• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quản lý chặt mã số vùng trồng nông sản

Nguồn tin:  Báo Bắc Giang, 24/09/2020
Ngày cập nhật: 25/9/2020

Thời gian gần đây, một số vùng trồng nông sản trong nước bị mạo danh, gây thiệt hại cho người sản xuất và ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Tại Bắc Giang, nhiều mã vùng trồng đã được cấp để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tuy nhiên nếu không quản lý tốt có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Nông sản xuất khẩu thuận lợi

Vùng cam, bưởi xã Hồng Giang (Lục Ngạn) được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến nay toàn tỉnh có gần 18 nghìn ha vải thiều, dưa hấu, nhãn và cây có múi được cấp khoảng 300 mã số vùng trồng. Trong đó 19 mã vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản, 21 mã vùng sang thị trường Mỹ và một số nước EU, còn lại là vùng vải thiều, nhãn, cây có múi và dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khi có mã vùng, cơ quan chức năng của tỉnh cử lực lượng chuyên trách thường xuyên cùng người dân bám vườn kiểm tra, ghi nhật ký, đợt sử dụng các vật tư chi tiết cho cây trồng.

Ông Vi Văn Sáng, thôn Na Hem, xã Hộ Đáp (Lục Ngạn) cho biết: “Gia đình tôi có 1 ha vải nằm trong vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang Nhật Bản. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn tôi trong quá trình chăm sóc nên quả vải có mã đẹp, chất lượng, được doanh nghiệp thu mua với giá cao để xuất khẩu”.

Dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật, sản phẩm được kiểm soát tốt về chất lượng, đủ điều kiện xuất khẩu, thậm chí còn được bán ở thị trường cao cấp. Vụ vải thiều vừa qua, hơn 60 tấn vải thiều tươi của Bắc Giang được xuất khẩu chính ngạch sang Nhật. Đây là một trong những thị trường khó tính, đòi hỏi cao về nhiều tiêu chí. Tiếp nối thành công đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất vải thiều trong thời gian tới.

Đó là phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT cập nhật kịp thời thông tin chính sách quy định của Nhật Bản đối với sản xuất và xuất khẩu vải thiều; đàm phán tạo điều kiện để chuyên gia nước ngoài sang giám sát quy trình xông hơi khử trùng được thuận lợi, hoàn thiện quy trình sơ chế, bảo quản theo quy định của Nhật Bản. Các doanh nghiệp xuất khẩu những năm tiếp theo đã khảo sát, liên kết với người sản xuất; phối hợp với HTX, tổ hợp tác hướng dẫn, giám sát chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bảo vệ người dân, doanh nghiệp chân chính

Toàn tỉnh có gần 18 nghìn ha vải thiều, dưa hấu, nhãn và cây có múi được cấp khoảng 300 mã số vùng trồng. Trong đó 19 mã vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản, 21 mã vùng sang thị trường Mỹ và một số nước EU, còn lại là vùng vải thiều, nhãn, cây có múi và dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Yêu cầu về mã số vùng trồng của các nước nhập khẩu nông sản từ Việt Nam ngày càng khắt khe. Đòi hỏi này hoàn toàn chính đáng bởi là cơ sở xác định trách nhiệm liên quan khi xảy ra khiếu kiện về quyền lợi. Gần đây, tại một số địa phương trong nước đã phát hiện sự gian lận về vùng trồng nhờ truy tìm mã số được cấp. Cụ thể, phía Trung Quốc đưa ra thông báo ngừng nhập khẩu xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) là do một doanh nghiệp mạo danh mã số vùng trồng đối với 200 lô xoài xuất khẩu sang thị trường nước này.

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Hành vi “đánh lận con đen” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu sang Trung Quốc thể hiện cách làm ăn chụp giật của một số doanh nghiệp. Tại Bắc Giang chưa xảy ra tình trạng trên nhưng cũng có một số tiểu thương mang vải thiều ra chợ bán nói là vải thiều Lục Ngạn song trên thực tế không phải”.

Theo ông Tặng, để quản lý chặt mã số vùng trồng, Bắc Giang cử cán bộ phụ trách từng mã vùng được cấp; khi doanh nghiệp, HTX mua sản phẩm phải đăng ký với người quản lý mã vùng để giám sát thu hoạch, đóng gói. Tuy nhiên, nếu như họ bán lượng hàng nhiều hơn so với sản lượng cho mỗi mã vùng đăng ký thì chắc chắn có sự trà trộn. Như vậy, việc phát hiện và xử lý hành vi gian lận trên cần sự vào cuộc của nhiều ngành, cơ quan.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT cảnh báo, thời gian qua, việc quản lý mã số tại các địa phương mới chỉ dừng lại ở thống kê; công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở đã được cấp mã số chưa được thực hiện nghiêm túc. Thêm vào đó, đã có một số doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của trái cây Việt Nam xuất khẩu.

Nhằm tăng cường việc quản lý các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, Bắc Giang đang tiến hành kiểm tra, đánh giá và rà soát toàn bộ hiện trạng các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số tại địa phương. Giao cơ quan chuyên môn làm đầu mối tiếp nhận, xử lý các nội dung liên quan và kiểm tra, giám sát thường xuyên các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, tránh để tình trạng sử dụng mã số không đúng quy định.

Tập huấn, phổ biến kiến thức cho các tổ chức, cá nhân về những quy định của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi cố tình mạo danh xuất xứ hàng hóa, bảo vệ người sản xuất cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trường Sơn

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang