• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển mô hình kinh tế tổng hợp ‘3 trong 1’

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 24/02/2020
Ngày cập nhật: 26/2/2020

Nhằm cơ cấu nông nghiệp theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nhà nông sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Bên cạnh đó, Gò Quao còn quy hoạch từng vùng sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương; trong đó, mô hình đa canh tổng hợp trồng khóm- tôm- lúa là một điển hình.

Mô hình đa canh tổng hợp trồng khóm - tôm - lúa nông dân xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao.

Sáng tạo với các mô hình tổng hợp

Toàn huyện vừa phát triển thêm 600ha khóm, nâng tổng số diện tích trồng khóm toàn huyện lên hơn 4.300ha. Diện tích này được nông dân trồng tập trung ở các xã Vĩnh Thắng, Vĩnh Hòa Hưng Nam, Thới Quản và Vĩnh Phước A. Theo đó, có gần 3.000ha ở xã Vĩnh Phước A và Vĩnh Thắng được thực hiện theo mô hình đa canh tổng hợp trên liếp trồng khóm, dưới mương nuôi tôm sú và trên bệ (mé liếp) trồng lúa mùa.

Ông Lâm Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước A, cho biết, do đặc thù địa bàn đất bị nhiễm phèn mặn nên xã chỉ tập trung phát triển kinh tế đi lên từ cây khóm. Hiện nay, toàn xã có 2.600ha diện tích trồng khóm, trong khi đó chỉ có 260ha diện tích chuyên trồng lúa.

Thế nhưng, khóm bán ra lúc thăng, lúc trầm do hiện nay chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân nên giá cả lên xuống bất thường. Từ những khó khăn đó, nông dân nghĩ ra nhiều cách để tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích.

Bao năm nhọc nhằn với cây khóm, nông dân bắt đầu đi tìm tòi học hỏi để không bỏ phí nguồn nước từ các mương liếp. Thế là họ bắt đầu cải tạo để nuôi tôm sú. Lúc đầu cũng gặp khó do canh tác trước đây người dân sau khi thu hoạch khóm rồi vứt cây, lá xuống mương làm ô nhiễm nguồn nước nên tôm nuôi bị chết hoặc chậm lớn.

Rút kinh nghiệm, người dân cải tạo lại mương nước sạch và nuôi thành công. Đặc thù nuôi con tôm sú trong mương khóm là không cần cho thức ăn hay bất cứ loại phân thuốc nào, tôm nuôi hoàn toàn sạch nên bán được giá cao. Sau khi thành công với mô hình nuôi tôm dưới mương khóm, người dân bắt đầu thử nghiệm trồng lúa trên bệ.

Theo nông dân Lê Minh Mão, ngụ ấp Bùi Thị Thêm, xã Vĩnh Phước A, sau khi mô hình khóm - tôm cho hiệu quả, nhìn thấy mé liếp cỏ mọc um tùm chuột vào cắn phá khóm rồi làm hang ở ngay mé cỏ mà không làm gì chúng được. Thấy vậy, bà con ở đây bàn với nhau ai ai cũng dọn sạch cỏ để không cho loài chuột này phá hại cây khóm. Lúc đầu chỉ nghĩ có vậy, nhưng sau khi dọn sạch cỏ mọi người bàn với nhau nên trồng lúa để có thêm thu nhập. Thế là bà con đồng loạt cũng thực hiện theo và cho kết quả ngoài mong đợi.

Ông Lê Minh Mão cho biết, trước đây trồng 1ha khóm thu nhập khoảng 70 triệu đồng, thì nay thêm nguồn thu từ trồng lúa cặp mé dứa sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 3 triệu đồng/ha, từ con tôm nuôi dưới mương từ 13-15 triệu đồng/ha. Nguồn thu phụ từ con tôm sẽ giúp chi phí phân bón trong một năm cho cây khóm, còn lúa cung cấp gạo sạch đủ ăn cho gia đình trong một năm mà còn có gạo sạch bán để có thêm nguồn thu phụ để trang trải một phần chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Khóm là mô hình trồng chính của mô hình “3 trong 1” và là cây trồng có đặc tính phù hợp đất đai ở địa phương: chịu được phèn, mặn tốt, nhẹ công chăm sóc và cho hiệu quả cao. Bình quân 1ha khóm sau khi trừ chi phí đầu tư nhà nông lợi nhuận trung bình 80 triệu đồng; tôm nuôi trong vuông khóm thả từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm cho thu nhập trung bình 14 triệu đồng/ha.

Tăng hiệu quả sản xuất

Theo ông Dương Duy Duyệt, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Quao, theo kế hoạch, diện tích khóm sẽ tiếp tục được quy hoạch tăng lên trên 5.000ha và định hướng phát triển theo mô hình khóm- tôm- lúa cũng dần tăng lên, đến năm 2025 sẽ tăng lên diện tích theo mô hình này là 50% và nhân rộng ra các xã có diện tích trồng khóm còn lại trên địa bàn.

Cây khóm, con tôm và cây lúa được đánh giá là cây trồng vật nuôi có đặc tính phù hợp trong mô hình sản xuất đa canh tổng hợp ở Gò Quao. Đây cũng có thể xem là mô hình sản xuất sinh thái và cho hiệu quả cao trên cùng một diện tích canh tác. Bình quân canh tác một năm trên diện tích 1ha, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư cho sản xuất, nông dân trong mô hình này lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

Để mô hình phát triển bền vững, các yếu tố cần thiết để giúp cho vùng sản xuất ở đây, trước hết phải có chứng nhận sản phẩm an toàn bằng các tiêu chuẩn VietGAP. Xa hơn nữa là sản xuất theo hướng hữu cơ và gắn với xây dựng hệ thống lịch sử truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa quá trình sản xuất để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Những yếu tố đó sẽ giúp kết nối thị trường, các doanh nghiệp thu mua sẽ tìm đến để bao tiêu cho bà con làm ra sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Hợp tác xã khóm - tôm ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A, cho biết: Trước đây khi chưa thành lập tổ hợp tác và sau này nâng lên hợp tác xã, người dân canh tác không tập trung, đất ai người ấy làm nên năng suất chất lượng không cao. Từ khi thành lập tổ hợp tác và giờ là hợp tác xã, người dân bắt đầu có thói quen làm gì cũng theo ý kiến tập thể nên năng suất chất lượng sản phẩm làm ra cao hơn. Đến nay, Hợp tác xã Phước An đã thu hút được 60 thành viên canh tác diện tích trên 100ha với mô hình “3 trong 1”.

Hợp tác xã Phước An còn nhân giống con khóm để bán ra các địa phương khác tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động địa phương, với thu nhập bình quân 200.000-250.000 đồng/người/ngày. Hiện nay, trong Hợp tác xã Phước An, người có thu nhập cao nhất 700 triệu đồng/năm, còn thấp nhất cũng 70 triệu đồng/năm và đến nay chỉ còn 5 hộ trong Hợp tác xã còn khó khăn. Qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cho toàn xã Vĩnh Phước A xuống còn 3,17% vào cuối năm 2019 thay vì 9,6% năm 2015.

Qua mô hình sản xuất đa canh tổng hợp khóm - tôm - lúa là mô hình đặc trưng phù hợp với vùng sinh thái ở một số xã của huyện Gò Quao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và cho hiệu quả kinh tế cao so với độc canh cây dứa. Chính vì vậy, những năm qua mô hình này đã giúp nông dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, nhiều hộ thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trên quê hương mình.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang