• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hà Giang: Quản Bạ chú trọng phát triển cây dược liệu

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 02/06/2020
Ngày cập nhật: 3/6/2020

Năm qua, tổng doanh thu từ dược liệu trên địa bàn huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) đạt trên 100 tỷ đồng; trong đó, nguồn thu chủ yếu từ Thảo quả khoảng 48 tỷ đồng; 50 tỷ đồng từ các loại cây Giảo cổ lam, Ấu tẩu, Hương thảo, Hà thủ ô và các thảo dược khác... Với giá trị kinh tế cao và năng suất, sản lượng ổn định; năm nay, ngành Nông nghiệp huyện Quản Bạ tiếp tục triển khai kế hoạch trồng mới 500 ha cây dược liệu, gồm: Atiso, Đương quy, Mã đề, Ấu tẩu, Thiên môn đông, Bồ công anh... Đồng thời, chú trọng chăm sóc tốt 2.400 ha cây dược liệu hiện có, gồm: Thảo quả, Hương thảo, Actiso và các cây dược liệu khác.

Người dân thôn Nà Chang, thị trấn Tam Sơn thu hoạch cây Actiso.

Để đảm bảo kế hoạch trồng mới dược liệu đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao; cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp huyện Quản Bạ đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng, vận động nhân dân thực hiện đúng theo các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện về phát triển dược liệu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hợp tác xã (HTX) và người dân; củng cố và phát triển các mô hình liên kết phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị hiện có. Bên cạnh đó, UBND huyện đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu có giá trị. Trong năm 2019, huyện đã hỗ trợ HTX Y học bản địa Quyết Tiến dây chuyền chế biến Đương quy với kinh phí hơn 600 triệu đồng... Nhờ vậy, một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị tương đối đồng bộ với đầu ra 30 sản phẩm dược liệu; trong đó, 9 sản phẩm được công bố hợp quy chuẩn, gồm: Trà gừng Cao nguyên đá, Nước tắm thảo dược, Thảo dược ngâm chân, Cao Atiso và 5 sản phẩm tinh dầu của HTX Cộng đồng Nặm Đăm...

Cùng với việc hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà xưởng, dây chuyền chế biến, huyện còn quan tâm hỗ trợ việc quảng bá hình ảnh, đưa sản phẩm của các doanh nghiệp (DN), HTX giới thiệu tại các hội chợ thương mại; kết nối với các trung tâm giới thiệu nông sản, các điểm dừng chân, du lịch trong và ngoài tỉnh… Xây dựng điểm giới thiệu, quảng bá, bán hàng tại Cổng trời Quản Bạ; thành lập Trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện… Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đều vào cuộc quyết liệt, thống nhất các giải pháp lãnh, chỉ đạo cũng như hỗ trợ, hướng dẫn các DN, HTX, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển dược liệu trên địa bàn. Thường xuyên nắm bắt tình hình nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở kịp thời, đúng lúc; đặc biệt luôn quan tâm đến việc hình thành và phát huy giá trị mối liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

Với những điều kiện thuận lợi đó, các công ty, HTX dược liệu trên địa bàn cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị quỹ đất sản xuất ngay từ đầu năm; thực hiện liên kết chặt chẽ với người dân trong sản xuất. Nhân dân chủ động sản xuất, phát triển các loài dược liệu bản địa về giống, mùa vụ, chăm sóc, thu hoạch… Việc phát triển dược liệu cũng được ký kết hợp đồng với DN, HTX, các hộ dân chủ động về đất, công lao động thực hiện theo đúng tiến độ. Chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn huyện đã mang lại những hiệu quả kinh tế thiết thực; cây dược liệu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 2.000 hộ với trên 5.000 lao động. Thu nhập của các HTX và người dân từ cây dược liệu ngày càng tăng, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, niềm tin của người nông dân vào phát triển cây dược liệu để xóa đói, giảm nghèo từng bước được củng cố. Người dân các xã, thị trấn trồng và chăm sóc các loại cây: Thảo quả, Ấu tẩu, Gừng, Nghệ,... cho thu nhập mỗi hộ trung bình từ 20 - 50 triệu đồng/năm; có hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Trong thời gian tới, huyện Quản Bạ tiếp tục tăng cường thu hút, khuyến khích các DN tham gia đầu tư phát triển dược liệu; liên kết với các HTX, tổ hợp tác và nhân dân trồng, chế biến các sản phẩm dược liệu, hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác và các hộ dân trồng dược liệu, hỗ trợ trồng dược liệu bị thất thu; hỗ trợ phát triển và hoàn thiện các sản phẩm theo Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), công bố tiêu chuẩn hợp quy, xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm dược liệu.

Bài, ảnh: Đại Tâm

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang