• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều diện tích lúa gieo cấy trễ vụ

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 20/06/2022
Ngày cập nhật: 22/6/2022

Hàng ngàn ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gieo cấy chậm trễ so với lịch thời vụ, nguy cơ không thể thu hoạch kịp thời trước mùa mưa lũ.

Chăm sóc lúa ngay từ đầu vụ

Đến thời điểm này, tại HTX Nông nghiệp Đông Vinh (Quảng Điền) vẫn còn khoảng 50ha lúa chưa gieo cấy xong. Chưa kể trong số hơn 300ha toàn HTX còn có nhiều diện tích tuy đã gieo cấy xong, nhưng trễ so với khung lịch thời vụ.

Nông dân Trần Tuấn cho rằng, do đợt mưa lũ trái mùa giữa tháng 4 và giông lốc trong tháng 5 làm nhiều diện tích lúa đông xuân đổ ngã, ngập úng kéo dài nên thu hoạch muộn, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất, gieo cấy vụ hè thu bị chậm so với kế hoạch, khung lịch thời vụ.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, đến ngày 16/6, toàn huyện vẫn còn khoảng 100ha lúa hè thu vẫn chưa gieo cấy. Các diện tích chưa gieo cấy tập trung ở các HTX Tam Giang, Sịa, Nam Vinh… Trên địa bàn huyện mặc dù đã gieo cấy xong hơn 3.800ha, nhưng trong số đó có hàng trăm ha gieo cấy chậm trễ so với kế hoạch thời vụ.

Trước đó, ngành nông nghiệp huyện cùng với các địa phương đốc thúc nông dân thu hoạch nhanh lúa đông xuân với phương châm thu hoạch đến đâu làm đất, gieo sạ đến đó nhằm kịp thời vụ. Huyện hỗ trợ 50 ngàn đồng/sào để vệ sinh đồng ruộng đối với 127ha lúa, hỗ trợ 252kg chế phẩm trichoderma để xử lý gốc rạ sau thu hoạch đối với 162ha bị thiệt hại nặng do mưa lũ, giông lốc, vùng bị nhiễm chua phèn.

Các địa phương đưa vào gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày, chủ yếu là TH5, Khang dân. Ngay sau gieo cấy xong, ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân tiến hành chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý để rút ngắn thời gian sinh trưởng cây lúa; đặc biệt đối với các diện tích gieo cấy chậm trễ càng phải chăm sóc tốt hơn nhằm hạn chế nguy cơ thu hoạch muộn.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, ông Lê Văn Anh thông tin, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ trái mùa và dông lốc làm nhiều diện tích lúa đông xuân thu hoạch muộn nên vụ hè thu phải cơ cấu các giống ngắn ngày và cực ngắn ngày. Nhóm giống lúa chủ lực đưa vào sản xuất vụ hè thu chủ yếu là Khang dân, TH5, HT1, HN6, ĐT100… Đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 24.600ha đã gieo cấy xong, còn khoảng 500ha dự kiến sẽ gieo cấy hoàn thành trong vài ngày tới; ngoài ra còn có hàng ngàn ha tuy đã gieo cấy xong nhưng trễ so với khung lịch thời vụ khoảng 7 ngày.

Để đảm bảo lúa hè thu sinh trưởng và phát triển ổn định, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng của thời tiết đến sinh lý, Chi cục TT&BVTV phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp chăm sóc tích cực. Đối với những diện tích gieo sạ muộn so với khung lịch thời vụ được chăm sóc, bón phân cân đối và theo nguyên tắc “nặng đầu vụ, nhẹ cuối vụ” nhằm kích thích lúa phát triển tốt ngay từ đầu vụ, rút ngắn thời gian sinh trưởng.

Chi cục TT&BVTV lưu ý, đối với các chân ruộng bị chua phèn cần tăng cường bón vôi, hoặc phân lân, thau chua, rửa phèn, thường xuyên giữ nước trong ruộng nhằm hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thường xuyên theo dõi hiện tượng ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ để có biện pháp xử lý kịp thời; kết hợp theo dõi, phát hiện, dự tính, dự báo sâu bệnh và phòng trừ các sinh vật gây hại kịp thời, hiệu quả.

Nông dân cần hạn chế sử dụng thuốc BVTV từ khi gieo sạ đến trong vòng 35 ngày để bảo vệ các loài sinh vật có lợi; chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết và phải đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách).

Chi cục TT&BVTV khuyến cáo, các địa phương, người dân thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chuẩn bị tốt các phương án chống hạn. Các địa phương vận động người dân tham gia duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ công trình thủy lợi đầu mối; tổ chức phát dọn, gia cố, nạo vét kênh mương nội đồng để tích nước, phòng, chống khi hạn hán diễn biến phức tạp, kéo dài.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang