• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu thủy sản tăng chậm

Nguồn tin: VNECONOMY, 8/4/2005
Ngày cập nhật: 10/4/2005

 


Nuôi tôm trên cát-Lợi ích đến sớm, tác hại lâu dài

Nguồn tin: QĐND, 9/4/2005
Ngày cập nhật: 10/4/2005

Bờ biển miền Trung đặc trưng bởi những dải cát, cồn cát trắng mịn màng nối nhau chạy dài từ Bắc vào Nam, gần 2.000 km. Dải đất cát ven biển này có nhiều hạn chế, như: thành phần cơ giới nhẹ, độ phì thấp, khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng kém. Thảm thực vật và rừng phòng hộ thưa thớt. Sản xuất nông, lâm nghiệp phải đầu tư lớn, nhưng năng suất cây trồng thấp. Từ trước tới nay, cũng đã có nhiều giải pháp sử dụng đất cát này cho các mục đích kinh tế, nhưng chưa có giải pháp nào lại có sức hấp dẫn mạnh đối với đông đảo người dân như nuôi tôm trên cát...

Ở đây, quỹ đất cát có thể dùng cho nuôi tôm rất lớn. Theo Giáo sư Lê Văn Khoa (Đại học quốc gia Hà Nội), trong tổng diện tích đất cát ven biển các tỉnh miền Trung, khoảng 360.220 ha, có hơn 100.000 ha đang hoang hóa, có khả năng nuôi tôm. Diện tích phù hợp với nuôi tôm thường là các "bãi ngang" (theo cách gọi của dân vùng biển), đó là những dãi đất cát trũng thấp, khá bằng phẳng, không có gò hoặc chỉ có ít gò đụn. Quỹ đất cát này tập trung theo hai dải chính: Một là dải đất cát hoang hoá nằm bên ngoài rừng phòng hộ, chạy dọc theo bờ biển, rộng 50-200 mét. Hai, là dải đất cát nằm phía trong rừng ngập mặn hiện đang được dùng sản xuất hoa màu nhưng kém hiệu quả kinh tế, hoặc đang bỏ hoang hóa từng phần.

Số diện tích nuôi tôm ở miền Trung, hiện đã có khoảng 1.100 ha, nằm rải rác ở nhiều địa phương, cho sản lượng tôm thịt hàng năm gần 5.000 tấn. Có một số dự án lớn (quy mô hơn 100 ha), đang và sắp được triển khai. Đặc biệt có hai dự án tập trung nuôi tôm trên cát rất lớn (cả về quy mô và cơ cấu đầu tư các hạng mục). Đó là dự án 2000 ha vắt ngang hai huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với dự kiến mặt nước nuôi tôm rộng 800 ha. Dự án 2.800 ha tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) với dự kiến sử dụng 2.000 ha làm ao nuôi tôm.

Cách đây 6-7 năm, người dân ven biển miền Trung đã đón nhận công nghệ nuôi tôm trên cát, và đón những nhà đầu tư nuôi tôm trên cát từ nơi khác đến... rất nhiệt tình. Theo đó (giai đoạn đầu), tốc độ mở rộng diện tích ao nuôi tôm phát triển rất nhanh. Và, con tôm (cũng rất nhanh) đã mang đến cho người nuôi chúng lợi ích kinh tế lớn, hiệu quả cao ngay từ vụ đầu tiên. Chẳng hạn như ở tỉnh Ninh Thuận, năm 1999 chỉ mới có một hộ nuôi, với một ao tôm trên cát rộng 0,5 ha mà ngay trong năm đó đã thu hoạch liền hai vụ, đựơc gần 3 tấn tôm thịt. Đến năm 2003, có hàng trăm hộ nuôi với tổng diện tích 331 ha (tămg 662 lần), năng suất đạt 4,5 tấn/ha/vụ. Công nghệ nuôi tôm trên cát đã nhanh chóng tạo ra cho nhiều vùng đất cát hoang hóa, khô cằn ở miền Trung dáng vẻ trù phú, sôi động. Thực sự tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu. Nhớ lại, hồi đó, chúng tôi đi dọc theo ven biển miền Trung, đến đâu cũng nghe người dân nói về con tôm nuôi trên cát, kỳ diệu như chuyện thần tiên...

Nay khác, trở lại miền Trung thăm các trại nuôi tôm trên cát, đã nghe đây, đó có tiếng thở dài. Đã thấy mặt trái, mặt tiêu cực của nghề nuôi tôm trên cát bắt đầu lộ dạng, gây tác hại cho môi trường-nguồn nước mặt bị nhiễm bẩn, cát bay, khô hạn, rừng phòng hộ bị ao tôm và cát xâm lấn... Nhiều người kể về những ao tôm bị dịch bệnh, tôm chết. Chi phí đầu tư vào khâu phòng trừ dịch bệnh cho ao tôm cứ tăng dần, vụ sau cao hơn vụ trước, mà rủi ro đến với con tôm cũng tăng...

Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về những tác hại lâu dài đến môi trường do nghề nuôi tôm trên cát đã và sẽ còn đưa đến. Đó, không chỉ là các cảnh quan cồn, bãi cát trên mức thủy triều từ lâu đã ổn định và có chức năng phòng hộ bờ biển đã bị xáo trộn, tạo điều kiện cho gió phát huy tác hại, gây trở lại hiện tượng cát bay, cát chảy... mà còn làm cho nguồn nước ngọt trong lòng đất cũng sẽ bị suy thoái theo.

Khác hẳn với nuôi tôm thông thường, công nghệ nuôi tôm trên cát này cần rất nhiều nước (cả nước mặn và nước ngọt). Theo bộ thủy sản, chỉ riêng nhu cầu nước ngọt (nếu thay nước 3 lần/vụ) là khoảng 50.000 m3/ha. Một dự án nuôi 800 ha như ở Hà Tĩnh, nếu mỗi năm nuôi 2 vụ là phải dùng tới 80 triệu m3. Đó là một con số khổng lồ đối với vùng đất khô nóng như miền Trung. Mà, như các nghiên cứu trước đây cho biết thì trữ lượng nước ngọt ngầm ở vùng đất cát rất hạn chế, nhất là ở các bãi ngang. Đã thế, nhu cầu nước sinh hoạt ở dải cát miền Trung này cũng rất lớn, và ngày càng tăng do sự phát triển của ngành du lịch và sản xuất công nghiệp. Vì thế, theo như Giáo sư Lê Văn Khoa-Việc khoan giếng khai thác nước ngọt ngầm cho nuôi tôm một cách ồ ạt như hiện nay, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, như phá vỡ hệ sinh thái vùng cát, làm cạn kiệt nhanh nguồn nước ngầm, tăng hiện tượng sụt lở và xói mòn đất cát ven biển, ảnh hưởng tới nguồn nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt và các như cầu thiết yếu khác trong tương lai. Hơn nữa, sự sụt giảm nguồn nước ngọt ngầm ven biển có thể dẫn đến khô kiệt bề mặt các vùng đất nằm sâu bên trong đất liền, làm mất cân bằng áp lực khiến cho nước mặn từ biển ngấm sâu vào các vùng đất bên trong. Từ đó có thể gây ra hạn hán và hoang mạc hóa cục bộ, làm giảm năng suất, thậm chí làm mất mùa trên những diện tích rộng lớn. Các điều tra mới đây cho thấy, hiện đã có sự xâm nhập mặn xẩy ra nhiều nơi, có hơn 100 cơ sở sản xuất tôm giống ven biển, trước đây sử dụng nước ngọt ngầm khai thác tại chỗ, thì nay đã bị nhiễm mặn đến mức không thể sử dụng được nữa, phải chuyển nước ngọt từ nơi khác về.

Mặt khác, ô nhiễm môi trường do chất thải từ nuôi tôm cũng rất lớn. Theo tính toán sơ bộ, mỗi hec-ta nuôi tôm thải ra 8 tấn chất thải rắn (vỏ tôm lột, thức ăn thừa-khoảng 50-60%); các chất tẩy rửa ao (vôi, thuốc tím, clorin...). Các chất thải này tan trong nước họăc lắng xuống đáy hồ tạo điều kiện nhiều loại vi khuẩn gây bệnh phát triển, và về lâu dài nó còn ngấm xuống gây ô nhiễm tầng nước ngầm mặt

Tình trạng nuôi tôm trên cát phát triển "nóng " và chưa bảo đảm tính bền vững này, về lâu dài còn gây thêm những ảnh hưởng về mặt xã hội. Đã có một thực tế không thể phủ nhận là có rất nhiều người dân sống lâu đời ở vùng cát không có vốn để nuôi tôm nhưng lại đang phải chịu đựng ô nhiễm và những tác hại của các trại nuôi tôm do những nguời từ nơi khác đến thuê đất. Và rồi đây, sau khi các chủ đầu tư hết hạn thuê đất ra đi, thì những hư hại về môi trường vẫn để lại đó, người dân địa phương vẫn còn phải tiếp tục gánh chịu.

Ths. Thiều Thục Oanh (tổng hợp)

 


Thị trường châu Âu - hướng mở cho thủy sản Việt Nam

Nguồn tin: BCT, 8/4/2005
Ngày cập nhật: 10/4/2005

 


Sóc Trăng: Một xã nợ 25 tỉ đồng vì tôm chết

Nguồn tin: TTCN , 10/4/2005
Ngày cập nhật: 10/4/2005

- 15 vụ tôm chết liên tục khiến ông Lê Minh Hồng ở huyện Mỹ Xuyên nợ ngân hàng gần 200 triệu đồng. Hàng ngàn hộ khác ở Sóc Trăng cũng đang nợ ngập đầu vì tôm …

Gặp ông định hỏi mấy câu nhưng ông lớn tiếng: “Tôm chết có gì mà viết chứ, mấy ông đi chỗ khác cho tôi nhờ…”. Chúng tôi và anh cán bộ xã đành vọt lẹ, nhưng không ai giận ông cả vì như ông phó chủ tịch nói: “Ổng mất mùa quá nhiều nên nổi nóng, bình thường ổng đâu có vậy!”. Nhưng đâu chỉ có ông Hồng mà hàng ngàn hộ khác ở Sóc Trăng cũng đang nợ ngập đầu vì tôm, rơi vào bế tắc…

Chúng tôi men theo con đường trải nhựa gồ ghề đi vào xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên. Hai bên đường ao tôm, vuông tôm nằm san sát. Không như mọi khi, dù đã vào mùa vụ nhưng cánh đồng tôm bây giờ vắng tanh bóng người, nhiều hệ thống chạy oxy cho tôm nằm trơ không hoạt động. Anh Huỳnh Văn Hiệp, bí thư xã Hòa Tú 2, lý giải: “Vì năm nay ngân hàng không cho người nuôi tôm tiếp tục vay nên hàng trăm hộ không có tiền mua tôm giống thả. Chỉ có chừng vài chục hộ trúng mùa, huề vốn là tiếp tục được đầu tư vay thêm để nuôi”.

Nợ chồng nợ

Khởi đầu cách đây 10 năm từ chủ trương chuyển đổi từ cây trồng, vật nuôi, cả xã Hòa Tú 2 có khoảng 2.000 hộ đầu tư nuôi tôm với trung bình mỗi hộ gần 1ha mặt nước. Bước khởi đầu ấy suôn sẻ khi cả xã trúng mùa mấy năm liền, nhà lá đổi màu ngói đỏ tươi, trẻ con không còn nhếch nhác như thời còn chật vật với hai mùa lúa mỗi năm. Nhưng rồi liên tiếp bốn năm trở lại đây, cả xã trĩu nặng “nỗi buồn tôm chết”, hàng trăm hộ mất mùa liên tiếp, có hộ tới 15 vụ không biết đến ngày thu hoạch, hộ trúng mùa thì đếm trên đầu ngón tay.

“Cứ xuống giống khoảng hai tháng là tôm bắt đầu bệnh và chết. Tìm đủ mọi cách rồi vẫn không khắc phục được” - anh Nguyễn Thành Trung, phó chủ tịch xã, nói rồi dẫn chúng tôi ra vuông tôm của cha con ông Lê Trung Buôl ở ấp Dương Kiện, một trong những hộ… đứng đầu danh sách nợ ngân hàng vì thất mùa liên miên.

Theo ông Buôl, gia đình ông nuôi tôm đã chín năm nay nhưng “thất mùa nhiều hơn được mùa”. Tiền nợ ngân hàng mùa trước chồng mùa sau đã gần 200 triệu đồng. Cũng vì số nợ lớn và quá hạn nhiều năm không trả, nên mùa này hai cha con ông Buôl không còn được vay tiền ngân hàng nữa. Bây giờ cả nhà ông Buôl chỉ còn chiếc xe bán nước mía là “cứu cánh” cho cả gia đình. Sát với vuông tôm của ông Buôl là vuông tôm của ông Nguyễn Chi Thơm đang nằm trơ đáy. Năm năm rồi chưa một lần trúng mùa, gia tài ông Thơm khánh kiệt dần theo con tôm, nợ ngân hàng lút đầu chẳng biết khi nào trả được.

Rời xã Hòa Tú 2, chúng tôi qua xã Ngọc Tố cách đó hơn 10 km đường chim bay. Gặp lúc UBND xã đang họp cùng với các trưởng ấp để thông báo việc ngân hàng cắt đầu tư, không cho các hộ nuôi tôm vay tiếp vì nợ quá hạn đã quá cao. “Xã có chín ấp với 1.886 hộ thì tất cả đầu tư vào con tôm, trong đó năm ấp thất mùa liên tiếp. Các ấp còn lại thì huề vốn, chỉ có khoảng chục hộ là trúng mùa. Nợ tồn đọng của cả xã đã gần 25 tỉ đồng, khả năng trả nợ là không thể vì năm nay hầu như không có tiền để đầu tư tiếp”- anh Võ Hồng Quân, chủ tịch xã, nói với chúng tôi trong giờ giải lao.

Riêng Lê Văn Hột, trưởng ban dân vận ấp Hòa Muông, có lẽ là người lo lắng nhất. Ba mùa tôm liên tục đều thất bại, nợ ngân hàng đã lên tròn con số 300 triệu đồng. Ông khánh kiệt đến mức đứa con trai đầu đi nghĩa vụ quân sự, anh phải tạm ứng trước tháng lương cán bộ còm cõi của mình cho con dằn túi. Còn ông Trần Văn Hanh với diện tích nuôi tôm khoảng 7 ha thì cũng chừng ấy năm mất mùa. Ông Hanh nói: “Tính ra tiền của tôi “chết ” theo con tôm cỡ hơn 500 triệu đồng”.

Hậu quả “làm theo phong trào”?

Ông Nguyễn Tấn Bửu, giám đốc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ riêng con tôm đã có tổng dư nợ 438 tỉ đồng. Trong đó cao nhất là huyện Mỹ Xuyên với hơn 200 tỉ đồng. Năm nay chỉ những hộ khách hàng loại 1 (những hộ trả nợ đúng hạn) được vay tiếp, còn những hộ chưa trả nợ thì chúng tôi không thể cho vay thêm. Dù biết vậy là khó cho người nuôi tôm nhưng nếu đầu tư thêm nợ sẽ chồng nợ”.

Theo ông Nguyễn Tự Lực, phó chủ tịch huyện Mỹ Xuyên, không chỉ hai xã Hòa Tú 2 và Ngọc Tố mà hết sáu xã trong huyện và một phần xã Tham Đô đều nặng nợ con tôm. Con số 200 tỉ đồng, gấp ba lần kinh phí xoay vòng của huyện hằng năm, là số nợ có lẽ nằm ngoài khả năng thanh toán của người nuôi tôm. Ít nhất là cho đến khi hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản hoàn thiện, mà điều này có lẽ còn xa.

Không cho vay tiếp đồng nghĩa với việc người nuôi tôm bỏ không cánh đồng tôm của mình. Và như vậy tiền nợ vẫn cứ mãi treo trên đầu họ, tiền lãi vẫn ngày một cao thêm. Phó chủ tịch xã Hòa Tú và chủ tịch xã Ngọc Tố đều chung tâm sự. “Lâm vào tình cảnh nợ nần hiện nay cũng chính do người nuôi tôm”. Những năm đầu thấy vài hộ nuôi tôm trúng lớn, hàng ngàn hộ cứ ào ào nuôi theo. Họ cứ mua tôm giống thả xuống ao, cho ăn rồi... chờ thu hoạch. Mấy vụ đầu thì trúng thật vì lúc ấy môi trường nước còn trong sạch. Càng về sau càng ô nhiễm nặng. Nước thải ra cứ chảy lòng vòng, không biết thoát đi đâu. Hộ xả nước, hộ bơm vào, kể như là mang theo mầm bệnh vào ao tôm. “Nói thiệt với mấy anh, hàng ngàn hộ nuôi tôm là theo phong trào chứ chẳng biết gì về kỹ thuật hết. Nuôi như vậy không chết mới lạ” – ông Lực bức xúc nói.

Còn ông Ngô Minh Làng, một hộ nuôi tôm sáu năm liền trúng mùa ở ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 cho biết kinh nghiệm: “Tôi thường chọn mua giống những nơi nổi tiếng về nuôi tôm như Nha Trang, Kiên Giang. Sau đó thuê kỹ sư xét nghiệm chất lượng giống, nhờ họ tư vấn thêm về khâu kỹ thuật. Huyện nên thành lập các hợp tác xã nuôi tôm”.

Ông Lực cũng nhìn nhận “phần trách nhiệm lớn thuộc về chính quyền địa phương”. Theo ông, đúng ra phải hạn chế diện tích nuôi tôm của huyện khi mà hệ thống dẫn và thoát nước chưa thi công xong. Huyện cũng chưa thành lập được trung tâm giống và xét nghiệm giống để phục vụ bà con nuôi tôm.

Rời khỏi những cánh đồng tôm, chúng tôi chạnh lòng vì tâm sự của những người nuôi tôm: “Nếu ngân hàng ngưng cho vay, chúng tôi biết lấy tiền đâu nuôi tôm tiếp. Có lẽ nợ ngân hàng sẽ khó trả được, bỏ con tôm cũng chẳng biết nuôi hay trồng cây gì, con gì. Vì bây giờ đất đai nhiễm mặn, chỉ con tôm là sống được!”.

HỒ VĂN - MINH LUẬN

 


Thốt Nốt: Giá đất nuôi thủy sản ven sông tăng mạnh

Nguồn tin: BCT, 10/4/2005
Ngày cập nhật: 10/4/2005

Đất ven sông Hậu thuộc địa bàn quận Ô Môn và huyện Thốt Nốt đang tăng mạnh do gần đây nghề nuôi cá tra ao phát triển nhanh. Hiện tại, giá đất ở khu vực đầu cồn Tân Lộc (huyện Thốt Nốt) đang dao động ở mức 100 - 120 triệu đồng/ công (1.000m2), tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực bãi bồi ven sông Hậu (thuộc địa bàn xã Thới Thuận) nằm ngoài quy hoạch trung tâm công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp huyện Thốt Nốt, rất thuận lợi để xây dựng nhà máy, đào ao nuôi cá nên giá chuyển nhượng cũng đang ở mức khá cao: 300 - 400 triệu đồng/công.

Giá đất ven sông Hậu tăng mạnh, gần đây nhiều người nuôi cá tra chuyển sang mua những thửa đất nằm gần các trục kênh chính thuộc khu vực bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh. Đất ở đây đang có giá 50 - 60 triệu đồng/công, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 4 lần so đất trồng lúa cùng địa bàn.

NHẬT CHÁNH


Hội thảo về tôm chân trắng tại Việt Nam

Nguồn tin: VOV, 9/4/2005
Ngày cập nhật: 9/4/2005

Sáng 4/4 tại Hà Nội, Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y Thủy sản (Bộ Thủy sản) phối hợp với Hợp phần Hỗ trợ Nuôi trồng Thủy sản nước lợ và biển (SUMA) tổ chức Hội thảo về tôm chân trắng tại Việt Nam. Đến dự hội thảo có đại diện các Bộ Thủy sản, Thương mại, Môi trường, Y tế, Hợp phần Hỗ trợ Nuôi trồng Thủy sản nước lợ và biển, đại diện các Sở Thủy sản ở 32 tỉnh nuôi trồng thủy sản ven biển, các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản, trung tâm khuyến ngư, trại sản xuất giống tôm chân trắng ở Việt Nam…

Được biết, tôm chân trắng (có nơi gọi là tôm he chân trắng, tôm thẻ chân trắng) có nguồn gốc Nam Mỹ, lần đầu tiên được nhập từ Đài Loan vào nuôi thử ở Bạc Liêu từ tháng 1/2001. Tôm chân trắng là loại tôm không đòi hỏi thức ăn có hàm lượng protein cao như tôm sú, hệ số thức ăn tương đối thấp, có khả năng sống tốt trong điều kiện nuôi ở mật độ cao và cho năng suất cao (tới 100 tấn/ha/vụ). Tuy nhiên, loại tôm này dễ bị nhiễm các loại bệnh. Hội thảo sẽ là cơ hội tốt để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và người nuôi trồng thủy sản Việt Nam cùng với các chuyên gia quốc tế cùng trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề như: các loại dịch bệnh và biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh lây lan từ tôm chân trắng sang các loài thủy sản bản địa; khả năng sản xuất, kỹ thuật nuôi tôm chân trắng hiệu quả kinh tế gắn với phát triển nuôi bền vững; Thị trường tiêu thụ và những ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội khi phát triển nuôi tôm chân trắng ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng cho biết, nuôi trồng thủy sản bền vững là định hướng của Ngành Thủy sản Việt Nam nhằm hóa giải các thách thức như năng suất, hiệu quả nuôi chưa ổn định, bệnh thủy sản ngày càng gia tăng và ô nhiễm môi trường sinh thái.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/4/2005./.

PV

 


Giá cá tra, cá basa giảm 300-500đ/kg

Nguồn tin: BCT, 9/4/2005
Ngày cập nhật: 9/4/2005

Ngày 8- 4, giá cá basa, cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ chỉ còn 11.500-12.000đ/kg, giảm 300-500đ/kg so với tháng 3-2005. Giá cá giảm chủ yếu do các đơn đặt hàng giảm mạnh của thị trường EU.

Nguyên nhân do các nước EU phát hiện một số lô hàng cá tra, basa của doanh nghiệp Việt Nam có hóa chất cấm sử dụng. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đã lên tiếng kêu gọi người nuôi cá hãy ngừng ngay việc sử dụng 4 loại hóa chất cấm như Malachite Green, Leucomalachite Green, Chloramphenicol, Nitrofurans vào nuôi cá tra, cá basa.

Tuy nhiên, các giải pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa chất cấm vào nuôi cá hiện nay rất chậm.

 


Chỉ tiêu 1 triệu tấn cá tra, cá basa: Cơ sở nào?

Nguồn tin: SGGP, 9/4/2005
Ngày cập nhật: 9/4/2005

Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc vừa phê duyệt Chương trình hành động của ngành thủy sản về chất lượng và thương hiệu cá tra, basa Việt Nam giai đoạn 2005 – 2010. Theo đó, sản lượng cá basa, cá tra sẽ đạt 1 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD vào năm 2010. Để đạt được chỉ tiêu này rõ ràng không khó đối với tiềm năng ĐBSCL. Tuy nhiên...

Có gắn với lộ trình cải thiện đời sống?

Không phải ngẫu nhiên Bộ Thủy sản vạch ra lộ trình 1 triệu tấn cá tra, basa, giá trị kim ngạch xuất khẩu 800 triệu USD trong 5 năm tới. Năm 2004, các doanh nghiệp chế biến đã “ngốn” gần hết 300 ngàn tấn cá tra, basa ở ĐBSCL. Nhiều ngư dân như “vua” cá tra Bảy Viễn ở cù lao Tân Lộc (Cần Thơ) với 12 ha nuôi hầm đạt lợi nhuận tròm trèm 1 tỷ đồng/ha. Và mức lợi nhuận của hàng ngàn ngư dân nuôi cá tra ở Cần Thơ là 600 triệu – 1 tỷ đồng/ha.

Lợi nhuận này, nhờ cá tra, basa có mức xuất khẩu từ 2,5 USD/kg (khi vụ kiện bán phá giá xảy ra), tăng lên 3,8 – 4 USD/kg. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến Thủy sản Việt Nam cho biết: đã có ít nhất 250 ngàn tấn cá được các doanh nghiệp An Giang đăng ký chế biến cá tra, cá basa.

Số lượng ước tính của ĐBSCL đã vượt qua 500 ngàn tấn năm 2005 (tăng khoảng 200 ngàn tấn so với năm 2004). Theo Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, hướng phát triển 1 triệu tấn hay hơn nữa, chẳng qua là cân đối trên cơ sở kế hoạch (các địa phương đề nghị 1,8 triệu tấn – PV) cũng như nhiều nguồn lực khác nhau.

Nếu làm được như vậy, cũng là điều mà Bộ Thủy sản mong muốn. Khi chúng ta cần đầu tư lớn hơn, thì phải tính toán đầy đủ hơn. Không chỉ tính đến sự tăng trưởng đơn thuần mà sự tăng trưởng đó phải biến thành lợi ích kinh tế - xã hội đối với đất nước. Cụ thể là phải cải thiện được đời sống vật chất, tinh thần của người dân và tiến bộ xã hội. Đây là vấn đề mà Bộ Thủy sản phải tính toán trong kế hoạch 5 năm tới.

Có quản lý được chất lượng?

Việc đạt sản lượng 1 triệu tấn trong 5 năm tới là không khó. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hiện nay là tình trạng gây ô nhiễm của các hộ nuôi cá tra, cá basa đang gia tăng. Hàng xuất khẩu vào thị trường EU có dấu hiệu chựng lại do một số lô hàng bị phát hiện có các loại hóa chất cấm sử dụng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa như Công ty TNHH Nam Việt, Công ty Agifish… đã cảnh báo nông dân hãy ngừng ngay việc sử dụng 4 loại hóa chất cấm như: Malachite Green, Leucomalachite Green, Chloramphenicol, Nitrofurans trong nuôi cá tra, cá basa. Đây là nguyên nhân dẫn đến giá cá basa, cá tra trong vùng giảm mạnh, khi thị trường tiêu thụ – nhất là ở EU bị chựng lại.

Nhiều lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp ĐBSCL đã bị thị trường EU trả lại do nhiễm các chất cấm này. Ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Agifish (An Giang), nhận định: các giải pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa chất cấm vào nuôi cá hiện nay rất chậm. Trong tương lai, các địa phương cần liên kết chặt, từ cộng đồng người nuôi cá đến doanh nghiệp để loại trừ tình trạng nguy hiểm này.

Nguy cơ đánh mất thị trường

Sau những thăng hoa của doanh nghiệp xuất khẩu, rồi trầm lắng của người nuôi khi giá cá rớt đến mức thảm hại, khiến nhiều người phá sản… người ta nhận ra căn nguyên của vòng luẩn quẩn ấy do chính nội bộ của giá trị nghề cá Việt Nam. Sự cạnh tranh giành giật khách hàng dẫn đến sụt giảm chất lượng uy tín sản phẩm cá tra, basa…

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Hoàng Việt bức xúc: “Ngay những thành viên của chuỗi giá trị nghề cá thời gian qua chưa chịu “ngồi cùng thuyền” thì làm sao giải quyết những vấn đề chung?”.

Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho rằng: Để quản lý được chất lượng cá tra, cá basa theo cộng đồng, phải quản lý từ gốc, theo một quá trình truy nguyên và gắn với chuỗi giá trị. Cá tra, basa Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức mới: cá tra, cá basa phi lê Việt Nam nhập vào Mỹ không được đứng tên “Catfish”.

Cùng lúc này, Mỹ đã nghiên cứu cải biến gen, sinh sản nhân tạo và nuôi cá tra pangasius hypophthalmus thương phẩm. Trung Quốc vươn lên vị trí hàng đầu về sản lượng xuất phi lê cá nheo và các loại cá da trơn vào thị trường Mỹ. Thái Lan đưa nghề nuôi cá tra và các loại Pangasius khác vào chương trình phát triển cấp quốc gia. Nguy cơ mất thị trường của Việt Nam càng cao nếu không nhanh chóng đổi mới quản lý, cải thiện chất lượng ở các công đoạn sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phương (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) đã đặt một câu hỏi khá thú vị: Khi đặt ra sản lượng 1 triệu tấn cá tra, basa chúng ta dựa trên cơ sở nào? Người dân có thể nuôi được, nhưng chúng ta đã cân nhắc đầy đủ về thị trường, môi trường nuôi chưa?

Ví dụ thời điểm năm 1997-1998 dịch bệnh chỉ gây hao hụt nhỏ hơn 3%, nhưng hiện nay đã tăng lên 25% - 30%/sản lượng(!?). Thực tế tình trạng ô nhiễm cục bộ do các ao, bè nuôi cá tra, cá basa đã diễn ra… Chúng ta cần có những đánh giá chính xác về môi trường, nguồn lực ao bè, cá giống… để tránh trả giá đắt cho việc phát triển nuôi thủy sản nóng vội như một số nước đã vấp phải…

CAO PHONG


Bộ phận kiểm tra an toàn thực phẩm của EU sẽ khảo sát ngành công nghiệp sạch chế biến cá tra, ba sa ở ĐBSCL

Nguồn tin: BCT, 9/4/2005
Ngày cập nhật: 9/4/2005

 


Cảnh báo an toàn nuôi trồng thủy sản

Nguồn tin: VNECONOMY , 7/4/2005
Ngày cập nhật: 8/4/2005

Tình trạng sử dụng hóa chất bị cấm hiện đã giảm rõ rệt.

Cuối cùng thì những lo ngại về sự phát triển quá nóng của nghề sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá Việt Nam cũng đã xảy ra.

Đầu tiên là chuyện ô nhiễm nguồn nước, kế đến là vấn đề thiếu quy hoạch và liên kết vùng, và mới nhất, nhạy cảm nhất, là chuyện an toàn sản xuất không cao, do một số người nuôi đã sử dụng những hóa chất phòng trị bệnh cho cá nằm trong danh mục cấm của các nước nhập khẩu, đặc biệt là chất Malachite Green (có tác dụng trị nấm ngoài da cá), gây ảnh hưởng dây chuyền đến khâu chế biến, xuất khẩu.

Trong một văn bản mới đây, Bộ Thủy sản Việt Nam đã báo động rất nhiều lô hàng cá bị Liên hiệp châu Âu (EU) và các nước thành viên cảnh báo nhiễm chất Malachite Green với tần suất cao. Tổng vụ Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng EU và cơ quan thẩm quyền các nước thành viên EU đã có văn bản yêu cầu Việt Nam có biện pháp khắc phục ngay tình trạng này.

Họ cũng có kế hoạch đệ trình Ủy ban châu Âu (Ec) ban hành quyết định bất lợi cho Việt Nam nếu tình hình không được cải thiện. Hiện EU đã có văn bản thông báo kế hoạch sẽ sang Việt Nam kiểm tra vào tháng 4/2005.

Bộ Thủy sản Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh, thành (có nuôi cá) đã có nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm khắc phục tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh sản phẩm thủy sản xuất khẩu (cao điểm từ tháng 12/2004 đến nay).

Một trong những biện pháp đó là khuyến cáo người nuôi sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh thay thế được phép sử dụng, tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh qua khâu xét nghiệm, và các biện pháp hành chính khác.

Một thành viên của Hội nghề cá An Giang cho biết, tình trạng sử dụng hóa chất bị cấm hiện đã giảm rõ rệt, do người nuôi cá đã nhận biết những hậu quả dây chuyền nếu nguồn cá nguyên liệu không có thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh các biện pháp ngăn chặn từ bên ngoài của các cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp chế biến cá đã tính đến chuyện tự lo, tự cứu mình bằng cách trang bị máy xét nghiệm kiểm tra hóa chất và dư lượng kháng sinh trước khi quyết định mua nguyên liệu (song song với gửi mẫu về trung tâm kiểm nghiệm của Bộ Thủy sản). Chi cục Khuyến ngư, Sở Thủy sản An Giang, cũng vừa đặt hàng một máy xét nghiệm có chức năng tương tự.

Thực tế cho thấy, không chỉ có sự cố hóa chất Malachite Green đối với cá, mà ngành thủy sản Việt Nam đã từng trải qua nhiều sóng gió bởi các khiếu nại về chất lượng đối với con tôm, cụ thể là vụ nhiễm chất chloramphenicol hai năm trước. đó là chưa kể tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm đến nay vẫn chưa dứt hẳn.

Cả hai sự cố mới và cũ từ tôm và cá đều có điểm giống nhau về biện pháp đối phó khá tốn kém, mất nhiều thời gian của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đối với việc loại trừ kháng sinh bị cấm. Nhưng cũng chỉ đến mức đối phó trong phạm vi từng địa phương, từng doanh nghiệp là chính, chứ chưa có một quy trình quản lý chất lượng chung, thống nhất, đồng bộ và chuyên nghiệp, để không đánh mất lợi thế của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trong lĩnh vực thủy sản.

Đơn cử chuyện sử dụng hóa chất nào để thay thế Malachite Green, và sử dụng như thế nào cho đúng liều lượng, nhiều người nuôi cá vẫn rất lúng túng. Có người than vãn vì bị "ngập đầu" với hàng trăm loại thuốc từ rất nhiều hãng sản xuất trong và ngoài nước, có loại chỉ khác nhau tên nhãn hàng, còn tính chất lại gần giống nhau. Chọn loại nào không vi phạm danh mục cấm của nhà nhập khẩu là chuyện mới mẻ đối với người nuôi cá đang thiếu thông tin và sự hướng dẫn cần thiết.

Theo TBKTSG

 


Tăng trưởng nóng trong sản xuất cá tra đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc

Nguồn tin: WAG, 7/4/2005
Ngày cập nhật: 8/4/2005

Nuôi cá tra, basa xuất khẩu đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở ĐBSCL. Thời gian qua chính nghề này đã đem lại sự phồn thịnh cho các tỉnh trong vùng nói chung và An Giang nói riêng.

Nhưng có một thực tế mà ngư dân cần phải quan tâm đó là sự tăng trưởng nóng trong phát triển sản lượng nuôi hằng năm. Nếu năm 1997 sản lượng nuôi cá tra, basa xuất khẩu của cả nước chỉ đạt 40.250 tấn thì đến 4 tháng đầu năm 2005 sản lượng nuôi đạt mức 300.000 tấn/năm. Như vậy mức tăng trung bình hằng năm đạt gần 90%. Với tốc độ tăng trưởng như vậy những vấn đề mà từ trước đến nay ngư dân lo ngại đã xảy ra - đó là vấn đề nguồn nước bị ô nhiễm. Con giống kém chất lượng dẫn đến sự thoái hoá về giống loài. Sự xuất hiện quá nhiều nhãn mác thuốc thú y thủy sản đã làm cho ngư dân lúng túng... Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ thì việc liên kết giữa các tỉnh trong vùng là một đòi hỏi mang tính thiết thực; kèm theo đó là việc quy hoạch một vùng nuôi hợp lý. Riêng đối với việc sử dụng các chất cấm trong nuôi trồng thủy sản mà Liên minh Châu Âu đã khuyến cáo ngư dân nên thực hiện một cách nghiêm túc, bởi hiện nay Liên minh Châu Âu đang áp dụng việc xử phạt rất nghiêm minh, nếu đơn vị nào bị phát hiện nhiều lần thì sẽ bị rút Code nhập khẩu.

Minh Hiển

 


Đồng Tháp: Mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 11.000 ha

Nguồn tin: BCT, 8/4/2005
Ngày cập nhật: 8/4/2005

Xác định tôm càng xanh là một trong 3 đối tượng nuôi chủ yếu của ngành thủy sản trong tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đề ra chỉ tiêu trong năm 2005 này, bằng mọi cách phải nâng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 11.000 ha với sản lượng ước đạt 15.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thí điểm ở huyện Lấp Vò, nuôi tôm thâm canh trên đất bãi bồi, nuôi trên ruộng lúa và nuôi tôm sinh thái trên đất ngập lũ.

TRANG NHÃ

 


Hunggary hỗ trợ Việt Nam nuôi trồng thủy sản nước ngọt

Nguồn tin: Vasep, 7/4/205
Ngày cập nhật: 8/4/2005

 


Thừa Thiên - Huế: Dịch đốm trắng ở tôm đang lan rộng

Nguồn tin: Vasep, 7/4/205
Ngày cập nhật: 8/4/2005

Từ giữa tháng 2, dịch đốm trắng trên tôm đã xuất hiện trên 6,3 ha mặt nước nuôi tôm ở 3 xã thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), làm chết 70 vạn con tôm giống. Mặc dù ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khoanh vùng, nhưng bệnh vẫn đang lan rộng. Theo thống kê mới nhất, diện tích tôm nhiễm bệnh ở Thừa Thiên - Huế đã lên đến 72,3ha.

Nhân dân, 7/4/2005

 


Thành lập Hội đồng Thú y Thuỷ sản Quốc gia

Nguồn tin: Fistenet, 7/4/2005
Ngày cập nhật: 8/4/2005

Trụ sở làm việc của Hội đồng đặt tại Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản.

 


Hội thảo về tôm chân trắng tại Việt Nam

Nguồn tin: Fistenet, 7/4/2005
Ngày cập nhật: 8/4/2005

Trong 2 ngày 4 5/4/2005, tại Hà Nội, Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản (NAFIQAVED) phối hợp với Dự án Hỗ trợ Nuôi trồng thuỷ sản biển và nước lợ (SUMA) thuộc Chương trình hỗ trợ ngành thuỷ sản Việt Nam (FSPS) tổ chức Hội thảo về tôm chân trắng tại Việt Nam, với mục đích thu thập thông tin, tham khảo các ý kiến chuyên gia về phát triển và quản lý nghề nuôi đối tượng này tại Việt Nam. Thứ trưởng Thuỷ sản Nguyễn Việt Thắng, Vụ trưởng KHCN Nguyễn Xuân Lý, Q. Vụ trưởng NTTS Nguyễn Văn Thành và Cục trưởng Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản Nguyễn Tử Cương đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo có 167 đại biểu trong nước bao gồm đại diện lãnh đạo và cán bộ các cơ quan quản lý Bộ Thủy sản, các Viện nghiên cứu trong và ngoài ngành thuỷ sản, các Sở thuỷ sản, các Chi cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản..., một số đơn vị sản xuất tôm giống nhà nước và tư nhân trong cả nước. Tới dự Hội thảo còn có đông đảo các chuyên gia thuỷ sản từ các tổ chức quốc tế và khu vực như NACA, FAO, SEAFDEC, INFOFISH, INFOYU và các đại biểu đến từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Ecuađo,... là những nơi có nhiều kinh nghiệm và quan tâm đến đối tượng tôm chân trắng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng đã khẳng định, đa dạng hoá giống loài thuỷ sản nuôi là định hướng phát triển của Ngành Thuỷ sản. Trong vài năm gần đây, tôm chân trắng (Penaeus vannamei) đã được du nhập vào nuôi tại một số nước trong khi vực, trong đó có Việt Nam. Do vậy, Bộ Thuỷ sản đã ban hành Chỉ thị số 01/2004/CT-BTS ngày 16/1/2004 tăng cường quản lý việc nhập khẩu giống và nuôi tôm chân trắng tại Việt Nam. Du nhập và phát triển giống mới, bên cạnh việc đem lại cơ hội mới cho nghề nuôi là các nguy cơ du nhập các loại dịch bệnh lạ cho các loài thuỷ sản bản địa. Cùng với Việt Nam, các nước có nghề nuôi thuỷ sản phát triển như Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Philippin, Trung Quốc, Ecuađo... cũng đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong quá trình giám sát dịch bệnh và phát triển nuôi loài tôm này. Hội nghị đã thảo luận về các nội dung kỹ thuật , dịch bệnh, môi trường, tiếp thị và hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài của nghề nuôi tôm chân trắng. Các vấn đề chính được thảo luận tại Hội thảo bao gồm :

- Các loại bệnh, dịch bệnh thường xảy ra đối với tôm chân trắng; khả năng kiểm soát dịch, bệnh trong nuôi tôm chân trắng và khả năng ngăn chặn, khống chế dịch bệnh lây lan từ tôm chân trắng sang các loài tôm và thuỷ sản bản địa.

- Khả năng sản xuất và nhập khẩu giống tôm chân trắng đạt chất lượng cao; kỹ thuật nuôi tôm chân trắng hiệu quả kinh tế gắn liền với phát triển nuôi bền vững.

- Vấn đề thị trường, tiêu thụ tôm chân trắng và những ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội khi phát triển nuôi tôm chân trắng ở Việt Nam.

Sau khi nghe trình bày 23 báo cáo tham luận (gồm 14 báo cáo của chuyên gia nước ngoài, 9 báo cáo của cơ quan quản lý, các Viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất tôm giống của Việt Nam). Hội thảo đã chia thành 3 nhóm thảo luận. Các đại biểu đã sôi nổi đóng góp nhiều ý kiến về kinh nghiệm sản xuất giống, tình trạng dịch bệnh, quản lý việc nhập giống và các vấn đề nảy sinh trong thực tế. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng trình bày các quan điểm và đề xuất các biện pháp quản lý phát triển tôm chân trắng.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh, Bộ Thuỷ sản chủ trương phát triển một cách bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Ðể thực hiện các mục tiêu phát triển NTTS của Bộ Thuỷ sản đến năm 2010 đạt 360.000 tấn tôm nuôi, chủ trương hiện nay là đa dạng hoá các loài tôm nuôi. Tuy nhiên, tôm chân trắng chỉ là đối tượng được phát triển, bổ sung nuôi để tăng thêm sản lượng chứ không phải để thay thế tôm sú vốn vẫn được coi là đối tượng nuôi chủ lực của Việt Nam. Trách nhiệm của Bộ Thủy sản là quản lý để phát triển nuôi tôm chân trắng với mục đích bảo đảm an ninh sinh thái. Vụ Khoa học công nghệ phải có trách nhiệm đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn để hạn chế tình trạng sản xuất giống chất lượng kém. Bộ Thuỷ sản sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan đưa ra các quy định chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát chất lượng tôm chân trắng ở Việt Nam.

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang