• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Rau quả Việt cần nhiều tiêu chuẩn để cạnh tranh ở EU

Nguồn tin:  Công Thương, 19/02/2020
Ngày cập nhật: 21/2/2020

Theo các chuyên gia EU, nhà xuất khẩu rau quả của Việt Nam thường đánh giá thấp tầm quan trọng của chất lượng cao cũng như tuân thủ các chương trình chứng nhận khác nhau liên quan đến khía cạnh xã hội và môi trường. Do đó, để cạnh tranh và tiếp cận thị trường này, doanh nghiệp Việt cần bổ sung thêm những tiêu chuẩn liên quan bởi đây là xu hướng được người tiêu dùng EU quan tâm.

Xuất khẩu rau quả giảm mạnh do chịu tác động bởi dịch Covid- 19Đặt mục tiêu 5 tỷ USD trong 2020, ngành rau quả có kỳ vọng cao?Xuất khẩu rau quả sang châu Âu cần lưu ý gì?Yếu sức cạnh tranh, xuất khẩu rau quả giảm nhẹXuất khẩu rau, quả: Yếu khâu chế biến

EVFTA được kỳ vọng tạo cơ hội cho nông sản Việt tiếp cận thị trường 500 triệu dân của Liên minh Châu Âu

EVFTA cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

Mới đây, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nhiều khả năng EVFTA sẽ được thực thi trong năm nay và với ngành hàng xuất khẩu nông sản được đánh giá sẽ có thêm nhiều cơ hội lớn để tiếp cận thị trường 500 triệu dân của Liên minh Châu Âu.

Liên quan đến vấn đề nhu cầu tiêu thụ nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau quả tại EU, ông Jos Leeters - Giám đốc công ty Bureau Leeters (Hà Lan), cũng là chuyên gia marketing và thương mại trong lĩnh vực trồng trọt chia sẻ rằng, dựa trên những số liệu giao dịch năm 2019 và những tháng đầu 2020 cho thấy nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới trên toàn EU sẽ tăng trong 2020 và các năm tới. Hồi đầu tháng 2 năm nay triển lãm Fruit Logistica diễn ra tại Berlin cũng đã thu hút các doanh nghiệp của ngành hàng này trên khắp châu Âu càng củng cố những biểu hiện tích cực cho thị trường.

Các nhận định từ Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng cho biết, các nước EU nhập khẩu khá nhiều các loại quả như chuối, cam, quít, xoài, dứa. Những nước nhập khẩu hàng đầu EU là Đức, Anh, Pháp và Hà Lan chiếm hơn 70% giá trị nhập khẩu rau quả toàn EU. Trong đó chuối là loại quả được nhập khẩu nhiều nhất vào EU, còn với trái xoài, EU hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Dù đánh giá tiềm năng song các chuyên gia EU khẳng định sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Nguyên nhân là do lâu nay các nước Mỹ Latinh có danh mục sản phẩm tương tự và đã có một vị trí mạnh mẽ. Thêm vào đó, các yêu cầu nhập khẩu của châu Âu khá cao và rất nghiêm ngặt. Chính vì thế mà giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam qua EU vẫn chưa nhiều, chỉ trên 100 triệu USD.

Nguyên nhân được ông Jos Leeters chỉ ra là do các nhà xuất khẩu Việt Nam thường đánh giá thấp tầm quan trọng của chất lượng cao cũng như tuân thủ các chương trình chứng nhận khác nhau. Theo ông, nếu chỉ có chứng nhận Global GAP thôi chưa đủ, nhà nhà xuất khẩu Việt cần sở hữu các bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến khía cạnh xã hội và môi trường.

Nhìn nhận khả năng tiếp cận thị trường Châu Âu của ngành rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Vina T&T - thừa nhận, mặt hàng rau củ quả vào thị trường EU khó khăn lớn nhất không ở thuế quan mà là nền tảng nông nghiệp của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam không có vùng nguyên liệu bền vững, không đáp ứng được chứng chỉ xã hội, môi trường… và phần lớn doanh nghiệp vẫn còn lạ lẫm với những chứng chỉ này.

Xoài Việt Nam có nhiều tiềm năng vào EU

Cùng liên kết làm theo tiêu chuẩn

Theo đánh giá của Hiệp hội rau quả Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp Việt hiện mới chú ý tới chế biến sâu, tổ chức vùng trồng đạt chuẩn theo tiêu chuẩn Global GAP. Chẳng hạn, Công ty XNK Kim Hải đang có 80 hecta trồng thanh long và một số loại trái cây khác như chanh dây, xoài.. đều được trồng theo tiêu chuẩn chất lượng có thể đáp ứng rào cản về kỹ thuật của Châu Âu.

Hay Công ty Cổ phần XNK MiNa đã xây dựng sẵn hệ thống sản xuất đạt tiêu chuẩn ngay từ ban đầu. Bà Lê Thị Nguyên Thùy - Phó Giám đốc của MiNa cho biết, công ty đã thực hiện đăng ký mã code vùng trồng, các loại rau quả của công ty được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP. Ngoài ra hệ thống nhà xưởng, từ khâu thu hoạch cho đến chế biến đều được xây dựng gần vùng nguyên liệu.

Hiệp hội rau quả nhìn nhận các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội khác mới bước đầu được doanh nghiệp chú ý, xây dựng để đáp ứng xu hướng của thị trường. Tuy vậy đây cũng là một nỗ lực rất lớn của các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Từ kinh nghiệm tiếp cận ở thị trường EU, ông Tùng cho rằng, muốn trụ vững được tại thị trường EU, ngành rau quả Việt phải xây dựng cơ sở đạt chuẩn, mạnh dạn đầu tư để đạt được những chứng chỉ nói trên. Tuy nhiên khi làm đầy đủ các tiêu chuẩn liên quan chắc chăn chi phí giá thành tăng cao như vậy sẽ khó cạnh tranh nên doanh nghiệp phải cùng liên kết, cùng làm theo tiêu chuẩn nhằm tạo sức mạnh, giúp rau quả Việt có lợi thế hơn.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, việc nhập khẩu rau quả vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan. Vì vậy, để xuất khẩu vào EU doanh nghiệp cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan để có thể xây dựng một chiến lược xuất khẩu các mặt hàng rau, quả vào Hà Lan và qua đó vào EU.

Thùy Dương

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang