• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương): Thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin:  Báo Bình Dương, 29/11/2022
Ngày cập nhật: 2/12/2022

Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi tất yếu. Thời gian qua, huyện Bắc Tân Uyên chú trọng triển khai nhiều giải pháp phát triển ƯDCNC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tạo ra nông sản sạch, nông dân làm mùa vụ theo ý muốn. Trong ảnh: Vườn quýt đường của trang trại Lâm Thành Tình chuẩn bị cho vụ thu hoạch vào tháng 4-2023

Nâng cao hiệu quả

Bắc Tân Uyên có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Những năm qua, nhờ tích cực triển khai nhiều chính sách, biện pháp nên việc phát triển các khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyên cây ăn trái có múi ƯDCNC bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ.

Đến thăm trang trại trồng cây ăn trái có múi với hệ thống tưới tự động của ông Lâm Thành Tình (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm), chúng tôi thấy khá rõ về triển vọng hiệu quả kinh tế từ việc ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp. Giới thiệu về vườn quýt đường rộng hơn 6 ha sẽ thu hoạch vào tháng 4-2023, anh Lâm Quang Bình, quản lý trang trại, cho biết: “Năm nay vụ tết không được giá nên trang trại tập trung cho vụ sau tết. Nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên nông dân có thể làm trái theo mong muốn, không còn phụ thuộc vào thời tiết. Ngoài ra, nông dân có thể nắm bắt diễn biến của thị trường để chủ động sản xuất. Trang trại áp dụng hệ thống tưới tự động nên tiết kiệm được chi phí, nhân lực, năng suất, chất lượng đều tăng lên”.

Theo anh Bình, ngoài trồng quýt đường, trang trại còn có 25 ha cam sành, cam xoàn tại ấp Chánh Hưng, tất cả đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ƯDCNC. Sản lượng trung bình đạt 30 - 50 tấn/ ha, lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, thị trường đầu ra luôn ổn định. Theo ông Nguyễn Hữu Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm, xu hướng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đã được nông dân trên địa bàn huyện và xã Hiếu Liêm ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh việc tuyên truyền hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, chính quyền địa phương tạo điều kiện về quỹ đất, xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp để người dân phát triển và nhân rộng.

Không chỉ ƯDCNC vào sản phẩm chủ lực thế mạnh là cây ăn trái có múi, huyện còn chú trọng phát triển các mô hình trồng trọt ƯDCNC khác, như nấm bào ngư, chuối sứ, dưa lưới... và đã mang lại kết quả khả quan. Trong lĩnh vực chăn nuôi xuất hiện mô hình chăn nuôi gà, vịt CNC khép kín, điển hình như trang trại gà lạnh của Hợp tác xã Nhân Đức (xã Hiếu Liêm), nuôi vịt trên cạn ở xã Lạc An và Đất Cuốc. Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 102 trang trại trồng trọt, với tổng diện tích khoảng hơn 1.400 ha; trên 60 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 28 trang trại hoạt động theo mô hình trại lạnh, khép kín, hơn 250 ha diện tích sản xuất đạt chuẩn VietGAP và hữu cơ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Mặc dù huyện đã có quy hoạch các khu chăn nuôi, trồng trọt và bước đầu đã hình thành các mô hình nông nghiệp ƯDCNC nhưng chưa nhiều, đầu ra của nông sản chưa thực sự bền vững. Phát triển các mô hình sản xuất ƯDCNC cần vốn đầu tư lớn, quy trình sản xuất chặt chẽ, hàm lượng tri thức cao, sản lượng cao, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định. Do đó, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đầu tư vào nông nghiệp CNC, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy lợi thế từng địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Tỉnh có một số chính sách như Quỹ đầu tư phát triển tỉnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị, giống cây trồng vật nuôi, chi phí mua công nghệ, mua bản quyền, sản phẩm mới… hạn mức vay tối đa 70% tổng vốn đầu tư của dự án, thời hạn vay 8 năm. Quỹ phát triển khoa học công nghệ hạn mức cho vay bằng 70% tổng vốn đầu tư của dự án nhưng không quá 10 tỷ đồng, thời hạn vay 5 năm. Quỹ phát triển kinh tế tập thể, hạn mức cho vay được hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư vay trung hạn, vay ngắn hạn là 80%, lãi suất vay hiện nay khoảng 4%/năm… Các DN, HTX cần xây dựng phương án phù hợp để có thể tiếp cận được những chính sách này”.

Ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Huyện chú trọng từng bước tái cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển chăn nuôi, trồng trọt tập trung, có quy mô lớn và ƯDCNC, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp, duy trì phát triển các loại nông sản có lợi thế của huyện. Việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp ƯDCNC sẽ kéo theo sự phát triển của các loại hình thương mại và các ngành dịch vụ phụ trợ, tạo động lực phát triển kinh tế của huyện”.

Trong 9 tháng năm 2022, huyện đã triển khai thực hiện được 3 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, gồm: “Mô hình trình diễn canh tác tre lấy măng tứ quý theo hướng hữu cơ” đã giao giống, vật tư, tỷ lệ sống đạt trên 96%, cây sinh trưởng và phát triển tốt. “Mô hình trình diễn ƯDCNC hệ thống tưới tiết kiệm vào sản xuất” đang tiếp tục theo dõi khả năng vận hành. “Mô hình trình diễn chăn nuôi gà nòi lai hướng thịt an toàn sinh học” chuẩn bị giao giống, vật tư cho nông dân.

TIẾN HẠNH

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang