• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lại vấn nạn thuốc cá trên sông rạch

Nguồn tin: BCT, 15/3/2005
Ngày cập nhật: 16/3/2005

Giá tôm càng xanh, tép bạc đất tăng cao, những người có mương vườn, dân sống bằng nghề chài lưới ai nấy điều phấn khởi. Mừng hơn là đợt giáp tết vừa qua, bà con phát hiện lượng tôm lóng (tôm càng xanh con) có rất nhiều. Rồi đây số tôm này nếu được bắt về nuôi hay tự vào mương vườn sẽ đem về cho bà con một nguồn thu nhập khá.

Mừng chưa được bao lâu, thì nạn dùng thuốc trừ sâu đổ trên sông, rạch để bắt tôm, tép đã làm nhiều người phẫn nộ. Chuyện thuốc tôm cá trên sông, rạch vốn đã bị cấm từ lâu, gần đây đã trở lại. Ở con rạch nối tiếp giáp 2 xã Đa Phước Hội và Tân Bình cứ bị đổ thuốc hà rầm. Không biết thuốc bị đổ xuống rạch là loại gì, nhưng tôm, tép phóng lên bờ hoặc nổi lên trên mặt nước. Người đổ thuốc thường lựa lúc nước cạn, ít chảy để đổ xuống rồi bơi xuồng theo vớt tôm, tép. Theo một số người dân ở đây thì có tháng con rạch bị đổ thuốc tới 2 lần. Nhiều người đặt bun, nò ở rạch để bắt tép mỗi khi cất lên chỉ có vô rác... Còn con rạch ở ấp 4 thị trấn Mỏ Cày, dọc theo Quốc lộ 60 cũng vậy. Nơi này, thường bị thuốc vào ban đêm, người thuốc thường giả dạng người đi xúc, chài. Cũng tại con rạch này, ngày 21-1-2005 có 3 đối tượng đổ thuốc trừ sâu xuống rạch để thuốc tôm tép đã bị bắt. Khi được công an mời về điều tra, các đối tượng chối quanh co không được mới chịu nhận tội. Tưởng chuyện những đối tượng bị bắt ở ấp 4 thị trấn sẽ răn đe được hành vi này. Nhưng cách 2 ngày sau thì ở con rạch lớn Cầu Ông Đình gần đó cũng bị thuốc... Và nhiều con sông, rạch khác cũng lâm cảnh tương tự.

Thiếu tá Huỳnh Quốc Hiền, Trưởng Công an thị trấn Mỏ Cày, cho biết: “Nếu không phải đối tượng là người ở địa phương khác đến, chưa chắc chúng tôi bắt được. Bởi người đổ thuốc không có gì khác những người đi xúc tôm cá bình thường. Chỉ cần đổ một lọ thuốc trừ sâu nhỏ chảy theo dòng nước và có nhiều người cùng nhào ra bắt tôm tép thì chúng tôi khó biết ai là thủ phạm”.

Đổ thuốc trên sông rạch để bắt tôm tép là một cách hủy diệt nguồn tài nguyên hiện có. Một tác động khác, nếu tất cả thuốc đổ xuống sông, rạch là thuốc trừ sâu thì dòng nuớc này sẽ chảy vào và làm ảnh hưởng đến các mương vườn của người dân. Nhiều người nuôi tôm càng xanh sau vài tháng đến ngày thu hoạch thì chỉ còn lại vài con tôm do ảnh hưởng của thuốc làm tôm chết. Còn những mương vườn bình thường thì lượng tôm, tép cũng giảm hẳn so với mấy năm trước đây. Ông Nguyễn Văn Bảy ở ấp 4 thị trấn Mỏ Cày bức xúc nói: “Hồi trước, anh em tôi năm nào cũng nuôi tôm càng xanh trong mương vườn, lợi nhuận kiếm cũng khá. Do nguồn nước bị thuốc ngoài rạch chảy vào ao nên năm vừa rồi thả nuôi đến khi tháo ao lỗ nặng. Kiểu này chắc sang năm tôi nghỉ nuôi tôm”. Một ảnh hưởng khác của cách dùng thuốc trên sông đó là ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Phần lớn người dân nông thôn Bến Tre đều sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày là nước dưới sông rạch múc lên rồi lóng phèn. Tuy không ảnh hưởng ngay tức thời nhưng ít nhiều những độc tố của các loại thuốc trừ sâu sẽ gây nên những tác hại sức khỏe cho người dân sử dụng nguồn nước này. Các ngành chức năng địa phương cần sớm ra tay ngăn chặn cho dân nhờ!

CAO DƯƠNG


 

Tp. Hồ Chí Minh phát triển nghề nuôi cá cảnh xuất khẩu

Nguồn tin: Vasep, 13/3/2005
Ngày cập nhật: 16/3/2005

Những năm gần đây, nghề nuôi cá cảnh, cây cảnh phục vụ xuất khẩu đã cho hiệu quả kinh tế cao ở Tp. Hồ Chí Minh. Phát triển nuôi cá cảnh, cây cảnh xuất khẩu đã trở thành một "chương trình kinh tế" của nông nghiệp thành phố, sau chương trình "hai cây, hai con" (cây rau an toàn, cây dứa cayen, con bò sữa, con tôm sú). Vùng nuôi cá cảnh của Tp. Hồ Chí Minh được quy hoạch ở huyện Củ Chi, quận 8, quận 9, quận 12, Thủ Đức, quận 2. Thành phố đã có câu lạc bộ cá cảnh quy tụ hơn 200 hội viên, với hơn 10 triệu con cá cảnh các loại. Ngành nông nghiệp thành phố đang cùng các viện nghiên cứu, trường đại học đóng trên địa bàn, tiến hành nghiên cứu nhằm cung cấp giống cá cảnh cho người nuôi ở thành phố.

(TN) Nhân dân, 12/3/2005

 


Dự án nuôi trồng thuỷ sản tại Kiến An, An Lão (Hải Phòng): Ách tắc do... chính quyền địa phương

Nguồn tin: LĐ, 14/03/2005
Ngày cập nhật: 15/3/2005

 


Cà Mau: Chế tạo thành công dây chuyền chế biến bột cá

Nguồn tin: BCT, 15/3/2005
Ngày cập nhật: 15/3/2005

Sau hơn 1 năm mài mò sáng tạo, anh Đặng Lợi , một kỹ sư cơ điện tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời đã đưa nhà máy chế biến bột cá do chính mình tự chế tạo, lắp ráp vào hoạt động tại thị trấn Cái Đôi Vàm huyện Phú Tân. Toàn bộ dây chuyền do anh chế tạo gồm lò đốt, lò nấu, băng tải, sàn, bộ phận làm mát và trộn bột có tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ đồng, công suất 40 tấn thành phẩm/ngày. Anh Đặng Lợi cho biết: “Dây chuyền này có ưu điểm là tiết kiệm được hơn 25% chi phí nguyên liệu. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư toàn bộ dây chuyền cũng chỉ bằng 1/2 so với các dây chuyền có cùng công suất nhập từ nước ngoài, nên giá thành phẩm sẽ rẻ hơn và thuận lợi trong cạnh tranh khi bán sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, sản phẩm bột cá do nhà máy sản xuất ra đang được các nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại Đồng Tháp và Vĩnh Long tiêu thụ.

BÌNH NGUYÊN

 


Tạo việc làm cho ngư dân nghèo ven Đầm Nại đã có sự khởi đầu tích cực

Nguồn tin: Web Ninh Thuan, 11/3/2005
Ngày cập nhật: 14/3/2005

Sau gần một năm chuẩn bị tất cả các điều kiện cho việc thực hiện dự án giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho ngư dân ven Đầm Nại, từ đầu năm 2005 đến nay huyện Ninh Hải đã có bước khởi động tích cực trong việc triển khai cho ngư dân trồng rong sụn thuộc dự án này. Hiện tại UBND huyện Ninh Hải đã ra quyết định cho thuê mặt nước trong vòng 5 năm (từ 2004-2009) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước cho 118 hộ thuộc 5 xã, thị trấn ven Đầm Nại (gồm Khánh Hải, Tri Hải, Phương Hải, Hộ Hải và Tân Hải) với diện tích 60 ha. Bình quân mỗi hộ ngư dân nói trên được thuê 0,5 ha mặt nước, trong 3 năm đầu ngư dân được miễn nộp tiền thuê mặt nước. Phòng Nông nghiệp-Địa chính huyện cũng đang hoàn tất hồ sơ, thủ tục để tham mưu cho UBND huyện tiếp tục ra quyết định cho 3 hộ thuộc thị trấn Khánh Hải vừa xin đăng ký bổ sung.

Hiện UBND các xã Tri Hải, Hộ Hải, Phương Hải và Tân Hải đã hoàn thành việc cắm mốc, phân lô và giao quyền sử dụng được 37 ha mặt nước ngay tại thực địa cho 72 hộ ngư dân của địa phương mình. Đồng thời, qua kết quả xét duyệt của Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT huyện, có 41 hộ trong diện này đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn ngân hàng, chiếm tỷ lệ 34,7% số hộ được UBND huyện ra quyết định cho thuê mặt nước để trồng rong sụn. Và 8 hộ trong số đó đã được ngân hàng cho vay vốn đầu tư thực hiện theo dự án, vào đầu tháng 2 vừa qua, các hộ nói trên (gồm 6 hộ của Tri Hải và 2 hộ của Phương Hải) đã hoàn thành việc xuống giống rong sụn trên diện tích 4 ha mặt nước. Ngoài số hộ nghèo nằm trong dự án, nhiều hộ ngư dân khác của huyện Ninh Hải thời gian qua cũng đã tự bỏ vốn đầu tư trồng hơn 100 ha rong sụn dọc theo các bãi triều ven biển từ Khánh Hải, Tri Hải đến tận thôn Mỹ Hiệp thuộc xã Nhơn Hải.

Ban chỉ đạo dự án của huyện đang tích cực đề nghị các ngành có liên quan của tỉnh và của huyện cùng phối hợp với UBND các xã, thị trấn ven Đầm Nại nhằm bảo đảm cho dự án triển khai đạt hiệu quả cao. Trước mắt, trong tháng 3 này thị trấn Khánh Hải phải hoàn thành dứt điểm công tác giao mặt nước tại thực địa cho các hộ tham gia dự án. Các Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT và Ngân hàng Chính sách-Xã hội huyện triển khai nhanh việc giải ngân nguồn vốn thuộc dự án cho các hộ ngư dân đáp ứng đủ điều kiện vay vốn ngân hàng; Trung tâm Khuyến ngư tích cực giúp cho huyện Ninh Hải trong việc cung cấp đủ nguồn giống cho dự án, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật tại thực địa để ngư dân thực hiện tốt việc xuống giống trồng rong sụn. Riêng với số hộ còn lại không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng, UBND các địa phương cần tích cực vận động họ cố gắng tự bỏ vốn đầu tư thực hiện việc trồng rong sụn theo dự án.

Cùng với việc phối hợp với các ngành, các cấp trong việc theo dõi, chỉ đạo sản xuất rong sụn; vấn đề tiêu thụ sản phẩm rong sụn cho ngư dân, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự tại các khu vực sản xuất rong sụn; công tác giám sát việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả cũng được đơn vị chức năng của huyện khá quan tâm. Theo kế hoạch, vào những tháng cuối năm nay, Phòng Nông nghiệp-Địa chính huyện sẽ cùng với chính quyền các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân trồng rong sụn thuộc dự án thực hiện di chuyển rong sụn đang trồng trên Đầm Nại vào trồng ở một số diện tích các ao đìa nuôi tôm ven đầm với mục đích nhân giống, lưu giữ giống rong sụn để lại tiếp tục đưa ra trồng tại đầm trong năm 2006.

Hoàng Nguyên,Báo Ninh Thuận

 


Phú Yên: Tái diễn khai thác, mua bán quặng Diatomit trái phép

Nguồn tin: LĐ, 13/03/2005
Ngày cập nhật: 13/3/2005

 


Dời bè tôm ra khỏi Vũng Me (Khánh Hoà): Đội cưỡng chế không có việc để làm

Nguồn tin: LĐ, 12/03/2005
Ngày cập nhật: 13/3/2005

Sáng 10.3, UBND TP.Nha Trang đã huy động gần 100 người trong số 203 thành viên của lực lượng chuẩn bị cưỡng chế lồng, bè nuôi hải sản ở khu vực Vũng Me tham gia vào công tác di dời. Ban chỉ đạo tổ chức di dời lồng, bè ra khỏi vịnh Nha Trang đã yêu cầu bến đò Cầu Đá không cho tàu vào, ra khu vực Vũng Me khiến không khí trên các bè tôm vô cùng căng thẳng. Theo kế hoạch, đợt 1 tập chung cưỡng chế lồng, bè của những hộ trên đất liền ra Vũng Me nuôi hải sản nhằm rút kinh nghiệm chuẩn bị tiếp tục cưỡng chế đợt 2 đối với ngư dân trên đảo. Tuy nhiên, đội cưỡng chế đã không có việc để làm bởi lẽ từ nửa đêm hôm trước đến lúc phát lệnh... tất cả các chủ bè đều lặng lẽ tự di dời.

Bảo Chân


 

Nuôi trồng rong sụn - nghề mới ở Tuy Phong

Nguồn tin: BT, 12/03/2005
Ngày cập nhật: 13/3/2005

Tuy Phong có bờ biển dài hơn 50km, địa hình đa dạng vừa có nhiều cảnh đẹp có thể khai thác làm du lịch hoặc nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh nuôi tôm, cá mú...gần đây một số vùng đã đưa vào một nghề mới nhiều hứa hẹn: Trồng rong sụn.

Theo chân anh cán bộ Hội nông dân xã Vĩnh Hảo, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tư – xóm 2, xã Vĩnh Hảo là người đầu tiên nuôi trồng rong sụn. Ông kể: “Khởi đầu cho việc nuôi trồng rong sụn là một sự tình cờ, năm 1996 khi ông đến thôn Sơn Hải – huyện Phước Dinh – tỉnh Ninh Thuận thấy dân ở đây trồng một thứ rong rất lạ, mà người ta gọi là rong sụn, tôi cũng mua về trồng thử và đã thành công”. Đầu tiên ông mua một tấn giống ở huyện bạn, do chưa có kinh nghiệm và chưa có đầu ra nên không mấy kết quả. Mãi đến năm 2002 ông bắt đầu trồng 3 tấn giống với diện tích 5ha mặt nước. Sau 3 tháng trừ chi phí ông lãi được 15 triệu đồng. Ngoài việc bán giống tươi cho bà con, ông còn bán rong khô cho các công ty có nhu cầu. Hiện nay một năm ông trồng 3 vụ lãi hơn 50 triệu đồng. Tương tự, anh Trần Đình Thái Hoàng Ly – xã Phước Thể, trước đây làm thợ hồ, mỗi ngày chỉ kiếm được 40.000 đồng, không đủ trang trải cho gia đình. Với quyết tâm làm thay đổi cuộc sống, anh lân la tìm hiểu, thấy nghề nuôi trồng rong sụn “một vốn bốn lời”, bàn với gia đình vay vốn Hội phụ nữ được 10 triệu đồng để trồng. Vụ đầu năm 2003 với 3 tấn giống anh trồng thử với diện tích 3ha mặt nước, cũng như ông Nguyễn Văn Tư năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm anh mất trắng. Không nản anh đầu tư tiếp vào vụ thứ hai đã thành công, trừ chi phí anh lãi được 10 triệu đồng, một năm anh trồng 3 vụ lãi hơn 30 triệu đồng. Hỏi về vốn vay anh cười nói: “Nhờ trồng rong sụn anh đã trả được nợ và còn dư chút đỉnh sắm chiếc xe máy, chứ lúc trước toàn đi xe thồ lên đây không à”. Trả lời câu hỏi của tôi là sao không nới rộng diện tích để nuôi trồng?, anh nói: “chờ Nhà nước quy hoạch diện tích tôi sẽ trồng thêm”. Nghề trồng rong sụn đã mỉm cười với bà con xã Vĩnh Hảo, nhưng với bà con xã Bình Thạnh thì không; đa số người trồng rong sụn bị thất bại do rong bị tróc vỏ, trắng đầu, cá rỉa, sóng đánh... Hiện nay diện tích nuôi rong sụn ở xã Bình Thạnh bị thiệt hại là 90%, sắp tới trạm khuyến ngư sẽ chọn một trong hai xã Bình Thạnh hoặc Chí Công làm mô hình trình diễn để hỗ trợ cho bà con về giống. Để phát triển nghề nuôi trồng rong sụn, ông Lê Văn Tất – trưởng Trạm khuyến ngư huyện Tuy Phong cho biết: Đầu năm 2005 sẽ tổ chức khảo sát toàn bộ để nắm diện tích cũng như số hộ cho chính xác, từ đó tổ chức rộng rãi những lớp tập huấn cho bà con có nhu cầu nuôi trồng rong sụn trên địa bàn. Năm 2005 Trạm khuyến ngư Tuy Phong sẽ mở từ 4 – 5 lớp tập huấn nhằm giúp bà con trồng rong sụn đạt hiệu quả cao.

Rong sụn được các công ty mua về chế biến làm dược liệu mỹ phẩm và có thể làm ra những món ăn như rau câu... Hiện nay đầu ra của rong sụn tương đối ổn định, hy vọng nghề nuôi trồng rong sụn là hương phát triển mới của bà con các xã miền biển.

THANH TRÚC

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang