• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng cây dược liệu - hướng đi mới của nông dân

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 22/05/2022
Ngày cập nhật: 23/5/2022

Hiện nay, nguồn dược liệu ở rừng tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Do đó, trồng cây dược liệu được xem là hướng đi mới và bền vững cho nông dân, nhất là khi giá nhiều mặt hàng nông sản đang ở mức thấp. Không chỉ nâng cao thu nhập mà đây còn là giải pháp nhằm bảo tồn nhiều loại dược liệu quý, tạo nguồn thuốc dồi dào chăm sóc sức khỏe người dân.

Nhận thấy những lợi ích, giá trị thiết thực đó, nhiều hộ nông dân, hội viên đông y trên địa bàn huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã trồng hàng trăm héc ta cây dược liệu và bước đầu có triển vọng lớn.

CUNG KHÔNG ĐỦ CẦU

Hộ ông Nguyễn Vĩnh Nam ở thôn 8, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng có hơn 10 ha đất trồng cao su, điều, cà phê, tiêu nhưng nguồn thu không ổn định do giá cả bấp bênh. Năm 2021, nhận thấy nhu cầu sử dụng dược liệu ngày càng tăng nên ông chuyển dần sang trồng cây dược liệu. Hiện ông đã trồng 4 ha, gồm cát sâm (còn gọi là cát lâm sâm), sâm đại quang, đinh lăng, khổ qua rừng; trong đó, cát sâm và sâm đại quang là những cây chủ lực. Đây là loại thảo dược quý, nhiều công dụng trong chăm sóc, bồi bổ sức khỏe con người, đặc tính dễ trồng, giá trị thương phẩm cao, thị trường đang khan hiếm.

Hội Đông y huyện Bù Đăng tham quan mô hình trồng cát sâm của hội viên Nguyễn Vĩnh Nam

Đặc biệt, đối với cây cát sâm, tất cả từ hạt, thân, lá và củ đều có giá trị thương phẩm cao. Hạt dùng làm giống với giá 1 triệu đồng/kg, thân và lá xay ép viên sử dụng trong nuôi gà, củ sử dụng trong ngành y với giá 100 ngàn đồng/kg tươi. Cát sâm trồng 3 năm cho thu hoạch củ với sản lượng khoảng 100 tấn/ha nhưng nếu trồng 5 năm thì giá trị thương phẩm tốt hơn, với giá khoảng 150 ngàn đồng/kg củ tươi. Ngoài dược liệu thương phẩm, ông Nam còn ươm 70 ngàn cây giống cát sâm để nhân rộng cho người dân với giá bình quân 8 ngàn đồng/cây. Ông Nam cho biết, bản chất của cát sâm là xuất phát từ rừng tự nhiên nên rất khan hiếm, phải ra tận miền Bắc mới đặt mua được giống.

Ngoài ra, ông Nam còn trồng 2 ha sâm đại quang với 40 ngàn bầu, mỗi bầu 1 củ khi thu hoạch tương đương 300g. Sâm đại quang trồng 1,5 năm thì cho thu hoạch thương phẩm với giá bán lẻ từ 1-2 triệu đồng/kg, bán sỉ 500 ngàn đồng/kg. Ông Nam tiết lộ, hiện nay, các loại dược liệu thương phẩm cũng như cây con giống dù chưa đến mùa khai thác, thu hoạch nhưng người mua đã đặt hết hàng.

TẠO VIỆC LÀM CHO HÀNG CHỤC LAO ĐỘNG

Giá trị, lợi ích lớn từ cây dược liệu đem lại nên không chỉ cá nhân, hội viên đông y mà các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) còn đầu tư trồng, thu hút đông thành viên tham gia.

Thành lập năm 2021 với 7 thành viên, HTX Tấn Tài Phát, huyện Bù Đăng đầu tư hàng tỷ đồng chuyên trồng cây dược liệu. Để có đất canh tác, HTX thuê vườn cao su trồng mới của Nông trường cao su Nghĩa Trung thuộc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng với diện tích 100 ha để trồng dược liệu, chọn 3 cây chủ lực là cát sâm 40 ha, sâm đại hành 55 ha và nha đam 5 ha. Khác với cát sâm, nha đam trồng khoảng 8 tháng thì cắt bẹ bán thương phẩm, trung bình 10 ngày thu hoạch 1 lần. Với diện tích 5 ha sẽ cho thu liên tục và thu hoạch 5 năm thì cắt trồng lại. Do mới trồng nên bước đầu vườn nha đam của HTX Tấn Tài Phát dùng để nhân giống, nhưng nếu thu hoạch thì 1 ha cho năng suất khoảng 40 tấn/ha/tháng với giá bán 5 triệu đồng/tấn.

Đối với sâm đại hành, trồng 1 năm sẽ cho thu hoạch, trung bình 1 ha khoảng 20 tấn với giá 25 ngàn đồng/kg củ tươi. Cũng như cát sâm, nha đam và sâm đại hành có nhiều công dụng trong chăm sóc sức khỏe con người nên cung không đủ cầu, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.

Anh Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Tấn Tài Phát cho biết, là cây dược liệu dùng để chăm sóc, bồi bổ sức khỏe con người nên không sử dụng bất kỳ loại phân bón, thuốc hóa học nào mà hoàn toàn từ hữu cơ, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù vườn dược liệu chưa cho thu hoạch nhưng đã được các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nhu cầu thị trường lớn, giá thương phẩm cao như hiện nay không chỉ tạo nguồn thu lớn cho HTX mà còn tạo việc làm cho 50 lao động địa phương. “Vụ điều vừa qua phần lớn mất mùa khiến hàng trăm hộ dân, nhất là các hộ dân tộc S’tiêng gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu tìm việc làm rất cao. Với diện tích 100 ha, mỗi ngày chúng tôi tạo việc làm cho 50 lao động địa phương với thu nhập từ 250-300 ngàn đồng/ngày/người” - anh Đồng chia sẻ.

TẠO CƠ CHẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trong các loại dược liệu HTX Tấn Tài Phát trồng thì cát sâm có giá trị kinh tế lớn nhất. Theo tính toán của anh Phạm Văn Đồng, sau 3 năm trồng, 1 ha cát sâm sẽ cho thu hoạch từ 100-120 tấn củ tươi, tương đương 8-10 tỷ đồng. Và nếu trồng 5 năm sẽ cho năng suất, chất lượng thương phẩm cao hơn gấp rưỡi. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là phần lớn diện tích canh tác của HTX là đất thuê từ vườn cao su trồng mới nên chỉ hợp đồng thuê 3 năm. Vì thế, để phát triển ổn định, bền vững cũng như tạo việc làm thường xuyên, liên tục cho hàng chục lao động địa phương, HTX mong muốn các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ, tạo cơ chế, pháp lý cho thuê đất 49 năm.

Ông Phạm Duy Ngộ, Phó chủ tịch Hội Đông y huyện Bù Đăng: Đây là mô hình kinh tế có triển vọng rất lớn, không chỉ đem lại thu nhập cao cho người dân mà còn bảo tồn nhiều giống dược liệu quý vốn đang cạn kiệt dần. Đặc biệt, mới triển khai trồng lớn khoảng 1 năm nay nhưng đã được các công ty dược liên hệ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các loại dược liệu được hội viên, nông dân trồng không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu mà hoàn toàn từ hữu cơ nên đảm bảo chất lượng khi sử dụng.

Ông Phạm Duy Ngộ, Phó chủ tịch Hội Đông y huyện Bù Đăng cho biết: Hiện có nhiều hội viên đông y, nông dân tham khảo ý kiến hội và trồng cây dược liệu với quy mô hơn 200 ha.

Dù được nhiều người trồng với diện tích khá lớn thế nhưng trồng dược liệu quy mô như ở huyện Bù Đăng vẫn còn khá mới. Vì vậy, để phát triển bền vững cần có sự quan tâm vào cuộc của ngành chức năng trong công tác quy hoạch vùng; tạo cơ chế, chính sách, thu hút nhiều doanh nghiệp dược đến thu mua, chế biến. Cùng với đó là hỗ trợ nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào trồng, chăm sóc cây dược liệu cho nông dân.

Vũ Thuyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang