• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Doanh nghiệp xuất khẩu ‘ngồi trên đống lửa’ vì... dịch Covid-19

Nguồn tin:  Báo Đắk Nông, 24/02/2020
Ngày cập nhật: 25/2/2020

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông đang bị ngưng trệ. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh "ngồi trên đống lửa" vì hàng tồn kho lớn, khong kịp xoay vòng đồng vốn...

Lượng hàng tồn kho lớn

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cửa khẩu tạm đóng, đối tác Trung Quốc ngưng nhập hàng, nên hiện số lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở Đắk Nông tương đối lớn.

Hàng tấn sản phẩm hạt điều rang muối của Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp) đang tồn kho do không thể xuất qua thị trường Trung Quốc

Những năm trước, 100% lượng hàng điều nhân của Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) được xuất khẩu đi thị trường châu Âu. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, gần 60% thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp này lại chuyển qua Trung Quốc; trong đó chủ yếu là hạt điều rang muối. Đặc biệt, trong quý III và IV, năm 2019, có 90% lượng hàng hóa của đơn vị chủ yếu phục vụ cho thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19, việc xuất hàng qua nước bạn bị ngưng trệ, khiến doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh khá éo le.

Hiện tại, doanh nghiệp đang còn gần 30 tấn điều rang muối tồn kho, với tổng trị giá 7 tỷ đồng. Đây là số hàng đã được đối tác Trung Quốc đặt cọc 50% để sản xuất và giao sau Tết Nguyên đán, nhưng không được diễn ra như mong muốn. Điều đáng chú ý là do sản phẩm hạt điều rang muối chỉ có thị trường Trung Quốc tiêu thụ, nên số hàng tồn này Công ty hiện không thể xuất đi nơi khác được. Trong khi đó, đặc trưng của hàng rang muối là không để được lâu. Chỉ sau 2-3 tháng, mùi vị sản phẩm sẽ mất đi, chất lượng giảm xuống…

Tương tự, Nhà máy tinh bột sắn Đắk Song, thuộc Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) cũng đang gặp nhiều khó khăn do đối tác phía Trung Quốc không thể nhập hàng. Ông Võ Quang Trực, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: "Hiện tại, 80% sản phẩm của nhà máy đang được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, còn lại là thị trường nội địa. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, các cửa khẩu của Trung Quốc tạm ngừng việc xuất, nhập, nên hàng hóa tồn đọng trong kho rất nhiều. Hiện tại ở nhà máy đang có khoảng 2.000 tấn bột sắn tồn kho. Hàng không xuất được, vốn không thể lưu động đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề thu, mua nguyên liệu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy…".

Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp) ưu tiên sản xuất hạt điều nhân trắng cho những đơn hàng cũ ở thị trường châu Âu và Mỹ

Doanh nghiệp “cầm chừng” sản xuất

Hoạt động xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, hiện tại, các doanh nghiệp của tỉnh phải vừa theo sát diễn biến của dịch bệnh, vừa cầm chừng sản xuất để duy trì hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức, đối với các hợp đồng của đối tác Trung Quốc đã đặt cọc, Công ty vẫn hỗ trợ giữ hàng cho họ và chờ kiểm soát được dịch bệnh rồi sẽ tính tiếp. Song song đó, đơn vị cũng đang sản xuất cầm chừng để trả những hợp đồng cũ từ châu Âu và Mỹ trước đó. Nếu như năm 2019, công suất sản xuất của nhà máy đạt 50 tấn/ngày thì hiện tại giảm xuống còn 20 tấn/ngày.

Một cái khó nữa là do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên thị trường châu Âu cũng đang “ép” giảm giá hạt điều nhân trắng. Trước đây, giá điều nhân trắng vào khoảng 8,8 USD/kg thì nay còn 6,8 USD/kg, giảm gần 20%. Trong khi đó, nguyên liệu trong nước do mới vào vụ, nên giá rất cao. Do có sự chênh lệch giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá bán sản phẩm, nên buộc Công ty phải cân nhắc kỹ việc ký hợp đồng lâu dài với những đơn hàng mới. Hiện tại, Công ty đang ưu tiên cho các đơn hàng cũ với nguồn nguyên liệu dự trữ sẵn trong kho từ năm trước. Còn mùa vụ mới, doanh nghiệp vẫn chưa triển khai thu mua nguyên liệu.

Đối với Nhà máy Tinh bột sắn Đắk Song cũng vậy. Do thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp là Trung Quốc, nên đầu ra càng gặp nhiều khó khăn hơn. Hoạt động sản xuất tinh bột sắn của Nhà máy cũng bị ảnh hưởng mạnh. Nếu như trước đây, mỗi tháng, đơn vị sản xuất được 2.000 tấn tinh bột sắn thì nay công suất đã giảm xuống khá nhiều. Để tạm thời vượt qua khó khăn này, Nhà máy vẫn duy trì hoạt động sản xuất đến hết tháng 2 năm nay, với công suất đạt tầm 70%. Quá trình sản xuất, đơn vị cũng ưu tiên cho những đơn hàng cần lấy gấp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ tập trung thu mua những nguyên liệu tại chỗ trước để giảm chi phí đầu vào, ổn định sản xuất.

Đóng gói tinh bột sắn xuất khẩu tại Nhà máy tinh bột sắn Đắk Song (Đắk Song)

Hỗ trợ doanh nghiệp tìm thị trường mới

Theo ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), hiện nay, tỷ trọng sản phẩm của Đắk Nông xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là điều và sắn, nên trong thời điểm này, hai sản phẩm nông sản trên đang gặp nhiều bất lợi.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm này, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo cho các đơn vị, lực lượng chức năng tại các cửa khẩu Đắk Peur (Đắk Mil), Bu P’răng (Tuy Đức) thường xuyên duy trì hoạt động, không để ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cũng như sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu trong cả nước, Sở Công thương cũng đã kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp sớm nắm bắt và chủ động về thị trường. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, ngành cũng có văn bản gửi cho UBND các huyện, thành phố, các ngành liên quan để phối hợp cung cấp thông tin về thị trường nông sản. Qua đó, ngành sẽ có văn bản đề nghị với Sở Công thương thành phố Hà Nội để kết nối, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian này.

Mặt khác, Sở Công thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Đắk Nông cần tập trung sản xuất các mặt hàng bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng, để từng bước tìm các thị trường thay thế cho thị trường trước đó. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại; Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công thương) để tìm kiếm các thị trường mới, đa dạng các thị trường cho doanh nghiệp về lâu về dài, nhằm phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra như trong đợt dịch cúm vi rút Covid-19 này…

Cùng với các giải pháp trên, Sở Công thương cũng sẽ tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường. Từ đó góp phần đa dạng hóa thị trường cho doanh nghiệp, đáp ứng được nhiều yêu cầu từ các đối tác khác nhau kể cả trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Lê Dung

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang