượng quản lý có trình độ chuyên môn giỏi. Tất cả đều là con em của những nông dân nuôi cá.

Một cách làm ăn mới

Sự kiện AFASCO đưa nhà máy chế biến cá tra, ba sa đi vào hoạt động đã làm cho nông dân các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ cũng “vui lây”. Bởi từ đây, người nuôi cá ở An Giang nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung đã có một tổ chức “đáng tin cậy” đại diện cho mình lo đầu vào lẫn đầu ra của con cá. Cụ thể, người nuôi cá sẽ được công ty cung cấp con giống tốt, thức ăn chất lượng cao; được tư vấn kỹ thuật nuôi để cá chóng lớn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, người nuôi được ngân hàng cung cấp vốn phục vụ cho sản xuất thông qua việc bảo lãnh của công ty. Về đầu ra, công ty đã tổ chức mở thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ hết đều lượng cá nuôi. Ông Nguyễn Hoàng Kha cho biết: “Ngoài thị trường nước ngoài, chúng tôi còn chú trọng đến thị trường trong nước bằng các sản phẩm giá trị gia tăng”. Từ cuối năm 2003, công ty đã kết hợp với các đơn vị trong ngành tổ chức khảo sát và mở thị trường ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Ngay sau nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu ra đời, AFASCO tiến hành ký kết hợp đồng ba bên giữa người nuôi cá với ngân hàng và nhà máy chế biến. Như vậy, nếu ai là thành viên của công ty thì sẽ được hưởng các dịch vụ do công ty cung cấp.

Việc 117 nông dân nuôi cá tra, ba sa ở tỉnh An Giang góp vốn thành lập công ty để lo các vấn đề từ đầu vào lẫn đầu ra của quá trình sản xuất cá tra, ba sa mở ra một triển vọng to lớn cho nghề nuôi cá bè ở ĐBSCL. Việc làm này đã thể hiện tính năng động của nông dân trong cơ chế thị trường.

Bình Minh

 


Bến Tre: Kiểm dịch miễn phí nguồn tôm giống nhập tỉnh; Phát triển kỹ thuật phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm sú

Nguồn tin: BCT, 29/5/2005
Ngày cập nhật: 29/5/2005

* Phát triển kỹ thuật phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm sú

* Bến Tre: Kiểm dịch miễn phí nguồn tôm giống nhập tỉnh

Phát triển kỹ thuật phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm sú là đề tài được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học (Đại học Cần Thơ) và Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang cùng các Trung tâm khuyến ngư các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL. Hai năm qua, nhóm thực hiện đề tài này đã phân loại tập đoàn giống tôm ở Kiên Giang bằng hình thái học; xác định tính đa dạng của tôm bằng phương pháp sinh học phân tử kết hợp các kỹ thuật sinh học phân tử. Qua đó, có thể phát triển các loại hộp (kits) có độ tin cậy cao và rẻ tiền để phát hiện virus gây bệnh đốm trắng trên tôm. Kỹ thuật này đang được áp dụng tại các phòng thí nghiệm cấp tỉnh, trạm - trại sản xuất tôm giống, trạm kiểm dịch... Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học cùng các ngành chức năng sẽ tiếp tục hợp tác đánh giá nguồn tôm giống tự nhiên đồng thời ứng dụng các bộ chẩn đoán tại địa phương để đánh giá tôm giống và phát hiện virus gây bệnh đốm trắng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của vùng ĐBSCL.

* Bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bến Tre cho biết: UBND tỉnh đã quyết định cấp 800 triệu đồng để hỗ trợ ngành thủy sản kiểm dịch miễn phí tôm giống nhập vào địa phương. Các nguồn tôm sú giống dù được kiểm dịch tại nơi mua nhưng khi nhập vào Bến Tre phải được kiểm dịch lại. Việc làm này nhằm đảm bảo con giống sạch bệnh cho người nuôi và hạn chế tối đa việc các cơ sở nhập giống tôm sú có mầm bệnh từ ngoài vào địa phương.

NAM QUỐC - CAO DƯƠNG

 


Thành lập Ban Quản lý dự án thủy lợi vùng ĐBSCL

Nguồn tin: NLD, 246/5/2005
Ngày cập nhật: 28/5/2005

 


Giải thể, chuyển đổi sở hữu HTX thuỷ sản yếu kém

Nguồn tin: TBKTVN, 26/5/2005
Ngày cập nhật: 28/5/2005

 


Có thể xảy ra thủy triều đỏ ở Khánh Hòa và Bình Thuận

Nguồn tin: Vasep, 26/5/2005
Ngày cập nhật: 28/5/2005

Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang Nguyễn Tác An cho biết nhiều khả năng những ngày tới trên vùng biển Khánh Hòa và Bình Thuận sẽ xảy ra thủy triều đỏ, hiện tượng biến đổi màu sắc nước biển do một loại tảo độc có màu xanh lam (Phaeocystis globosa hay còn gọi là nước bọt báng) gây ra.

Theo ông An, các kết quả nghiên cứu, theo dõi của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy loại tảo này đang có hiện tượng nở hoa trên vùng biển thuộc địa phận hai tỉnh này.

Quá trình nở hoa của loại tảo này sẽ làm cho lượng ô xy hòa tan trong nước giảm đột ngột, gây nhiễm độc và hủy diệt các sinh vật biển, làm ô nhiễm môi trường biển. Nếu con người ăn các sinh vật bị nhiễm độc sẽ có thể ngộ độc, nặng hơn là tử vong.

Theo Viện Hải dương học Nha Trang, hiện tượng nở hoa của loại tảo Phaeocystis globosa, 1 trong hơn 70 loại tảo độc hiện có tại vùng biển Việt Nam, thường xẩy ra ở vùng biển Bình Thuận và kéo dài khoảng trên dưới 1 tháng.

Năm 2004, tảo này đã gây ra thủy triều đỏ ở vùng biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trước đó, năm 2002 loại tảo này cũng đã nở hoa tạo thành vùng thủy triều đỏ rộng khoảng hơn 40km2 làm cho toàn bộ nước biển vùng này có mùi hôi và xác tảo tấp vào bờ dày khoảng 10cm đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng./.

(TN)Thông tấn xã Việt Nam, 25/05/2005

 


Ghẹ xanh ở Kiên Giang có nguy cơ tuyệt chủng

Nguồn tin: Vasep, 26/5/2005
Ngày cập nhật: 28/5/2005

Ghẹ xanh - loài ghẹ được coi là có giá trị thương phẩm cao ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở vùng biển Kiên Giang - đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao, trong khi các loài sò huyết, nghêu lụa, tôm, cua cũng giảm đáng kể.

Loài ghẹ xanh có nguy cơ tuyệt chủng là do môi trường ven biển bị ô nhiễm nặng và việc gia tăng nạn khai thác hải sản bằng chất nổ, nạn cào bay dùng xung điện, khai thác bằng ánh sáng đèn cao áp cực mạnh.

Đáng báo động hơn cả là nạn cào bờ xiệp mé, mối đe dọa thường trực tới ngư trường vùng biển cạn ven bờ biển chạy dài gần 200km từ An Minh đến biên giới Hà Tiên, phá hủy môi trường sinh sản của các loài hải sản và vét sạch khi chúng mới vừa được sinh ra, chưa kịp lớn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Kiên Giang hiện có khoảng 1.000 tàu thuyền loại nhỏ chuyên làm nghề cào bờ xiệp mé nhưng không có ai quản lý, tàu thuyền không số đăng ký, không đóng khoản thu nào cho nhà nước.

Năm năm trước, UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản cấm hoàn toàn nghề cào bờ xiệp mé nhằm cứu vãn môi trường vùng biển cạn nhưng đến nay các thuyền này vẫn tiếp tục tồn tại./.

Thông tấn xã Việt Nam, 25/05/2005

 


Tìm đầu ra cho con tôm

Nguồn tin: SGGP, 27/5/2005
Ngày cập nhật: 27/5/2005

 


Ngành thủy sản sẽ thu mua hết tôm cho dân

Nguồn tin: TTXVN, 27/5/2005
Ngày cập nhật: 27/5/2005

 


ĐBSCL - Mùa tôm mới đầy bất trắc

Nguồn tin: BCT, 27/5/2005
Ngày cập nhật: 27/5/2005

Hầu khắp các địa phương nuôi tôm ở ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng tôm chết hàng loạt, một lần nữa nông dân nuôi tôm đứng ngồi không yên, để gỡ gạc phần nào buộc lòng nhiều nông dân phải bán tôm non với giá thấp… Hàng loạt trại giống trong tình trạng ế ẩm, ngưng sản xuất, tôm giống rớt giá, thấp nhất trong 10 năm qua… Thực trạng đáng báo động!

TÔM CHẾT HÀNG LOẠT, NGUY CƠ TRẮNG TAY!

Tỉnh Trà Vinh có hơn 18.000 hộ thả nuôi 1,5 tỉ con tôm sú trên diện tích 18.500 ha mặt nước. Thế nhưng đến thời điểm này ở các vùng trọng điểm như Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú hơn 70% số lượng tôm bị chết. Kỹ sư Lâm Minh Thế, Phó phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Duyên Hải-vùng nuôi tôm sú lớn nhất tỉnh Trà Vinh cho biết: 7.456/ 8.570 hộ nuôi tôm sú bị thiệt hại 90% lượng tôm thả nuôi. Hầu hết tôm bị chết trong giai đoạn từ 1-2 tháng tuổi, chủ yếu là bị bệnh đỏ thân và đốm trắng. Rõ ràng, khởi đầu mùa tôm năm nay của tỉnh Trà Vinh nhiều bất lợi. Chỉ tính riêng ở huyện Duyên Hải đã có hơn 7.000 hộ thua trắng. Số nợ mà người dân Duyên Hải đã vay ngân hàng để nuôi tôm đến thời điểm này đã lên đến 18 tỉ đồng.

Trong khi đó ở Sóc Trăng đến nay có trên 2.600 ha thả nuôi bị thiệt hại. Phần lớn các diện tích bị thiệt hại rơi vào huyện Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên. Còn tại Cà Mau, sau những đám mưa đầu mùa, hơn một tuần qua, môt bộ phận lớn nông dân Cà Mau đã phải bán tôm non, với giá rất rẻ vì không chống chọi nổi với sự biến động mạnh của môi trường. Trên toàn diện tích hơn 230.000 ha đất nuôi tôm hiện nay, hiện tượng biến đổi đột ngột về môi trường đang diễn ra mạnh mẽ, tôm nuôi nhiều địa phương đang bị chết, hoặc nổi đầu, báo hiệu triệu chứng bị sốc với tỷ lệ khá cao-ước tính trên 40%. Tại huyện Cái Nước, Đầm Dơi và một phần ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, mấy ngày qua đã xuất hiện tình trạng tôm nổi đầu và chết trên diện rộng, nhiều nông dân phải mất trắng vụ tôm này. Phần lớn nông dân hiện nay đang chấp nhận thiệt thòi bằng cách bán tôm non, với giá rẻ. Ước tính thiệt hại của những hộ bán tôm non đến 70%. Anh Phạm Trường Giang, xã Biển Bạch huyện Thới Bình mấy ngày qua đã vét hết số tôm trong đầm để bán, dù chúng chỉ mới ở cỡ trên 40 con/kg, giá chỉ 58.000 đồng/kg. Anh bảo: “Tôi đã cố gắng hết khả năng để chữa trị hiện tượng phát sáng của nước trong vuông tôm của mình. Tốn hết 800 ngàn đồng tiền mua các loại thuốc để trị, nhưng cũng chỉ hoài công. Tôi quyết định bắt tôm non bán. Đã bán trên 100kg nhưng chỉ được hơn 3 triệu đồng”. Khó khăn hơn, hộ ông Nguyễn Thanh Tâm, ấp Kinh 11, xã Biển Bạch huyện Thới Bình, đã bán đi gần 1 tấn tôm non, cỡ 90 con/kg. Số tiền thu được chỉ 28 triệu đồng, thay vì nếu nuôi được đến đúng lứa, ông sẽ bán được ít nhất là 90 triệu đồng…

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Ngành thủy sản các địa phương cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt trên diện rộng như hiện nay. Trước nhất là điều kiện môi trường, thời tiết năm nay diễn biến không thuận lợi. Từ trước Tết Nguyên đán không khí lạnh kéo dài đến tháng 2, rồi nắng nóng gay gắt làm cho độ mặn của nước không ngừng tăng cao có khi đến hơn 28 phần ngàn... Rồi hiện tại mưa nắng thất thường, làm môi trường nước bị đảo lộn liên tục. Tôm khó có khả năng chống chịu với điều kiện môi trường như thế. Nhưng có chuyện này là vì nông dân con thả nuôi sớm, không theo khuyến cáo và lịch thời vụ của ngành chuyên môn. Theo đó vụ nuôi tôm chính vào cuối tháng tư đến tháng 9 hàng năm nhưng từ tháng 2, tháng 3 bà con nông dân đã thả tôm hàng loạt.

Con giống chất lượng kém, mang mầm bệnh, ngành chức năng không quản lý, kiểm tra nổi lượng tôm giống vào địa phương mình là điều đáng lo ngại nhất. Kỹ sư Lâm Minh Thế, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh thừa nhận: Chất lượng tôm giống cung cấp cho dân từ đầu vụ không được đảm bảo. Qua kiểm tra ở các trại sản xuất, tại chốt kiểm dịch và phòng PCR trên địa bàn thì tỷ lệ tôm giống nhiễm bệnh MBV rất cao. Trong khi đó 90% số hộ dân thả nuôi con tôm sú không qua xét nghiệm. Tại Sóc Trăng, qua xét nghiệm PCR có từ 50% đến 75% số mẫu bị nhiễm bệnh. Ông Dương Tấn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Toàn tỉnh chỉ có 2 máy xét nghiệm PCR, trong khi đó, hàng ngày có hàng trăm ngàn con tôm post nhập tỉnh. Nên khả năng nguồn con giống kém chất lượng được bán trên thị trường là điều không thể tránh khỏi. Ở Cà Mau, những lúc đông ken, người dân cần khoảng 1 tỉ con giống nhưng các trại giống chỉ đáp ứng 20% số lượng con giống chất lượng cao. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở khắp các tỉnh có nuôi tôm sú như Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An…

Mặt khác, trong vụ tôm năm 2005 này, ở một vài địa phương, các ngân hàng tín dụng hạn chế nguồn vốn cho vay đối với các hộ nuôi, nhất là các hộ còn nợ từ các vụ tôm thất thu trước. Nông dân Thạch Dương ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên cho biết: Năm rồi hộ ông còn vay được 30 triệu đồng. Năm nay, chỉ vay được 10 triệu đồng, số tiền này không đủ để cải tạo ao chứ đừng nói chi đầu tư vào việc thả con giống có chất lượng. Từ việc thiếu vốn nhiều nông dân đành chấp nhận rủi ro, mua con giống trôi nổi giá rẻ về thả nuôi… Để giúp dân khắc phục thiệt hại tái sản xuất, theo bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT huyện Duyên Hải, thì Ngân hàng huyện không “đóng cổng” mà vẫn chủ trương cho dân tiếp tục vay vốn để nuôi tôm. Bởi lẽ đối với người dân Duyên Hải không nuôi tôm thì không thể hoàn trả nợ vay từ tôm…

Cần GIẢI PHÁP đồng bộ, tích cực…

Theo dự báo tại ĐBSCL, môi trường sẽ còn tiếp tục biến động ít nhất một, hai tuần nữa. Các biến động có khả năng xảy ra như giảm mạnh độ pH, nước bị đục và phân tầng về độ mặn và cả nhiệt độ, ôxy khuếch tán xuống tầng đáy thấp, làm tôm nuôi thiếu ôxy hô hấp, độ mặn biến động mạnh… dễ dẫn đến khả năng tôm nuôi bị chết hàng loạt với tỷ lệ cao hơn hiện nay.

Để hạn chế tình trạng tôm chết, ông Dương Tấn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến ngư Sóc Trăng khuyến cáo: Các diện tích đã bị thiệt hại, người nuôi phải cải tạo lại ao nuôi, ít nhất sau một tháng cải tạo ao mới có thể tiếp tục thả giống cho đợt mới. Trong trường hợp bị dịch bệnh nặng, người nuôi phải xử lý hóa chất diệt mầm bệnh trước khi thải nước ra bên ngoài, tránh tình trạng lây lan ra môi trường. Đối với diện tích đã và đang chuẩn bị thả nuôi, người dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết, tuân thủ theo đúng các khuyến cáo của ngành thủy sản (lịch thời vụ, các biện pháp kỹ thuật…). Đặc biệt, đối với những diện tích chưa thả nuôi, người nuôi cần nắm sát, nắm kỹ những thông tin về mức độ thiệt hại của những vùng lân cận để có những biện pháp chủ động thích hợp trước những rủi ro có thể xảy ra cho một mùa vụ mới. Biện pháp được nhiều địa phương triển khai thực hiện là tăng cường mở thêm nhiều các lớp tập huấn khuyến ngư đến với người nuôi tôm.

Dù có nhiều bất trắc đầu vụ nhưng mùa vụ nuôi tôm năm 2005 vẫn còn dài. Nhà nước và doanh nghiệp đang tập trung giải quyết vấn đề đầu ra cho tôm xuất khẩu. Chẳng lẽ để nông dân trắng tay bỏ vuông hay chạy vạy nợ nần bên ngoài để rồi thành quả phần lớn rơi vào tay những đối tượng cho vay nặng lãi, cơ hội? Thiết nghĩ, đã xác định nuôi tôm là thế mạnh kinh tế thủy sản, ngay từ bây giờ các địa phương đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật, mở rộng trại ương giống… để đảm bảo đủ nguồn giống chất lượng cao cung cấp cho nông dân. Mặt khác cần xem xét điều chỉnh chính sách đầu tư vốn, hỗ trợ, thông tin, huấn luyện kỹ thuật nuôi đến nông dân. Đồng thời có biện pháp mạnh đối với những trường hợp không tuân thủ lịch thời vụ, khuyến cáo của cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng xảy ra dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước, lây lan trên diện rộng…

PHÚC SƠN-TRẦN VŨ-THANH LONG


Đồng Tháp: Phấn đấu 10.000 ha mặt nước nuôi tôm càng xanh

Nguồn tin: BCT, 276/5/2005
Ngày cập nhật: 27/5/2005

Hiện nay, ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, thay vì xuống giống tiếp vụ hè thu nhưng nhiều nông dân trong tỉnh ĐT đã san ủi mặt ruộng và lên đê bao lửng để thả tôm giống. Sau thời gian kéo dài 6 tháng, gói gọn trong mùa nước, đến khi thu hoạch cũng là lúc nước lũ rút cạn thì bà con trở lại gieo sạ vụ đông xuân. Theo tính toán của nhiều hộ nuôi, mỗi ha mặt nước thả nuôi tôm càng xanh, bà con chỉ cần đầu tư vốn khoảng 60 triệu đồng, cuối vụ thu hoạch khoảng 1 tấn tôm, sau khi trừ chi phí mức lãi thấp nhất cũng được 20 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng lúa hè thu. Do lợi nhuận khá hấp dẫn nên hiện tại toàn tỉnh đã có khoảng 60 ha thả nuôi tôm càng xanh theo mô hình 1 vụ lúa 1 vụ tôm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2010 sẽ đạt diện tích 10.000 ha mặt nước nuôi tôm càng xanh trên chân ruộng ngập lũ.

TRANG NHÃ

 


Giá cá tra nguyên liệu đã nhích lên

Nguồn tin: Vasep, 26/5/2005
Ngày cập nhật: 27/5/2005

 


Chuyện buồn của những người nông dân nuôi cá: 2 năm có đền 3 lần giảm giá

Nguồn tin: WAG, 25/5/2005
Ngày cập nhật: 27/5/2005

 


Ngư dân và doanh nghiệp mỗi người một hướng nhìn

Nguồn tin: WAG, 256/5/2005
Ngày cập nhật: 27/5/2005

 


Hỗ trợ 6 tỷ đồng vốn Chương trình phát triển thuỷ sản cho tỉnh Phú Yên

Nguồn tin: PY, 25/5/2005
Ngày cập nhật: 27/5/2005

Trung ương đã có Quyết định hỗ trợ 6 tỷ đồng vốn Chương trình phát triển thuỷ sản cho tỉnh Phú Yên đầu tư vào các dự án hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản năm 2005.

Theo đó, các huyện Tuy An, Tuy Hoà, Sông Cầu tiếp nhận nguồn vốn trên để xây dựng mặt bằng ao hồ, hệ thống cấp, thoát nước, đường nội bộ ở các vùng tôm công nghiệp Bàn Thạch, khu sản xuất giống Xuân Hải, vùng tôm công nghiệp Bắc Sông Cầu, vùng nuôi trồng thuỷ sản đầm Ô Loan.

(Theo N.Lưu, báo Phú Yên 1827)

 


Khi cá ngoại tràn ngập chợ nội!

Nguồn tin: BCT, 24/5/2005
Ngày cập nhật: 26/5/2005

 

 


Bến Tre: Sản xuất thành công giống cua biển nhân tạo

Nguồn tin: BCT, 25/5/2005
Ngày cập nhật: 26/5/2005

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Trung tâm Khuyến ngư Bến Tre đã sản xuất thành công giống cua biển nhân tạo tại Trại thực nghiệm sản xuất giống Cadet (huyện Bình Đại). Sau khi mua cua về, trung tâm đã nghiên cứu cho cua đẻ và sử dụng 1/2 số lượng trứng của cua. Trung tâm đã cho ra mẻ ươm đầu tiên với 50.000 con cua bột và tỷ lệ sống đạt từ 8 – 10%. Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thì tỷ lệ này là khá cao. Với việc sản xuất thành công giống cua biển nhân tạo sẽ mở ra một triển vọng cho nghề nuôi cua biển xuất khẩu ở Bến Tre trong tương lai. Dự kiến tháng 6 –7 năm 2005 Trung tâm Khuyến ngư Bến Tre sẽ triển khai chương trình nuôi cua ra dân.

CAO DƯƠNG

 


Thốt Nốt: Cá chết hàng loạt ở nhiều bè nuôi

Nguồn tin: BCT, 26/5/2005
Ngày cập nhật: 26/5/2005

Vài ngày qua tại một số bè nuôi cá ở huyện Thốt Nốt đã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Cần Thơ đã thành lập đoàn cán bộ đến tận nơi để lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời phối hợp với Trung tâm Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thú y thủy sản, Trung tâm Kỹ thuật-ứng dụng công nghệ TP Cần Thơ nghiên cứu mẫu nước tại nơi cá chết để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, hiện tượng cá chết hàng loạt có thể là do môi trường nước bị ô nhiễm.

THANH NHỊ


Bảo vệ nguồn lợi cá đồng

Nguồn tin: SGGP, 25/5/2005
Ngày cập nhật: 26/5/2005

Trong lúc thế giới lên tiếng cảnh báo về sản lượng thủy sản trong tự nhiên đã sụt giảm 90% so với 20 năm trước thì ở ĐBSCL – nơi có 72.000km sông rạch chằng chịt – đang mất đi nhiều loại thủy sản quý và cạn kiệt nguồn cá nước ngọt. Sự cạn kiệt ấy không phải do dân số tăng lên đến mức cung không đủ cầu mà do con người phá hoại nguồn thực phẩm dồi dào do thiên nhiên ban tặng. Có thể nói không ngoa, người ta đã giết và vất bỏ 1 vạn con cá và chỉ đem về 1 con làm thực phẩm!

Khi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào mùa mưa thì lũ cá đồng hiền lành bắt đầu bị truy sát bởi một đội ngũ “lùng diệt” đông đảo, táo tợn và… chuyên nghiệp! Vào mùa mưa (tháng 4 Âm lịch), lũ cá đồng rủ nhau vào ruộng, mương rạch, ao, hồ… để sinh sản. Bà con miệt sông nước ĐBSCL đẩy mạnh việc giăng lưới, cắm câu, đặt lợp, nhắp cá…

Đánh bắt cá con ở Cờ Đỏ - Cần Thơ.

Hàng mấy trăm năm nay khi đất phương Nam có cư dân thì “chuyện thường mùa” đều như vậy. Nhưng cách nay trên 30 năm, người dân xứ này có ý thức rất cao trong việc đánh bắt thủy sản. Nếu cây tre không bị lấy măng trong mùa hạn để tre không kiệt sức thì cá đồng không bị tàn sát vào mùa sinh sản.

Những nhân viên bảo vệ nguồn lợi thủy sản chế độ cũ phạt không nương tay những ai bắt cá đang ôm trứng, bắt cá ròng ròng (cá lóc con), dùng lưới dày bắt không cho tôm cá nhỏ thoát thân. Trước hết, không cần nói một câu, họ tịch thu cá bố mẹ, cá ròng ròng, đổ xuống sông, kinh rạch công khai rồi tiến hành “phạt cho khiếp vía”. Còn bây giờ, điệp khúc “thông cảm” triền miên!

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì khó chứ hủy diệt thì có trăm phương nghìn cách! Bắt cá bằng điện, bằng lưới dày, nhắp rìu bằng mồi vịt con, nhái… túm cổ cá bố mẹ. Sự truy sát “toàn diện” đến mức giết cá ôm trứng, giết cá bố mẹ bảo vệ các con khỏi cá dữ, bắt luôn cả bầy ròng ròng con. Tận diệt như thế, sản lượng thủy sản ĐBSCL hụt đi đến 90% trong 30 năm qua. Cá cháy tuyệt tích giang hồ, nhiều thứ cá ngon như cá dầy, bống thẻ, sặt rằn… mới ngày nào bây giờ hiếm hoi.

Ở chợ Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang) mùa này thấy người ta bán cá ròng ròng (cá lóc con) đã sợ nay lại thấy cá gì bé xíu không ra trê trắng chẳng giống trê vàng, hỏi ra: “cá ngác”! Trời đất! Một con cá ngác trưởng thành cân nặng 5 kg là thường, giá 50.000đ/kg. 100gr cá ngác con (3.000đ) kho tiêu không ngon lành gì mà đánh mất 100 con x 5kg = 500kg = mất 25 triệu đồng!

Ở Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang), đội quân lùng diệt cá đồng được trang bị thùng trữ lạnh, dụng cụ săn bắt cá bằng điện hiện đại, bảo đảm “nhúng” vũ khí xuống nước là tê liệt tôm cá trong diện rộng. Bọn chúng ngang dọc trong Tứ giác Long Xuyên mênh mông, không giấy tờ lận lưng, không biết thực sự đến từ đâu!

Với chủ trang trại thì lên giọng đe dọa, với lực lượng tuần tra thì hạ giọng than nghèo kể khổ. Từ tháng tư đến tháng chín hết mùa nước nổi, Tứ giác Long Xuyên vốn là nơi thu hút nguồn cá nước ngọt từ sông Mekong về để hào phóng chia sẻ cho mọi miền sông Hậu thì nay bị diệt từ gốc!

“Chuyện cá tép” không thể coi là chuyện nhỏ vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 17 triệu người ĐBSCL, đến cân bằng môi sinh… và cả niềm tự hào của vùng văn minh sông nước ĐBSCL. Người nghèo thực sự, mưu sinh bằng nghề giăng lưới, cắm câu cần được hỗ trợ để thoát nghèo; người ngoan cố truy sát cá đồng cần phải được nghiêm trị. Cá tép không biết nói năng nhưng nguy cơ hủy diệt nguồn lợi thủy sản thì đang từng ngày kêu cứu.

NGUYỄN THỊ KỲ – HOÀNG LÊ

 


Điêu đứng con tôm!

Nguồn tin: SGGP, 26/5/2005
Ngày cập nhật: 26/5/2005

Chưa bao giờ con tôm lại đứng trước tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” như hiện nay. Hạn hán và xâm mặn làm thiệt hại trên diện rộng chưa khắc phục xong thì thị trường xuất khẩu gặp trở ngại, kèm theo đó là nỗi lo tôm nguyên liệu “rớt giá” thê thảm nhất từ trước đến nay… Vụ tôm 2005 vừa khởi động đã chứa đựng nhiều rủi ro bất lợi.

* ĐBSCL: Doanh nghiệp và nông dân cùng... kêu trời!

Tại ba xã Hòa Tú 1, Gia Hòa 1 và Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nhiều nông dân chưa hết bàng hoàng trước tình trạng tôm chết kéo dài nhiều ngày qua. Ông Nguyễn Văn Hào, hơn chục năm trong nghề nuôi tôm lo lắng nói: “Mới vào vụ nhưng gặp trục trặc liên miên, lúc đầu nắng hạn gay gắt làm tôm chết tràn lan, rồi xâm mặn dữ dội tôm không chịu được, bây giờ mưa xuống cũng chưa thấy khả quan.

Nhiều năm sống chung với con tôm chưa lần nào thấy nó “trở chứng” khó hiểu như vậy”. Vụ tôm năm ngoái, ông Hào thả 370 ngàn con giống, chưa đến kỳ thu hoạch thì dịch bệnh ập đến làm chết toàn bộ, mất trắng 62 triệu đồng. Năm nay, ông cải tạo 6 hầm lớn thả nuôi khoảng 250 ngàn con giống. Tuy nhiên, đến nay chỉ thả được 2 hầm, 4 hầm còn lại mặc dù có giống nhưng chưa dám nuôi vì sợ… thiệt hại.

Không riêng gì ông Hào, nhiều hộ khác ở Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Cái Nước, Đầm Dơi (Cà Mau); Vĩnh Lợi, Phước Long, Đông Hải (Bạc Liêu); Duyên Hải, Cầu Ngang (Trà Vinh); Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre)… cũng bị thiệt hại nặng do tôm chết hàng loạt.

Ông Ngô Văn Hùng, một “đại gia” nuôi tôm thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm ở Thạnh Phước (Bình Đại, Bến Tre) trăn trở: “Năm nay người nuôi tôm sẽ gặp bất lợi “kép”. Ngoài dịch bệnh đe dọa thì hiện nay giá tôm rớt thê thảm và rất khó bán. Điều đó cho thấy nguy cơ thua lỗ là khó tránh khỏi”.

Đồng cảnh ngộ với người nuôi, ông Ngô Văn Nga, Giám đốc Công ty Thủy sản Quốc Việt (Cà Mau) thừa nhận: “Tình hình xuất khẩu mặt hàng tôm càng lúc khó khăn hơn. Trong 4 tháng đầu năm 2005, chúng tôi cố gắng lắm chỉ xuất được hơn 1.366 tấn tôm thành phẩm, trị giá 10,5 triệu USD. Như vậy, muốn đạt kế hoạch cả năm 41 triệu USD thật không dễ chút nào”.

Điều đáng nói là hiện nay Quốc Việt và nhiều doanh nghiệp khác phần lớn xuất “ hàng cũ” tồn đọng. Trong khi tôm mới thu mua vẫn phải trữ lại nằm đó vì chưa tìm được thị trường. Hiện nay, Quốc Việt đang cố gắng tìm vốn thu mua mỗi ngày 5 - 6 tấn tôm nhằm duy trì hoạt động nuôi sống 1.500 công nhân.

Trong khi một vài nhà máy chế biến khác phải giảm bớt công suất, đồng nghĩa với buộc nhiều công nhân “tạm nghỉ” do xuất khẩu gặp trở ngại. Lượng hàng tồn kho càng lớn, giá xuất quá thấp và nguy cơ lỗ nặng khiến nhiều doanh nghiệp bất an! Cần Giờ, TPHCM:

*10% tôm chết vì dịch bệnh

Trong khi đó, tại huyện Cần Giờ (TPHCM), đến thời điểm hiện nay, diện tích tôm sú bị nhiễm bệnh chết đã lên đến trên 100 ha, chiếm tỷ lệ hơn 10%. Mặc dù thời gian gần đây, người nuôi tôm ở Cần Giờ đã dần ý thức được không thể nuôi tôm sú liên tục 3 vụ/năm, vì tỷ lệ thành công ngày càng ít đi, do vấn đề môi trường, con giống và giá cả.

Nhưng không có nghĩa việc tôm chết hàng loạt ở Cần Giờ đã được giải quyết tận gốc. Những hạn chế cũ về nguồn nước, con giống, môi trường ở Cần Giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Có thể nói, dù TPHCM và huyện Cần Giờ đã có nhiều cố gắng trong việc hạn chế rủi ro cho người nuôi, như bắt đầu xác định thời vụ nuôi từng khu vực, xây dựng thêm trạm kiểm dịch ở An Nghĩa, lấy mẫu chất lượng nước định kỳ để thông báo cho người nuôi chủ động, nhưng do hệ thống hạ tầng nuôi tôm chưa hoàn chỉnh, cụ thể là công trình thủy lợi cho nuôi tôm và tính cộng đồng của người nuôi chưa được đồng bộ.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, 39 công trình thủy lợi của huyện phục vụ chuyển đổi (từ lúa sang tôm) không thể thực hiện hoặc thi công chưa hoàn chỉnh do vướng mắc đền bù, giải tỏa nên chưa có thể phát huy tác dụng như mong muốn. Lúc đầu, diện tích tôm chết tập trung nhiều ở mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa hoặc ruộng muối. Do ít vốn, người nuôi hầu hết không có ao trữ lắng, con giống kém chất lượng nên dễ nhiễm bệnh và chết hàng loạt khi môi trường thay đổi.

Và do không có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, bà con âm thầm xả nước trực tiếp ra sông rạch, hộ nuôi xung quanh bị nhiễm bệnh theo do không biết, lấy nước từ nguồn ô nhiễm này. Diện tích nuôi theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp những năm trước, tỷ lệ nhiễm bệnh ít hơn so với hình thức nuôi tôm ruộng lúa hoặc ruộng muối, do có ao trữ lắng qua xử lý, nhưng rồi diện tích nuôi công nghiệp bị nhiễm và chết cũng tăng lên. Không ít trường hợp các “đại gia” phải bỏ của chạy lấy người.

Theo ông Nguyễn Văn Bảnh, ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, một trong những người nuôi tôm đầu tiên và thành công của TP, tôm chết hàng loạt không chỉ do môi trường xung quanh bị nhiễm bệnh vì chưa có hệ thống thủy lợi, mà còn do ô nhiễm ngay tại các ao nuôi. Nuôi tôm công nghiệp nếu không xử lý ao nuôi triệt để, nhất là những ao nuôi đã qua nhiều vụ, nhiều năm cũng sẽ làm tôm chết hàng loạt, dù con giống đã được qua kiểm dịch chặt chẽ và nguồn nước đã qua xử lý.

Chính vì vậy, vụ nuôi này, để hạn chế đến mức thấp nhất, ông Bảnh không chỉ xử lý triệt để ao nuôi mà còn mở rộng diện tích ao lắng, giảm mật độ nuôi từ 40 con – 50 con/m2 xuống còn khoảng 20 con – 25 con/m2. Do vậy, vào vụ nuôi chính năm nay, người nuôi tôm Cần Giờ phập phồng, không chỉ lo dịch bệnh làm tôm chết mà lo nhất là chi phí đầu vào tăng lên, giá cả lại giảm xuống.

* Khó khăn từ nhiều phía

Khoảng 3 tuần nay, tôm nguyên liệu liên tục rớt giá. Hiện tại, các nhà máy chế biến thu mua tôm loại 20 con/kg với giá khoảng 120.000đ/kg; tôm 30 con giá 80.000đ/kg; loại 40 con giá 60.000đ - 70.000đ/kg… bình quân giảm 10.000 - 20.000đ/kg so những tháng đầu năm. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khó khăn càng lúc đè nặng kể từ khi Hải quan Mỹ ban hành qui chế về đóng phí bond (bảo lãnh thanh toán), áp dụng đầu tháng 3-2005 đến nay.

Theo ước tính kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm vào thị trường Mỹ năm ngoái gần 400 triệu USD, như vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng phí bond khoảng 20 triệu USD/năm và đóng trong 3 năm là 60 triệu USD (sau đó mới được tính lại). Hầu hết doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vốn liếng không dồi dào, nên gặp trở ngại lớn trong việc mua bond. Điều đó đồng nghĩa với “ngậm bồ hòn” vào thị trường Mỹ.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch VASEP nói: “Xuất khẩu vào Mỹ gặp trở ngại trong lúc thị trường Nhật cũng ngưng trệ do họ chưa vào thời điểm tiêu thụ. Trong khi chúng ta đang bối rối đầu ra thì một số nước xung quanh tiến hành nuôi rải vụ và họ có lượng tôm rất đều như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia… Đây là điều bất ngờ nằm ngoài dự tính của ta.

Song song đó, một số nước không chịu thuế của Mỹ qui định, họ đã bán tôm ra bên ngoài với giá thấp hơn ta khoảng 1 USD/kg… đẩy các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam vào tình cảnh rối bời như canh hẹ…”. Đầu ra bị ách tắc, giá xuất giảm đã kéo giá tôm nguyên liệu trong nước giảm theo.

Tại Bến Tre, bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Thủy sản cảnh báo: “Môi trường nuôi đang bị ô nhiễm nhiều, nguồn tôm giống năm nay qua xét nghiệm bị nhiễm bệnh đốm trắng rất cao, do đó chủ quan sẽ phải trả giá đắt. Chúng tôi khuyến cáo bà con phải tuân thủ lịch thời vụ, các diện tích nuôi bắt buộc phải có ao lắng, ao chứa bùn, xử lý nước thải, quan trắc thường xuyên môi trường nước ở các khu nuôi công nghiệp tập trung để xử lý kịp thời. Nghiêm cấm việc thải ra bên ngoài nguồn nước mang mầm bệnh…”.

Tỉnh Sóc Trăng đề nghị người nuôi tiến hành thả rải vụ nhằm tránh tình trạng thu hoạch đồng loạt cùng lúc, dẫn đến dư thừa nguyên liệu khó tiêu thụ. Hiện tại, nhiều nông dân và cả doanh nghiệp đều “than như bọng” khi một số ngân hàng ra tay “cắt vốn”, hạn chế đầu tư vào con tôm vì sợ rủi ro. Ông Ngô Văn Nga, Giám đốc Công ty Thủy sản Quốc Việt bức xúc: “Chúng tôi cần khoảng 120 tỷ đồng để mua tôm giúp bà con trong thời điểm khó khăn, tuy nhiên ngân hàng chỉ giải ngân khoảng 50%. Thiếu vốn, nên mọi việc đành chịu…”.

Còn 2 tháng nữa, các tỉnh ĐBSCL sẽ vào vụ thu hoạch tôm. Lúc này sản lượng sẽ dồi dào nhưng thị trường xuất khẩu vẫn u ám chưa hứa hẹn điều gì.

HUỲNH LỢI - CÔNG PHIÊN


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang