• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trường Đại học Cần Thơ: Nghiên cứu thành công kỹ thuật sản xuất cua biển giống

Nguồn tin: BCT, 18/4/2005
Ngày cập nhật: 18/4/2005

Bắt đầu nghiên cứu từ năm 1998, với mục đích tạo ra nguồn con giống để hạn chế đánh bắt cua biển tự nhiên ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, Bộ môn Thủy sinh học ứng dụng, Khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ) đã nghiên cứu thành công kỹ thuật sản xuất cua biển giống và đang chuẩn bị chuyển giao cho các địa phương vùng ven biển như: Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau... ứng dụng.

Bộ môn Thủy sinh học ứng dụng, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Tỷ lệ tăng trưởng và sống sau vụ nuôi cua biển nhân tạo tương đương với cua biển tự nhiên, hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng giá thành đầu tư ban đầu thấp hơn cua biển tự nhiên từ 500 -1.000 đồng/con (2-3cm).

GIANG THƠ

 


Ngành công nghiệp chế biến cá tra, ba sa ĐBSCL: Nói "không" với MG!

Nguồn tin: BCT, 18/04/2005
Ngày cập nhật: 18/4/2005

Malachite Green (MG) là một loại thuốc dùng trong việc “tắm cá” nhưng đang đe dọa nghiêm trọng đến thị trường cá tra, ba sa của Việt Nam. Đã đến lúc công nghiệp chế biến con cá tra, ba sa phải nói “không” với MG để có thể tồn tại trên thị trường quốc tế trước khi thị trường nói “không” với sản phẩm của mình!

“MÀU XANH CHẾT”!

Màu xanh thường được xem là biểu trưng của sự sống, nhưng có một “màu xanh” mang tên Malachite Green lại mang đến “cái chết”. MG có thể giúp cá khỏi các bệnh nấm và ký sinh trùng (như: nấm thủy mi, nấm mang, bệnh trùng quả dưa...) song lại có sức “hủy diệt” con cá tra, ba sa Việt Nam trên thị trường thế giới. Có khoảng 100 container sản phẩm cá tra, cá ba sa Việt Nam phải “hồi hương” khi vừa đặt chân đến thị trường quốc tế vì có nhiễm MG. Đó là “hung tin” mà Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam (VASEP) vừa đưa ra nhằm cảnh báo nguy cơ “dội hàng” từ nước ngoài đối với mặt hàng thủy sản chủ lực sau con tôm ở Việt Nam. Cuối năm 2004, một doanh nghiệp chế biến cá tra, ba sa ở An Giang đã chủ động mang hàng về nước trước khi đến tay một đối tác tại EU vì hay tin sẽ kiểm tra dư lượng MG trong sản phẩm! Doanh nghiệp này nói rằng, EU là thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra, ba sa rất lớn và rất có tiềm năng; thà không bán một chuyến còn hơn phải bị “cấm vận” mãi mãi! Rất nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu mặt hàng này ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng rơi vào tình trạng phải “tự xử” đối với “sai phạm” mà tự mình không thể kiểm tra được do chưa có phương tiện! Ngày 28-11-2004 Cơ quan An toàn Thực phẩm Anh báo động dư lượng MG các lô hàng thủy sản Việt Nam ở mức nghiêm trọng và yêu cầu trả lời về các biện pháp kiểm soát và hành động khắc phục đối với dư lượng hóa chất này. Đặc biệt, trong hai tháng 10 và 11-2004, đã có đến 10 lô hàng cá rô phi, cá ba sa, cá trê bị EU phát hiện nhiễm hóa chất đã cấm sử dụng MG. Gần đây, vào ngày 19-12-2004, Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada cũng cảnh báo kết quả kiểm tra có 24 lô hàng thủy sản của Việt Nam trong bốn tháng cuối năm 2004 bị nhiễm MG.

Theo đánh giá chung, châu Âu là thị trường khó tính nhưng khả năng tiêu thụ rất dồi dào, đặc biệt là sản phẩm từ cá. Trong khi ngư dân Việt Nam vẫn còn sử dụng hóa chất này để “tắm cá”, điều trị một số bệnh ngoài da thì châu Âu đã cấm sử dụng mười năm nay. Hiện nay, MG là một trong những hóa chất nằm trong danh sách đầu để kiểm tra thực phẩm nhập vào thị trường này. Các mặt hàng thủy sản Việt Nam hiện bị các cơ quan thẩm quyền tại các nước EU áp dụng các biện pháp kiểm soát tăng cường và sẽ quyết liệt trong thời gian tới đối với dư lượng hóa chất. Đồng thời, các nước trên cũng đã có kế hoạch đệ trình lên Ủy ban châu Âu để ban hành các quyết định không có lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nếu ta không kịp thời ngăn chặn. Vì vậy, nếu người tiêu dùng tại đây nói “không” thì mục tiêu một triệu tấn cá nguyên liệu với giá trị xuất khẩu đạt 800 triệu USD vào 2010 cũng chỉ là... mục tiêu trong mơ!

NGUY CƠ NHIỄM MG VÙNG NUÔI

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền công nghiệp chế biến cá tra, cá ba sa Việt Nam, Bộ Thủy sản đã mạnh mẽ nói “không” với MG bằng Quyết định số 07 ngày 24-2-2005. Đồng thời, ban hành kèm theo danh mục 51 loại hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; trong đó, có 17 loại cấm sử dụng mà MG đứng đầu danh mục. Tiên phong nói “không” với MG ở ĐBSCL là Công ty TNHH Nam Việt. Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Công ty đã đầu tư 70.000USD mua máy kiểm tra dư lượng MG từ đầu vào và sẽ không mua cá nguyên liệu bị nhiễm hóa chất này để bảo đảm uy tín cũng như chất lượng hàng xuất khẩu”. Nhờ phương tiện này, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, từ 9-3 đến 7-4-2005, công ty đã phát hiện đến 151 mẫu bị nhiễm kháng sinh, phần lớn là MG trong tổng số 379 mẫu lấy từ 12.000 tấn cá nguyên liệu thu vào của ngư dân An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ. Tuy nhiên, rất nhiều hộ nuôi cam kết rằng không sử dụng MG trong quá trình nuôi nhưng kết quả mẫu cá vẫn bị nhiễm hóa chất này. Anh Ngô Quang Trường, ngư dân huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ), bức xúc: “Tôi nghe thông tin về MG, nhất là khi hàng bị dội về nên tuyệt đối không sử dụng, nhưng không hiểu sao mẫu cá của tôi khi xét nghiệm vẫn bị nhiễm...”. Ông Văn Thành Lộc, đại diện cho chi hội nuôi cá Long Thành ở huyện Tân Châu (An Giang), lo lắng: “Nếu tình trạng này kéo dài nguy cơ bà con sẽ nghỉ nuôi một nửa. Vì cá nuôi mà không bán được thì nuôi làm gì trong khi mình không dùng MG, nhưng cá vẫn bị nhiễm MG!...”. Ông Trần Anh Dũng, Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản An Giang, cho biết: “An Giang đã vào cuộc rất sớm để tuyên chiến với loại hóa chất này. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi chỉ phát hiện và xử lý một trường hợp tàng trữ MG ở Châu Phú cách đây ba tháng. Hóa chất này tồn lưu khoảng một năm trong môi trường nước, đất. Trước đây ngư dân sử dụng rất nhiều chất này để trị bệnh cho cá. Vì vậy, có thể vụ này ngư dân ý thức không sử dụng MG nhưng kết quả xét nghiệm vẫn bị nhiễm MG là tất yếu, cũng không loại trừ khả năng tồn lưu trong con giống. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào giúp phát hiện môi trường nuôi bị nhiễm cũng như cách loại trừ...”. Đó là thực trạng đáng lo ngại đối với vùng nguyên liệu của toàn vùng năm 2005 có khả năng vượt mức 400.000 tấn. Ngư dân cũng rất hoang mang. Ông Lê Bình Kim, một hộ nuôi cá ở xã Vĩnh Nhuận (Châu Thành, An Giang), cho biết: “Vừa qua Công ty Nam Việt cũng đã lấy mẫu 15 con cá của tôi để xét nghiệm kết quả không phát hiện nhiễm MG. Nhưng tôi cũng chưa hết lo lắng vì nguy cơ bị nhiễm là rất lớn. Và ngư dân ở cuối nguồn sông Cửu Long phải chịu ảnh hưởng như thế nào từ chất này, biện pháp nào để phòng ngừa, nếu không thì tương lai là một “thảm họa”!...”.

TRÁCH NHIỆM CỘNG ĐỒNG

Khó khăn lắm ngành công nghiệp chế biến cá tra, ba sa ĐBSCL mới tiếp cận được với thị trường thế giới và phát triển mạnh như hiện nay, nhất là châu Âu. Năm 2004 được xem là thắng lớn nhưng cuối năm lại lao đao với chất “màu xanh chết” này. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến đồng bằng không ngừng tăng lên, điều kiện thả nuôi tiềm năng có thể gấp mười lần hiện nay. Tuy nhiên, ý thức trong dân về tác hại của MG vẫn chưa đồng đều. Vì vậy, muốn loại trừ MG thì phải làm tận gốc và công tác quản lý toàn bộ quy trình vùng nguyên liệu là hết sức cần thiết để các nhà máy có thể giữ vững công suất chế biến cũng như thị trường. Đó là tiếng nói chung của cả ngư dân và các tổ chức liên quan. Ông Phan Văn Danh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang, đưa ra giải pháp: “Tổ chức các chi hội, câu lạc bộ nghề nuôi là cách để quản lý vùng nguyên liệu chế biến. Tham gia các tổ chức này, ngư dân ổn định được đầu ra, cơ quan quản lý nhà nước quản lý được sản lượng, doanh nghiệp có thể quản lý được chất lượng đầu vào của sản phẩm. 80% sản lượng cá tra, ba sa của An Giang năm nay phải được bao tiêu nhờ ngư dân tham gia vào hiệp hội. Các công ty cũng nên tổ chức cho mình câu lạc bộ cung cấp nguyên liệu như đã từng làm trước đây...”.

Ông Trần Anh Dũng thông tin vui: “Hiện nay, ngư dân có thể sử dụng chất Bronopol để thay thế chất MG trị bệnh cho cá. Chất này đã được các nước EU cho phép sử dụng để trị bệnh ở cá và thuộc danh mục các chất được sử dụng không qui định giới hạn dư lượng”. Theo Cục quản lý Chất lượng, hiện nay chất Bronopol chưa có trên thị trường Việt Nam. Vấn đề là làm cách nào cứu lấy nghề nuôi cũng như tạo một nguồn nguyên liệu ổn định và sạch cho công nghiệp chế biến cá tại ĐBSCL. Theo Ông Trương Đình Hòe, Phó Tổng thư ký VASEP: “Vấn đề này cần có trách nhiệm của cộng đồng. Ngư dân phải hiểu và tuyệt đối không sử dụng hóa chất MG. Ngành thủy sản đồng bằng cần tăng cường kiểm tra để phát hiện những trường hợp mua bán chất cấm này để có biện pháp xử lý, song song với tuyên truyền, khuyến cáo để bà con không còn sử dụng MG trong việc nuôi cá”.

Việt Nam đang trên lộ trình xây dựng một thương hiệu quốc gia cho con cá tra, ba sa. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản đang dần khẳng định tên tuổi với thế giới. Hiện nay, cùng với việc phát huy tiềm năng vùng nguyên liệu, nâng dần giá trị loại thủy sản này thì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và khâu quản lý vùng nguyên liệu đang là vấn đề cấp bách mà các tỉnh ĐBSCL cần sớm thực hiện.

THÀNH NGUYỄN - BÌNH NGUYÊN

 


Tôm VN đối diện khó khăn mới: 20 triệu USD tiền “bond” để vào Mỹ

Nguồn tin: TT, 17/04/2005
Ngày cập nhật: 18/4/2005

 


"Hậu" vụ kiện tôm: Chưa xuất, phải... đóng thuế trước!

Nguồn tin: TN, 17/04/2005
Ngày cập nhật: 18/4/2005

 


Xuất khẩu tôm sang Mỹ lại thêm... “đại hạn”

Nguồn tin: NLD, 17/04/2005
Ngày cập nhật: 18/4/2005

 


Bảo vệ nguồn cá đồng mùa hạn

Nguồn tin: ND, 16/4/2005
Ngày cập nhật: 17/4/2005

Hiện nay, nhiều nơi ở bán đảo Cà Mau, tình hình khô hạn gay gắt. Trong khi các vùng nuôi tôm đang gặp những bất lợi như nguồn nước không bảo đảm, dịch bệnh tôm xuất hiện, giá tôm giảm... thì tại các vùng ngọt hóa, các loại cá đồng còn sót lại trong các ao mương vườn có nguy cơ bị khai thác đến cạn kiệt, đe doạ nguồn cá đồng trong những năm tiếp theo sau.

Nguồn lợi cá đồng hiện nay không còn như xưa, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao do chất lượng thương phẩm ngon và sản lượng lớn như cá sặc rằn, cá lóc, cá trê... đã giảm đáng kể. Năm qua do dịch cúm gia cầm tác động, giá cá đồng tăng khá hấp dẫn nên nhân dân cũng khai thác nhiều để bán. Qua đó đã giúp người nuôi có thu nhập khá, ai cũng phấn khởi và muốn duy trì phát triển thêm khi mùa mưa đến. Nhưng, hiện nay do tình hình nắng hạn kéo dài một bộ phận lớn dân cư trong vùng có cá đồng lại gặp khó khăn, nhất là đối với những hộ không nuôi cá đồng thì khó khăn càng gay gắt hơn, vì thế họ càng gia tăng đánh bắt cá tự nhiên và cũng không ngần ngại xâm hại cả nguồn cá giống của những hộ nuôi cá chừa lại, từ đó làm cho các hộ này không an tâm, dẫn đến tình trạng nhiều hộ đã phải thu hoạch luôn cá giống vì sợ không giữ nổi.

Thật là đáng tiếc! Cà Mau từng nổi tiếng cả nước nhờ nguồn cá đồng từ các vùng Phú Tân, Thanh Tùng, Khánh Bình Tây... với sản lượng hàng chục nghìn tấn/năm. Năm qua vừa mới phục hồi thì lại mắc phải những khó khăn kể trên. Không lẽ ước mơ khôi phục lại nghề nuôi cá đồng truyền thống của người dân Cà Mau lại qua đi nhanh chóng và đành trôi theo dòng nước mặn vào ruộng vườn để chuyển sang nuôi tôm sú? Các loài cá đồng đang rất cần một chốn nương thân an toàn.

Tuy nhiên, hiện nay đang giữa mùa khô hạn gay gắt, hầu như tất cả các kênh mương ao đìa trong tỉnh có cá đồng đều đã bị khô hạn, cá đồng phải sống tập trung nên rất dễ đánh bắt. Vì thế các ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân có ý thức bảo vệ chúng thì mới mong không bị ảnh hưởng nguồn lợi cá đồng cho năm sau và những năm tiếp theo.

Ðể bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá đồng phục vụ đời sống nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững, chúng tôi thấy rằng ngay từ bây giờ nhân dân và các ngành chức năng có liên quan cần khẩn trương tiến hành các công việc sau đây:

Tuyên truyền động viên người dân cố gắng bảo vệ nguồn cá đồng còn sót lại ít ỏi trong các ao đìa đang bị khô kiệt tại từng hộ, có thể tổ chức thu gom khu trú chúng lại gần các cây nước cho dễ cấp nước và dễ bảo vệ. Các lâm ngư trường, các hộ dân, trong quá trình khai thác, đánh bắt cần chú ý chừa lại nguồn cá giống theo một tỷ lệ nhất định đủ sức tái tạo lại nguồn lợi cho năm sau và những năm tiếp theo, bảo đảm cho nguồn lợi quý này được duy trì và phát triển bền vững. Các địa phương, ngành chức năng và nhân dân nên phối hợp các cơ sở nghiên cứu khoa học tiếp nhận công nghệ sản xuất con giống, kỹ thuật ươm, nuôi thâm canh, bán thâm canh cá thương phẩm... để tăng năng suất, sản lượng và phẩm chất. Trước mắt cần hình thành hệ thống các trại cung cấp cá giống đạt tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng đủ sức đáp ứng nhu cầu thả nuôi của người dân. Cần nghiên cứu hình thành những tổ, hội nuôi cá đồng để trợ giúp nhau về kỹ thuật, về hợp tác bảo vệ chung... và phát động "Ngày hội thả cá giống" các loại vào thời điểm thích hợp trong năm, để phát triển giống tự nhiên và qua đó giáo dục ý thức giữ giống trong cộng đồng.

Chính quyền các cấp cần sớm nghiên cứu ban hành các biện pháp chế tài cần thiết và hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn việc săn bắt cá giống đầu mùa sinh sản dưới mọi hình thức để bảo vệ hữu hiệu cả cá bố mẹ lẫn cá con và cả lợi ích chính đáng của người dân nuôi cá.

Nguồn lợi cá đồng cũng là một loại tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, nên trong tình hình nắng hạn quá gay gắt như năm nay mọi người cần phải tuyên truyền động viên nhau bảo vệ ngay từ bây giờ trước khi quá muộn.

NGUYỄN VĂN THƯỚC


Đất nuôi cá tra “sốt” giá: "Thả nổi" hay quy hoạch?

Nguồn tin: BCT, 16/4/2005
Ngày cập nhật: 16/4/2005

 


Nam Việt đưa ra giá sàn mua cá cho ngư dân từ 11.800đ trở lên

Nguồn tin: WAG, 15/4/2005
Ngày cập nhật: 15/4/2005

Những ngày qua, giá cá tra, basa nguyên liệu trên thị trường có dấu hiệu tụt giảm từ 12.200 - 12.500 nay rớt xuống còn 11.800đ, nhiều ngư dân cho rằng, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu lợi dụng tình hình cá bị nhiễm chất malachite green để ép giá ngư dân. Để làm rõ vấn đề trên Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Việt vừa tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp giữa ngư dân với ông Tổng Giám đốc Cty tại CLB thủy sản Nam Việt.

Nhiều ngư dân cho biết, trong vòng 1 năm nay, giá thức ăn liên tục tăng lên đã làm cho giá thành nuôi cá tra, basa tăng từ 10 – 15%, trong khi đó giá cá thương phẩm lại không tăng, mà ngay thời điểm này lại có xu hướng tụt xuống, chính điều này đã làm cho nhiều người phải từ giã nghề nuôi cá bè truyền thống. Tại buổi đối thoại trực tiếp giữa ngư dân và ông Tổng giám đốc Cty TNHH Nam Việt, có ý kiến cho rằng, malachite green là loại chất đã được Liên minh Châu Âu đưa vào danh sách cấm sử dụng từ lâu, vì vậy nếu cá của ngư dân nào bị nhiễm thì nhà máy có quyền được phép từ chối mua, xong đối với cá không bị nhiễm thì không có lý do gì mà nhà máy lại hạ giá xuống 200đ/kg như hiện nay. Theo tính toán giá sàn trong chăn nuôi và chế biến của ngành chức năng, với mức mua cá nguyên liệu 12.000đ/kg, ngư dân và nhà máy đều có lãi, vì vậy ngư dân đề nghị nhà máy tiếp tục giữ giá mua 12.000đ/kg trong thời gian tới. Riêng đối với tình hình cá bị nhiễm malachite Green thì rõ ràng đây là tình trạng đáng báo động.

Một thông tin được đưa ra từ cuộc đối thoại trực tiếp mà ngư dân trong tỉnh đáng quan tâm là hiện nay cá sạch còn lại trong ngư dân rất ít, đa phần bị nhiễm chất malachite green, vì vậy trong thời gian tới ngư dân phải tuyệt đối không sử dụng chất này nữa, bởi khi cá bị nhiễm thì các nhà máy chế biến sẽ tuyệt đối không mua. Trở lại vấn đề giá cá trong thời gian tới, ông Doãn Tới cho rằng, giá cá sụt xuống là do quy luật cung cầu chứ không phải nhà máy ép nông dân. Xong cũng hứa rằng, sẽ giữ giá mua nguyên liệu của ngư dân trong thời gian tới từ 11.800đ trở lên.

Minh Hiển

 


Agifish: Sản xuất liên hoàn cá tra, cá basa từ giống-nuôi-chế biến

Nguồn tin: WAG, 15/4/2005
Ngày cập nhật: 15/4/2005

Trong những năm qua, công ty Agifish liên tục hoàn thiện và cải tiến không ngừng hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khắt khe của thị trường. Mô hình liên kết liên hoàn từ việc quản lý nguồn giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu đã được công ty áp dụng ngay từ những năm cuối của thập kỷ 90.

Năm 1995 công ty đã hợp tác với Viện nghiên cứu CIRAD của Pháp cho sinh sản thành công cá tra, basa. Từ năm 1996-2000 công ty đã sản xuất thành công 191,742 triệu con cá tra giống, và 4,046 triệu con cá basa giống, tạo nên bước đột phá đi đầu trong việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và kinh doanh.

Để chủ động nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu, từ năm 1995 công ty đã cho ra đời xí nghiệp nuôi thủy sản đáp ứng 30% sản lượng nguyên liệu chế biến của công ty. Tháng 10/2001 công ty đã thành lập mô hình CLB người nuôi nhằm ổn định sản lượng nuôi góp phần giải quyết tốt nguồn nguyên liệu chế biến theo yêu cầu phát triển của công ty và thị trường.

Nguồn nguyên liệu là một trong những yếu tố đầu vào có ý nghĩa quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm, ngoài việc hướng dẫn cho người nuôi áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công ty còn chú trọng triển khai áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế, các tiêu chuẩn ngành và những quy định của bộ ngành có liên quan nhằm ngăn chặn việc sử dụng những chất kháng sinh cấm và dư lượng kháng sinh trong nguyên liệu trước khi thu hoạch.

Năm 2001 công ty đã áp dụng kỹ thuật cắt tiết cá trước quá trình philê nhằm làm tăng tỷ lệ cá loại 1, nâng cao giá trị thương phẩm, tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên áp dụng các biện pháp quản lý thích hợp để tăng năng suất giảm định mức. Nếu như trước đây để được 1 kg cá philê cần đến trên 3 kg cá nguyên liệu, thì đến nay đã giảm còn 2,7-3kg cá nguyên liệu.

Ngoài ra, công ty còn thực hiện chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, SSOP, GMP. Năm 2002 chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 của công ty đã được tổ chức chứng nhận quốc tế SGS công nhận hợp chuẩn. Bên cạnh đó, công ty cũng đã đưa vào áp dụng hệ thống mã hóa truy xuất nguồn gốc lô hàng, giúp công ty dễ dàng tìm ra nguyên nhân địa chỉ đến từng công đoạn sản xuất để có biện pháp khắc phục kịp thời khi lô hàng có vấn đề phát sinh, giúp cho hệ thống quản lý của công ty ngày càng được tốt hơn, nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu, tăng năng lực cạnh tranh.

Gần đây, trước tình hình các nước EU và một số nước khác kiểm tra nghiêm ngặt Malachite Green và dẫn xuất của chúng, nên công ty đã chủ động đầu tư hệ thống thiết bị kiểm tra HPLC và dự kiến đưa vào hoạt động đầu tháng 4 này.

Ngoài các yếu tố về giống, nuôi, chế biến và tiêu thụ thì vấn đề chế biến và tiêu thụ các sản phẩm phụ (phụ phẩm) đóng vai trò vô cùng quan trọng góp phần làm giảm giá thành chế biến cá tra, basa philê. Tính bình quân để sản xuất ra 1 kg cá philê thương phẩm thì phải xử lý và tiêu thụ gần 2 kg phụ phẩm, với năng lực sản xuất hiện tại của công ty bình quân mỗi ngày công ty tiêu thụ gần 100 tấn phụ phẩm bao gồm đầu, xương, mỡ và vụn cá. Ngoài ra, công ty còn chú trọng phát triển thêm các loại hình dịch vụ thuốc thú y thủy sản, cung cấp thức ăn chăn nuôi... nhằm khép kín quy trình và tạo điều kiện kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, đảm bảo an toàn tuyệt đối chất lượng từ vùng nuôi đến bàn ăn.

Theo VASEP

 


An Giang sản xuất hơn 15 triệu con giống thủy sản

Nguồn tin: BCT, 15/4/2005
Ngày cập nhật: 15/4/2005

Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm 2005 đến nay, các cơ sở và trung tâm sản xuất giống thủy sản đã sản xuất được gần 13 triệu con cá giống, bao gồm 645.500 con rô phi dòng gift đơn tính và hơn 12 triệu con giống cá tra. Các đơn vị này cũng sản xuất được hơn 3 triệu con post tôm càng phục vụ cho nông dân nuôi tôm trái vụ. Trong số đó, có hơn 12 triệu con giống thủy sản các loại được tiêu thụ và hợp đồng giao hàng.

Hiện nay, An Giang có diện tích nuôi thủy sản chiếm hơn 1.300 ha, tăng 373 ha so với cùng kỳ năm 2004.

V.K.K


Vĩnh Long: Một doanh nghiệp đầu tư 7 tỉ đồng nuôi cá sấu thành công

Nguồn tin: BCT, 15/4/2005
Ngày cập nhật: 15/4/2005

Đó là trang trại nuôi cá sấu của công ty TNHH thương mại và sản xuất Cửu Long- phường 5 - thị xã Vĩnh Long. Thành lập từ tháng 6-2004, mới đây công ty quyết định đầu tư 7 tỉ đồng xây dựng trang trại nuôi cá sấu nước ngọt với quy mô lớn tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ. Đây cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh thả nuôi loại động vật hoang dã này. Hiện trang trại này có tổng diện tích 7.000m2 với 3.000 con cá sấu. Cá sấu được thả nuôi tại trang trại đa dạng các lứa tuổi từ vài tháng đến trên 6 năm tuổi. Đặc biệt nơi đây cũng hiện có 30 con cá sấu bố mẹ nặng trên 100kg đang chuẩn bị đẻ lứa đầu tiên. Hiện trang trại này vẫn tiếp tục thu mua các loại cá sấu bố mẹ và cá sấu hậu bị với dự kiến phát triển khoảng 10.000 con đến năm 2006. Đây chính là nơi cung cấp cá sấu lớn nhất trong khu vực ĐBSCL từ trước đến nay.

HUỲNH LÊ

 


Những vấn đề lo toan trước niên vụ nuôi tôm năm 2005

Nguồn tin: WAG, 14/4/2005
Ngày cập nhật: 14/4/2005

Mùa nước nổi năm vừa qua tỉnh An Giang có trên 560 ha nuôi tôm, trong đó 90% diện tích nuôi ở huyện Thoại Sơn. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, nên năng suất thu hoạch đạt khá bình quân từ 1 đến 1,2 tấn/ha. Hầu hết các mô hình nuôi tôm như nuôi trong chân ruộng và nuôi đăng quầng đều đạt hiệu quả. Đối với mô hình nuôi tôm chân ruộng bà con nông dân sau khi bán trừ chi phí còn lãi từ 10 đến 25 triệu đồng/ ha, các mô hình nuôi tôm đăng quầng cũng đạt lợi nhuận bình quân từ 5 đến 10 triệu đồng / mỗi mô hình. Điều này cho thấy bà con nông dân nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi đều đạt hiệu quả cao.

Những ngày cuối tháng 2 này chúng tôi có dịp đến vùng trọng điểm nuôi tôm càng xanh của huyện Thoại Sơn để tìm hiểu niên vụ nuôi tôm năm nay bà con nông dân chuẩn bị ra sao ? Từ thị trấn Phú Hoà chúng tôi chạy dọc theo bờ kinh Xã Đội, nhìn 2 bên bờ là lúa đông xuân đang vào giai đoạn vàng mơ, nhiều miếng ruộng xuống giống sớm, bà con đang tất bật cho vụ thu hoạch lúa. Chú Văng Công Thảo, nông dân ấp Hoà Đông thị trấn Phú Hoà chỉ cho chúng tôi xem cây lúa đang trĩu hạt vui vẻ nói: “Vụ đông xuân này bà con chúng tôi tiếp tục trúng mùa, riêng 15 công ruộng của tôi nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm mùa nước nổi đạt hiệu quả cao, làm vụ lúa đông xuân này gia đình tui bón phân ít hơn trước đây mà lúa vẫn trúng. Sau thu hoạch lúa là gia đình tui bắt đầu thả nuôi tôm ở niên vụ tiếp theo. Chúng tôi hỏi: vậy đến giờ này chú đã chuẩn bị gì cho vụ nuôi tôm năm nay chưa ? Chú Thảo trả lời nhanh : Chưa?.

Qua trao đổi với chú Văng Công Thảo, chúng tôi có ghi nhận là trong niên vụ vừa qua vấn đề tôm giống đã làm cho nhiều ngư dân phải khốn đốn. Lý do mà nhiều bà con nông dân cho biết nguồn giống tôm không thiếu, nhưng giống tôm có uy tín và chất lượng thì không nhiều. Những hộ nào mua được giống tốt thì mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả rất cao, còn ngược lại giống xấu chẳng những bà con tốn nhiều chi phí mua thêm giống bổ sung mà con nuôi không đạt như mong muốn. Chính vì vậy khi ngoài đồng lúa đông xuân chưa thu hoạch vậy mà nhiều bà con đang tất bật lo tìm nguồn giống tốt để đặt hàng cho niên vụ nuôi tôm kế tiếp.

Anh Văng Công Khanh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phú Hoà thì cho rằng, thị trường tiêu thụ tôm vừa qua hầu như thả nổi, các doanh nghiệp trong tỉnh chưa triển khai mua, thương lái từ các tỉnh khác đến mua tôm giá cả tăng giảm hàng ngày làm cho nhiều ngư dân lo lắng bởi tính không ổn định của giá cả. Chính từ những trở ngại này đã làm chùng bước nhiều bà con nông dân trước niên vụ nuôi này. Anh Văn Công Khanh, khẳng định với chúng tôi là chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp mà địa phương đã triển khai thực hiện là 1 vụ lúa và 1 vụ tôm là hoàn toàn đúng đắn và mang lại hiệu quả, tuy nhiên do nhiều trở ngại như con giống, thị trường nên phát triển mô hình nuôi tôm rất chậm.

Đến xã Phú Thuận, khu vực ấp Hoà Tây B đã có một số hộ nuôi tôm mùa nghịch. Gặp gỡ anh Huỳnh Văn Nhượng thì được biết, thay vì xuống giống lúa đông xuân, nhưng anh Nhượng không làm như vậy lại nuôi tôm mùa nghịch. Với diện tích 33 công anh thả nuôi trên 300.000 con tôm, hiện tôm được 6 tháng tuổi đúng kỳ thu hoạch. Anh Huỳnh Văn Nhượng cho biết sau tết Nguyên Đán thương lái ăn hàng chưa mạnh nên giá cả chưa tốt, anh chở vài ngày nữa khi giá nhích lên thì bán sẽ đạt lợi nhuận cao. Nếu tính sơ vuông diện tích 33 công chỉ cần thu hoạch 3 tấn tôm thịt thì doanh thu gần 300 triệu đồng, trừ các chi phí đầu tư thì mô hình nuôi tôm mùa nghịch cũng thu lãi gần một phần ba.

Gặp gỡ nhiều bà con nông dân xã Phú Thuận, xã Vĩnh Chánh và thị trấn Phú Hoà thì được biết, sau thu hoạch lúa đông xuân bà con nông dân sẽ bắt tay vào niên vụ nuôi tôm năm 2005. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì năm nay tỉnh ta sẽ sản xuất khoảng 10 triệu con tôm giống cộng với nguồn giống các nơi sẽ đủ đáp ứng cho khoảng 800 ha diện tích nuôi tôm năm nay. Hiện Ngành nông nghiệp đã có kết hoạch kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh trong tỉnh đáp ứng nhu cầu giống tốt cho ngư dân. Hiện nay, niên vụ nuôi tôm của tỉnh AG mới bắt đầu, những vấn đề lo lắng của ngư dân nuôi tôm trước niên vụ mới mong rằng các ban ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm hơn để có thể kích thích phong trào nuôi tôm của tỉnh phát triển ổn định và bền vững trong nay mai .

Trung Liêm

 


Công ty Dầu thực vật Cái Lân sản xuất Cám Vàng Calofic

Nguồn tin: TN, 14/4/2005
Ngày cập nhật: 14/4/2005

Công ty Dầu thực vật Cái Lân - Chi nhánh Cần Thơ vừa đưa ra thị trường một loại thức ăn với chất lượng ổn định dành cho cá: Cám Vàng Calofic. Loại cám này được tinh chế từ cám gạo tươi vừa mới xay xát và chuyển về nhà máy không quá 6 giờ đồng hồ. Cám gạo sau khi xử lý sẽ được chuyển sang công đoạn tinh chế, chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt bằng công nghệ tiên tiến của Đức tại Nhà máy Calofic Cần Thơ đặt ở Q.Cái Răng (TP Cần Thơ), có công suất 400 tấn/ngày. Ngoài việc dùng cho cá ăn trực tiếp, Cám Vàng Calofic còn là một trong những thành phần chính cho ngành công nghiệp thức ăn nuôi cá tại ĐBSCL.

Giám đốc Calofic Cần Thơ - ông Lee Swee Heng cho rằng: "Sử dụng Calofic Cám Vàng sẽ mang lại lợi nhuận cao cho nhà chăn nuôi cá, đồng thời nâng cao giá trị xuất khẩu và tính cạnh tranh của cá tra và cá ba sa VN trên thị trường quốc tế”.

(T.B)


Giá đất nuôi cá tra công nghiệp đang “sốt”

Nguồn tin: BCT, 13/4/2005
Ngày cập nhật: 14/4/2005

 


An Giang: Cá nuôi bè chết hàng loạt do nước sông cạn kiệt

Nguồn tin: BCT, 14/4/2005
Ngày cập nhật: 14/4/2005

Từ đầu tháng 4-2005 đến nay, trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, tình hình kiệt nước trên nhiều tuyến sông ở An Giang đã tác động trực tiếp đến nghề nuôi cá lồng bè. Hàng loạt bè nuôi cá tra, ba sa từ xã Đa Phước đến xã Quốc Thái huyện An Phú xảy ra tình trạng cá chết, tỷ lệ từ 15-20% số cá nuôi, với bệnh phổ biến là “vàng cá”. Nguyên nhân, theo Hiệp hội nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA), do tảo xuất hiện nhiều trong nước bám vào mang cá gây khó thở; đồng thời, các loại rong, tảo này cũng làm giảm lượng ôxy trong nước làm yếu cá trong bè. Bên cạnh đó, các loại ký sinh cũng xuất hiện nhiều do nguồn nước kiệt nên sán gây bệnh trong gan và mật cũng làm chết cá.

Việc vệ sinh và di dời bè tới nơi nước sâu; dùng quạt để tạo ôxy trong nước là cần thiết để giảm tình trạng cá chết. Ngành thủy sản cũng khuyến cáo ngư dân nên sử dụng Vitamine C, Hadealean... để tăng sức đề kháng, sổ ký sinh cho cá đồng thời tiếp tục theo dõi bệnh, tránh tình trạng lây lan trên diện rộng...

NGUYỄN-NGUYÊN

 


Các trại tôm giống Cà Mau: Chực chờ phá sản

Nguồn tin: SGGP, 14/4/2005
Ngày cập nhật: 14/4/2005

Ngành sản xuất tôm sú giống ở Cà Mau đã hình thành khoảng 10 năm qua. Nhưng việc phát triển thiếu qui hoạch khiến hàng loạt cơ sở đang bên bờ phá sản. Toàn tỉnh có khoảng 900 trại sản xuất, đến tháng 4-2005 có hơn 40% số trại “đóng cửa” tạm thời và 10% xác định đã giải thể…

* Một thời vang bóng…!?

Huyện Ngọc Hiển được xem là địa bàn tiên phong trong ngành sản xuất tôm sú giống (chiếm hơn 80% số lượng trại giống toàn tỉnh.

Thời vàng son lúc đó, ở Ngọc Hiển chưa có nghề nào dễ làm giàu nhanh bằng nghề kinh doanh tôm giống. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều chủ cơ sở trước đó kinh doanh lèo tèo đã sớm phất lên nhờ con tôm giống. Một trong những người ăn nên làm ra ở đây - ông Bùi Lũy, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh tôm giống Tân Bình, thuộc ấp Tân Bình, xã Tân Ân Tây, tự hào nhớ lại: “Thấy ham lắm!

Các cơ sở sản xuất tôm sú giống ở Cà Mau đang đối mặt với nguy cơ phá sản.

Năm đầu mở trại, tui lời trên 1 tỷ đồng! Ra một đợt tôm, xây được thêm một trại mới, cứ thế tui mở liên tục 4 trại chỉ trong năm đầu... Mà nói thiệt, lúc đó tui muốn mở bao nhiêu trại cũng được. Tiền lời như trúng số độc đắc vậy!. Vậy mà bây giờ con giống bị mất giá trầm trọng và khách hàng ngày một ít đi”.

Từ năm 2004, nhiều nhà sản xuất tôm sú giống Cà Mau bị lỗ nặng, có người bỏ “của” chạy lấy thân. Người giàu kinh nghiệm như ông Bùi Lũy còn lỗ trên 200 triệu đồng.

Hiện nay, tình hình còn căng thẳng hơn, giá tôm giống sản xuất nội tỉnh đã giảm đến mức trầm trọng (trước Tết đến nay, mức dao động trong khung từ 12 đến 18 đồng/con), các nhà sản xuất như ngồi trên đống lửa, số cơ sở sản xuất tự đóng cửa ngày càng nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Quyến, Trưởng phòng Nông nghiệp - Thủy sản và PTNT huyện Ngọc Hiển: trên địa bàn huyện có trên 40% số trại đã ngưng hoạt động vì lỗ lã, hết vốn hoạt động. Trong số đó có 10% số trại giải thể, chấm dứt hoạt động vĩnh viễn. Ông Quyến dự đoán: “Ngành sản xuất tôm sú giống Cà Mau đang đối mặt với nguy cơ phá sản rất lớn!”.

* Coi chừng “vết xe đổ”…!?

Nguyên nhân ban đầu chủ yếu là do giá tôm giống ở Cà Mau quá thấp. Từ tháng 7 năm 2004 đến tháng 4-2005, giá con giống (post) sản xuất nội tỉnh chỉ dao động từ 12- 18 đồng/con, trong khi giá tôm giống ở Bạc Liêu khoảng 30-60 đồng/con lại bán rất chạy. Nhiều trại sản xuất tôm giống nơi đây có khả năng sản xuất đến 800 triệu con giống/năm, nhưng không đủ cung cấp cho thị trường.

Nguyên nhân chủ yếu khiến người nuôi tôm ở Cà Mau chọn lựa mua con giống ở các trại tôm Bạc Liêu vì những lý do sau: chất lượng, sản xuất ở khu tập trung, đường bộ thuận lợi. Trong khi đó, ở Cà Mau thì “nhà nhà, người người đua nhau mở trại” đã dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Sản lượng tôm giống thừa cục bộ ở Cà Mau nhưng nếu mang đến Bạc Liêu, Sóc Trăng bán thường giá không cao, lại tốn thêm chi phí vận chuyển…

Còn nếu bán tại chỗ thì thật sự khó khăn vì sông nước cách trở đối với khách hàng, chưa kể lạc hậu trong phương thức bán hàng. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất sú giống tại Cà Mau đã cao hơn các tỉnh lân cận. Theo ông Trần Tiến (chủ trại sản xuất tôm giống Trần Tiến) xã Tân Ân Tây, Ngọc Hiển, mỗi một đợt tôm, có khoảng 30% tôm sạch bệnh. Nhưng chưa bao giờ bán được giá cao hơn số tôm chắc chắn có bệnh.

Cứ bán một giá sàn ngang nhau. Những nguyên nhân này đã đẩy các chủ trại vào tình thế phá sản nhanh hơn. Đó chính là một hệ lụy dây chuyền từ sự bộc phát tăng diện tích nuôi lên hơn 200.000 ha (vượt ngoài tầm qui hoạch), kéo theo các cơ sở sản xuất giống phải “đẻ non” để đáp ứng nhu cầu…

Nếu không sớm rút ra bài học kinh nghiệm, các tỉnh lân cận có nguy cơ đi theo “vết xe đổ” này.

THIỆN MỸ – CAO PHONG

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang