• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Chuyển đổi cây trồng trên vùng chuyên canh tiêu

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 24/07/2021
Ngày cập nhật: 27/7/2021

Đầu ra cho các sản phẩm từ vườn cây ăn trái đang là mối lo ngại của nhiều nhà vườn ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Sau nhiều vụ mùa thất bát do dịch bệnh, giá cả và mưa bão, hiện nay, nhiều người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) đã từ bỏ cây tiêu, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, hoa màu khác.

Trên vùng đất một thời là “thủ phủ” tiêu của tỉnh, nhiều vườn tiêu ở xã Sơn Thành Tây đã bị dẹp bỏ. Thay vào đó là những vườn cây ăn quả đa dạng với đủ loại cây trái như mít, bơ, bưởi, mãng cầu, quýt đường…

Thay mới cây vườn

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, địa phương đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho một số loại cây ăn trái. Sắp tới, địa phương cũng sẽ hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi tiêu thụ các loại cây ăn trái… để ổn định đầu ra cho bà con.

Hơn 20 năm làm tiêu, có nhiều vụ ông Tạ Văn Tụy ở thôn Tịnh Thọ từng thu vào cả tỉ đồng với năng suất 6 tấn/ha, nhưng rồi bao nhiêu hoa lợi từ tiêu cũng chảy trở lại vườn. “Tôi đã phải đổi mấy mảnh đất tại TP Tuy Hòa đầu tư vào vườn tiêu này. Nhưng ngặt nỗi, càng đầu tư tiêu càng chết, dịch bệnh càng bạo nên tôi quyết định từ bỏ”, ông Tụy cho biết.

Đến nay, toàn bộ vườn tiêu rộng 4,5ha của gia đình ông Tạ Văn Tụy đã được thay thế bằng những hàng mít, bơ, mãng cầu, ổi nối dài… Theo ông Tụy, hiện vườn nhà ông trồng 8 giống mít thuộc hàng “top” của thị trường, gồm mít Thái siêu sớm, mít Mã Lai siêu dài, Mã Lai ruột vàng, Mã Lai múi đỏ, tố nữ Mã Lai, tố nữ Việt, mít không mủ… với khoảng 3ha. Diện tích còn lại trồng bơ, ổi nữ hoàng và mãng cầu Thái. Đến nay, tất cả đều bắt đầu cho thu hoạch.

Còn ông Đặng Đình Tỵ ở thôn Sơn Nghiệp cho hay: Gia đình tôi đã có 10 năm chinh chiến cùng cây tiêu với diện tích hơn 2ha, nhưng giờ thì “xóa sổ” rồi. Dịch bệnh, gió bão, rồi mất giá, gia đình không còn sức để theo cây tiêu; vì vậy tôi quyết định chuyển đổi. Hiện gia đình canh tác 7 sào (7.000m2) măng tây, 1ha bơ và 6 sào chuối theo mô hình của Công ty CP Vinacafe Sơn Thành.

Trong khi đó gia đình ông Võ Hữu Luật ở thôn Sơn Trường chuyển từ trồng tiêu sang trồng bắp sinh khối đã được 4 năm. Theo ông Luật, sau khi vườn tiêu bị bão quật xơ xác, chết sạch thì gia đình ông chuyển hết 3 sào tiêu sang trồng bắp sinh khối để đắp đổi chi phí chứ không còn tiền để trồng lại tiêu hoặc các loại cây dài ngày khác.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa Nguyễn Dũng cho biết: Trong khoảng 3 năm 2018-2020, tình trạng người dân phá bỏ vườn tiêu, chuyển sang trồng các loại cây khác diễn ra khá rộ. Diện tích trồng tiêu của toàn huyện hiện còn khoảng 234ha, giảm 328ha so với năm 2016 (thời điểm diện tích trồng tiêu của huyện cao nhất là 602ha). Số diện tích này bà con chủ yếu chuyển sang trồng bắp sinh khối, một số loại cây ăn trái như mít, bơ, mãng cầu, bưởi da xanh…

Cần hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra

Hiện nay, việc chuyển đổi cây trồng trên vùng chuyên canh cây tiêu ở huyện Tây Hòa đều do người dân tự phát, học tập lẫn nhau chứ chưa ai có kinh nghiệm bởi hầu hết bà con nơi đây đều gắn bó với cây tiêu trong thời gian dài. Cũng vì tự phát nên việc phát triển các loại cây trồng khác chưa được ngành chức năng khảo nghiệm, quy hoạch vùng trồng và quy mô sản xuất...

Theo ông Tạ Văn Tụy, khi không thể duy trì vườn tiêu nữa, bà con bắt đầu tìm hướng chuyển đổi. Nhưng vì không được định hướng nên mọi người phải tự mày mò. Nhận thấy đất đai ở vùng này thuộc loại đất đỏ bazan khá giống các tỉnh Tây Nguyên nên người dân học tập trồng các loại cây ăn trái như họ. Kinh nghiệm chăm sóc thì học hỏi trên mạng, qua sách báo… làm đến đâu học đến đó. Cũng may, sau gần 4 năm chuyển đổi, các giống mít, bơ đều rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cây phát triển tốt, cho trái to, đẹp và thơm ngon. “Băn khoăn lớn nhất lúc này của nhà vườn là bão gió. Bởi qua theo dõi, khoảng 5 năm sẽ có một cơn bão lớn từ cấp 10 trở lên. Với cấp gió này thì vườn cây khó trụ nổi, rất rủi ro. Đây cũng là lý do mà tôi chọn trồng thí điểm 1.200 cây mãng cầu Thái, bởi loại cây này thân thấp, chỉ cao khoảng 2m nên ít ảnh hưởng. Tuy nhiên, loại này lại rất khó phòng ngừa dịch bệnh. Như năm nay, đúng kỳ thụ phấn thì cây bị sâu bệnh khiến toàn bộ đọt khô héo, mất sạch một vụ. Chúng tôi rất mong được ngành chức năng hỗ trợ kỹ thuật phòng dịch bệnh cho các loại cây trồng”, ông Tụy nói.

Vì canh tác không được định hướng nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng rất nan giải đối với các nhà vườn. Theo ông Phạm Văn Hưng ở thôn Sơn Nghiệp, với 2ha quýt đường, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được khoảng 18 tấn/3 lứa. Vậy với 10ha quýt của toàn vùng này thì tổng sản lượng mỗi lứa thu hoạch lên đến 60 tấn nên gặp rất nhiều khó khăn khi tiêu thụ. “Hiện chúng tôi phải bán cho các thương buôn lẻ từ TP Tuy Hòa lên, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào họ nên thu nhập bấp bênh”, ông Hưng nói.

Ông Đàm Xuân Huyên, Giám đốc Công ty CP Vinacafe Sơn Thành, cho biết: “Hiện trên đất trồng tiêu do đơn vị quản lý có khoảng 100ha chuyển sang trồng các loại cây ăn trái. So với cây tiêu thì cây ăn trái có áp lực thời gian tiêu thụ rất lớn vì đây là các sản phẩm tươi, cách thu hoạch, vận chuyển đòi hỏi kỹ hơn, trong khi đầu ra còn hạn chế, báo hiệu nhiều rủi ro. Trước thực trạng này, công ty đã chủ động liên kết với đối tác tại Thái Lan, khảo sát vùng trồng và đi đến ký kết sản xuất 12ha chuối già Nam Mỹ cung cấp cho họ. Phía đối tác hỗ trợ 50% chi phí giống (sẽ thu hồi dần trong 3 năm), kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Thái Lan. Nếu mô hình này thành công, công ty sẽ phát triển vùng sản xuất lên 100ha. Đây sẽ là hướng đi mới, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho những vùng trồng tiêu bị nhiễm bệnh không thể tái canh trong tương lai.

THỦY TIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang