• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ninh Thuận: Sản lượng khai thác thủy sản tăng gần 32%

Nguồn tin: Ninh Thuận, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 4/4/2005

Từ đầu năm đến nay ngoài thuận lợi của thời tiết còn có nhiều đàn cá xuất hiện dày và trải dài từ ngư trường Ninh Thuận đến Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó có những loài cá giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá bạc má… đã tạo điều kiện cho nhiều thuyền nghề trong tỉnh bám ngư trường đánh bắt đạt sản lượng cao. Tính đến hết quý I-2005 ngư dân trong tỉnh đã khai thác gần 11.000 tấn hải sản các loại, đạt 29% kế hoạch, tăng gần 32% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có trên 9.400 tấn cá các loại, 455 tấn mực xuất khẩu, 35 tấn tôm…. Điều đáng nói là không chỉ đạt sản lượng mà ngư dân còn bán sản phẩm được giá cao, đem lại nguồn thu nhập khá. Tuy vậy, trái ngược với nghề khai thác, nghề nuôi trồng thủy sản hiện đang gặp khó khăn một phần do ảnh hưởng lớn của nắng hạn kéo dài, thiếu nước ngọt để bổ sung cho nuôi trồng. Cũng trong thời gian trên sản xuất tôm sú giống mới đạt gần 10% kế hoạch, giảm 51,8%, thả nuôi tôm sú thương phẩm mới đạt 71/ 1500 ha hiện có.

Theo Báo Ninh Thuận


Nông dân xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn thành công vụ nuôi tôm trái vụ năm 2005

Nguồn tin: WAG, 4/4/2005
Ngày cập nhật: 4/4/2005

Mùa tôm trái vụ năm nay nông dân xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn đã thả nuôi gần 50 ha. Hiện nay, nông dân đang tập trung thu hoạch với giá bán tôm sô 80.000đồng/kg như hiện nay, mỗi ha người nuôi tôm thu lợi nhuận gần 50 triệu đồng.

Đây là năm đầu tiên anh Nguyễn Văn Nhượng, ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn nuôi tôm trái vụ. Với diện tích 3,2 ha anh Nhượng thả nuôi 330 ngàn con tôm post. Sau 6 tháng thả nuôi anh đã thu hoạch và bán đợt đầu được trên 5 tấn, bán được trên 400 triệu đồng, trừ chi phí anh Nhượng còn lãi gần 40 triệu đồng/ha. Anh Nhượng cho biết số tôm còn lại anh sẽ bán tôm giống bố mẹ.

Nguyễn Hậu


Mô hình nuôi cá tra cồn bãi phát triển mạnh

Nguồn tin: WAG, 4/4/2005
Ngày cập nhật: 4/4/2005

Trong thời gian gần đây các mô hình nuôi cá tra, basa trong tỉnh đã phát triển khá mạnh, ngoài các mô hình nuôi bè, ngư dân còn sử dụng đất cồn bãi để đào ao nuôi cá tra mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Hiện nay ngoài 3.280 lồng bè nuôi thủy sản, ngư dân trong tỉnh còn thực hiện mô hình nuôi cá tra ao hầm, với diện tích trên 1.000 ha mặt nước, tăng 39% so cùng kỳ năm 2004, tập trung nhiều ở ở các xã cù lao như: xã Mỹ Hoà Hưng, TP Long Xuyên, xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành, xã Long Giang, huyện Chợ Mới... Theo một số hộ nuôi chuyên nuôi cá tra cho biết, nuôi theo mô hình này có nhiều thuận lợi như: chủ động được nguồn nước, đảm bảo môi trường lại tiết kiệm được chi phí... nên thường cho hiệu quả hơn nuôi bè. Hiện tổng sản lượng cá hiện có trong toàn tỉnh đạt trên 88.000 tấn, tăng hơn 20.000 tấn so cùng kỳ năm 2004 .

Tuấn Khanh

 


Ninh Thuận: Động lực nào để kinh tế thủy sản phát triển?

Nguồn tin: BNT, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 4/4/2005

Năm 2005 mục tiêu ngành thủy sản cần vươn tới là đạt tốc độ tăng trưởng từ 9-10% để góp phần đưa khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 42% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Đây quả là nhiệm vụ khá nặng nề nếu đặt ngành vào trong tình hình chung với nhiều bất lợi do tác động nặng nề của hạn hán kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nhất là nuôi trồng thủy sản – lĩnh vực chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu sản xuất toàn ngành. Tuy nhiên, nếu nhìn ở lợi thế phát triển trước mắt và lâu dài rõ ràng ngành thủy sản vẫn có nhiều điểm lạc quan đặc biệt là kinh nghiệm trong phát huy nội lực và tranh thủ nguồn vốn đầu tư của ngành cho phát triển năng lực sản xuất. Chỉ tính trong năm 2004, toàn ngành đã huy động trên 49 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong số này có đến 43 tỷ đồng là huy động nội lực trong dân (chiếm 88%) số còn lại là vốn tín dụng trung và dài hạn. Các nguồn vốn trên chủ yếu dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản (chiếm 65% tổng mức đầu tư), 20% dành cho đầu tư tăng năng lực khia thác hải sản và 15% vốn đầu tư cho chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Nhờ đó, đã góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành tăng 8,5%. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2005 theo kế hoạch ngành tiếp tục huy động tổng vốn đầu tư cho phát triển lên đến 75 tỷ đồng, trong đó có 67% vốn là đầu tư cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bao gồm mở rộng diện tích vùng nuôi, trại giống, nuôi rong sụn, cải tạo nâng cấp hệ thống trại tôm giống…

Không chỉ “khơi thông” dòng chảy nguồn vốn nội lực, mà chính yếu là huy động từ nguồn vốn trong nhân dân, ngành thủy sản còn tranh thủ được sự hỗ trợ tối đa của Bộ Thủy sản để khai thác tiềm năng về kinh tế biển vốn còn rất phong phú và đa dạng của tỉnh. Anh Nguyễn Tấn Tùng, Phó Giám đốc Sở Thủy sản cho biết: Trong năm 2005 có 3 dự án lớn được Bộ Thủy sản đã và đang đầu tư như dự án nâng cấp và mở rộng cảng cá Cà Ná (Ninh Phước) thành cảng cá của khu vực với tổng vốn đầu tư trên 29,7 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành không những tạo điều kiện thuận tiện cho từ 1000 – 1200 tàu thuyền đậu cùng một lúc để bán sản phẩm với năng lực bốc xếp hàng thủy sản 27.000 tấn/năm mà còn mở ra triển vọng hình thành các dịch vụ hậu cần nghề cá trên mặt bằng rộng khoảng 36 ha. Tương lai đây sẽ là cảng cá sầm uất vào bậc nhất của tỉnh. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Ninh Phước có quy mô 125 ha với tổng vốn đầu tư trên 33,2 tỷ đồng. Đây là dự án sản xuất giống chất lượng cao với 640 trại giống, năng lực sản xuất hàng năm trên 4 tỷ con tôm post cung cấp cho nghề nuôi tôm trong tỉnh và các tỉnh khác có nhu cầu. Dự án này dự kiến sẽ khởi công vào trung tuần tháng 4-2005. Tin vui đến với người dân sản xuất khu vực Đầm Nại, đó là Bộ Thủy sản đã chấp thuận đầu tư cho vùng nuôi trồng thủy sản Đầm Nại với tổng vốn đầu tư dự kiến không dưới 200 tỷ đồng. Đây là dự án kết hợp giữa nuôi trồng với du lịch sinh thái, trong đó sẽ có từ 700 – 900 ha được quy hoạch lại thành khu nuôi trồng bền vững. Các dự án khác như dự án làm đường vào khu sản xuất giống chất lượng cao, dự án khu neo đậu tránh bão Ninh Chữ cho tàu thuyền khu vực duyên hải miền Trung…. cũng đang xúc tiến các bước chuẩn bị để đầu tư.

Bài toán về động lực để phát triển kinh tế thủy sản tỉnh nhà theo hướng bền vững có thể nói đã tìm ra lời giải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế chung của tỉnh từ nay đến năm 2010 trong đó xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn. Vấn đề còn lại là ngành thủy sản cần xây dựng lộ trình phát triển phù hợp để khai thác tối đa các nguồn lực đầu tư vừa hiệu quả, vừa thiết thực nhất.

Báo Ninh Thuận

 


Phước Hòa: Triền miên dịch bệnh tôm nuôi.

Nguồn tin: BBD, 4/4/2005
Ngày cập nhật: 4/4/2005

Trong những năm qua, nghề nuôi tôm ở xã Phước Hòa (Tuy Phước) liên tiếp bị thất bại vì tôm nuôi bị dịch bệnh. Vụ nuôi tôm năm nay, bà con đã cố gắng vay mượn tiền để tiếp tục đầu tư với hy vọng vụ tôm này thắng lợi sẽ giúp bà con trả bớt được nợ. Nhưng...

* Điệp khúc dịch tôm

Anh Đinh Văn Hưng, chủ một hồ tôm ở thôn Huỳnh Giản đang loay hoay vớt những con tôm chết trong hồ nuôi, nói với chúng tôi mà nước mắt lưng tròng: "Tôi đã vay mượn được gần 7 triệu đồng, đầu tư nuôi tôm theo phương pháp mới (nuôi tôm chung với cá). Việc cải tạo ao nuôi cũng được thực hiện khá kỹ, kiểm dịch tôm đầy đủ, cho tôm ăn chế phẩm sinh học hẳn hoi, nhưng tôm cũng bị chết. Thật hết cách!". Vụ tôm này, anh Hưng thả nuôi 8 vạn tôm và 200 con cá chua trên diện tích 4.000 m2, nhưng tôm nuôi được 52 ngày thì bị nhiễm bệnh thân đỏ đốm trắng, chết như ngã rạ. Thảm hại hơn là trường hợp của hộ ông Huỳnh Ngưu, một trong những người có diện tích nuôi tôm lớn ở Huỳnh Giản. Vụ nuôi tôm này, ông Ngưu đã thế chấp ngôi nhà được 60 triệu đồng để đầu tư cho 3,6 ha tôm theo hướng quảng canh, nhưng tôm chưa kịp lớn thì đã chết gần phân nửa. Diện tích nuôi tôm còn lại tuy chưa có dấu hiệu gì, nhưng khó có hiệu quả vì tôm èo uột, chậm phát triển. "Chiều chiều, cứ thấy từng đàn cò đến ao tôm để lượm lặt những con tôm bị chết trôi dạt vào bờ, tôi buốt cả ruột gan !" - Ông Ngưu thở dài ngao ngán.

Thôn Huỳnh Giản có 300 ha mặt nước nuôi tôm, chiếm phần lớn diện tích nuôi tôm của xã, đến nay đã có 85% diện tích đã được thả tôm nuôi theo hướng quảng canh cải tiến, nhưng mới đầu vụ có 20 ha tôm bị dịch bệnh thân đỏ đốm trắng. Diện tích tôm bị nhiễm bệnh chắc chắn sẽ gia tăng, bởi hiện nay nhiều hộ đã tháo nước từ ao nuôi tôm bị dịch bệnh ra ngoài để cải tạo ao đìa tiếp tục thả tôm, nguy cơ lây nhiễm là rất cao.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn diện tích tôm nuôi ở Huỳnh Giản bị dịch bệnh chủ yếu là những diện tích thả tôm trước lịch thời vụ. Nhiều hộ không kiểm dịch tôm giống trước khi thả, việc đầu tư chăm sóc chưa chu đáo, tôm giống mang mầm bệnh gặp thời tiết thuận lợi bệnh tôm phát triển và lây lan ra diện rộng. Theo người dân ở đây, nếu thả tôm đầu tháng 2, thì 1 ha chỉ đầu tư khoảng 700.000 - 800.000 đồng tiền giống; và thả tôm sớm, sẽ bán được tôm thịt với giá cao hơn, vào chính vụ chí ít cũng phải đầu tư trên 2 triệu đồng mới mua đủ giống. Vì thế mà người nuôi tôm ở Huỳnh Giản đã không quan tâm đến lịch thời vụ, lại xem thường và bỏ qua khâu kiểm dịch, cộng với việc nguồn nước đã ô nhiễm trầm trọng, nên dịch tôm liên tục xảy ra.

* Giải pháp nào?

Môi trường nước bị ô nhiễm nhiều năm, cơ sở hạ tầng nuôi tôm còn rất hạn chế, người nuôi tôm không có khả năng đầu tư, chưa thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật…là những nguyên nhân chủ yếu làm cho nghề nuôi tôm ở Huỳnh Giản liên tiếp bị thất bại. Những nguyên nhân trên đã tồn tại nhiều năm nay, để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng ngành chủ quản, chính quyền và người nuôi tôm ở địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Thêm một vụ tôm bị dịch bệnh, nợ cũ chưa trả xong, người nuôi tôm ở Huỳnh Giản lại phải cõng trên lưng món nợ mới.

Để có thể thành công với nghề nuôi tôm, người nuôi phải có khả năng về tài chính thực sự, môi trường nuôi thuận lợi, và cần phải thực hiện triệt để, nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật… Còn ở Huỳnh Giản, phần lớn người dân nuôi tôm đã… cạn vốn, nên nuôi tôm theo kiểu cầu may, được chăng hay chớ, thất bại là điều dễ hiểu. Ông Võ Hữu Quế, trưởng thôn Huỳnh Giản, kiêm khuyến ngư viên xã Phước Hòa cho biết: "Nhiều hộ tính bỏ nghề nuôi tôm, nhưng bỏ nghề biết làm gì ra tiền khi mà đất sản xuất lúa không có, không có nghề phụ, nên bà con phải bám lấy con tôm mà sống. Để nghề nuôi tôm ở Huỳnh Giản mang lại hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, Nhà nước cần giúp địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm, giúp bà con yên tâm hơn đầu tư sản xuất….". Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Sở Thủy sản cho biết: "Sở đang xây dựng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phục hồi sinh thái cho vùng nuôi tôm Huỳnh Giản. Ngành sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các trại giống, đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi tôm, nhằm hạn chế dịch bệnh tôm nuôi".

Phạm Tiến Sỹ

 


Bình Định: Thả 50 vạn tôm giống và tôm bố mẹ ra biển

Nguồn tin: BBD, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 4/4/2005

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ngành Thủy sản (1-4-1960 - 1-4-2005), sáng 31-3 tại TP Quy Nhơn, Sở Thủy sản Bình Định đã tiến hành thả ra biển gần 50 vạn tôm giống post 15 và 12 con tôm bố mẹ do các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh ủng hộ. Ngoài ra, ngành còn tổ chức ra quân phát động phong trào cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong nhân dân, với sự tham gia của hơn 100 cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành.

Việc làm trên đã được ngành Thủy sản Bình Định duy trì từ năm 1998 đến nay, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt do sự khai thác quá mức.

Ngọc Thái


Ngành thủy sản lập hệ thống thông tin phòng chống thiên tai

Nguồn tin: BKH, 3/4/2005
Ngày cập nhật: 4/4/2005

 


Thương hiệu cho đặc sản Hậu Giang

Nguồn tin: SGGP, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 4/4/2005

Đến Hậu Giang hôm nay, ghé vào quán ăn bậc “trung” nào bạn cũng có thể nếm được món ăn: cá thác lác chiên sả và “tráng miệng” bằng lát khóm Cầu Đúc, múi bưởi Năm Roi Trà. Đó không phải là những món ăn đắt tiền, nhưng không phải ở đâu cũng có. Những đặc sản trên đã một thời vang danh miền Tây. Giờ đây, Hậu Giang đã quyết định tạo lập cho nó một thương hiệu để “cơi nới” trên thương trường.

Từ bưởi Năm Roi Trà, khóm Cầu Đúc đến cá thác lác Tháng 3-2005, chúng tôi về “nôi” trồng bưởi Năm Roi Trà ở Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang. Rong ruổi qua những con đường bê tông nhỏ hẹp, qua gần chục chiếc phà mới đến được Phú Hữu. Những ngôi nhà tường khang trang liềân kề hiện ra bên những vườn bưởi trĩu trái. Dưới sông, inh ỏi tiếng máy nổ từ những chiếc ghe của thương lái mua bưởi. Hỏi thăm những người trồng bưởi nổi tiếng, dân địa phương phấn khởi giới thiệu Tám Cần, Năm Thắng, Bảy Lợi… Nghe nhắc đến ông Bảy Lợi (Trần Văn Lợi), tôi chợt nhớ về ông già trồng bưởi Năm Roi Trà nổi tiếng cách đây vài năm tôi đã có dịp ghé thăm. Toàn xã có hơn 2.000 ha đất vườn, trong đó đất trồng bưởi Năm Roi gần 1.200 ha - trồng khá tập trung. Ông Bảy Lợi mừng rơn khoe: “Ông Hai Quang (Nguyễn Phong Quang, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) vừa mới ghé hỏi thăm tui về sự ra đời của bưởi Phú Hữu để chuẩn bị xây dựng thương hiệu”.

Bưởi Năm Roi Trà Phú Hữu cho thịt trái màu vàng mỡ gà. Trung bình mỗi trái bưởi 12 múi, thịt trái bóng láng dễ dàng tách ra… Khi ăn giòn, vị hơi chua, nếu để lâu sẽ ngọt hơn, những cây trồng đúng kỹ thuật cho trái hương vị rất đậm đà. Đặc biệt, trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ bình thường, thời gian tồn trữ có thể kéo dài 1 tháng. Số hạt trong trái hầu như không tìm được. Đây là một đặc tính nổi bật mà các giống bưởi khác không có.

Cách đây một năm, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng, cho biết: Hậu Giang sẽ xây dựng thương hiệu cho một số mặt hàng nông sản như một cách “chào sân của ngành nông nghiệp” tỉnh nhà. Bốn tháng sau đó, một nhóm gần 10 cán bộ ở trung tâm khuyến nông, chi cục thủy sản như các anh An, Đức, Giao… bắt tay vào sưu tầm. 6 tháng sau đó, những bản báo cáo chi tiết với hình minh họa sinh động trình làng ở hội thảo thương hiệu, với những phân tích sắc sảo về những ưu điểm của 3 mặt hàng xây dựng thương hiệu: bưởi Năm Roi – Phú Hữu, khóm Cầu Đúc, cá thác lác.

Nổi lên là những điểm nhấn của địa danh Cầu Đúc, Phú Hữu và thổ nhưỡng: khóm chỉ ngon khi trồng ở Cầu Đúc (giống như gạo Nàng Hương chỉ ngon khi trồng ở Chợ Đào, Long An); cá thác lác Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thanh ngon hơn cá thác lác U Minh, Campuchia nhờ chế độ bán nhật triều…

Nhiều vị lãnh đạo Hậu Giang đã từng gắn bó với vùng đất này đã không ít lần nhắc nhở cán bộ ngành nông nghiệp cần lưu ý nhấn mạnh bản sắc của khóm Cầu Đúc: sớ thưa, nước nhiều, ngọt lịm; cá thác lác giàu đạm, xơ, béo… mà những vùng khác không có được. Đó chính là yếu tố độc đáo, mà theo các nhà khoa học, kinh doanh là tiền đề tạo nên thương hiệu vững chắc.

Đầu ra gắn với thương hiệu

Sau khi khảo sát, điều tra về 3 mặt hàng xây dựng thương hiệu, những thông số đầu tiên đã được đúc kết. Bưởi Năm Roi – Phú Hữu: năng suất bình quân là 84.300 tấn/ha/năm. Bảng điều tra sản lượng cá thác lác nguyên liệu thu gom tại 11 chợ trong tỉnh trong 2 ngày là 1.885kg.

Theo các chủ vựa cho biết, số lượng thu mua trên kéo dài 5 tháng (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau); các tháng còn lại thu mua khoảng 20% số lượng trên. Tính ra tổng sản lượng khai thác cả năm 361.920kg. Khóm Cầu Đúc giờ chỉ còn 1.500 ha, song thời vàng son của nó lên 4.700 ha, sản lượng đặt gần 100 ngàn tấn.

Giờ đây khi bưởi Năm Roi – Phú Hữu, khóm Cầu Đúc, cá thác lác đã gắn liền với vùng đất Hậu Giang, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Hậu Giang nhấn mạnh: “Tạo lập được thương hiệu cho 3 mặt hàng nông sản là bước xác lập quan trọng trong sản xuất nông nghiệp bền vững”.

Chuyện khôi phục, mở rộng diện tích bưởi lên 2.000 ha, khóm 3.000 ha, cá thác lác 3.000 ha là không khó nếu tiếp theo có những bước phối hợp đồng bộ giữa vùng nguyên liệu và khâu tiêu thụ. Thương hiệu 3 mặt hàng nông sản của Hậu Giang gắn liền với sở hữu tập thể của ngành nông nghiệp chỉ là bước khởi đầu cho chặng đường đầy cam go.

Song, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Huỳnh Phong Tranh đã khẳng định chắc nịch: “Hậu Giang xác định nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh và phải có bước đột phá quan trọng để tạo điều kiện cho công nghiệp, thương mại – dịch vụ, du lịch phát triển. Trước mắt, dù có khó khăn mấy, tỉnh cũng quyết tâm xây dựng cho bằng được thương hiệu của 3 mặt hàng nông thủy sản này”. Quyết tâm này đã được bà Trần Ngọc Sương (Giám đốc Nông trường Sông Hậu), GS-TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang) ủng hộ lo đầu ra cũng như tạo lập thương hiệu.

CAO PHONG


Công nghiệp sạch chế biến pangasius (cá tra, ba sa)

Nguồn tin: BCT, 4/4/2005
Ngày cập nhật: 4/4/2005

Nói chuyện với lãnh đạo, doanh nghiệp và nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về tiềm năng phát triển của con cá tra, ba sa, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, cho biết: Sản lượng cá tra, ba sa Việt Nam có thể đạt sản lượng một triệu tấn/năm vào 2010. Nhưng làm gì để hấp dẫn thị trường tiêu thụ sản phẩm từ 1 triệu tấn nguyên liệu đó mới là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu!...

GẶP THỜI

Sau nhiều phen lận đận, nhất là vụ kiện bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất chế biến cá da trơn của Mỹ, nay con cá tra, ba sa Việt Nam đang tiếp tục khẳng định mình trên thị trường trong nước và quốc tế. Có thể nói, các doanh nghiệp chế biến loài thủy sản này đang “gặp thời”. Tháng 3-2005, tên gọi chung cho hai loại cá này được thống nhất là Pangasius với thương hiệu Quốc gia là “Top-Quality Pangasius From Vietnam” được quảng bá trên toàn thế giới.

Từ chỗ chỉ tiêu thụ nội địa với các món ăn “nghèo nàn”, đến nay từ hai loại cá này người ta đã chế biến trên 100 món và có mặt trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt là giá trị của nó ngày càng được nâng lên, khẳng định được tên tuổi được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Phó Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Ngô Phước Hậu, gọi con cá tra là “con cá của thế giới” và giải thích: “Con cá này sống trên sông Mekong tại nhiều quốc gia. Người nghiên cứu sinh sản nhân tạo cho nó là người Pháp. Chế biến nó thành trăm món là người Việt. Và cuối cùng, sản phẩm được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng...”. Chính vì thế, Agifish, trong một mẫu quảng cáo với thế giới, đã thể hiện được tính “quốc tế” của con cá này rất ấn tượng: Một sản phẩm của Pangasius (cá tra, ba sa) còn bốc khói được đưa từ một đôi đũa sang chiếc nĩa!...

Vùng nuôi Pangasius lan rộng từ vài tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long ra đồng bằng, rồi miền Đông Nam bộ đến tận miền Trung và miền Bắc. Sản lượng những năm 1995 chỉ 30.000 tấn, nay tăng lên hơn 10 lần. Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu phát triển thủy sản phía Nam thuộc Bộ Thủy sản, diện tích thả nuôi Pangasius trong điều kiện cho phép của môi trường có thể gấp 10 lần hiện nay, tức gấp 3,5 lần mục tiêu phát triển con cá này đến 2010. Giá cá tra nguyên liệu hiện nằm trên mức lý tưởng 12.000 đồng/kg. Giá cá philê xuất khẩu cũng nằm ở mức cao, trên 3,5 USD/kg. Agifish còn mở văn phòng đại diện của mình tại Mỹ để xúc tiến sản phẩm của công ty tại nước này cũng như các nước lân cận...

Để phát triển bền vững thị trường, tiêu chí chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm là những vấn đề mang tính sống còn đang được đặt ra đối với các doanh nghiệp chế biến trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh. Vì thế, bên cạnh mở rộng quy mô sản xuất, các doanh nghiệp chế biến Pangasius phải hướng đến việc đầu tư chiều sâu và liên kết các dịch vụ phục vụ nuôi, chế biến.

CUỘC ĐUA CHIỀU SÂU

Cuối năm 2004, Agifish đã có bước đột phá trong lĩnh vực chế biến mặt hàng giá trị gia tăng với hoạt động của nhà máy F9. Sản phẩm từ F9, khoảng 2.000 tấn, được sản xuất đảm bảo chất lượng đạt chuẩn ISO và HACCP, bao bì bắt mắt có thể tiếp cận với nhiều thị trường. Trong năm 2004, Agifish đầu tư trên 40 tỉ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Năm nay, công ty lại tiếp tục đầu tư thêm gần 14 tỉ để tiếp tục công việc nâng cấp nhà xưởng, xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải, kho lạnh... Theo Ban giám đốc, “Agifish đã tạo được ưu thế cạnh tranh trong và ngoài nước, Agifish sẽ tiếp tục phát triển nhưng không đầu tư dàn trải mà tiếp tục hoàn thiện mình theo chiều sâu và đồng bộ, phù hợp với năng lực sản xuất thực tế. Điều đó, vừa làm giảm chi phí, hạ giá thành lại vừa tăng hiệu quả kinh doanh. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh”. Đồng thời, Agifish còn “lấn sân” sang dịch vụ kỹ thuật, cung ứng thức ăn cho nghề nuôi và chế biến cá và xem việc liên kết chế biến-dịch vụ là chiến lược lâu dài, tiến tới vùng chuyên canh chất lượng, đảm bảo được đầu vào của nguyên liệu an toàn, kiểm soát được toàn bộ quy trình sản phẩm từ Pangasius.

Mới đây, Công ty Afasco đã quyết định xây dựng một nhà máy chế biến và đông lạnh thủy sản trị giá trên 36 tỉ đồng và đã đưa một xưởng chế biến vào hoạt động. Xưởng còn lại đang xây dựng khẩn trương với tổng công suất chế biến 150 tấn/ngày. Công ty này cũng đã quy hoạch vùng nuôi cho mình qui mô 35.000 m2, năng suất khoảng 1.500 tấn cá nguyên liệu/năm. Theo kế hoạch năm nay, Afasco sẽ chế biến khoảng 15.000 tấn nguyên liệu và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2006. Tháng 3-2005, Công ty Nam Việt cũng đã có một quyết định táo bạo: đầu tư 45 triệu USD để xây dựng tại Khu Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thốt Nốt (huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) nhà máy chế biến Pangasius với công suất 300 tấn/ngày; và hai nhà máy chế biến phụ phẩm từ Pangasius công suất 200 tấn/ngày, tinh luyện mỡ cá 30.000 tấn/năm. Theo đó tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Các công trình đầu tư này của Nam Việt nhằm hướng đến mục tiêu chế biến 120.000 tấn cá nguyên liệu trong năm 2005. Nam Việt đã xây dựng Câu lạc bộ thủy sản có thể cung cấp 120.000 tấn nguyên liệu cho mình tại An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ.

Theo thống kê của tỉnh An Giang, năm 2004 có 7 nhà máy và một phân xưởng chế biến với công suất 144.000 tấn nguyên liệu/năm; trong khi khả năng chế biến loại cá này toàn đồng bằng là 1.000 tấn/ngày. Tức là, năng lực tiêu thụ Pangasius nguyên liệu của An Giang chiếm gần 50% ở ĐBSCL. Đến quý II-2005, An Giang có thêm 4 nhà máy mới, nâng tổng công suất chế biến toàn tỉnh lên 201.000 tấn nguyên liệu, tương đương 167.000 tấn thành phẩm. Với công suất này, sản lượng cá nguyên liệu 2005 của An Giang sẽ được tiêu thụ hết. Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết: “An Giang đang xây dựng tiêu chuẩn vùng nuôi SQF 1000 và tiến tới quản lý toàn bộ vùng nuôi để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng đạt chuẩn vệ sinh an toàn. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cấp trang thiết bị, công nghệ để sản xuất đạt chuẩn cao hơn, phù hợp với lộ trình xây dựng thương hiệu “Top-Quality Pangasius From Vietnam” của Bộ Thủy sản. Việc làm này, lợi trước hết thuộc về doanh nghiệp và người nuôi; đồng thời, khẳng định vị thế của Pangasius Việt Nam... trên thị trường quốc tế”.

THÀNH NGUYỄN

 


Khan hiếm tôm sú nguyên liệu

Nguồn tin: BCT, 4/4/2005
Ngày cập nhật: 4/4/2005

Thời gian gần đây nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở các tỉnh như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... đã hoạt động không hết công suất vì tôm sú nguyên liệu đang khan hiếm. Nguyên nhân là do diện tích nuôi tôm trái vụ từ 40 đến 70 ngày tuổi ở các tỉnh này bị chết khá nhiều nên lượng tôm bán ra thị trường mỗi ngày chỉ còn khoảng 10% so với thời điểm chính vụ. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) - cho biết nếu như ở thời điểm thu hoạch tôm chính vụ mỗi ngày công ty tiêu thụ 30 tấn tôm nguyên liệu thì hiện nay con số này chỉ còn 3 - 4 tấn trong khi đơn đặt hàng vẫn còn nhiều. Theo đó, giá tôm sú loại 1 (từ 16-20con/kg) từ 154.000 đồng/kg đã tăng lên 190.000 đồng/kg nhưng rất khan hiếm.

SONG NGUYỄN


Thử nghiệm thuốc Shrimp Doctor giúp tôm tăng trưởng nhanh

Nguồn tin: Thanh niên, 3/4/2004
Ngày cập nhật: 3/4/2005

Công ty Gene Yo Ployein (Hàn Quốc) vừa đầu tư thử nghiệm tại huyện Cần Giờ (TPHCM) loại thuốc Shrimp Doctor dành cho tôm với công hiệu chữa bệnh đốm trắng, kích thích tăng trưởng, rút ngắn thời gian nuôi... Ông Nguyễn Xuân Lộc - Chủ Tịch Hội đồng Công ty TNHH Huỳnh Hoa - nhà phân phối loại thuốc trên cho biết: Loại thuốc này đã được nghiên cứu nhiều năm tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico... Nếu thử nghiệm thành công tại Việt Nam, hícnh phủ Hàn Quốc sẽ viện trợ không hoàn lại 2 triệu USD để cung cấp miện phí loại thuốc này cho người nuôi tôm Việt Nam.

Quang Thuần

 


Những khuyến cáo về nuôi tôm sú hiện nay

Nguồn tin: KHPT, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 3/4/2005

Sau Tết âm lịch đến nay là thời điểm thuận lợi để bà con nông dân và người nuôi tôm tại các tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL tiến hành đợt nuôi tôm chính vụ. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên tôm sú đã bắt đầu xuất hiện và đang có chiều hướng tăng nhanh, bùng phát ra diện rộng.

Qua những dự báo thời tiết và các diễn biến khí hậu thủy văn trên toàn khu vực Nam bộ, thì tình hình thời tiết khí hậu tại các tỉnh ĐBSCL đang có những biến động khá phức tạp và chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi các đợt áp thấp nhiệt đới từ khu vực Bắc bộ tràn xuống. Chính những ảnh hưởng từ các đợt áp thấp nhiệt đới bất ngờ cũng góp phần làm thay đổi hệ sinh thái ao - đầm nuôi tôm sú. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính tạo nên bùng phát dịch bệnh trên tôm và người nuôi tôm cũng cần nhớ tôm sú là loài rất nhạy cảm với sự biến đổi môi trường sống.

Tình hình dịch bệnh phát sinh ở tôm sú nuôi hiện nay đã được các nhà chuyên môn đặc biệt chú trọng đồng thời đang gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân và người có nuôi tôm.

Qua trao đổi, KS. Võ Đại Thọ (chuyên viên kỹ thuật- Cty Green feed - VN) và các cộng sự đã nêu lên những khuyến cáo nhằm hạn chế thiệt hại bất lợi cho bà con nông dân và người nuôi tôm như sau:

Đối với những ao chưa thả tôm nuôi:

- Vì còn nhiều ảnh hưởng bởi các đợt áp thấp nhiệt đới từ Bắc bộ tràn về, do đó nên dời lại thời điểm thả tôm cho đến khi mùa gió chướng dịu dần hay gần như kết thúc.

- Cần tuân thủ nghiêm túc các bước cải tạo ao nuôi, ao lắng đồng thời luôn lắng trữ nguồn nước sạch đã được xử lý chuẩn bị trước.

- Khi quyết định thả tôm giống, nên chọn tôm giống cho thời điểm thả giống có chất lượng tốt, sạch bệnh và được kiểm dịch do các cơ quan chức năng (đây là yêu cầu bắt buộc).

Ngoài ra, tôm giống phải được thuần hóa nước ngọt theo độ mặn của nguồn nước trong ao đầm nuôi để tránh tình trạng tôm bị sốc đột ngột (yêu cầu thuần hóa thỏa thuận với trại giống).

Đối với những ao - đầm đã thả tôm:

Sử dụng chế phẩm Diametyl bón vào ao nuôi theo liều dùng 10-15kg/1000 m khối, chế phầm này có tác dụng cân bằng và ổn định pH nước trong ao nuôi và có tác dụng làm nền đáy ao "ấm" dần lên. Không nên thay - xả nước trong ao nuôi để hạn chế mầm bệnh có thể lây lan nhanh và luôn giữ mực nước trong ao có độ sâu 1,2m trở lên và khi cần cấp nước vào ao thì phải lấy nước từ nguồn nước trong ao lắng đã được xử lý cẩn thận.

Người nuôi tôm nên chủ động trộn kháng sinh với liều lượng 5g/kg thức ăn công nghiệp để phòng ngừa bệnh cho tôm nuôi. Mặt khác nên sử dụng dầu mực kết hợp với vitamin C trộn vào khẩu phần thức ăn để tăng sức đề kháng của tôm nuôi và hạn chế bệnh mềm vỏ kinh niên thường xuất hiện nhất là khi tôm nuôi được hai tháng.

Hy vọng những khuyến cáo trên đây góp phần hạn chế bệnh phát sinh cũng như tránh được những thiệt hại đáng tiếc cho bà con nông dân và các nhà nuôi tôm sú.

Ks. Van Phúc Khôi


Chất thải nuôi tôm - Vấn đề và giải pháp

Nguồn tin: KHPT, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 3/4/2005

Thực trạng:

Các nguồn thải nuôi tôm có thể gây ô nhiễm môi trường và làm cho hệ thống canh tác thủy sản kém bền vững qua điều tra khảo sát và đánh giá cho thấy một số nguồn như sau:

Quá trình thay nước theo chu kỳ con nước của quá trình nuôi tôm diễn ra định kỳ với lượng nước thải thải ra rồi thay bằng nguồn nước cấp vào tùy theo các quy trình của các mô hình nuôi có thể đạt tới 30% - 70% lượng nước nuôi tôm trong vuông tôm. Lượng nước này thường không được các chủ vuông tôm quan tâm xử lý trước lúc thải ra môi trường sông rạch mà trong đó tiền ẩn rất nhiều rũi ro của dịch bệnh trong vuông nuôi tôm lan truyền cho cả khu vực. Đặc biệt là nếu đây là nguồn nước ở các vuông tôm đã bị nhiễm bệnh thì vấn đề thật hết sức nguy hiểm cho những chủ hộ nuôi tôm khác trong khu vực khi phải lấy nước sông rạch vào vuông nuôi tôm của mình.

Quá trình tháo xả nước khi thu hoạch tôm nuôi vào cuối vụ nuôi với lượng nước thải nuôi tôm thải ra khá triệt để, nhằm thu hoạch tôm nuôi, vệ sinh vuông nuôi tôm được thải ra môi trường sông rạch mà hiện nay chưa được quản lý cũng như xử lý triệt để theo yêu cầu bảo vệ môi trường cho cho cả hệ thống nuôi tôm ven biển. Nguồn thải này hết sức nguy hiểm mà trong đó tiềm ẩn các nguy cơ lan truyền dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, đặc biệt nghiêm trọng hơn, khi các vuông tôm có dịch bệnh tôm chết phải thu hoạch tôm khẩn cấp.

Bùn thải nuôi tôm là nguồn chất thải lắng đọng xuống vuông nuôi tôm, là một nguồn thải vô cùng nguy hiểm cho vấn đề lan truyền dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Sau 3-4 tháng lớp bùn lắng này trên các vuông, đầm nuôi tôm có thể dày 29 đến 10-30cm phủ khắp tầng đáy diện tích nuôi tôm. Một số kết quả nghiên cứu thành phần bùn thải nuôi tôm đã cho thấy thành phần hết sức phức tạp, bao gồm các chất thải của nuôi tôm, các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa phân hủy, các chất tồn dư của vật tư hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi tôm như vôi, hóa chất, lưu huỳnh, lắng đọng bùn phèn trong đất chứa các độc tố môi trường, những vi khuẩn gây bệnh nuôi tôm, tảo lộc và nấm bệnh, và đặc biệt là các sản phẩm phân hủy của quá trình yếm khí như amoniac, H2S, CH4 là các tác nhân gây hại vô cùng nguy hiểm cho con tôm.

Quan trắc môi trường nước trên sông rạch đã cho thấy rõ nét với độ đục của nước sông rạch tăng đột biến so với bình thường, có nơi độ đục tăng cao lên đến 800-900mg/l. Số liệu đánh giá bước đầu ở Cà Mau cho thấy nguồn thải này hiện nay chưa được xử lý vẫn được các chủ vuông tôm thải thẳng ra sông rạch trong vùng. Năm 1999 tổng lượng bùn thải nuôi tôm trong toàn tỉnh khoảng 90 triệu m khối, năm 2001 đã là 217 triệu m khối, và đến năm 2003 đã là 248 triệu m khối, đã cho thấy đây là một nguồn thải vô cùng lớn có thể gây nên các tổn thất lớn cho nghề nuôi tôm ở Cà Mau.

Chỉ trong khoảng thời gian 2000 đến 2003 trong phạm vi tỉnh Cà Mau đã đào đắp tăng thêm 94.655 ha diện tích nuôi tôm, với quá trình thoát phèn ra khu vực là rất lớn. Khi đo đạc số liệu hàm lượng sắt môn trường nước luôn luôn vượt tiêu chuẩn cho phép TCVN 5943- 1995 về nước nuôi trồng thủy sản nhiều lần. Đặc bệit khi đào đắp vuông tôm và sên vét bùn cặn bằng thiết bị khuấy bùn lỏng rồi bơm thải ra sông rạch đã làm ô nhiễm rất lớn chất lượng nước trên sông rạch đồng thời gây nên quá trình bồi tụ sa lắng bùn thải ở các vùng giáp nước trên sông hoặc đầm trũng. Năm 2002, trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau đã có đến 63.385 ha nuôi tôm bị dịch bệnh hoành hành, sang năm 2003, diễn biến tôm chết và dịch bệnh tiếp tục phát sinh trên diện rộng có khoảng 50-60% diện tích nuôi tôm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến đời sống người nuôi tôm.

Biện pháp:

Để bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm ven biển, theo chúng tôi, cần nhanh chóng thực thi áp dụng các giải pháp sau đây:

1. Tăng cường mạnh mẽ vai trò quản lý nhà nước của các ngành các cấp và chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư quy hoạch sản xuất nuôi trồng thủy sản, các dự án nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp, thâm canh, nuôi tôm luân canh lúa - tôm ... cần phải thực thi quy trình lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng qui định của luật bảo vệ môi trường. Điều rất đáng quan tâm là hiện nay là các dự án ở vùng ven biển rất ít quan tâm và thực thi nhiệm vụ này.

2. Các cấp chính quyền địa phương cần kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp cố tình xả bùn thải nuôi trồng thủy sản ra môi trường nước mà chưa xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường quy định. Tăng cường công tác quản lý giám sát các hoạt động đào đắp vuông tôm, sên vét bùn thải vuông nuôi trồng thủy sản, vuông tôm, nạo vét sông rạch hay đào đắp công trình thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản ... để bắt buộc áp dụng các biện pháp cách ly bùn thải, khử phèn và các chất độc hại, lắng trong tách cặn và khử trùng dịch bệnh trước lúc thải nước vào sông rạch công cộng. Bênh cạnh đó càng tăng cường các biện pháp giám sát, quan trắc và dự báo chất lượng môi trường để kịp thời ứng cứu khi có sự cố môi trường xảy ra.

3. Trong thiết kế quy hoạch các khu nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, cũng như các mô hình nuôi tôm qui mô lớn khác ... cần nhanh chóng nghiê cứu bố trí hợp lý diện tích đất đai để đầu tư hệ thống lắng và xử lý nước thải nuôi tôm, hệ thống xử lý khử trùng và cách ly các nguồn bùn thải nuôi tôm độc hại và dễ lây nhiễm dịch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường qui định, nhằm triệt để an toàn sản xuất nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là nuôi tôm.

4. Khi tổ chức sên vét bùn thải nuôi tôm hoặc đào vuông nuôi mới, nhất thiết phải thiết kế bố trí diện tích cần thiết đủ sức để chứa cách ly nguồn bùn thải và lắng trong, tách bùn trước khi thải ra sông rạch. Bùn thải được cách ly này phải được xử lý và khử trùng, khử lý phèn hóa và các độc tố môi trường bằng các hóa chất như vôi bột, Dolomite, Diatomile, hoặc các chất khử trùng diệt khuẩn ... một thời gian đảm bảo tiêu chuẩn môi trường mới thả ra sông rạch trong khu vực. Làm như thế sẽ có tác động hữu hiệu, khử phèn trong đất và bùn thải, khử các chất độc môi trường, diệt khuẩn và ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, đồng thời lắng trong nước thải không gây sa lắng bùn thải trên sông rạch hay đầm trũng. Hơn nữa cần phát huy mạnh mẽ vai trò xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường người nuôi tôm.

Phạm Đình Đôn

Sở Khoa học - Công nghệ Cà Mau

 


Khi con cá mú chịu sống trong bè...

Nguồn tin: BCT, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 2/4/2005

3 năm trước, chuyện 2 người liều mạng làm một việc xưa nay hiếm… là nuôi cá mú ở hai xã đảo Hòn Tre và An Sơn huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang được nhiều người cho là “đem tiền bỏ biển”. Vậy mà, thành công của họ đang mở ra một nghề mới cho huyện đảo Kiên Hải nơi mà từ trước tới giờ đa phần người dân chỉ chăm bẵm vào chuyện… đánh bắt cá, tôm... Mỗi năm, nghề nuôi cá mú lồng bè mang lại cho ngư dân nơi đây khoản lợi nhuận hàng tỉ đồng…

“MỘT VỐN BỐN LỜI”

Nói tới Kiên Hải, nhiều người nghĩ ngay rằng đây là một huyện đảo với lợi thế khai thác, nuôi trồng hải sản là rất lớn. Thế nhưng từ trước đến giờ người dân đa phần chỉ chăm lo cho chuyện… đánh cá. Vì thế mà cái lợi thế về nuôi trồng không mấy ai chúng trọng đến.

Năm 2002, ông Đoàn Hoài Phong-một trong những cư dân đầu tiên ở xã Hòn Tre huyện Kiên Hải nuôi cá mú lồng bè bị người dân cho là “liều mạng” đem tiền bỏ biển. Ông bỏ ra trên dưới 30 triệu đồng để làm lồng rồi mua 200kg cá mú con làm giống thả nuôi. Con cá mú từ trước tới giờ chỉ sống trong môi trường tự nhiên vốn không thích bị bó buộc. Mỗi ngày ông Phong phải bỏ công chăm sóc. Đến khi thu hoạch, ông bị lỗ 6 triệu đồng… Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phong nói: Quả là thấy vậy mà khó. Sau khi thất bại vụ đó tôi kiểm tra kỹ lại đúng là mình chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, quản lý cá theo môi trường nuôi tập trung nên tỷ lệ hao hụt cao.

Không chịu thua, năm 2004, ông Phong đóng thêm 1 lồng lớn và thả tổng cộng 700kg cá giống. Lần này, thì lời to, sau khi trừ các chi phí, 2 lồng cá mú cho lợi nhuận gần 100 triệu đồng…

Cũng năm 2002, ở Hòn Ngang thuộc quần đảo Nam Du, nhiều người không khỏi giật mình khi một thợ sửa máy nổ tự nhiên bỏ nghề ra làm chòi sống lênh đênh trên biển. Đó là anh Bùi Ngọc Ẩn, người khai sinh là nghề nuôi cá mú ở quần đảo Nam Du. Anh kể: Thấy các thanh niên trên đảo bắt cá mú nhiều quá nhưng, trọng lượng chỉ vài trăm gam/con bán để ăn thịt. Mình thấy tiếc vì giá trị kinh tế loại này cao lắm. Rồi bàn với vợ làm liều một chuyến. Bài toán đầu tư của anh Ẩn như sau: 12 triệu đồng làm lồng bè khoảng 70 khối nước, 40 triệu mua 500 kg cá giống, công chăm sóc, thuốc, thức ăn 28 triệu. Tổng chi phí là 80 triệu đồng. Sau gần 8 tháng nuôi anh bán được 1.300 kg cá thương phẩm với giá 200.000 đồng/kg. Trừ tất cả các chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng. Mỗi năm, anh Ẩn đều “nở bè” và số bè hiện anh đang có là bốn. Theo anh Ẩn thì nghề này nếu kỹ lưỡng thì ăn chắc hơn đi biển.

Số lượng bè cá ở huyện Kiên Hải cứ tăng dần từ 2 bè đầu tiên năm 2002. Năm 2003, bà con ngư dân ở Hòn Tre và Nam Du nuôi tự phát 7 lồng bè cá mú. Kết quả mang lại thật bất ngờ, sau 7 đến 12 tháng thả nuôi, năng suất trung bình 700 kg đến 1 tấn/bè, với giá bán thị trường khoảng 250.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, các chủ bè còn lời 60 đến 100 triệu đồng. Năm 2004, ngư dân ở đây đã thả nuôi 14.000 con cá mú giống trong 12 lồng. Ngoại trừ 2 lồng bị sóng đánh rách lưới, 10 lồng còn lại với giá bán lên 250.000 đến 300.000 đồng/kg cho kết quả một lời hai… Đến nay số lượng lồng bè cá mú đã lên đến 23 cái.

Trông xa, lồng bè nuôi cá mú cứ như cái chòi chăn vịt trên đồng nhưng đó chỉ là “phần nổi”, chứ “của chìm” trị giá lên đến một phần tư tỉ đồng…

ĐỊNH HÌNH NGHỀ MỚI

Sự phát triển nghề nuôi cá bè kéo theo sự hình thành một đội quân phục vụ. Đó là trên dưới 50 thợ lặn cá mú giống mỗi ngày kiếm được trên 100.000 đồng/người. Lớn hơn là các chủ thu mua các giống thuần dưỡng rồi cung cấp cho chủ bè nuôi. Chị Thái Thị Nguyệt chuyên về cung cấp cá giống cho biết: Hàng ngày, chị thu gom cá giống từ những người khai thác từ tự nhiên để chăm sóc cho cá khỏe mạnh rồi mới bán ra với giá 210.000 đồng/kg giống. Làm công việc này có lời hơn so với nuôi vỗ béo nhưng cực công chăm sóc và kỹ thuật. Ngư dân ở đây chủ yếu làm theo kinh nghiệm chứ chưa được phổ biến những kỹ thuật mới về loại cá này…”

Qua khảo sát của phòng kinh tế huyện Kiên Hải cho thấy mỗi năm ngư dân ở hai khu vực Hòn Tre và Hòn Ngang khai thác được trên dưới 50.000 con giống, đủ cung cấp cho trên 50 lồng bè. Chưa kể các khu vực ven hàng chục hòn đảo khác. Do vậy trước mắt vẫn đảm bảo khả năng phát triển nhu cầu nuôi tại đảo lên gấp đôi. Điều kiện thuận lợi cho việc nuôi cá mú là nguồn thức ăn dồi dào từ môi trường biển tự nhiên đồng thời nguồn cá tạp giá rẻ từ các tàu cung cấp. Thương lái lại mua tận bè với giác cao…

Nhưng hiện nay những hộ đã nuôi và dự định nuôi cá mú lồng bè ở huyện Kiên Hải đang gặp phải 2 vấn đề lớn là thiếu vốn và kỹ thuật nuôi. Tính bình quân, mỗi lồng nuôi cá mú từ 18 đến 30 m2 có chi phí từ 12 đến 20 triệu đồng; tiền con giống, thức ăn, công chăm sóc cũng trên dưới 40 triệu đồng. Quả thật đối với gia đình các ngư dân quanh năm chỉ trong chờ vào các chuyến biển thì khó có thể có được số vốn lớn như thế để đầu tư. Vì vậy rất nhiều người mong muốn được ngân hàng đầu tư tiếp sức. Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là đầu ra cho sản phẩm một khi nó phát triển rầm rộ.

Anh Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng kinh tế huyện Kiên Hải cho biết: Nuôi cá mú lồng bè thật sự là công đoạn đầu tư vỗ béo. Nhưng để thành công thì vấn đề kỹ thuật phải được chú trọng. Lồng nuôi cá phải an toàn và địa hình nuôi có thể di chuyển được theo hai mùa gió để tránh bão và gió lớn. Từ thực tế đó, huyện Kiên Hải đang lập dự án phát triển nghề nuôi cá mú lồng bè. Theo đó, vấn đề vốn đầu tư cho ngư dân sẽ được giải quyết bằng cách ngân hàng cho vay tín chấp, hội nông dân đứng ra bảo lãnh. Huyện cũng ra đảo mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá cho dân…

H PHONG-T NGUYỄN


ĐBSCL: Hàng ngàn ha tôm sú chết

Nguồn tin: BCT, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 2/4/2005

Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết: Tính đến cuối tháng 3- 2005, tổng diện tích thả nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh khoảng 3.870 ha. Trong đó, huyện Cần Đước 1.750 ha, Cần Giuộc 906 ha, Châu Thành 700 ha và Tân Trụ 514 ha, đáng lo ngại là hiện nay, dịch bệnh đốm trắng trên tôm phát triển sớm và có chiều hướng lan rộng. Diện tích thiệt hại lên đến 557 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Cần Giuộc 524 ha.

Tại Trà Vinh theo điều tra mới đây của Sở Thủy sản, toàn tỉnh có hơn 12.560 hộ thả nuôi tôm sú trên diện tích 10.568 ha. Trong đó có 1.744 hộ nuôi bị thiệt hại với số lượng tôm chết ước tính trên 108 triệu con. Giá trị thiệt hại về kinh tế hơn 5,6 tỉ đồng. Tôm chết ở độ tuổi từ 20 đến 30 ngày tuổi với các biểu hiện bệnh đỏ thân, đốm trắng, vàng đầu... chủ yếu tập trung ở các vuông nuôi quảng canh cải tiến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân nóng vội thả tôm nuôi sớm trước lịch thời vụ, một số vùng bị ảnh hưởng nắng hạn không thay được nước trong nhiều ngày liền.

Trong khi đó tại các huyện Bán đảo Cà Mau thuộc tỉnh Kiên Giang tình trạng tôm chết cũng đang diễn biến theo chiều hướng gia tăng. Theo UBND huyện An Minh, đến nay toàn huyện đã xuống giống 18.000 ha trong tổng số diện tích qui hoạch nuôi tôm là 30.000 ha. Sau gần 2 tháng thả nuôi đã xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt trên diện tích khoảng 200 ha. Còn tại huyện Vĩnh Thuận, có tới 90% trong tổng diện tích nuôi tôm là 19.200 ha đã được xuống giống, chủ yếu là các vuông nuôi quảng canh cải tiến. Trong số diện tích tôm thả nuôi có trên 20% (trên 3.000 ha) bị thiệt hại nặng do tôm chết.

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm chết là do người dân thả tôm sớm, không tuân theo lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành thủy sản (thời điểm thả nuôi thích hợp nhất là đầu tháng 4 đến tháng 7). Trong điều kiện nắng hạn, độ mặn lên cao, nhiệt độ chệnh lệch giữa ngày và đêm quá lớn làm cho tôm sú dễ dàng mắc bệnh và chết. Nguyên nhân thứ 2 là do người dân sử dụng tôm giống trôi nổi, không đạt chất lượng, chưa qua kiểm dịch, có chứa sẵn mầm bệnh. Điển hình như qua kiểm tra 10 trại giống ở huyện An Minh thì ngành chức năng đã phát hiện tới 4 trại sử dụng giống không đạt chất lượng, chưa qua kiểm dịch bán cho nông dân.

Ngành thủy sản và nông nghiệp các địa phương đang triển khai giúp dân khắc phục thiệt hại dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở cung cấp tôm giống trên địa bàn. Ngành thủy sản khuyến cáo người dân vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường, chọn tôm giống qua kiểm dịch và thả nuôi đúng lịch thời vụ...

T.H - Q.D - H.P

 


Bình Định: Thả 50 vạn tôm giống và tôm bố mẹ ra biển

Nguồn tin: BĐ, 1/4/2005
Ngày cập nhật: 1/4/2005

(BĐ) - Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ngành Thủy sản (1-4-1960 - 1-4-2005), sáng 31-3 tại TP Quy Nhơn, Sở Thủy sản Bình Định đã tiến hành thả ra biển gần 50 vạn tôm giống post 15 và 12 con tôm bố mẹ do các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh ủng hộ. Ngoài ra, ngành còn tổ chức ra quân phát động phong trào cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong nhân dân, với sự tham gia của hơn 100 cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành.

Việc làm trên đã được ngành Thủy sản Bình Định duy trì từ năm 1998 đến nay, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt do sự khai thác quá mức.

. Ngọc Thái

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang