• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Không có chuyện chào bán giá thấp rồi ép người nuôi cá!

Nguồn tin: NLD, 19/05/2005
Ngày cập nhật: 19/5/2005

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Không có chuyện chào bán giá thấp rồi ép người nuôi cá

Sau khi Báo NLĐ số ra ngày 18-5-2005 đăng chuyên đề “Cá tra, cá ba sa rớt giá thê thảm: Dân kêu trời, doanh nghiệp kể khổ”, chúng tôi có cuộc trao đổi với người có trách nhiệm của VASEP

. Phóng viên: Thưa tiến sĩ, thông tin về các doanh nghiệp (DN) ép giá người nuôi cá, làm giá cá tra, ba sa rớt thê thảm trong những ngày qua, chắc VASEP đã biết?

- Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng: VASEP đã biết khi Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA) gởi bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Tại thời điểm này, chúng tôi không muốn bình luận gì về vấn đề này, bởi rất dễ trở thành sự “cãi nhau” trên báo chí. Để giải quyết được những thắc mắc, phải có sự gặp gỡ trực tiếp giữa các bên, mà cụ thể là ngày 23-5 này, Bộ trưởng Thủy sản sẽ có cuộc họp tại phía Nam để giải quyết vấn đề này.

. Theo như phản ánh của AFA, việc giá cá giảm là do các DN cạnh tranh nhau bằng cách chào giá bán thấp, sau đó quay lại ép người nuôi cá, trong đó có những DN lớn là thành viên hoặc lãnh đạo của VASEP. Sự thật vấn đề này như thế nào?

- Khổ quá, làm gì có chuyện chào giá bán thấp để cạnh tranh nhau giữa các DN. Tại Hội chợ Thủy sản quốc tế ở Bỉ mới đây, trước khi các DN chào giá để ký hợp đồng, Bộ Thủy sản và VASEP đã tổ chức cuộc họp ngay tại hội chợ để các DN tự thảo luận và bàn một giá bán thống nhất. Cuối cùng, các DN biểu quyết thống nhất mức giá sàn là 2,9 USD/kg.

. Thế nhưng tại sao lại có DN bán với giá chỉ có 2,6 USD/kg. Như vậy có phải là “phá giá”, thưa tiến sĩ?

- Đúng là có DN chào giá bán 2,65 USD/kg, nhưng đừng nhầm lẫn đây là sự kéo giá xuống để bán hàng, sau đó ép giá nguyên liệu trong nước xuống, mà cụ thể là ép giá người nuôi cá, để đỗ lỗi cho DN. Bởi tôi nói giá sàn các DN biểu quyết đưa ra 2,9 USD/kg là dành cho các sản phẩm phi lê loại 1, nghĩa là loại cá thịt trắng và không có lẫn lộn nước đá. Còn các DN chào giá bán 2,6 - 2,65 USD/kg là loại sản phẩm phi lê cấp khác, với giá bán này nếu tính ra còn hiệu quả hơn so với phi lê loại 1 vì trong đó có lẫn đến 15% nước đá. Tôi khẳng định lại rằng, không có việc một số DN xuất khẩu lớn tự giảm giá bán, buộc các DN khác phải giảm giá theo, tạo ra mặt bằng giá mới thấp hơn từ 10% - 15%, làm ảnh hưởng giá cá trong nước như phản ánh.

. Sự khẳng định của tiến sĩ liệu có thuyết phục trong khi giá thu mua cá của các DN trong nước đang giảm thê thảm?

- Đúng là có sự rớt giá, nhưng đó chỉ là những bè cá không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, như thịt vàng, có sử dụng kháng sinh... Còn những bè cá đủ tiêu chuẩn, trong vài ngày qua, giá đang nhích lên. Mới chiều nay (18-5), qua trao đổi với các DN, tôi biết được giá đã nhích lên trên 11.000 đồng/kg. Ở đây, tôi cũng lưu ý rằng sau hội chợ tại Bỉ, có nhiều DN đã ký được hợp đồng với giá trên 3 USD/kg. Điều này chứng tỏ vấn đề xuất khẩu hiện nay không chỉ còn luẩn quẩn giữa DN chế biến với người nuôi mà còn ảnh hưởng đến yếu tố nhu cầu thị trường. Chưa kể quy định đóng tiền ký quỹ trước khi nhập khẩu của hải quan Mỹ cũng phần nào tác động đến tình hình thu mua, chế biến và xuất khẩu của DN.

. Hiện tại, vấn đề được nhiều người quan tâm là vai trò của VASEP trong việc hỗ trợ người nuôi cá trước tình hình khó khăn về giá cả. Về việc này AFA cũng đã có phản ánh là VASEP hoàn toàn không có trách nhiệm gì đối với người sản xuất nguyên liệu, đây là một thực trạng kéo dài nhiều năm. Tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề này?

- Nên nhớ rằng, VASEP chỉ là một tổ chức tự nguyện của các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất nhập khẩu và buôn bán thủy sản. DN là hội viên của VASEP đều hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Còn đối với người sản xuất, đã có các tổ chức khác như hiệp hội nghề cá, các câu lạc bộ người nuôi cá... Nói như thế không phải VASEP không có trách nhiệm với người sản xuất. Để lo đầu ra, ổn định giá bán cho nông dân, ngay từ tháng 12-2004, VASEP đã đề xuất cùng Bộ Thủy sản và lãnh đạo các tỉnh thành lập ban điều hành về vấn đề này. Trong đó, VASEP sẽ đứng ra thành lập một sàn giao dịch để công khai giá mua, bán cho DN và người sản xuất. Nếu cần, VASEP cũng sẽ thực hiện gia công sản phẩm cho người nuôi, sau đó bán cho ai, giá cả như thế nào là theo chỉ định của người sản xuất... Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ hạn chế và khắc phục được tình trạng người nuôi cứ nuôi, còn bán cho ai, giá cả, chất lượng sản phẩm như thế nào hoàn toàn không biết.

Lê Cường thực hiện

 


Nghêu chết hàng loạt ở ĐBSCL: Nông dân mất hàng chục tỷ đồng!

Nguồn tin: ND, 18/5/2005
Ngày cập nhật: 19/5/2005

Suốt gần một tháng qua, ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra đại dịch nghêu chết hàng loạt trên diện tích vùng nuôi rất rộng mà vẫn chưa rõ nguyên nhân. Hàng nghìn hộ nuôi nghêu đang đối mặt với nguy cơ mất trắng một mùa nghêu.

Nghêu chết... khắp nơi

Ở bãi nghêu Gò Công Đông (Tiền Giang), nhiều nông dân vẫn "bàng hoàng" chẳng biết vì sao năm nay nghêu chết nhiều đến thế. Anh Hai Mỡ - Trưởng Ban quản lý bãi nghêu Gò Công Đông than: "Hết sạch rồi, 400 ha nghêu thả hồi đầu vụ, đang phát triển rất tốt; vậy mà trong những ngày qua dịch bệnh ập đến làm chết toàn bộ 100%". Ông Sáu Mánh - người được mệnh danh là "Vua nghêu", cũng bất ngờ: "Tôi đã mấy chục năm sống cùng con nghêu, nhưng chưa bao giờ chứng kiến nạn nghêu chết nhiều như năm nay. Các quy trình nuôi từ chọn giống, thả nuôi, chăm sóc... vẫn được làm như trước đây, nhưng không hiểu vì sao nghêu vẫn chết.

Không chỉ có Tiền Giang, tại các bãi nghêu ven biển ở Bến Tre tình hình cũng tồi tệ không kém. Tại bãi nghêu Bảo Thuận và An Thủy, thuộc huyện Ba Tri (Bến Tre), hàng trăm nông dân với vẻ mặt thẫn thờ vì tình trạng nghêu chết kéo dài đến nay chưa dứt. Đi dọc theo bãi nghêu chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh nghêu chết phơi vỏ trắng xóa chạy dài khắp bãi. Thông báo của Phòng Thủy sản Ba Tri cho biết, toàn huyện có 1.650 ha nghêu thì đâu đâu cũng xảy ra chết. Chỗ nào ít nhất thì thiệt hại khoảng 40%, còn nhiều lên đến 80% ...

Tương tự như vậy, bãi nghêu ở huyện Bình Đại (Bến Tre) cũng gần như... tan hoang. Anh Trần Văn Kiểng - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nghêu Đồng Tâm, xã Thừa Đức (Bình Đại) lo âu: "Chúng tôi chưa thống kê được diện tích nghêu chết, nhưng ước tính ban đầu có hàng chục tấn nghêu thịt đang tuổi thu hoạch đã thiệt hại". Trong khi đó, ở HTX thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận) đến nay mất trắng hơn 500 tấn nghêu thịt, thiệt hại hơn 4 tỷ đồng. Hiện tại nghêu đang vào giai đoạn thu hoạch rộ, với giá ở mức cao kỷ lục - 8.500 - 10.200 đồng/kg. Do đó "đại dịch" lần này chắc chắn sẽ làm nông dân ven biển ĐBSCL mất trắng hàng chục tỷ đồng.

Vì sao nghêu chết?

Nhiều nông dân nuôi nghêu cho biết, cách nay khoảng một tháng đã thấy nghêu có biểu hiện chết rải rác. Đến giữa tháng 4 và đầu tháng 5 thì nghêu chết càng lúc càng nhiều và lan ra khắp nơi. Lúc này người dân mới thực sự hốt hoảng bởi hàng chục năm nuôi nghêu chưa bao giờ xảy ra tình trạng chết hàng loạt như thế.

Ông Nguyễn Văn Nghị - Trưởng phòng Thủy sản huyện Ba Tri (Bến Tre) bức xúc: "Chúng tôi hết sức đau lòng khi chứng kiến số nghêu chết cứ tăng từng ngày, ngay cả một số nơi bà con mất nghêu mà còn phải thuê nhân công cào vỏ nghêu đổ ra bên ngoài nhằm tránh tình trạng ô nhiễm". Anh Hai Mỡ thừa nhận: "Đã quan trắc nguồn nước, kiểm tra môi trường, nhiệt độ... nhưng đến nay chưa tìm được vì sao nghêu chết và bó tay đứng nhìn mà không có giải pháp khắc phục".

Theo nhận định ban đầu của ngành thủy sản: Năm nay, thời tiết hạn hán kéo dài, trong khi độ mặn tăng lên rất cao; ở các bãi nghêu độ mặn đến 32-34%o, có lúc trên 37%o; vượt gấp đôi độ mặn bình thường của nghêu. Đây có thể là một lý do gây bất lợi, làm nghêu chết.

Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức nhận định ban đầu, và đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức nguyên nhân nào gây ra nghêu chết; cũng chưa hề có bất cứ giải pháp khắc phục nào khuyến cáo cho nông dân. Phía Sở Thủy sản Bến Tre đã "nhờ" Viện Hải sản (Bộ Thủy sản) tiếp ứng nhưng vẫn chưa có hồi âm. Trong khi các ngành chức năng loay hoay tìm giải pháp thì những nông dân nuôi nghêu và các HTX phải "tự cứu" mình bằng cách thu hoạch nhanh những diện tích còn lại, chấp nhận bán rẻ. Hơn một tháng nay, HTX thủy sản Rạng Đông đã huy động lực lượng khai thác ngày đêm hơn 272 tấn.

Mấy năm nay, nghề nuôi nghêu đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo có được công ăn việc làm ổn định. Sản phẩm nghêu đã được quốc tế công nhận là sản phẩm "sạch". Do đó, giá nghêu trong nước và thế giới tăng cao, nghề nuôi nghêu đang trên đà phát triển mạnh. Mỏ nghêu ở ĐBSCL có tiềm năng rất lớn... Thế nhưng trước tình trạng nghêu chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi nghêu chuyên nghiệp bức xúc: Dân nuôi nghêu giống như "mù đi đêm" bởi đến nay chưa có tài liệu nào hướng dẫn quy trình nuôi, cách phòng trị bệnh... Cụ thể là hiện nay, khi nghêu xảy ra dịch bệnh chết tràn lan thì không ai biết cách ngăn chặn và khắc phục thế nào. Đây là vấn đề thiết nghĩ ngành thủy sản nên sớm vào cuộc...

Bà Trần Thị Thu Nga - Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre cho biết thêm: "Ngoài yếu tố thời tiết, thì năm nay ở các bãi nghêu xuất hiện nhiều loài tảo độc gây hôi thối. Song song đó, khi mở cửa đập Ba Lai hạ độ mặn cho các đầm tôm, đã đẩy nước ngọt ào ạt tràn vào cùng lúc, hạ độ mặn xuống đột ngột chỉ còn 6-7%o; thậm chí còn 2-3%o. Do môi trường thay đổi quá nhanh khiến nghêu bị chết nhiều hơn".

Báo Nông thôn ngày nay

 


Bài học từ Thái Lan

Nguồn tin: KTSG, 19/5/2005
Ngày cập nhật: 19/5/2005

Hiệu quả của việc nuôi tôm phải tính đến việc phát triển bền vững. Việt Nam đi sau Thái Lan trong nuôi tôm nên có thể lấy những thất bại của nông dân Thái Lan trong nghề này làm những bài học đắt giá để phát triển nghề nuôi tôm bền vững ở Việt Nam.

Học thất bại của người đi trước

Nghề nuôi tôm nước mặn, lợ với chủ lực là con tôm sú ở Việt Nam khởi động cách nay chỉ hơn chục năm nhưng phát triển đến chóng mặt. Cho đến nay, theo thống kê của Bộ Thủy sản, diện tích nuôi tôm sú trong nước xấp xỉ nửa triệu héc ta, năm ngoái đạt sản lượng 290.000 tấn và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có sản lượng tôm nước mặn, lợ đứng thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Thái Lan. Con tôm sú đóng góp 40 - 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam, khoảng 1 tỉ đô-la Mỹ.

Sau một thời gian dài khảo sát thực tế cũng như cộng tác với các nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu dịch bệnh tôm, Tiến sĩ Chalor Limsuwan, nhà nghiên cứu về bệnh thủy sản ở Đại học Tổng hợp Kasetsart, Thái Lan, đưa ra nhận xét: “Nông dân nuôi tôm Việt Nam giờ đây bắt đầu đi vào nuôi quy mô công nghiệp và cũng gặp những trở ngại như nông dân Thái Lan đã từng gặp 15 năm trước”.

Đặc điểm của phương thức nuôi tôm công nghiệp là mật độ thả nuôi dày đặc, hơn 40 con giống/mét vuông và ngày càng thâm canh cao. Và nhược điểm của cách nuôi này là tôm hay bị bệnh, môi trường nước bị ô nhiễm. Do đó người nuôi tôm Thái Lan phải quay trở lại phương thức nuôi tôm bền vững, không đầu tư ồ ạt, mật độ thả nuôi vừa phải, khoảng 25 con/mét vuông.

Tại hội nghị “Cải tiến kỹ thuật nuôi và dinh dưỡng tôm 2005” diễn ra trong hai ngày 4 và 5-5 tại TPHCM, do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II và Công ty Bayer Việt Nam tổ chức, nhiều nhà khoa học quốc tế đến từ nhiều quốc gia đều chia sẻ ý kiến này của Tiến sĩ Limsuwan.

Nuôi tôm bền vững

Cái mà nông dân Việt Nam cần học là cách nuôi tôm bền vững, sạch bệnh, không ô nhiễm môi trường. Giáo sư Claude Boyd đến từ Đại học Auburn, Mỹ, một nhà sinh thái học, cho biết hơn một thập niên qua người nuôi tôm các nước chỉ quan tâm đến công nghệ và kỹ thuật nuôi tôm sao cho đạt năng suất cao nhất, bất chấp các thiệt hại khác, trong khi đó người tiêu dùng lại đặt nặng về tiêu chuẩn dư lượng kháng sinh, hóa chất trong tôm và sản phẩm từ tôm. Mâu thuẫn này chỉ có thể giải quyết bằng việc phát triển nghề nuôi tôm bền vững, không tác động xấu đến môi trường sinh thái.

“Trong thời gian tới, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến dư lượng kháng sinh, mà còn yêu cầu các quốc gia nuôi tôm thực hiện các phương thức nuôi tôm sao cho không được tác động xấu đến môi trường sinh thái như tàn phá rừng ngập mặn, ô nhiễm các bãi cát ven biển”, ông Boyd dự báo. Ông Daniel Fegan, Chủ tịch chi nhánh châu Á-Thái Bình Dương của Hiệp hội Thủy sản thế giới (World Aquaculture Society) đưa ra lời khuyên, nông dân Việt Nam không nên phát triển đầu tư nuôi tôm công nghiệp quá nhanh bất chấp hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp nhu cầu như Thái Lan đã từng vướng phải.

“Nuôi tôm không nhất thiết phải có năng suất cao mới có hiệu quả. Hiệu quả ở đây phải tính đến việc phát triển bền vững, tức là không tốn nhiều chi phí cho xử lý môi trường, không bị dịch bệnh tràn lan, không chặt phá rừng ngập mặn” - ông Fegan nói - “và trách nhiệm phát triển nuôi tôm bền vững phải thuộc về Nhà nước và các hội nghề nghiệp”.

Tiến sĩ Limsuwan cho biết ở Thái Lan, nông dân bắt đầu áp dụng quy trình nuôi tôm “kín”, tức không lấy nước bên ngoài vào, không xả nước thải ra môi trường mà toàn bộ việc xử lý ao tôm diễn ra trong nội bộ trang trại, không hề tác động đến môi trường và dịch bệnh bên ngoài cũng không thể lây lan vào trong ao. Ông khuyên, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nên áp dụng quy trình nuôi “nửa kín”, tức một ao nuôi tôm thì có một ao có diện tích tương tự để dự trữ nước, lắng đọng cặn bã… Ông cho rằng nhiều vùng nuôi tôm ở Việt Nam đã áp dụng quy trình này nhưng còn nửa vời, do người nuôi quá tiết kiệm đất, ham sản lượng tôm nên ao lắng quá nhỏ so với ao nuôi tôm.

Thay đổi cơ cấu nuôi

Việt Nam gần như chỉ nuôi tôm sú và Bộ Thủy sản nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng tôm sú là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, mặc dù tôm thẻ chân trắng đã được du nhập vào Việt Nam gần năm năm qua nhưng gần như chỉ được phép nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, trong hội nghị nói trên, đã có những quan điểm ngược lại với Bộ Thủy sản. Ông Fegan đề nghị Việt Nam nên phát triển song song cả hai loại tôm này để hỗ trợ, bổ sung cho nhau. “Nếu chỉ sản xuất một trong hai loại tôm là tôm sú hoặc thẻ chân trắng thì rất dễ gặp rủi ro về giá cả”, ông Fegan nói.

Điểm yếu của tôm thẻ chân trắng là kích cỡ nhỏ, giá bán thấp nhưng lại dễ nuôi, năng suất cao và kích cỡ đồng đều, nguồn tôm bố mẹ được tạo thành từ tôm nuôi thương phẩm, lại được một số thị trường lớn như Mỹ ưa chuộng. Trong khi đó, đối với tôm sú, phải kiếm tôm bố mẹ ở ngoài biển nên giá tôm giống cao, năng suất thấp, kích cỡ không đồng đều nhưng có lợi thế là nuôi được kích cỡ lớn. Tôm sú có kích cỡ dưới 25 gam/con thì không cạnh tranh lại tôm thẻ chân trắng nhưng trên kích cỡ này thì không có đối thủ cạnh tranh.

Tiến sĩ Limsuwan cho biết ngoại trừ Việt Nam và Ấn Độ gần như chỉ nuôi tôm sú, Thái Lan nuôi 80% tôm thẻ chân trắng và 20% tôm sú; Indonesia là 50:50; Trung Quốc cũng tương tự và đang phát triển mạnh việc nuôi tôm thẻ chân trắng.

Hồng Văn

 


Vì sao cá ba sa giảm giá?

Nguồn tin: TT, 19/05/2005
Ngày cập nhật: 19/5/2005

Trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho rằng hiện tượng cá tra, cá ba sa rớt giá hiện nay là do một số doanh nghiệp chế biến thủy sản hạ giá xuất khẩu.

Theo bản kiến nghị, giá xuất khẩu cá tra, cá ba sa hiện nay đã giảm khoảng 10-15% so với mức giá vài tháng trước. Do giá xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp (DN) phải "đè" giá mua xuống, gây thiệt hại cho người nuôi cá. Ông Nguyễn Hữu Khánh - chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang - bức xúc cho rằng chỉ cần một vài DN giảm giá bán, các DN khác cũng buộc phải giảm giá theo và hậu quả là người nuôi cá bị thiệt hại.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng - tổng thư ký Vasep - lại cho rằng: "Đầu ra của con cá đang gặp khó khăn là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giá cá nguyên liệu và sản phẩm xuất khẩu đều giảm. Chất lượng con cá VN đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn không thể bắt kịp với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của một số thị trường cũng gây ảnh hưởng đến giá cả đầu ra...".

Ông Dũng cũng cho biết thêm ngoài VN, hiện nay một số nước như Thái Lan, Indonesia, Bangladesh... cũng bắt đầu nuôi cá tra, cá ba sa, do đó việc cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và giá cả sản phẩm sẽ rất quyết liệt. Trả lời thông tin về việc chào giá bán thấp hơn giá sàn tại hội chợ thủy sản tổ chức ở Bỉ mới đây, ông Dũng khẳng định chỉ có một DN chào giá bán 2,6 USD/kg, thấp hơn mức giá sàn đưa ra là 2,9 USD/kg.

Tuy nhiên, DN này giải thích rằng chào bán sản phẩm có chất lượng thấp trong khi giá sàn được áp dụng với sản phẩm có chất lượng cao. Ông Dũng thừa nhận một số xí nghiệp chế biến mới ra đời cũng sẵn sàng chào giá thấp hơn để giành khách hàng nhưng rất khó xử lý.

Ông Ngô Phước Hậu - tổng giám đốc Công ty Agifish - cho rằng con cá tra, cá ba sa hiện nay cũng chịu ảnh hưởng thuế chống bán phá giá và qui định đóng bond (bảo đảm thanh toán) khi xuất vào thị trường Mỹ như con tôm. Do đó, sản lượng cá tra, cá ba sa xuất khẩu vào thị trường này đã giảm mạnh, ảnh hưởng đến giá xuất khẩu không chỉ vào thị trường Mỹ mà nhiều thị trường khác.

Một nguyên nhân nữa ảnh hưởng đến giá cả con cá tra, cá ba sa, theo ông Hậu, là đến nay hoạt động nuôi cá và chế biến xuất khẩu vẫn chưa có một "nhạc trưởng" điều tiết hoạt động nuôi (chẳng hạn mở rộng diện tích, đảm bảo chất lượng...) đến hoạt động xuất khẩu (mặt bằng giá cả, chế tài...).

Theo nhiều DN, việc thành lập một ban điều hành chung cho khu vực ĐBSCL, với các chức năng điều phối hoạt động chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu... nhằm đảm bảo cho nghề nuôi cá tra, cá ba sa phát triển ổn định và bền vững là yêu cầu bức thiết hiện nay.

"Nếu có sự điều hành chung, bàn bạc các biện pháp để đảm bảo sản lượng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm đáp ứng các đòi hỏi của nhà nhập khẩu..., giá cả con cá ba sa, cá tra sẽ không lên xuống bất thường, hoạt động nuôi cá và xuất khẩu mới có thể ổn định và bền vững được” - giám đốc một DN chế biến nói.

HẢI ĐĂNG

Ông Nguyễn Hữu Khánh chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA): Đề nghị làm rõ doanh nghiệp nào bán phá giá!

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, AFA cũng đã nêu rõ những bức xúc của đông đảo bà con nuôi cá đối với hiện tượng bán phá giá của một số doanh nghiệp (DN) thành viên VASEP. Tôi cho rằng hành động đó không chỉ phá hoại sản xuất, gây thiệt hại cho nền kinh tế mà còn làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của người nông dân. Trên cơ sở đó chúng tôi đề nghị phải tổ chức kiểm tra và làm rõ DN nào đã cố tình bán phá giá, làm rõ ai đã bao che và dung túng cho các DN này đi ngược lại quyền lợi của không chỉ người nông dân mà cả những DN khác trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu. Trong thực tế hiện tượng bán phá giá không chỉ diễn ra lần đầu mà lặp đi lặp lại nhiều lần từ nhiều năm nay nhưng đã không được xử lý đến nơi đến chốn, không có biện pháp chế tài thích hợp.

Theo tôi, về lâu dài Nhà nước cần có qui hoạch định hướng không chỉ đối với con cá mà cả với con tôm, trong đó xác định rõ cái nào cần khuyến khích và cái nào cần hạn chế. Khi đã có qui hoạch, chúng ta sẽ bàn đến những biện pháp đảm bảo cho sự phát triển nghề nuôi phù hợp với năng lực chế biến, nhu cầu thị trường và cả những yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ngay từ cuối năm 2004, ngành thủy sản cũng đã bàn đến việc thành lập một ban điều hành lâm thời, bước đầu thực hiện vai trò phối hợp tổ chức nuôi, chế biến và khai thác thị trường như thế nào cho phù hợp... Tuy nhiên đến nay đề án này vẫn còn nằm trên giấy, chúng tôi chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ Bộ Thủy sản.

 


Châu Thành: Qui hoạch vùng nuôi thủy sản 994 ha

Nguồn tin: WAG, 18/5/2005
Ngày cập nhật: 19/5/2005

UBND huyện Châu Thành vừa thông qua kế hoạch phát triển vùng nuôi thủy sản đến năm 2010 là 994 ha, trong đó, diện tích nuôi cá ao hầm 464 ha, cá bãi bồi 150 ha và tôm càng xanh chân ruộng, đăng quầng 380 ha.

Năm 2005, huyện Châu Thành có tổng diện tích nuôi thủy sản 362,6 ha (cá ao hầm 230 ha, cá chân ruộng 20 ha, cá bãi bồi 55 ha và tôm chân ruộng, đăng quầng 57,4 ha). Theo kế hoạch, mỗi năm diện tích nuôi thủy sản toàn huyện sẽ phát triển khoảng 100 ha.

CAO TÂM


Nuôi vẹm xanh ở cửa đầm Ô Loan

Nguồn tin: PY, 5/18/2005
Ngày cập nhật: 19/5/2005

7 hộ ngư dân ở huyện Tuy An vừa thả nuôi 1.200kg giống vẹm xanh tại cửa đầm Ô Loan, xã An Hải. Tổng vốn đầu tư cho mô hình này trên 33 triệu đồng, trong đó UBND huyện Tuy Hoà hỗ trợ cho bà con 40% vốn. Theo Phòng NN &PTNT huyện Tuy An, vẹm xanh là loài hải sản dễ nuôi, không tiêu tốn thức ăn, lại lọc sạch được môi trường nước xung quanh, khi thu hoạch tiêu thụ dễ dàng trong tỉnh với giá tương đối cao. Phòng NN&PTNT huyện trực tiếp theo dõi và đánh giá mức độ thành công công của mô hình này để rút kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật cho bà con nuôi nhân rộng ở các vùng ven đầm ô Loan và cửa An Hải.

Nguyên Lưu, Báo Phú Yên 1824


Nuôi cá tra tự phát, nhiều nơi nguồn nước bị ô nhiễm nặng

Nguồn tin: BCT, 18/5/2005
Ngày cập nhật: 18/5/2005

Gần đây, diện tích nuôi cá tra ở 2 huyện Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh phát triển rất nhanh, tổng diện tích ao nuôi hiện đã lên đến hơn 540 ha (gấp 2 lần so với năm 2000). Nhiều hộ dân ở các địa phương này vẫn đang tiếp tục đào ao nuôi cá, nhiều nơi diện tích nuôi cá tra vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền địa phương...

Đồng chí Nguyễn Minh Toại, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Thốt Nốt, cho biết: Ngày càng có nhiều người nuôi cá tra nhưng điều đáng lo ngại là phần lớn các hộ nuôi cá đều sử dụng thức ăn tự chế, chất thải từ các ao nuôi được thải trực tiếp ra các sông, rạch không qua lắng lọc- đặc biệt là tình trạng bơm bùn đáy ao trực tiếp xuống sông- đã gây ô nhiễm môi trường nặng ở nhiều nơi.

Theo đề nghị của các cơ quan chức năng huyện Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh, thành phố cần sớm quy hoạch tổng thể vùng nuôi thủy sản, xác định rõ vùng nuôi tập trung để quy hoạch hệ thống thủy lợi, xử lý môi trường đồng bộ, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường nước do nuôi cá tra đang ngày càng lan rộng. Trước mắt, nên tăng cường đầu tư hỗ trợ việc phát triển hệ thống cung cấp nước sạch cho nhân dân ở những vùng đang bị ô nhiễm này...

T.K

 


Cá tra, basa rớt giá: Do "quân ta đánh quân mình"?

Nguồn tin: VNECONOMY, 18/05/2005
Ngày cập nhật: 18/5/2005

Hiện nay đang có tình trạng cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, basa ở Việt Nam.

Trong 15 ngày đầu tháng 5/2005, mặc dù chưa vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá cá tra, basa liên tiếp tụt dốc, xuống mức dưới giá thành sản xuất.

Mặc dù còn 2 tháng nữa mới bước vào vụ thu hoạch (tháng 7 và tháng 8 bắt đầu thu hoạch) nhưng giá cá tra, basa đã rớt mạnh, khi vào thời điểm thu hoạch rộ (cuối năm 2005 và đầu năm 2006) giá sẽ còn rớt thê thảm đe dọa phá sản hàng loạt hộ nuôi cá.

Trong khi đó, năm nay giá đầu vào tăng mạnh làm cho giá thành nuôi cá tăng theo, nhất là nuôi bè trên sông. Theo tính toán của các hộ nuôi cá basa, nuôi bè ở thị xã Long Xuyên, giá thành nuôi cá tra, basa vụ năm nay cao hơn vụ trước khoảng 1.500-2.000 đồng/kg, lên 10.500-11.000 đồng/kg do giá thức ăn, cá giống, chi phí vận chuyển và nguyên liệu đầu vào như thép làm bè, xăng dầu... tăng khoảng 20-25% so vụ trước. Giá cá tra giống đầu vụ năm nay đã tăng từ 400 đồng lên 500 đồng/con.

Mặt khác, vốn đầu tư để nuôi cá khá lớn, trung bình mỗi hộ nuôi cần từ 300-600 triệu đồng cho một vụ nuôi, chưa kể vốn đầu tư ban đầu để đóng bè và đào ao, hầm nhưng các ngân hàng lại cho vay rất dè dặt mặc dù họ đã tăng lãi suất cho vay thêm 0,1- 0,15%/tháng, lên mức 1,1-1,2%/tháng (vay thời hạn dưới 1 năm).

Như vậy, mức giá cá tra, basa hiện nay đã xuống dưới giá thành sản xuất của nhiều hộ nuôi cá.

Trước tình trạng cá tra, basa ở ĐBSCL rớt giá liên tục làm cho hàng ngàn hộ nuôi cá bị lỗ, tuần đầu tháng 5/2005, Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang (tỉnh có sản lượng cá tra, basa lớn nhất Việt Nam) đã gửi văn bản lên Thủ tướng kiến nghị có biện pháp can thiệp để bình ổn giá cá tra, basa ở ĐBSCL.

Theo Hiệp hội, hiện nay đang có tình trạng cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, basa ở Việt Nam. Tại những hội chợ thủy sản diễn ra ở Brussels (Bỉ) đều có doanh nghiệp Việt Nam chào bán theo kiểu hạ giá.

Mới đây nhất, tại hội chợ thủy sản thường niên ở Brussels (tổ chức cuối tháng 4/2005), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ ký kết hợp đồng xuất khẩu cá tra, basa phi lê đông lạnh với đối tác nước ngoài với giá không thấp hơn 2,9 USD/kg FOB. Tuy nhiên, một doanh nghiệp lớn đã "đấm vào lưng" các doanh nghiệp nhỏ khi ký hợp đồng xuất khẩu với giá chỉ có 2,6 USD/kg FOB.

Việc mở rộng thị trường của các doanh nghiệp sau vụ kiện bán phá giá cá da trơn vào Mỹ đã được nhiều người ca ngợi như một thành tựu. Thế nhưng, mặt sau của tấm huân chương là sự sụt giá xuất khẩu ghê gớm, kéo theo giá thu mua trong nước đang rớt xuống mức báo động đỏ.

Theo thống kê giá thị trường, tháng 10/2004, giá cá tra, basa chế biến xuất khẩu tăng 30% so với cùng kỳ năm 2003, giá philê đông lạnh cá tra thịt trắng, nuôi ao hầm (loại được thị trường EU ưa chuộng nhất) xuất khẩu sang Mỹ với giá 3,8 USD/kg và xuất khẩu sang các nước EU với giá cao nhất là 4,8 USD/kg FOB cảng Sài Gòn, L/C, A/S. Mức giá xuất khẩu cá tra, basa của doanh nghiệp nói ở trên thấp hơn tới 2,2 USD so với giá tháng 10/2004 (xuất khẩu vào EU) và thấp hơn tới 1,2 USD/kg so với giá xuất khẩu vào Mỹ.

Theo VASEP, tháng 5 và 6 năm ngoái, giá cá tra, basa tăng cao lên mức kỷ lục, người nuôi cá trúng đậm nên các hộ dân ồ ạt đầu tư nuôi cá, diện tích và sản lượng cá tra, basa, nhất là cá tra ao hầm vụ năm nay phát triển rất nhanh, với tốc độ chóng mặt. Các doanh nghiệp chế biến cũng thu được lợi nhuận lớn nên họ đã tăng đầu tư lớn, mở rộng công suất và xây dựng thêm nhiều nhà máy chế biến.

Tuy nhiên, một thực tế là Việt Nam chưa có một chiến lược thị trường cho cá tra, basa và cũng chưa có những điều luật nào xử lý những doanh nghiệp "xé rào", hạ giá xuất khẩu và giá thu mua cá làm thiệt hại cho hàng vạn hộ nuôi cá ở ĐBSCL. Một nguy cơ nữa là một số nước trong khu vực như Thái Lan, Bangladesh... cũng đang đầu tư rất mạnh vào nuôi cá tra ao hầm.

Trong tương lai, nếu "quân ta vẫn tiếp tục đánh quân mình" thì các hộ nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở Thái Lan, Bangladesh sẽ mừng như bắt được vàng bởi vì họ đang phát triển nuôi cá tra theo mô hình công nghiệp chất lượng cao, giá thành rẻ, và họ sẽ "rút kinh nghiệm" từ Việt Nam, không đánh lẫn nhau, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường cá tra, basa thế giới.

Hôm qua (17/5), Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) cho biết, giá cá tra nguyên con nuôi hầm, thịt trắng, loại 1, kích cỡ 1,2-1,5 kg/con (loại nguyên liệu tốt nhất để chế biến xuất khẩu) bán tại hầm tiếp tục giảm mạnh, xuống chỉ còn 10.200-10.500 đồng/kg, giá cá tra loại 2 xuống 8.800-9.000 đồng/kg, cá tra thịt vàng còn giảm giá mạnh hơn, xuống tới 7.800-8.000 đồng/kg, giảm 2.000-2.500 đồng/kg so với mức giá cách đây hơn 2 tháng và chỉ bằng một nửa so với mức giá tháng 6/2004 (cá tra thịt trắng loại 1 giá 15.500-16.000 đồng/kg).

Hoàng Lộc

 


Cá ba sa ngắc ngứ đầu ra, giá giảm: Người nuôi cá khổ trăm bề!

Nguồn tin: TT, 18/5/2005
Ngày cập nhật: 18/5/2005

Mãi tới nay ông Phan Xuân Tánh - ấp Khánh Bình, Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang - vẫn chưa bán được cá. Ông rầu rĩ: “Nhiều con đã 1,8 kg, chật ních muốn... vỡ cả ao!”.

Ông bắt đầu kêu bán cá cách đây gần hai tháng, lúc giá đang ở mức 10.500 đồng/kg. Thế rồi giá liên tục giảm, ông đăng ký bán cá hết công ty này tới công ty nọ, đợi thương lái này tới thương lái khác mà vẫn chẳng bán được. Ông thở dài: “Họ cũng đến xem cá, bảo chất lượng đạt nhưng cứ hẹn lần hẹn lữa..., đến nay giá chỉ còn 9.000 đồng/kg!”.

Những ngày này chúng tôi đến các làng bè, vùng nuôi ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, nơi nào cũng nghe nông dân kêu than điệp khúc buồn “không bán cá được” và giá cá liên tục tụt giảm. Chị Lê Thị Tiền - Phú Thuận, Hồng Ngự, Đồng Tháp - chỉ hai ao nuôi sau nhà, buồn bã: “Bán mãi không được mình cũng vẫn phải tiếp tục nuôi, vẫn phải chạy ăn từng ngày cho nó”.

Còn tại làng bè Vĩnh Nguơn, anh Phạm Thanh Điền - ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nghề nuôi & chế biến thủy sản An Giang - nuôi ba bè cá tại đây, trong đó có một bè sản lượng 35 tấn kêu tới bốn công ty mà nay vẫn chưa ra được cá. Anh lắc đầu: “Chuyện bán cá đang vô vàn khó khăn”.

Nhiều hộ nuôi than thở rằng thường khi đăng ký bán cá, với cá nuôi ao thì phía công ty bảo đang “ăn” cá bè, với nuôi bè thì lại bảo đang tập trung mua cá ao, rồi nay bảo ăn cá kích cỡ này, mai mua kích cỡ khác... Cứ thế, mãi hẹn lần hẹn lữa. Không thể chờ đợi mãi, nhiều hộ túng quá đành kêu bán cá cho cánh thương lái chạy hàng chợ. Anh Điền than: “ Bán đổ bán tháo kiểu này mỗi ngày chỉ được chừng 5 tấn, tỉ lệ thất thoát khá cao, xưa nay ít ai dám nhưng... đành phải chịu thôi”.

Phần đông người nuôi cá tra - ba sa ở ĐBSCL đều thiếu vốn cho một chu kỳ nuôi, họ phải vay vốn ngân hàng và vay thêm bên ngoài. Chưa bán được cá, họ vẫn phải nuôi, phải chạy vạy lo thức ăn, thuốc men phòng trị bệnh... từng ngày cho cá, và họ lại phải chạy vay thêm. Nỗi lo nợ nần cứ tăng dần. Ông Tánh vừa phải vay thêm 15 triệu đồng, nhưng điều âu lo nhất của ông là món nợ 50 triệu đồng vay ngân hàng. Ông bảo ngân hàng đã gia hạn hai lần nên không thể cho gia hạn thêm, nếu như không trả kịp sẽ bị phạt mức lãi suất 1,75%/tháng. Nợ ngân hàng, nợ vay bên ngoài, rồi nợ tiền mua thức ăn, xăng dầu, thuốc men vây tứ phía! Trong khi đó thì giá cá cứ theo đà tụt giảm...

Giá mua cá nguyên liệu tận nơi 9.000 đồng/kg với loại T2, 10.500- 11.000 đồng cho loại cá T1. Cán bộ ngành nông nghiệp, Hội Nghề cá và nông dân đều khẳng định với mức giá đó người nuôi cá lỗ từ 1.000 đồng/kg. Sáng 16-5, sau hai tháng chờ đợi hộ Lương Thị Hiền mới bán được 75 tấn cá, chị bảo: “Ấy là nhờ được một thương lái quen thân giới thiệu cho, với lại cá trắng đẹp có trọng lượng tới 1,7 kg/con”.

Sau niềm vui bán được cá là nỗi buồn, tính sơ bộ chị lỗ ít nhất 50 triệu đồng. Vùng Thốt Nốt (Cần Thơ) vốn nuôi được loại cá trắng có tỉ lệ loại T1 khá cao nên dù bán được giá 11.000 đồng/kg nhưng nhiều cán bộ thủy sản tại đây cho biết muốn nuôi đạt như vậy thì chi phí thức ăn, xăng dầu bơm nước đều phải cao hơn, giá thành cũng gần 12.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Thanh Tấn ở xã Thới Thuận vừa bán một ao hơn 100 tấn, lỗ đứt 75 triệu đồng!

Thế nhưng bán cá xong lại chịu cảnh dài cổ chờ hàng tháng trời, thậm chí khoảng ba tháng mới nhận đủ tiền. Chị Nguyễn Thị Lành - chi hội trưởng Hội Nghề cá Vĩnh Nguơn (Châu Đốc) - bán 100 tấn cá bè cho Công ty TA với bản hợp đồng thanh toán trong vòng hai tuần, thế rồi sau đó chỉ được trả từng lần vài chục, thậm chí vài lần chỉ 5-7 triệu đồng và kéo dài hàng tháng. Anh Phạm Thành Quang (Hòa An, Hòa Lạc, Phú Tân) bảo: “Ba tháng chỉ trả lắt nhắt từng lần vài chục triệu đồng”. Người nuôi cá ở ĐBSCL quả là trong cơn khổ, khó khăn tứ phía!

ĐỨC VỊNH

 


Khẩn thiết đề nghị Chính phủ kiểm tra 5 vấn đề

Nguồn tin: NLĐ, 18/05/2005
Ngày cập nhật: 18/5/2005

Phóng viên: Thưa ông, được biết ông vừa gửi bản kiến nghị đến Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong đó, ông có đề cập đến thông tin một số DN VN đã tự ý bán phá giá cá tra, cá ba sa ra thị trường nước ngoài?

- Ông Nguyễn Hữu Khánh: Vào năm 2003, tôi có dịp trực tiếp nghe một nhà báo nước ngoài tại châu Âu nói: “Cứ mỗi lần hội chợ quốc tế có các DN VN tham gia thì chính họ phá giá bằng cách hạ giá để tranh giành khách hàng”. Và đúng như vậy, trong hội chợ thủy sản tại Brussells vào cuối tháng 4 vừa qua, một số DN lớn xuất khẩu cá tra, cá ba sa VN lại tự giảm giá bán (trên cùng một sản phẩm), buộc các DN khác phải hạ giá theo. Chính điều này đã tạo ra một mặt bằng giá xuất mới tại châu Âu thấp hơn giá xuất trong vài tháng trước từ 10% - 15%. Sự giảm giá này đã “đè” giá mua cá tra, cá ba sa nguyên liệu hiện nay xuống thấp hơn giá thành, làm cho phần lớn nông dân tiếp tục thua lỗ nặng và không ít người rơi vào tình trạng phá sản.

. Liệu VASEP (Hiệp hội Các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản VN) có biết việc này không, thưa ông?

- Theo tôi biết thì các vị lãnh đạo trong VASEP đã quá hiểu rõ ai trong thành viên của mình đã vi phạm và vi phạm theo hình thức nào, bao nhiêu lần... (tất nhiên Bộ Thủy sản cũng biết). Thế nhưng, họ vẫn chưa có hình thức xử lý nào, và nhất là không báo cáo đề xuất Chính phủ có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Vô tình, sự việc này tiếp tục diễn ra ngày càng trắng trợn hơn, bất chấp sự thua lỗ nặng nề của người nuôi cá.

. Vậy, trong kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, ông yêu cầu những gì?

- Tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ quan tâm và chỉ đạo kiểm tra làm rõ 5 vấn đề. Thứ nhất, kiểm tra tính chất của tổ chức VASEP hiện nay có còn là tổ chức của cộng đồng các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản hay đã biến dạng và chỉ do một số vị lãnh đạo lợi dụng, thao túng để lo cho lợi ích của một số cá nhân trong VASEP. Thứ hai, cần làm rõ trách nhiệm của VASEP (trong chừng mực nào đó có trách nhiệm của Bộ Thủy sản), xem họ có quan tâm xây dựng khối liên kết trong cộng đồng các DN hay không và có trách nhiệm gì với người nuôi cá. Thứ ba, nếu phát hiện ai đã bao che hoặc dung túng cho một số người cố tình phá tổ chức hội, đi ngược lại quyền lợi chính đáng của các DN chế biến thủy sản thì đề nghị Chính phủ phải xử lý nghiêm và có thông báo kết quả cho các địa phương biết. Thứ tư, cần sớm nghiên cứu lại cơ cấu tổ chức VASEP cho phù hợp với yêu cầu phát triển một cách đồng bộ từ con giống, nguyên liệu cho đến chế biến và tiêu thụ; đồng thời phân định rõ trách nhiệm của Bộ Thủy sản, của chính quyền địa phương và của các hội. Đặc biệt, đối với hoạt động xuất nhập khẩu của các DN, cần có biện pháp xử lý kịp thời, không nên để kéo dài tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, lấy mạnh hiếp yếu, chèn ép, triệt phá lẫn nhau, làm giảm sức mạnh của cộng đồng các DN Việt Nam. Thứ năm, đề nghị các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước, tập trung xây dựng khối liên kết (chăn nuôi- chế biến xuất khẩu), để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

. Xin cảm ơn ông!

Phạm Công thực hiện

 


Cá tra, cá ba sa rớt giá thê thảm: Dân kêu trời, doanh nghiệp “kể” khổ!

Nguồn tin: NLĐ, 18/05/2005
Ngày cập nhật: 18/5/2005

Chỉ trong vài ngày qua, giá cá tra, cá ba sa nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục rớt giá. Tính đến trung tuần tháng 5, giá hai loại cá này chỉ dao động trong khoảng từ 8.500- 11.000 đồng/kg. Đây là mức giá được xem là thấp nhất từ trước đến nay. Có mặt tại Châu Đốc (An Giang) vào sáng 17- 5, chúng tôi cảm nhận được một bầu không khí rất ảm đạm chưa từng có ở các làng bè nuôi cá tra, cá ba sa.

Nỗi buồn làng bè

Nhiều người dân cứ đứng nhìn bè cá của mình một cách đăm chiêu, tiếc rẻ. Một chủ bè tên Hòa nói như muốn khóc: “Dân làng bè chúng tôi xem con cá tra, cá ba sa như là nguồn sống gần như duy nhất của mình và đã chịu biết bao thăng trầm về giá cả trên thị trường mấy năm qua. Nhưng chưa bao giờ giá cả lại mất giá thê thảm như bây giờ”. Nói rồi, anh Hòa dẫn chúng tôi sang tham quan một chủ bè bên cạnh tên Vinh.

Mới khoảng 9 giờ sáng nhưng trên bè của ông Vinh đã có một tốp 7, 8 người đang quây quần bên chiếu nhậu. Biết chúng tôi là nhà báo, ông Vinh vẫy tay gọi: “Vào đây uống vài ly “chia buồn” cùng làng bè chúng tôi đi mấy chú nhà báo ơi!”. Uống cạn chén rượu, ông Vinh cho biết hiện bè của ông có khoảng 100 tấn cá tra đã đến ngày thu hoạch, nhưng một doanh nghiệp (DN) đến hỏi mua chỉ với mức giá 9.000 đồng/kg. Do vậy, hằng ngày ông phải bỏ ra khoảng 8 triệu đồng tiền thức ăn cho bè cá của mình với những mong “cầm cự” vài ngày chờ giá lên sẽ bán. Bởi lẽ theo ông Vinh, nếu bán với giá 9.000 đồng/kg thì coi như ông bị lỗ khoảng 500- 1.000 đồng/kg.

Không như ông Vinh, anh Hòa cho biết dù có lỗ đi nữa anh cũng phải bán để thu hồi vốn chứ không thể để bè cá vừa quá lứa, vừa phải tốn tiền thức ăn một cách phung phí. Trả lời câu hỏi vì sao giá cá tra, cá ba sa lại tuột giá như thế, anh Hòa nói rằng sau khi các DN cho người xuống lấy mẫu cá về xem, rồi quay lại trả lời bè cá đã bị nhiễm một loại hóa chất gì đó. Cho nên họ bảo rằng, nếu không bán với giá đó thì vài hôm nữa cả bè cá sẽ nhiễm hóa chất này, bán chẳng ai mua. Tương tự, anh Đặng Thanh Hùng, một chủ bè ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên) cho biết dù bị rớt giá anh cũng phải bán cho xong để tính toán đến chuyện đổi nghề. Chỉ có điều, anh Hùng cho biết thêm vào ngày 16-5, một người của xí nghiệp nọ xuống xem cá và nói rằng sẽ đến thu mua vào tuần sau. Tuy nhiên, mức giá bao nhiêu thì phải đợi khi nào toàn bộ bè cá được đem về phi-lê để xem thịt trắng hay đỏ thì xí nghiệp mới thông báo giá sau. Anh Hùng còn “thề” với chúng tôi rằng, dân làng bè ở Mỹ Hòa Hưng chưa bao giờ sử dụng một loại thuốc cấm nào để trị bệnh cho cá. Vậy mà, khi đến kỳ thu hoạch thì xí nghiệp nào cũng bảo cá đã bị dư kháng sinh, vượt quá ngưỡng cho phép!

Người ta giảm giá, tôi phải giảm theo

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Phước Hậu, cán bộ Phòng Kinh doanh Công ty TNHH XNK Thủy sản Cửu Long, khẳng định rằng không có chuyện các DN có ý định “hùa” nhau ép giá người nuôi cá. Theo ông Hậu, nguyên nhân giá cá tra, cá ba sa rớt giá là do nhu cầu cung- cầu của thị trường. Hơn nữa, trong vòng một tháng trở lại đây, thị trường châu Âu đã trở nên vô cùng khó tính với cá tra, cá ba sa của Việt Nam bằng việc đưa ra rào cản về kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn, nếu họ phát hiện lô hàng nào có lượng kháng sinh malacid green vượt quá ngưỡng cho phép (0,02%o), thì xem như DN đó sẽ “ôm” hàng về ngay. Tuy nhiên, ông Hậu cũng thừa nhận rằng mình đã có nghe qua chuyện một vài DN xuất khẩu thủy sản thuộc hàng “đại gia” ở ĐBSCL đã tự ý giảm giá cá tra, cá ba sa xuống quá mức giá sàn quy định (2,9 USD/kg) của VASEP để “câu” khách tại một kỳ hội chợ diễn ra ở Bỉ hồi cuồi tháng 4 vừa qua. Còn một lãnh đạo của một DN xuất khẩu thủy sản khá tên tuổi ở An Giang (đề nghị giấu tên) thừa nhận rằng tuy ngoài miệng thì nói là phải liên kết với nhau để cùng có lợi, nhưng thực chất các DN xuất khẩu thủy sản của ta cứ “tiêu diệt” lẫn nhau trên thương trường quốc tế. Tuy nhiên, vị này lại “tâm sự”: “Khi các DN khác thông báo giảm giá cá tra, cá ba sa thì đơn vị tôi cũng phải giảm theo. Nếu không, người ta bảo rằng mình “chảnh” thì khổ lắm các anh ạ?!”.

Ông Bửu Huy, Giám đốc XN Chế biến Thủy sản Đông lạnh Xuất khẩu thuộc Công ty Nông sản Thực phẩm An Giang:

Một số DN bán phá giá là có thật

Hiện tại cá rớt giá, chúng ta không thể đổ thừa do DN ép nông dân mà phải thấy một thực tế rằng, thị trường nước ngoài, chủ yếu là Mỹ và EU đang biến động và gặp nhiều khó khăn kể từ sau vụ kiện tranh chấp thương mại giữa Hiệp hội Các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ với các DN xuất khẩu cá tra, cá ba sa VN, thì ở thị trường Mỹ, các DN VN gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, khi các DN xuất sản phẩm vào Mỹ phải chịu mức thuế từ 36% - 63% (tùy theo từng DN); đồng thời phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng kháng sinh do Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (USFDA) thực hiện. Đối với thị trường EU thì Cơ quan An toàn Vệ sinh thực phẩm của Ủy ban Liên minh châu Âu cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn để kiểm tra dư lượng kháng sinh và các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Còn về phía người nuôi thì cũng cần xem xét lại vấn đề chất lượng sản phẩm. Hiện tại cá tốt còn rất ít, đa phần là cá không đạt tiêu chuẩn về chế biến. Đối với cá này chúng tôi không mua, vì vậy nông dân tự ý tranh nhau hạ giá bán sản phẩm.

Việc các DN chế biến thủy sản xuất khẩu là thành viên của VASEP tranh mua, tranh bán tại các lần hội chợ quốc tế là có thật. Trong khi giá sàn được các thành viên trong VASEP thống nhất với nhau là giá bán sản phẩm ở thị trường nước ngoài phải từ 2,9 USD trở lên/kg, tuy nhiên một số DN lại bán với mức giá thấp hơn, thậm chí bán với giá 2,6 USD. Nếu bán với giá này thì phải mua nguyên liệu của ngư dân thấp xuống mới có lãi.

Minh Hiển ghi

Trần Công Tuấn

 


TP Hồ Chí Minh: Thủy sản khô giảm giá

Nguồn tin: TN, 16/05/2005
Ngày cập nhật: 18/5/2005

Trong khi giá thủy sản tươi sống liên tục tăng thì giá thủy sản khô lại giảm từ 5 - 10% so với tháng 2/2005. Ban quản lý chợ đầu mối thủy sản khô Bình Hưng (ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cho biết nguyên do từ khi chợ thủy sản khô được di dời từ Q.5 (trên đường Trần Văn Kiểu) ra đây, nhiều tiểu thương ở các chợ lẻ không biết.

Hiện sức tiêu thụ giảm đến 40% so với trước đây. Giá một số loại khô được ưa chuộng hiện nay: cá sặc 150.000đ/kg (loại 1), 125.000đ/kg (loại 2); mực 150.000đ/kg (loại 1), 140.000đ/kg (loại 2), 130.000đ/kg (loại 3); tôm khô 320.000đ/kg (loại ngon), 250.000đ/kg (loại thường), cá lóc 95.000đ/kg (phi-lê), 75.000đ/kg (loại thường); cá đuối 60.000đ - 65.000đ/kg; cá đù 22.000đ - 25.000đ/kg, cá chỉ vàng 45.000đ - 47.000đ/kg...

(C.Nhi)

 


Tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL

Nguồn tin: TN, 17/05/2005
Ngày cập nhật: 18/5/2005

Ông Tạ Minh Phú - Phó giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã có trên 13.000 ha tôm nuôi bị chết hàng loạt do bệnh đốm trắng, đầu vàng, mức độ thiệt hại từ 50% trở lên; trong đó 300 ha chết trắng, tập trung tại huyện Vĩnh Lợi và thị xã Bạc Liêu. Tình trạng này đang tiếp tục đe dọa trên 100.000 ha tôm còn 1-2 tháng nữa mới tới kỳ thu hoạch.

Tình hình tương tự cũng xảy ra ở vùng nuôi tôm tập trung của tỉnh Cà Mau như Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển... Đáng lo hơn là sau đợt mưa đầu tiên hồi đầu tháng 5 đã xuất hiện hiện tượng bệnh "phát sáng" hiếm thấy ở tôm.

Trước tình hình này, Trung tâm Khuyến ngư - Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau đã tiến hành khảo sát, và ngày 12/5 đã có thông báo khẩn cấp gửi các địa phương và ngư dân. Theo đó, các nguyên nhân chính làm tôm chết là do mưa lớn, nước trong vuông tôm bị phân tầng, tầng mặt nước ngọt, tầng đáy nước mặn, oxy khuếch tán xuống tầng đáy thấp, làm tôm không đủ oxy để hô hấp, sẽ bị sốc, suy yếu, nếu mức độ nặng sẽ chết hàng loạt. Để khắc phục, ngư dân cần triển khai các biện pháp: Bón vôi xung quanh bờ ao với liều lượng khoảng 10 kg/100m2 và sau khi mưa nên hòa vôi tạt xuống ao với liều 10-20 kg/1.000m3, tùy theo lượng mưa và đặc tính đất bờ ao. Sau khi mưa lớn phải dùng dụng cụ khuấy động nước để nước được hòa tan đều, làm giảm biến động nhiệt độ, độ mặn, oxy tầng mặt và tầng đáy...

Ngoài nguy cơ dịch bệnh hoành hành, người nuôi tôm ĐBSCL còn lao đao vì tôm rớt giá thê thảm: tại thị trường TP Cà Mau, chiều 13/5 giá tôm loại 1 (30 con/kg) chỉ còn 85.000-90.000đ/kg, giảm 40.000đ/kg so với cùng kỳ năm trước, loại 2 (40 con/kg) còn 67.000đ/kg, giảm 30.000đ/kg.

Tấn Đức

 


Huyện Thốt Nốt (Tp. Cần Thơ) thu hoạch 18.000 tấn cá các loại

Nguồn tin: Vasep - 15/5/2005
Ngày cập nhật: 17/5/2005

Huyện Thốt Nốt hiện đang dẫn đầu Tp. Cần Thơ về phong trào nuôi cá. Năm nay, huyện đã đưa hơn 450 ha mặt nước vào nuôi cá tra, basa, cá đồng. Sản lượng cá thu hoạch từ đầu năm đến nay của huyện đạt 18.000 tấn, tăng 2.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

(TN)(theo Nhân dân)

 


Xuất khẩu tôm VN vào Nhật Bản có nguy cơ bị hạn chế hoặc bị cấm

Nguồn tin: LĐ, 14/5/2005
Ngày cập nhật: 17/5/2005

Điều này có thể xảy ra nếu một số DN không chấm dứt ngay tình trạng bơm thêm nước vào tôm. Thương vụ VN tại Nhật Bản ngày 12.5 đã cảnh báo như vậy và cho biết, phía Nhật Bản đã phát hiện tình trạng này ở một số lô hàng tôm đông lạnh từ VN làm thối thịt tôm, thậm chí còn sót cả kim tiêm trong thịt tôm.

Đ.C


ĐBSCL: giá cá tra, ba sa giảm mạnh

Nguồn tin: TT, 17/05/2005
Ngày cập nhật: 17/5/2005

Hiện nay giá thu mua chỉ còn 9.000 đồng/kg với loại cá T2 và khoảng 10.500- 11.000 đồng/kg với cá thịt trắng đẹp loại T1.

Đã vậy lại rất khó bán, nhiều hộ liên hệ đăng ký trước hàng tháng trời vẫn chưa thể bán được cá. Với mức giá đó, người nuôi chịu lỗ từ 1.000 đồng/kg.

Theo nhiều nguồn tin từ ngành nông nghiệp và Hội Nghề cá VN, vào thời điểm này sản lượng cá tra, ba sa vào lứa thu hoạch không hề vượt mức cầu bởi đầu ra thị trường xuất khẩu không hề có biến động gì đáng kể. Tuy nhiên, do vài doanh nghiệp cạnh tranh nhau đã hạ giá xuất khẩu, như tại hội chợ Brussels (Bỉ) vừa qua có doanh nghiệp chào hàng sản phẩm cá phi lê chỉ... 2,6 USD/kg (?!), từ đó dẫn đến việc hạ giá mua cá nguyên liệu của ngư dân.

ĐỨC VỊNH


Cá tra, cá basa ĐBSCL: Điêu đứng!

Nguồn tin: SGGP, 16/5/2005
Ngày cập nhật: 16/5/2005

Cá tra, cá basa ở ĐBSCL đang rơi vào vòng luẩn quẩn rớt giá. Hôm qua 15-5, tại một số ao hầm, bè nuôi, giá cá chỉ còn 8.000 -11.000đ/kg. Đây là mức giá ở ngưỡng “hòa - lỗ” cho người nuôi. Điều trớ trêu, cá tra, cá basa rớt giá không phải vì có thêm một vụ kiện nào, hay những rào cản kỹ thuật từ các loại hóa chất, dư lượng kháng sinh… mà chính từ sự làm ăn tắc trách của một số doanh nghiệp: xé rào tự giảm giá 10%-15% với khách hàng nước ngoài (!?).

Tự đánh mình (!?)

Cứ ngỡ cá basa, cá tra ở ĐBSCL sẽ đi vào hoạt động bài bản hơn so với sự nóng vội của con tôm hay cá điêu hồng… Nhưng rốt lại đi vào vết xe đổ! Tháng 6-2004, giá cá tra, cá basa ở ĐBSCL đạt đến đỉnh cao của thời hoàng kim 15.000đ/kg. Tháng 12-2004, đích thân Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đến An Giang chủ trì Hội nghị “Chất lượng và thương hiệu cá tra, basa Việt Nam”.

Đến tháng 2-2005, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc phê duyệt Chương trình hành động của ngành thủy sản về chất lượng và thương hiệu cá tra, basa Việt Nam đến năm 2005 – 2010. Theo đó, sản lượng cá basa, cá tra sẽ đạt 1 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD vào năm 2010.

Thu hoạch cá tra...

Đón nhận thông tin quy hoạch 1 triệu tấn cá tra, cá basa vào năm 2010 của Bộ Thủy sản, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học trong vùng đã phản ứng dè chừng cho rằng đây có thể là sự phát triển nóng vội vì các yếu tố môi trường, tiêu thụ, năng lực chế biến, kênh phân phối còn nhiều bất cập, khâu quản lý các loại hóa chất cấm chưa ổn…

Mọi lo toan chưa được giải quyết thì chuyện một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa chào mời hạ 10%-15% giá tại hội chợ thường niên Brussels - Bỉ (tổ chức vào cuối tháng 4-2005) làm giá cá tra, cá basa ở ĐBSCL rớt thảm hại. Tại Hội chợ Brussels, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thống nhất yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam chỉ ký kết hợp đồng xuất khẩu cá tra, cá basa không dưới mức 2,9 USD/kg.

Song, điều trái khoáy đã xảy ra: Một doanh nghiệp thuộc hàng đại gia trong vùng đã ký hợp đồng xuất khẩu với giá 2,6 USD/kg. Quá bức xúc trước vấn đề này, Hiệp hội nghề nuôi và chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA) đã chính thức gởi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ có biện pháp can thiệp để bình ổn giá cá tra, cá basa ở ĐBSCL.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch AFA cho biết: Đã có sự cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dẫn đến việc giảm giá mua cá nguyên liệu. Chủ tịch AFA bức xúc cho biết: “Gần như hội chợ nào diễn ra ở Brussels đều có doanh nghiệp Việt Nam bán theo kiểu hạ giá”. Hệ lụy dây chuyền đã lộ rõ: Giá cá nguyên liệu ở ĐBSCL tụt dốc!

* Bao giờ điều chỉnh chỉ tiêu 1 triệu tấn cá tra, cá basa?

Một doanh nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm trong xuất khẩu cá tra, cá basa ở ĐBSCL đặt ra câu hỏi khá thú vị: Sao lần nào VASEP đem “quân đánh xứ người” đều thất bại từ trong… nội bộ? Song, có lẽ đây cũng là “cơ hội” để chúng ta nhìn lại kỹ hơn câu chuyện quy hoạch 1 triệu tấn cá tra, cá basa vào năm 2010 của Bộ Thủy sản.

Quy hoạch về thị trường không chỉ tập trung vào các thị trường Mỹ hay EU… mà cần có những quy định về chế tài cụ thể. Doanh nghiệp nào “xé rào” gây thiệt hại cho người nuôi cá và trong cộng đồng doanh nghiệp phải được “điểm mặt” và xử lý tận gốc.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có những đánh giá nghiêm túc, khoa học hơn xung quanh việc phát triển cá tra, cá basa ở ĐBSCL. Năm 2004, sản lượng cá chỉ khoảng 300.000 tấn, nhưng các tỉnh, thành trong vùng đã “ùn” nhau đăng ký với Bộ Thủy sản đưa sản lượng cá lên 1,8 triệu tấn. Bộ Thủy sản dựa vào căn cứ này để đưa ra chỉ tiêu 1 triệu tấn cá tra, basa vào năm 2010.

Theo ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc Agifish: “Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Thủy sản – tuy chưa có công văn, nhưng đã thừa nhận “bỏ” định hướng một triệu tấn”. Hy vọng, Bộ Thủy sản sớm có những điều chỉnh cần thiết và có những giảp pháp can thiệp kịp thời để đưa cá tra, cá basa ở ĐBSCL phát triển đúng quỹ đạo.

CAO PHONG

 


Quảng Trị: Dịch đốm trắng làm tôm chết hàng loạt

Nguồn tin: SGGP, 16/5/2005
Ngày cập nhật: 16/5/2005

Theo Trung tâm khuyến ngư tỉnh Quảng Trị, dịch bệnh đốm trắng đã lây lan trên phần lớn diện tích hồ nuôi tôm ở các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh.

Tính đến ngày 13-5-2005, toàn tỉnh Quảng Trị có trên 31ha tôm bị dịch bệnh đốm trắng, trong đó nặng nhất là xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh), xã Triệu An, Triệu Phước (huyện Triệu Phong) và xã Gio Mai (huyện Gio Linh) gần 3ha.

Ngoài hướng dẫn người nuôi tôm cách phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ hộ nuôi 75 triệu đồng, Trung tâm khuyến ngư cung cấp Clorin để dập dịch.

Ph.L.

 


Trên 2 tỷ đồng tìm “đường ra” cho tôm, cá

Nguồn tin: SGGP, 16/5/2005
Ngày cập nhật: 16/5/2005

Trước tình hình xuất khẩu tôm vào Mỹ, Nhật Bản gặp khó khăn khiến giá tôm nguyên liệu trong nước giảm mạnh, Bộ Thủy sản đã khẩn trương hoàn thành đề án “chiến lược xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm vào thị trường Mỹ và Nhật Bản giai đoạn 2006-2010”.

Thực hiện đề án này, Bộ Thủy sản sẽ chi 1,4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại để đạt tới mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào 2 thị trường này.

Đồng thời, thực hiện một loạt giải pháp mang tính lâu dài như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm gắn liền với sản xuất tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu; nâng cao công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu; tăng cường tiếp thị; hoàn thiện chính sách cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu...

Cũng trong dịp này, Bộ Thủy sản đã chi gần 700 triệu đồng để thực hiện việc xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cá ngừ Việt Nam vào thị trường EU, Nhật Bản. Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn ngành thủy sản đạt giá trị xuất khẩu gần 700 triệu USD.

QUANG PHƯƠNG

 


Hàng loạt trại giống tôm ngưng sản xuất

Nguồn tin: BCT, 16/5/2005
Ngày cập nhật: 16/5/2005

* Giá tôm giống thấp nhất trong 10 năm qua

Hàng loạt trại sản xuất giống tôm ở ĐBSCL ngưng sản xuất dù đang trong mùa vụ tôm mới. Vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Trà Vinh là huyện Duyên Hải có 90 trang trại sản xuất tôm sú giống nhưng hiện tại có hơn 20 trang trại giống đóng cửa. Số còn lại thì trong tình trạng tôm giống bán rẻ nhưng rất ít người mua. Trong khi đó, theo báo cáo từ Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau, hiện chỉ có 60% số trại sản xuất tôm giống nội tỉnh còn hoạt động, tương đương hơn 500 trại. Nhưng số trại này cũng chỉ hoạt động 60% công suất, với năng lực sản xuất ước tính chỉ đạt trên 200 triệu con sú giống/tháng.

Giá tôm sú giống tại ĐBSCL cũng liên tục giảm, hiện đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tại Trà Vinh từ đầu tháng 5-2005 đến nay tôm giống giảm giá từ 50 đồng/con xuống còn 20 đồng/con. Ở Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang cũng chỉ dao động từ 30 đồng đến 35 đồng/con đối với tôm đã được kiểm dịch, còn tôm giống trôi nổi không quá 20 đồng/con.

Nguyên nhân chủ yếu do giá tôm nguyên liệu liên tục giảm sút, làm nông dân lo ngại, không tiếp tục đầu tư mới. Mặt khác người dân lo ngại vì tỷ lệ tôm giống kém chất lượng, chưa qua kiểm dịch rất lớn làm cho giá tôm giống liên tục giảm...

NHÓM PVĐB

 


AFA kiến nghị Chính phủ có biện pháp can thiệp, bình ổn giá cá tra nguyên liệu

Nguồn tin: BCT, 14/5/2005
Ngày cập nhật: 14/5/2005

Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang: Kiến nghị Chính phủ có biện pháp can thiệp, bình ổn giá cá tra nguyên liệu

Ngày 13-5-2005, Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) đã chính thức kiến nghị Chính phủ có biện pháp can thiệp để góp phần bình ổn giá cá tra nguyên liệu. Hiện nay, mức giá cá nguyên liệu mua vào của các doanh nghiệp đã xuống còn khoảng 10.700 đồng/kg đối với cá loại 1 và 8.000 đồng đến 9.000 đồng/kg đối với cá nuôi hầm, thịt vàng. Theo tính toán, giá bán như thế này không thể bù đắp chi phí đầu tư nuôi của nông dân. Rất nhiều ngư dân đang chịu lỗ nặng và đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch AFA cho biết: Đã có sự cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dẫn đến việc giảm giá mua cá nguyên liệu như hiện nay. Ngoài việc kiến nghị Chính phủ, AFA cũng chính thức đề nghị ngành chức năng cũng như các cấp chính quyền địa phương sớm có sự can thiệp kịp thời, góp phần bình ổn giá cá cho bà con ngư dân.

BÌNH NGUYÊN

 


Trà Vinh: Hơn 1.000 tấn cá tra không bán được

Nguồn tin: BCT, 14/5/2005
Ngày cập nhật: 14/5/2005

Hơn 70 hộ nuôi cá tra xuất khẩu ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh với gần 2.000 tấn cá tra đang thiếu nước ngọt trầm trọng và có nguy cơ bộc phát dịch bệnh. Trong đó có hơn 1.000 tấn cá tra trong giai đoạn thu hoạch không bán được. Nguyên nhân do sông Cần Chông đã tiến hành đắp đập chặn dòng chảy, mà Tổng Công ty Cổ phần đầu tư & Phát triển Tiền Giang (đơn vị thi công công trình cống đập Cần Chông) không bảo đảm tiến độ thi công tuyến kinh chính qua cửa cống Cần Chông nên luồng rất cạn. Cá xuất bán không thể vận chuyển đường sông bằng ghe đục. Ngoài ra, do không bảo đảm tiến độ thi công, nguồn nước vào các tuyến sông rạch không đủ, làm cho hàng ngàn hộ dân gặp khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

LÊ LONG

 


Phú Yên: Cạn kiệt thuỷ sản ven biển

Nguồn tin: LĐ, 12/5/2005
Ngày cập nhật: 14/5/2005

Theo bà con ngư dân, các loại thuỷ sản như tôm hùm giống, tôm sú, cá ngựa, cá mú, ốc, cua... tự nhiên ven biển Phú Yên năm nay giảm từ 40-70% so với năm trước. Đó là hệ quả tất yếu của việc khai thác ồ ạt, một cách huỷ diệt kéo dài trong nhiều năm qua. ôm, cá, cua¿ đều hết

Lão ngư Trần Lắm - ở thôn Phước Lý, thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu cho biết: Các năm trước, mỗi đêm, mỗi tàu có thể đánh bắt được vài mươi con đến vài trăm con tôm hùm giống màu trắng, nhỏ như que tăm, phải chở đi bán ở các tỉnh lân cận. Nhưng năm nay tàu không khai thác được hoặc chỉ được vài con/tàu/đêm. Nguồn tôm khan hiếm, trong khi đó nhu cầu thả nuôi tôm hùm trong tỉnh tăng cao lên khoảng 15.000 lồng, bà con phải mua tôm ở nhiều nơi với giá cả tăng cao lên từ 100.000 - 120.000 đồng/con. Nhiều tư thương lợi dụng tình trạng này đã mua gom tôm kém chất lượng ở các vùng biển Đà Nẵng, Quảng Ngãi... vận chuyển về bán lại cho người nuôi trong tỉnh. Hệ quả là tôm yếu, tỉ lệ hao hụt rất cao, nhiều người phải lỗ nặng và bỏ trắng lồng nuôi.

Cũng theo ngư dân, số lượng cá mú, cá ngựa, sò, ốc, cua, ghẹ các loại... và một số loài sinh vật biển khác ở vùng vịnh Xuân Đài, Ô Loan và ven biển hiện đã thưa hẳn, nếu không muốn nói là bị suy kiệt nặng.

Thiếu đầu tư quản lý, bảo tồn

Phú Yên có biển rộng, dài, nhiều đầm vịnh đã tạo ra nguồn lợi thuỷ sản phong phú và đa dạng, có nhiều tiềm năng trong khai thác, nuôi trồng. Song nghề khai thác giã cào, lưới quét, nghề chong mành đèn... phát triển dày đặc ven biển trong suốt thời gian dài đã "vét" cạn kiệt nguồn thuỷ sản tự nhiên. Đặc biệt trong mấy năm gần đây, ngư dân mắc lưới nhỏ, bắt sạch cá mẹ lẫn cá con để cung ứng làm thức ăn cho nghề nuôi tôm hùm và các loại khác, làm mất cân bằng môi trường, hệ sinh thái biển.

Do lực lượng thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản còn quá mỏng, trang thiết bị kiểm ngư còn thiếu, trong khi đó địa bàn hoạt động quá rộng, nên công tác kiểm soát không hiệu quả. Chính phủ đã ban hành NĐ 86/CP quy định: Cấm nghề giã cào khai thác trong đầm vịnh, cấm tàu thuyền làm nghề lưới kéo từ bờ ra 3 hải lý, đồng thời quy định kèm theo các biện pháp chế tài quản lý, xử lý nghiêm khắc. Vậy mà đến nay, địa phương vẫn chưa thi hành nghị định này!

Mới đây, Sở Thuỷ sản tỉnh đã đặt vấn đề với Bộ Thuỷ sản quan tâm đầu tư xây dựng khu bảo tồn các sinh vật biển tại Hòn Chùa, Hòn Than, Hòn Dứa (huyện Tuy An). Dù muộn, nhưng đó vẫn là một động thái tích cực. Ngay từ bây giờ, ngành thuỷ sản cũng nên sớm thực hiện đề tài nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản ở đầm, vịnh, vùng ven biển để xác định trữ lượng và sản lượng cho phép khai thác.

Lưu Phong

 


ĐBSCL: Bất lực nhìn... nghêu chết!

Nguồn tin: SGGP, 14/5/2005
Ngày cập nhật: 14/5/2005

Các tỉnh duyên hải ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi với những bãi nghêu trù phú giúp nhiều nông dân làm giàu. Tuy nhiên, khoảng một tháng nay “mỏ nghêu” rộng lớn ĐBSCL xuất hiện dịch bệnh làm nghêu chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn. Hàng ngàn hộ dân đang mất ăn mất ngủ, trong khi các ngành chức năng đã vào cuộc. Nhưng… nghêu vẫn tiếp tục chết?

Mỏ nghêu kêu cứu!

Hai huyện biển Bình Đại và Ba Tri ( Bến Tre) là nơi xảy ra dịch bệnh làm nghêu chết nhiều nhất hiện nay. Trưa 13-5, chúng tôi tìm đến Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, Bình Đại, Bến Tre chứng kiến nhiều người đứng ngồi không yên trước tình trạng nghêu chết kéo dài.

Anh Lê Văn Quang, Phó Chủ nhiệm HTX thở dài: “Chưa bao giờ, nghêu bị chết nhiều và lan ra diện rộng như năm nay, đâu đâu nghêu cũng chết mà không có cách nào ngăn được”. Dọc theo bãi nghêu từ ấp Thới Bình đến ấp Thới Lợi 1, nghêu chết phơi vỏ trắng xóa chạy dài cả mấy cây số.

Hốt một nắm nghêu vỡ đôi nằm trên mặt biển, anh Quang tiếc rẻ nói: “Nghêu cỡ này đúng tuổi thu hoạch, giá hiện nay đắt như tôm tươi, vậy mà họa vô đơn chí ập đến làm chúng tôi trắng tay, thử hỏi không đau lòng sao được”.

Bãi nghêu của HTX Rạng Đông rộng trên 900 ha, sản lượng hàng năm từ 1.200 tấn đến 2.000 tấn, doanh thu trên 12 tỷ đồng. Theo thống kê ban đầu, một số cụm nghêu chết đến 70% diện tích; riêng bãi ở ấp Thới Bình (dọc theo triền sông Ba Lai) là nơi có trữ lượng nghêu thịt lớn nhất, hiện nghêu đang chết trắng bãi, thiệt hại khoảng 90% .

Đến thời điểm này, chưa thể biết con số thiệt hại chính xác nhưng ước tính riêng HTX Rạng Đông mất trên 4 tỷ đồng. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.

Đối diện với Rạng Đông là bãi nghêu của xã Bảo Thuận và An Thủy ( huyện Ba Tri ), tình trạng nghêu chết kéo dài khoảng 1 tháng và đến nay chưa dứt. Ông Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng Thủy sản huyện Ba Tri chua chát nói: “Toàn huyện có 1.650 ha nghêu, đây là nguồn lợi to lớn của hàng ngàn bà con ven biển. Nhưng nghêu chết kiểu này không còn cách cứu chữa”.

Ở bãi nghêu An Thủy và Bảo Thuận, nhiều nơi bị thiệt hại khoảng 40% diện tích; riêng những vùng nằm cạnh cửa sông và gần bờ… nghêu chết đến 80%! Điều đáng nói là năm nay nghêu xảy ra dịch bệnh ngay thời điểm thu hoạch rộ, đặc biệt giá nghêu ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay 9.000 - 10.000 đ/kg trở lên. Do đó “đại dịch” lần này con số thiệt hại sẽ rất lớn. Trong khi đó, tại vùng nghêu rộng 2.150 ha ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), tình hình cũng hết sức tệ hại.

Ông Trần Hai, Trưởng Ban quản lý bãi nghêu Gò Công Đông cho biết: “Do thiếu giống trầm trọng nên chỉ thả nuôi được 400 ha, thì dịch bệnh những ngày qua đã làm chết toàn bộ, tiền giống, tiền công… xem như mất trắng. Đau lòng nhứt là nghêu chết mà chẳng rõ nguyên nhân vì đâu, chỉ biết đứng nhìn và không có cách nào cứu chữa (!)”.

Bế tắc... giải pháp

Theo các HTX nuôi nghêu, khoảng đầu tháng 4 khi ra thăm bãi thì phát hiện nghêu bị bể đôi chết trên mặt biển. Ban đầu ai cũng nghĩ đây là hiện tượng bình thường bởi hàng năm những con nghêu kém chất lượng, non ngày tháng… vẫn chết nhưng rất ít. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4 và đặc biệt là đầu tháng 5 thì nghêu chết tràn lan với số lượng rất lớn và xảy ra hầu khắp các bãi nghêu.

Trước tình hình này, các HTX vội vàng chạy báo cho ngành thủy sản cấp huyện và tỉnh. Những kỹ sư chuyên môn đã có mặt tại bãi nghêu quan trắc nguồn nước, khảo sát dịch bệnh để tìm nguyên nhân và hướng khắc phục. Tuy nhiên, mọi việc đến nay vẫn vô vọng.

Bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre cho biết: “Chưa thể kết luận chính xác nghêu chết vì sao, nhưng qua kiểm tra có một số nguyên nhân gây bất lợi cho nghêu. Trước nhất, thời tiết năm nay hết sức thất thường, nắng nóng liên tục và kéo dài nhiều ngày; có lúc độ mặn ở bãi nghêu đo được đến 33‰ – 34‰ trở lên, trong khi độ mặn thích hợp cho nghêu chỉ 15‰ - 25‰.

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều loài tảo độc gây hôi thối làm nghêu bị ảnh hưởng nặng. Vấn đề đáng quan tâm là sau khi mở cửa đập Ba Lai bảo vệ cho các đầm tôm bên trong, điều này đưa nước ngọt đột ngột tràn ra bãi nghêu gần đó làm thay đổi môi trường và nghêu chết nhiều hơn. Tuy nhiên, vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp thích hợp”.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ nhiệm HTX thủy sản Rạng Đông nhận định: “Chưa bao giờ, nước biển ở các bãi nghêu lại nóng cả lúc nước ròng và nước lớn như năm nay. Có những ngày chúng tôi bước chân xuống không chịu nổi, nghêu làm sao thích ứng kịp…”.

Tuy nhiên, đến giờ này, các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra chính xác nghêu chết nhiều do đâu và chưa có khuyến cáo gì. Giải pháp chữa cháy hiện nay là các HTX và người nuôi nghêu tranh thủ thu hoạch những diện tích còn lại, bán đổ, bán tháo cho thương lái với giá rẻ; nhằm hạn chế bị thiệt hại trắng.

Hàng chục ngàn hộ nghèo có được công ăn việc làm ổn định từ bãi nghêu mang lại. Nhất là từ khi con nghêu được thị trường châu Âu công nhận là sản phẩm “sạch” đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Liên tục mấy năm gần đây nhu cầu xuất khẩu tăng vọt, thị trường từ Nhật Bản, Hồng Công, Đài Loan, đến các nước châu Âu… không ngừng mở rộng.

Tuy nhiên, nghịch lý là đến nay, chưa có bất cứ tài liệu hay đề tài nào hướng dẫn quy trình nuôi nghêu. Phần lớn người dân làm theo kinh nghiệm truyền thống, do đó khi nghêu bị bệnh, phát triển kém hay xảy ra dịch bệnh… thì không ai biết. Thậm chí, giữ gìn và phát triển các bãi nghêu giống cũng hết sức khó khăn. Trước mắt, ĐBSCL đang đối mặt với một mùa nghêu mất trắng nếu các ngành chức năng không sớm tìm ra giải pháp.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

 


Thu hoạch đựơc 255ha nuôi tôm sú

Nguồn tin: WPY, 13/5/2005
Ngày cập nhật: 14/5/2005

Đến nay, bà con Phú Yên đã thu hoạch đựơc 255ha nuôi tôm sú, với sản lượng đạt 488 tấn. Do thu hoạch sớm, tôm có trọng lượng nhỏ và giá bán thấp, nên đa số hộ nuôi bị lỗ vốn. Toàn tỉnh đã có 284ha tôm bị bệnh, chiếm 33,7%diện tích thả nuôi trong vụ này, nhiều nhất là huyện Tuy Hoà 230ha.

(Theo Nguyên Lưu, Báo Phú yên 1822)


Tôm hùm giống tăng giá do thời tiết nắng nóng

Nguồn tin: WPY, 13/5/2005
Ngày cập nhật: 14/5/2005

Hiện nay, giá tôm hùm giống tại Phú Yên đang ở mức cao nhất tính từ đầu năm, trong khoảng từ 110.000-150.000 đồng/con, tăng từ 25.000-40.000 đồng/con so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đưa đến tình trạng này, theo các chuyên gia ngành thuỷ sản là do thời tiết nắng nóng trong thời gian qua đã khiến tôm hùm giống xuất hiện ở vùng biển Phú Yên ít hơn mọi năm, đồng thời việc khai thác thiếu quy hoạch đã khiến nguồn giống giảm đi đáng kể. Giá tôm giống tăng cao, trong khi giá bán vẫn ở mức 430.000 đồng/kg khiến nhiều hộ nuôi tôm hùm ở Phú Yên bỏ nuôi giống như tôm sú. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ mới thả 4.000 lồng tôm hùm, thấp hơn vụ nuôi năm ngoái 5.000 lồng.

Theo Khương Nguyên, Báo Phú Yên 1822


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang