• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cây mắc ca: Hướng đi mới cho nông nghiệp Sơn La

Nguồn tin: Báo Chính Phủ, 29/11/2022
Ngày cập nhật: 2/12/2022

Cây mắc ca đã và đang được nhân rộng tại nhiều xã, bản, vùng cao, biên giới, phủ xanh đồi đất trống, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững và trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.

Cây mắc ca tại vườn ươm của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La - Ảnh: Báo Sơn La

Ông Dương Văn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La cho biết, là một trong những đơn vị tiên phong trồng cây mắc ca của tỉnh, năm 2018, Công ty đầu tư trồng thí điểm 63 ha mắc ca trên địa bàn xã Mường Chiên.

Đến nay, 1.000 cây mắc ca đã cho bói quả. Hiện, Công ty tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, với thu nhập từ 6-8,5 triệu đồng/tháng/người; khoảng 30 lao động thời vụ, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Lò Thị Duyên, xã Mường Chiên (huyện Quỳnh Nhai) chia sẻ, vào làm việc tại công ty, trung bình mỗi tháng, tôi được trả công 6,5 triệu đồng, từ đó giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện chăm lo việc học cho con.

Còn anh Lò Văn Tùng, xã Chiềng Khoang cho hay, anh được Công ty nhận vào làm việc được 3 năm, công việc của tôi là phụ trách về kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca với mức lương 8,5 triệu đồng/tháng.

Theo ông Lừ Văn Toản, Phó Chủ tịch xã Mường Chiên, triển khai dự án trồng cây mắc ca, xã chỉ đạo Ban quản lý các bản rà soát diện tích đất lâm nghiệp để chuyển đổi cây trồng, đến thời điểm này, xã đã phối hợp đơn vị chức năng bàn giao 163 ha đất cộng đồng cho Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La.

Nhiều hộ gia đình trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh đã cho thu nhập, là một trong những hộ tiên phong trồng mắc ca xen cà phê, ông Mùa A Tâm, bản Hua Lỷ, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ, năm 2015, tôi mua 170 cây mắc ca về trồng xen trên diện tích 0.5 ha cà phê, năm 2021, bói được 2 tạ quả. Từ năm sau trở đi, diện tích mắc ca của gia đình dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 3-4 tấn quả tươi/năm.

Còn ở huyện vùng biên Sốp Cộp, cây mắc ca bén rễ từ năm 2020, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Mường Và trồng thử nghiệm hơn 60 ha tại bản Co Đứa, xã Mường Và.

Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Mường Và Nguyễn Ngọc Quang cho biết, đến nay, Công ty đã trồng gần 70 ha tại bản Co Đứa, với giống cây mua từ Lâm Đồng. Cây mắc ca phát triển tốt, cao trên 2 m, tỉ lệ sống đạt 98%. Bước đầu, Công ty tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân từ những ngày đầu tiên đưa cây mắc ca vào trồng, ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, chia sẻ, huyện đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã phối hợp rà soát đất lâm nghiệp chưa có rừng để đưa vào quy hoạch trồng mắc ca với diện tích 2.000 ha, tập trung ở các xã Púng Bánh, Mường Lèo, Mường Lạn…

Hiện nay, ngoài chính sách của tỉnh, huyện miễn giảm thuế sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; hỗ trợ hoàn thiện thủ tục hồ sơ thuê đất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai trồng mắc ca.

Ngoài các xã Mường Chiên, Chiềng Khay (huyện Quỳnh Nhai) và xã Mường Và (huyện Sốp Cộp) rất nhiều gia đình ở các huyện: Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Mộc Châu đã chuyển đổi diện tích trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng mắc ca. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 660 ha mắc ca.

Trước đây, người trồng sử dụng giống cây mắc ca thực sinh gieo bằng hạt, sau nẩy mầm vài tháng tuổi đem trồng, phải mất 5-8 năm sau mới cho quả. Hiện nay, thông qua các đề tài nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, sử dụng giống cây lưu vườn từ 2-3 năm. Vì vậy, chỉ sau 2,5-3 năm trồng, cây mắc ca đã cho thu hoạch, tỉ lệ cây sống đạt cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La Hà Như Huệ cho biết, hiện cây mắc ca đang thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư trồng mắc ca theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đây là cơ sở quan trọng hướng đến việc đưa hạt mắc ca trở thành một trong những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của tỉnh.

Đồng thời, các doanh nghiệp đầu tư trồng mắc ca tại Sơn La hiện đã tham gia là thành viên của Hiệp hội mắc ca Việt Nam, sẽ được hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại và giao thương, kêu gọi đầu tư, cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội, mở rộng hợp tác kinh doanh.

Sau gần 2 năm thực hiện chủ trương, cây mắc ca đã và đang dần phủ kín những đồi đất dốc, hứa hẹn mang lại nguồn sinh kế ổn định, bền vững cho đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phát triển cây mắc ca theo quy hoạch, tỉnh Sơn La đang tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực phát triển chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm mắc ca.

LS

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang