• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cà Mau: Cho rắn hổ mang sinh sản thành công

Nguồn tin: BCT, 11/3/2005
Ngày cập nhật: 12/3/2005

Anh Phạm Hoàng Nam - Quản đốc Khu du lịch sinh thái lâm ngư trường Sông Trẹm đang nuôi 6 con rắn hổ mang và 6 con rắn mai gầm. Chúng được anh trực tiếp chăm sóc, cho ăn các loại cóc, chuột và rắn bông súng. Hiện nay, trong 6 con rắn hổ mang đã có một con sinh sản 5 rắn con. Còn 6 con rắn mái gầm cũng vừa được cho phối giống và vài tháng nữa sẽ tiếp tục sinh sản. Mục đích của anh Nam là nhân giống để bảo vệ tính đa dạng sinh học trong bộ sưu tập động vật của hệ sinh thái rừng U Minh Hạ. Sau khi cho sinh sản thành công rắn hổ mang, rắn mái gầm, anh sẽ tiếp tục tìm rắn hổ mây để nuôi và cho sinh sản. Sau đó sẽ nhân rộng mô hình nuôi và làm rượu rắn phục vụ du khách tham quan.

Ngoài việc nuôi rắn, anh Nam còn là một thầy thuốc trị rắn cắn có tiếng tại lâm ngư trường Sông Trẹm. Anh đã học nghề thuốc rắn từ năm 1983 và từ đó đến nay đã cứu sống gần 30 người bị rắn cắn trong khu vực.

BÌNH NGUYÊN

 


 

Một số hướng chính sách bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và khai thác thuỷ sản

Nguồn tin: TCTS, 12/2004
Ngày cập nhật: 10/3/2005

Tại Hội thảo tư vấn về quản lý, khai thác hợp lý môi trường ven biển phía bắc Việt Nam do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật Biển Việt Nam tổ chức ở Hải Phòng ngày 13/11/2004, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Việt Thắng đã phát biểu về định hướng chính sách bảo vệ môi trường của ngành. Tạp chí Thuỷ sản xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Thời gian qua, ngành thuỷ sản nước ta đã có những bước phát triển quan trọng dựa trên cơ sở khai thác lợi thế của một quốc gia có thiên nhiên nhiệt đới, giàu tài nguyên biển, đất ngập nước và đa dạng sinh học thuỷ sinh vật. Ngành đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước, góp phần xoá đói giảm nghèo và tạo sinh kế cho hàng triệu lao động ở các vùng nông thôn, đặc biệt đối với các cộng đồng nghèo ở những vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang và hải đảo. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng và lợi thế, biển và các vùng đất ngập nước nói trên cũng là những vùng sinh thái nhạy cảm, chịu nhiều rủi ro trước những biến đổi tự nhiên và các tác động của con người. Các hoạt động sản xuất thuỷ sản diễn ra với tốc độ nhanh, mạnh và đa dạng trong chừng mực nhất định cũng đã gây sức ép đến môi trường xung quanh và ảnh hưởng đến chính hiệu quả sản xuất của ngành.

Việc đề ra các hướng chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) trong nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là căn cứ quan trọng giúp ngành chủ động đối phó và giải quyết những thách thức môi trường. Có thể điểm ra một số thách thức cơ bản trong công tác BVMT của ngành như sau:

1. Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập

Do NTTS có lợi nhuận cao, nên tại nhiều khu vực ven biển người dân tự ý chuyển đổi diện tích trồng cây nông nghiệp, rừng ngập mặn sang NTTS. Hậu quả là tình trạng dịch bệnh thuỷ sản có cơ hội phát sinh và phát tán nhanh. Trong những năm vừa qua, có phần diện tích không nhỏ các vùng chuyển đổi từ diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hai do bệnh tôm và ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính là công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng và các chính sách quản lý chưa theo kịp nhu cầu thực tế của phong trào NTTS và thị trường thuỷ sản.

Hiện có nhiều ngành cùng tham gia khai thác và sử dụng tài nguyên nước mặn, lợ và ngọt, cũng như các vùng đất ngập nước. Sự phối kết hợp quản lý giữa các ngành còn chưa chặt chẽ, thiếu tính liên ngành. Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thường mang nặng tính khai thác, ít cân nhắc các yếu tố môi trường. Sự phát triển như vậy thường không bền vững, làm gia tăng các mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển lâu dài của các cộng đồng địa phương, của các ngành, trong đó có thuỷ sản và thường gây ra các mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành và với cộng đồng dân cư.

2. Khai thác quá mức và suy giảm nguồn lợi thuỷ sản và chất lượng môi trường

Hiện nay nguồn lợi hải sản vùng gần bờ có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt. Một số loài cá kinh tế thông thường vẫn đánh bắt với số lượng lớn, đến nay đã trở nên khan hiếm. Hiện có 17 loài cá biển đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong nước ngọt, 57 loài cá nước ngọt đang bị đe doạ tuyệt chủng, trong đó có 6 loài có nguy cơ tuyệt chủng, 24 loài có thể bị đe doạ tuyệt chủng, 18 loài bị đe doạ và 8 loài quí hiếm. Nguyên nhân là do còn đánh bắt bằng các phương pháp huỷ diệt như đánh mìn, dùng hoá chất độc, xung điện, lưới mắt nhỏ, khai thác trái vụ và suy giảm chất lượng các hệ sinh thái.

Nguồn lợi hải sản vùng gần bờ cũng sẽ chậm phục hồi do các nơi sinh cư tự nhiên quan trọng ở đây như các rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn...bị phá huỷ nghiêm trọng do các hoạt động phát triển ở vùng ven biển và trên lưu vực sông (tốc độ mất rừng ngập mặn do các hoạt động sản xuất trong giai đoạn 1985-2000 ước khoảng 15.000 ha/năm). Ðiều này dẫn đến không gian sống của các loài thuỷ sinh ngày càng bị thu hẹp, nguốn giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, tính da dạng sinh học ngày càng mất đi, tính bất ổn định của các hệ sinh thái ngày càng tăng.

3. Nghèo khó và nhận thức của cộng đồng nghề cá

Nghề cá nước ta có đặc điểm của nghề cá nhân dân, sản xuất chủ yếu theo ngư hộ/nông hộ, nhưng nhận thức của người dân về các vấn đề khoa học kỹ thuật, về lợi ích kinh tế lâu dài, về trách nhiệm BVMT và về nguồn lợi thuỷ sản còn thấp. Vì thế, thói quen khai thác nguồn lợi thuỷ sản và sử dụng đa dạng sinh học còn lạc hậu, ít thân thiện với môi trường.

Các cộng đồng dân cư ven biển nhìn chung còn nghèo, thiếu vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng sản xuất thuỷ sản yếu kém, đồng thời còn có sự cách biệt về mức sống trong nội bộ cộng đồng dân cư địa phương ven biển với các thương lái thuỷ sản. Ðiều này có ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nghề cá của địa phương, ngư dân làm nghề khai thác gần bờ không ra khỏi vòng xoáy cái khó bó cái khôn: nguồn lợi ven bờ cạn kiệt, đánh bắt gần bờ năng suất thấp, không có sinh kế thay thế, nên buộc phải tiếp tục cách đánh huỷ diệt nguồn lợi gần bờ để hy vọng có thu nhập cao hơn.

4. Hoạt động sản xuất thuỷ sản thường chịu rủi ro cao

Vùng biển và ven biển nơi tập trung các hoạt động sản xuất thuỷ sản thường chịu nhiều tác động xấu của thiên tai như bão lũ, xói lở bờ biển, đồng thời cũng chịu tác động ngày càng gia tăng của các tác nhân gây ô nhiễm nguồn lục địa và trên biển. Theo xu thế môi trường và phát triển kinh tế, thì các tác động này ngày càng có xu hướng gia tăng ô nhiễm và thiên tai bất thường, diện tích mặt nước tự nhiên ngày càng có xu hướng thu hẹp lại. Mặt khác, NTTS còn chịu tác động của các vấn đề môi trường nảy sinh từ chính các hoạt động sản xuất của ngành, cũng như còn phải vượt qua những đòi hỏi khắc nghiệt ngày càng cao của hàng rào phi thuế quan (tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quan hệ sản phẩm đối với bảo vệ môi trường sinh thái), đối với sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu trong bối cảnh của cơ chế thị trường cạnh tranh và toàn cầu hoá.

5. Phân cấp quản lý môi trường và nguồn lợi thuỷ sản còn chưa đồng bộ

Trước hết phải thấy rằng, nhận thức về BVMT nói chung chưa cao, chưa ý thức được BVMT là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mặc dù, BVMT trước hết là trách nhiệm của ngành thuỷ sản, nhưng trên thực tế còn nhiều ngành liên quan, nhất là những ngành sản xuất gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường thuỷ sinh và làm tổn hại đến nguồn lợi thuỷ sản. Ðến nay, chưa có các văn bản phân định trách nhiệm giữa ngành thuỷ sản với các ngành khác, cũng như chưa có cơ chế/cam kết phối hợp trách nhiệm chung về BVMT thuỷ sản, nhất là chưa có các quy định BVMT thuỷ sản có tính chất liên ngành ở những vùng sinh thái đặc biệt nhạy cảm. Còn có quan niệm cho rằng đây là nhiệm vụ của riêng ngành thuỷ sản.

Các hướng chính sách BVMT trong nuôi trồng và khai thác thuỷ sản được ngành đề ra dưới đây, nhằm chủ động đối phó với các thách thức môi trường, tận dụng tốt điều kiện tài nguyên thiên nhiên và môi trường thuỷ sản là hướng đi mà ngành đang và sẽ triển khai.

Tăng cường thể chế và hoàn thiện chính sách BVMT ngành thuỷ sản:

Lồng ghép BVMT vào các chính sách, dự án phát triển của ngành, tránh tình trạng phát triển sản xuất ít cân nhắc đến yếu tố môi trường.

Quy hoạch vùng nuôi, khai thác thuỷ sản còn thiếu các chế tài để đưa vào thực tiễn. Cần phải có các chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để đưa các bản quy hoạch vào thực hiện, nhằm hạn chế việc phát triển tự phát, tàn phá tài nguyên thiên nhiên.

Trách nhiệm BVMT thuỷ sản không phải chỉ có duy nhất ngành thuỷ sản, cần có sự tham gia của nhiều ngành. Việc xây dựng các cơ chế liên ngành với một số bộ ngành có liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp... là rất cần thiết, nhằm mục tiêu huy động các ngành cùng tham gia BVMT thuỷ sản.

Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên đất ngập nước và tài nguyên biển để phát triển thuỷ sản bền vững

Thiết lập hệ thống quốc gia về các khu bảo tồn, khu vực cấm có thời hạn, khu dự trữ thuỷ sản và các khu vực cần bảo vệ ở biển và nội địa để bảo vệ các hệ sinh thái nhạy cảm, có giá trị về nguồn gen.

Tái tạo, phục hồi các nơi sinh sống, thả rạn nhân tạo, đặc biệt ở các khu vực đã và đang là những bãi đẻ, vùng tập trung các loài thuỷ sản chưa trưởng thành, những khu vực, đường di cư của các loài thuỷ sản quan trọng.

Xây dựng các chính sách khuyến khích khai thác hải sản xa bờ, điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác ven bờ: Nhà nước có chính sách động viên, khuyến khích hỗ trợ cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khai thác xa bờ; tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trong nghề khai thác ở các vùng và các ngành khác nhau; khai thác thuỷ sản ở vùng biển quốc tế và biển nước ngoài. Từng bước giảm dần số lượng tàu khai thác thuỷ sản có công suất <45CV.

Hạn chế thiệt hại do môi trường và dịch bệnh thuỷ sản, bảo đảm chất lượng sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Sản xuất thuỷ sản phát triển, kéo theo sự gia tăng ô nhiễm môi trường và suy thoái các hệ sinh thái thuỷ sinh là điều rất dễ xảy ra, nếu như không có những biện pháp chăm lo BVMT thuỷ sản. Ngoài ra môi trường nuôi thuỷ sản còn chịu tác động của ô nhiễm rất lớn từ các ngành khác. Do vậy việc triển khai mạnh mẽ hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh thuỷ sản là rất cấp thiết.

Quy hoạch vùng nuôi an toàn: Phát triển quy hoạch theo các vùng sinh thái, tăng cường áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ thân thiện môi trường, xây dựng hạ tầng phục vụ nghề NTTS.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường và vai trò của cộng đồng trong BVMT và quản lý nguồn lợi thủy sản

Phân định rõ quyền và trách nhiệm giữa Bộ Thuỷ sản và các bộ ngành có liên quan trong quản lý đa dạng sinh học thuỷ sinh vật, các hệ sinh thái biển và đất ngập nước có giá trị đối với phát triển thuỷ sản.

Tăng cường vai trò của cộng đồng tham gia vào giám sát môi trường và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, gắn trách nhiệm của mọi người dân, hộ NTTS, chủ trang trại, doanh nghiệp vào quản lý môi trường.

Trên đây là một số hướng mang tính chiến lược cho công tác BVMT thuỷ sản, cũng là cơ sở cho việc xây dựng và ban hành bản chiến lược BVMT của ngành thuỷ sản từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020, là căn cứ để hướng dẫn xây dựng kế hoạch BVMT trong các năm tới.

 


27 tuổi trở thành triệu phú từ nghề ương cá bột

Nguồn tin: TTXVN, 7/3/2005
Ngày cập nhật: 9/3/2005

Năm nay mới 27 tuổi, nhưng đã có trong tay nguồn vốn hàng trăm triệu đồng, đó là anh Trần Văn Hồng, một thanh niên, nông dân sản xuất giỏi ở ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Anh Hồng xuất thân trong một gia đình nông dân, đông con, có hoàn cảnh sống khó khăn. Học xong lớp 9, anh phải nghỉ học để phụ giúp công việc lao động sản xuất của gia đình. Trước đây, gia đình anh Hồng chỉ làm ruộng và chăn nuôi một số ít gà, vịt, cá.... Song, do vùng đất này nằm cuối nguồn bị trũng, đọng phèn nên năng suất lúa không cao. Dù cố chăm lo lao động nhưng chỉ đủ ăn. Là thanh niên trẻ được đi đó đây, nhất là khi đến huyện Châu Thành, tỉnh Long An, anh phát hiện nghề ương cá bột cho hiệu quả kinh tế cao. Với điều kiện của gia đình và bản thân anh có thể làm được nghề này. Nhưng do nghề này đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên thường thì các cơ sở ương ép cá giống rất giấu nghề để họ độc quyền sản xuất. Muốn học được nghề anh đã phải tìm mọi cách tiếp cận với nghề và anh xin vào làm công cho các cơ sở ương cá giống ở tỉnh Long An. Với lòng quyết tâm cao, nên chỉ trong thời gian ngắn, người thanh niên "ham học, ham làm" này đã nhanh chóng học được những "bí quyết" của nghề ương cá bột qua việc làm thuê cho chủ. Không những thế, anh còn tìm tòi học hỏi qua tài liệu, sách báo, cán bộ kỹ thuật... Năm 1997, thôi việc làm thuê, anh Hồng và mạnh dạn đầu tư làm thử mô hình ương cá bột. Ban đầu, do còn mới mẻ, thiếu kinh nghiệm nên việc ương cá bột gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có vụ thua lỗ nặng. Nhưng với sức trẻ và lòng quyết tâm, ý chí tiến thủ nên chẳng bao lâu anh đã thành công với nghề này. Năm 1998, anh cùng với gia đình vay, mượn được số vốn khá để đào ao ương cá bột. Từ đó đến nay trại ương cá bột của anh luôn tiến triển về qui mô, số lượng lẫn lợi nhuận. Mỗi năm anh đến các nơi như: Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh để mua từ 1 -2 triệu con cá bột và sản xuất ra được hơn 1 triệu tấn cá con. Qua đó, lợi nhuận từ ương cá bột anh thu được hơn 150 triệu đồng/năm. Để sản xuất đạt hiệu quả thì thị trường tiêu thụ cá con là rất quan trọng. Đối với anh Hồng, do làm ăn có uy tín và giá cả phải chăng, nên thương lái đến mua cá bột của anh rất đông. Thậm chí có lúc không đủ nguồn cá bột đáp ứng cho khách.

Nói về bí quyết để ương cá bột thành công, anh Hồng tâm sự:" trước hết phải nắm rõ qui trình sản xuất cá giống theo đúng kỹ thuật. Song tùy theo từng điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước... mà người sản xuất phải linh hoạt xử lý, tránh trường hợp rập khuôn giữa người này và người khác..." Thật vậy, qua tiếp xúc với chúng tôi, người thanh niên này rất thành thạo nghề ương cá bột. Chính vì thế mà không ít nông dân có nhiều năm kinh nghiệm với nghề ương cá bột cũng tỏ ý thán phục, đến tham quan, học hỏi mô hình ương cá của anh. Hơn nữa, còn có nhiều trại cá giống ở huyện Châu Thành ( tỉnh Long An) đến mời anh về làm cố vấn kỹ thuật, nhưng anh từ chối vì công việc gia đình rất bề bộn. Hiện nay, anh Hồng đã nhân rộng được 2 ao cá giống với qui mô 7.000 m2 mặt nước. Tùy theo mỗi mùa mà anh ương ép một loại cá bột thích hợp để phục vụ cho khách hàng. Ngoài số diện tích nuôi tại gia đình, anh còn thuê thêm 7.000 m2 đào ao nuôi 50.000 con cá thịt, xây chuồng nuôi 60 con lợn thịt để lấy phân làm thức ăn phụ cho cá. Tại đây, anh đã mở 1 cơ sở bán lẻ cá giống cho nhu cầu nuôi cá của nhân dân địa phương. Để thực hiện những công việc sản xuất đó, ngoài lực lượng lao động trong gia đình anh còn thuê thêm một số lao động giúp việc thường xuyên.

Tuy rất bận rộn công việc làm làm ăn, nhưng người thanh niên này vẫn chưa bằng lòng với thực tại mà còn cho biết sẽ mở rộng mô hình, giải quyết thêm nhiều lao động và tiếp tục trợ giúp kỹ thuật cho nhiều hộ dân ở địa phương phát triển nghề nuôi cá. Thật đúng là "tuổi trẻ, tài cao", anh Trần Văn Hồng không chỉ là thanh niên điển hình của xã nhà mà còn là thanh niên sản xuất giỏi tiêu biểu nhất của tỉnh Tiền Giang. Thời gian qua, người thanh niên này đã vinh dự được Trung ương Đoàn, Bộ Thủy sản tặng nhiều bằng khen, giấy khen biểu dương về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi.

 


Tình hình Thủy sản tỉnh Bình Thuận tháng 2/2005

Nguồn tin: Web BT, 8/3/2005
Ngày cập nhật: 8/3/2005

Thời tiết ngư trường trong tháng diễn biến tương đối thuận lợi; tuy nhiên do ảnh hưởng nghỉ Tết nên thời gian bám biển không nhiều.Các nghề câu khơi, lưới kéo, lặn hải đặc sản hoạt động trong vùng tuyến lộng và tuyến ven bờ đạt sản lượng khá, thu nhập cao. Ước tháng 02/2005 sản lượng khai thác đạt 4.584 tấn; luỹ kế 2 tháng đạt 9.439 tấn, bằng 58,5% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được duy trì thường xuyên; trong gần 2 tháng đã kiểm tra phát hiện 296 vụ vi phạm, trong đó khai thác hải sản không có giấy phép 100 vụ; sử dụng ánh sáng vượt quá công suất quy định 162 vụ.

Thực hiện triển khai đăng ký tàu thuyền công suất nhỏ, đến nay toàn tỉnh có 1.272 chiếc đăng ký; so với số tàu thuyền công suất nhỏ đang hoạt động, tỷ lệ tàu thuyền đăng ký đạt khoảng 60%.

Nuôi trồng thuỷ sản: Các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh đang tiến hành vệ sinh ao hồ cho lứa nuôi mới. Một số hộ đã thu hoạch tôm nuôi trái vụ, sản lượng đạt thấp do thiếu chuẩn bị chu đáo. Ngành Thuỷ sản đã phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền nuôi đúng thời vụ, khuyến cáo các hộ nuôi thực hiện đúng yêu cầu vệ sinh ao nuôi; tăng cường công tác kiểm dịch.

Sản xuất tôm sú giống đang phát triển tốt, các cơ sở hoạt động sản xuất giống với công suất cao để đáp ứng nhu cầu giống cho vụ nuôi chính của năm; giá tôm post đang tăng nhẹ so với tháng trước (26 – 30 đồng/post); qua kiểm dịch cho thấy tỷ lệ tôm nhiễm bệnh đốm trắng không đáng kể

Các vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt tương đối ổn định; các loài thuỷ sản cá bống tượng, diêu hồng, cá măng, cá chép… phát triển tốt. Song do thời tiết khô hạn ảnh hưởng phần nào đến việc chủ động nguồn nước; một số hộ nuôi luân canh cá rô phi trong ao nuôi tôm sú phải thu hoạch sớm do thiếu nước ngọt.

 


Cà Mau: Xúc tiến thực hiện dự án trung tâm giống thủy sản nước ngọt

Nguồn tin: BCT, 8/3/2005
Ngày cập nhật: 8/3/2005

UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo các Sở, ngành hữu quan địa phương xúc tiến thực hiện dự án Trung tâm giống thủy sản hệ sinh thái ngọt. Bước đầu, Trung tâm sẽ được thực hiện trên diện tích 20 ha, tại Nông trường Khánh Hội (cũ), huyện U Minh, với mức đầu tư ban đầu 447 triệu đồng. Trong tương lai, Trung tâm này sẽ mở rộng diện tích ra đến 200 ha, nhằm tiến tới một trung tâm giống với năng lực cung cấp giống thủy sản hệ ngọt và giống gia súc gia cầm phục vụ nhu cầu cho cả vùng kinh tế nông nghiệp hệ ngọt của tỉnh (nằm phía Bắc Cà Mau, có diện tích 200.000 ha). Cùng với việc xúc tiến khảo sát và xây dựng khu Công nghiệp sản xuất giống tốm sú ở Tân Ân, Ngọc Hiển, Cà Mau đang tiến tới khả năng tự chủ về con giống cho cả hai vùng kinh tế mặn và ngọt.

TRẦN VŨ

 


Bến Tre: Phát triển nuôi thủy sản nước ngọt vùng cống đập Ba Lai

Nguồn tin: BCT, 8/3/2005
Ngày cập nhật: 8/3/2005

Chị Phạm Thị Vân ở ấp 3, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, cách cống đập Ba Lai khoảng 1.000 m về phía thượng nguồn, đã đầu tư 500 triệu đồng nuôi thử nghiệm 430 con cá sấu trong diện tích ao nuôi rộng 2.000 m2. Con giống thả nuôi trọng lượng từ 600-700 gram. Sau một năm rưỡi nuôi cá sấu tăng trọng 15kg/con. Như vậy với giá thị trường hiện nay 700.000 đ/kg, trừ chi phí, chị lãi gần 4 tỉ đồng từ đàn cá sấu này.

Ngoài nuôi cá sấu, chị còn thả nuôi 150.000 con cá lóc trong diện tích ao nuôi rộng 2.000 m2. Sau 5 tháng nuôi thu hoạch được 14 tấn cá, giá bán 17.000 -18.000 đ/kg, trừ chi phí chị còn lãi 80 triệu đồng. Chị Phạm Thị Vân cho biết: Phía sau công trình cống đập Ba Lai nguồn nước ngọt, sạch, dễ lấy ra vào, thích hợp nuôi các loại cá nước ngọt.

Lư Thế Nhã

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang