• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

‘Trẻ hóa’ những vườn mắc ca

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 21/01/2021
Ngày cập nhật: 22/1/2021

Đó là giải pháp mà nhiều nông dân đang thực hiện với những vườn mắc ca già cỗi. Việc “trẻ hóa” không chỉ giúp các vườn mắc ca phát triển tốt mà còn mở ra nhiều cơ hội trong tiêu thụ đối với dòng mắc ca chất lượng cao.

Ghép cải tạo là giải pháp hiệu quả đối với việc nâng cao năng suất diện tích mắc ca già cỗi

Ghép cải tạo mắc ca

Ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, cho biết: “Quy định chung về tỷ lệ thu nhân trên trọng lượng quả mắc ca phải đạt ít nhất 36%. Tuy nhiên, nhiều vườn mắc ca ở Lâm Đồng trước đây được trồng thực sinh, cây phát triển kém nên tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 20-25%. Chính điều này dẫn đến việc mắc ca chất lượng thấp, khó tiêu thụ”.

Vào những năm 2000, khi luồng thông tin mắc ca là loại cây trồng sinh lãi cao lan truyền nhanh, nhiều nông dân đã tiến hành trồng loại cây này. Nguồn giống cây được các nông dân mua, bán trôi nổi không đảm bảo. Điều này dẫn đến việc nhiều vườn mắc ca hiệu quả thấp, quả không đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Lương ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh có 200 gốc mắc ca được trồng xen trong vườn cà phê từ những năm 2000. “Trước đây bà con trồng mắc ca, cây giống chủ yếu là thực sinh. Cây mắc ca còn xa lạ nên cứ thấy người ta bán giống là mua về trồng chứ không để ý và cũng ít thấy nơi nào cung cấp giống chất lượng cao như bây giờ. Do vậy, cây phát triển chậm và chất lượng trái không cao”, ông Lương cho biết. Trong số 200 gốc mắc ca này, một số cây cho thu hoạch khoảng 10 kg hạt mỗi năm. Tuy nhiên, đa phần cây cho thu từ 4-5 kg hạt. Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Lương đang bán hạt mắc ca cho các hợp tác xã, doanh nghiệp ở địa phương với mức giá tại vườn từ 80.000-90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mắc ca giống cũ nên vỏ dày, cơm ít do đó các thương lái chỉ mua để tiêu thụ nội địa. Vì muốn nâng chất lượng nông sản để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, gia đình ông Lương nhiều lần tìm giải pháp như tăng chất dinh dưỡng, nước tưới cho cây nhưng kết quả không khả quan. Nhiều lần ông tính đến việc chặt bỏ cây cũ, trồng cây mới nhưng ngại thời gian chờ đợi từ 4-5 năm nên lại thôi.

Để hỗ trợ nông dân cải tạo những vườn mắc ca già cỗi, kém hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức thực hiện mô hình ghép cải tạo đối với loại cây trồng này. Theo đó, các vườn tham gia mô hình này sẽ được hỗ trợ 70% nguồn vốn ghép cải tạo. Đồng thời, nguồn giống chất lượng cũng như kỹ thuật ghép, chăm sóc đều được Trung tâm hỗ trợ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lương đã tham gia chương trình này và tiến hành ghép cải tạo khởi điểm trên 50 cây mắc ca già cỗi. Những cây này đều được cưa ngang ở các cành lớn rồi sử dụng giống mắc ca chất lượng cao để ghép vào. Hiện nay, 50 gốc mắc ca ghép của gia đình ông Lương đều phát triển tốt. Đánh giá về độ sinh trưởng của cây, ông Lương cho hay: “Cây phát triển cành còn nhanh hơn cả những gốc vào độ tuổi trưởng thành. Với tốc độ như hiện nay, chỉ vào khoảng cuối năm 2022 là những gốc ghép sẽ cho thu hoạch. Gia đình sẽ tiến hành ghép cải tạo cho tất cả các cây mắc ca già cỗi, kém chất lượng trong vườn”.

Việc ghép cải tạo không chỉ góp phần “hồi sinh” diện tích mắc ca cũ kém chất lượng mà còn mở ra cơ hội mới cho diện tích cây trồng này.

Mở ra cơ hội mới

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, trên thế giới, nhiều quốc gia chỉ trồng mắc ca ghép vì đây là những cây được tạo bởi giống chất lượng cao đã qua nghiên cứu, tuyển chọn. Về việc trồng mắc ca, Trung tâm Khuyến nông cũng khuyến cáo người dân nên trồng bằng mắc ca ghép. Dù giá giống cây cao hơn nhiều lần so với giống thực sinh nhưng cây phát triển nhanh, chất lượng và nhanh được thu hoạch. Đồng thời, mắc ca là cây có sức chịu gió bão kém nên cần phải có phương án đảm bảo. Khi cây đến độ lớn thì phải bấm ngọn, tạo tán để có thể thu được nhiều trái. Trong quá trình cây đậu quả, phải phòng trừ bọ xít muỗi để tránh ảnh hưởng đến chất lượng của nhân. “Hiện nay, chúng tôi đánh giá được một số giống như 846, 849, QN1 có năng suất, chất lượng cao nên kết hợp với Công ty mắc ca Việt để tổ chức ghép cải tạo cho người dân ở huyện Di Linh. Chương trình đã ghép cải tạo trên 550 cây ở hàng chục hộ dân tại 6 xã của huyện này. Các mô hình này phát triển tốt, hạt mắc ca chất lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Diện cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, địa phương hiện có khoảng 4.400 ha diện tích mắc ca. Trong đó, đa phần trồng xen cà phê và các loại cây khác. Tỉnh Lâm Đồng hướng đến sản xuất mắc ca chất lượng cao, xây dựng liên kết sản xuất và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến để xuất khẩu. Vì vậy, việc “trẻ hóa” những vườn mắc ca bằng phương pháp ghép cải tạo đã mở ra hướng đi mới, hiệu quả cho nhiều diện tích mắc ca trên địa bàn toàn tỉnh.

HOÀNG MY

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang