• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Người dân Phìn Ngan không còn mặn mà với cây sa nhân

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 29/11/2022
Ngày cập nhật: 1/12/2022

Sa nhân từng được ca ngợi là cây thoát nghèo, làm giàu của người dân xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai). Tuy nhiên, những năm gần đây, cây sa nhân liên tục mất giá, nên người dân đã phá bỏ phần lớn diện tích.

Từng một thời hoàng kim

Xã Phìn Ngan là địa phương vùng cao thường xuyên hứng chịu thiên tai, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Bù lại, thổ nhưỡng, khí hậu ở Phìn Ngan rất lý tưởng để trồng các loại cây dược liệu như sa nhân, thảo quả. Trước đây, người dân Phìn Ngan tận dụng tất cả những diện tích đất rừng để trồng cây sa nhân. Cây sa nhân sinh trưởng và phát triển tốt, nên chỉ 2 - 3 năm là cho thu hoạch. Với giá bán có thời điểm cao nhất lên tới 900 nghìn đồng/kg quả khô, 200 nghìn đồng/kg quả tươi đã giúp nhiều hộ ở Phìn Ngan thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu chỉ trong một vài năm. Ông Tẩn Xành Tịnh, thôn Sùng Bang, xã Phìn Ngan cho biết: Thời điểm cao nhất gia đình tôi trồng 5 ha cây sa nhân. Những năm được mùa, được giá, cây sa nhân mang lại cho gia đình tôi khoảng 500 triệu đồng.

Người dân phơi quả sa nhân.

Cây sa nhân rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc mà vẫn cho giá trị kinh tế cao, nên chỉ trong thời gian ngắn, xã Phìn Ngan đã có gần 400 ha, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Sùng Bang, Suối Chải, Lò Suối Tủng. Không chỉ có sản lượng quả lớn nhất tỉnh, Phìn Ngan còn trở thành thủ phủ phân phối cây sa nhân giống cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ông Tẩn A San, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phìn Ngan cho biết: Những năm trước, nhà nào ở Phìn Ngan cũng trồng sa nhân, ít thì vài nghìn m2, nhiều lên tới gần chục ha. Vào mùa thu hoạch sa nhân, thương lái đến tận nương thu mua quả tươi với giá cao.

Thời kỳ cao điểm, gia đình ông Chuẩn Duần Pẩu, thôn Sùng Bang có hơn 3 ha sa nhân đến tuổi cho thu hoạch. Năm được mùa, được giá, ông thu gần 300 triệu đồng từ bán quả sa nhân. Ông Pẩu cho biết: Trước khi có cây sa nhân, người dân chúng tôi chỉ trồng ngô, lúa, quanh năm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn, không khá lên được. Từ khi trồng cây sa nhân, cuộc sống người dân được cải thiện, xây nhà cửa, mua sắm các thiết bị phục vụ sinh hoạt.

Đến thời bỏ sa nhân trồng quế

Tưởng rằng với lợi thế về thổ nhưỡng, thời tiết, cây sa nhân sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững của người dân Phìn Ngan. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, 3 năm trở lại đây, cây sa nhân khiến người dân Phìn Ngan thất vọng vì phần lớn diện tích bị thoái hóa, chậm phát triển, cho năng suất thấp. Đặc biệt, giá bán sa nhân “tuột dốc không phanh”, hiện ở mức trên dưới 30 nghìn đồng/kg quả tươi, 200 nghìn đồng/kg quả khô. “Vụ sa nhân năm 2022, gia đình tôi chỉ còn khoảng 3 ha, cho sản lượng khoảng 1 tấn quả tươi, bán được gần 40 triệu đồng. Đây là mức thu nhập thấp nhất từ khi trồng cây sa nhân đến nay. Nếu cứ tiếp đà này, trong thời gian tới gia đình tôi sẽ phá bỏ hầu hết diện tích cây sa nhân để chuyển sang trồng cây quế” - ông Tịnh cho biết thêm.

Được biết, thị trường tiêu thụ quả sa nhân chủ yếu là bên nước bạn Trung Quốc. 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ quả sa nhân gặp rất nhiều khó khăn, giá bán giảm mạnh. Trước đây, người dân thu hoạch sa nhân đến đâu, thương lái vào tận nơi thu mua đến đó, không phân biệt quả xấu hay đẹp, nhưng nay ngược lại. Nhiều thương lái vào thu mua sa nhân còn chê chất lượng quả thấp để ép giá người dân. Hiện xã Phìn Ngan chỉ còn khoảng 180 ha cây sa nhân, tổng sản lượng năm 2022 ước đạt khoảng 10 tấn quả tươi, giảm hơn 50% so với năm 2021.

Cây sa nhân liên tục mất mùa, mất giá khiến người dân xã Phìn Ngan gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để người dân Phìn Ngan chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Từ năm 2020 đến nay, người dân xã Phìn Ngan đã phá bỏ hơn 200 ha sa nhân để chuyển sang trồng quế. Quế là cây trồng đa dụng, mang lại thu nhập cao cho người dân; chính vì thế, xã Phìn Ngan đang khuyến khích người dân chuyển đổi dần diện tích sang trồng quế để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tất Đạt

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang