• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo vệ các nguồn gen động, thực vật quý

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, 24/05/2020
Ngày cập nhật: 26/5/2020

Trước thực trạng nhiều loài động, thực vật có giá trị kinh tế cao đang dần bị mai một, có nguy cơ biến mất, tỉnh Quảng Ninh đã và đang có những giải pháp quyết liệt, mang tính bền vững hơn để giữ gìn các “tài nguyên” quý này.

Cây dược liệu ba kích tím được bảo tồn nguồn gen, xây dựng mô hình trồng chuyên canh. Trong ảnh: Mô hình trồng ba kích tím của hộ ông Mông Văn Thàm (huyện Ba Chẽ). Ảnh: Phạm Tăng.

Gà Bang Trới là giống gà gắn liền với 2 địa danh làng Bang và làng Trới của huyện Hoành Bồ trước đây (các địa danh này nay thuộc TP Hạ Long). Giống gà này dễ nuôi, thích nghi cao với điều kiện thời tiết của địa phương, ít dịch bệnh, cho thịt, trứng thơm, ngon, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, do phương thức nuôi quảng canh, chăn thả tự nhiên, không chú ý chọn lọc giữ gìn nguồn gen gốc của người dân, nên giống gà này đã bị thoái hoá, năng suất thấp. Nhận thấy rằng, đây là giống gà quý, cần được bảo tồn, lưu giữ nguồn gen để nhân rộng, năm 2015, Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc (Bộ NN&PTNT) đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nhân thuần, lưu giữ bảo tồn giống gà Bang Trới”.

Thực hiện nhiệm vụ này, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 100 con gà mang đặc điểm của gà Bang Trới (80 con gà mái, 20 con gà trống), nhân thuần đàn gà qua 4 thế hệ; đánh giá chi tiết nguồn gen; bàn giao 2.000 con giống gà Bang Trới cho 2 doanh nghiệp và 4 hộ dân để duy trì và phát triển nguồn gen.

Gà Tiên Yên là một trong những loài được đề xuất bảo tồn nguồn gen trong giai đoạn tới. Trong ảnh: Mô hình nuôi gà đồi Tiên Yên của hộ anh Trần Văn Hoan (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên).

Đây chỉ là một trong 8 giống, loài động, thực vật quý hiếm mà tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện bảo tồn theo đề án khung bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020. Trong giai đoạn này, tỉnh cũng đã triển khai bảo vệ thành công nguồn gen quý của một số loài khác, như cây ba kích tím, ngán, sá sùng, cá tráp vây vàng, tu hài, ốc đĩa… Việc tổ chức tốt công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu này để khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống… sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi của môi trường, biến đổi khí hậu, vấn đề bảo tồn càng mang tính cấp thiết, cần triển khai có hiệu quả để không mất đi nguồn gen quý báu mang tính đặc trưng. Vì vậy việc quy hoạch để bảo tồn, khai thác nguồn gen bền vững mang tính cấp thiết, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái.

Sá sùng Vân Đồn.

Theo rà soát, đánh giá của Sở KH&CN, hiện Quảng Ninh có gần 250 nguồn gen nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn; trong đó, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: Gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, rươi nước lợ Đông Triều… Xác định bảo tồn nguồn gen các loài đặc hữu trên là nhiệm vụ cấp bách, Sở KH&CN đang tiến hành xây dựng khung Đề án bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh cho giai đoạn tiếp theo 2021-2025. Theo đó, thông qua việc xác định giá trị khoa học, giá trị sử dụng và tình trạng suy giảm nguồn lợi, Đề án sẽ đánh giá cụ thể hiện trạng nguồn gen, từ đó xây dựng lộ trình, giải pháp để bảo tồn.

Theo ông Lâm Văn Phong, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN): Đề án được kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nghẽn trong bảo tồn gen, như xây dựng cơ chế hỗ trợ bảo tồn, phát triển nguồn gen; hình thành mạng lưới bảo tồn quỹ gen quốc gia tại Quảng Ninh. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen đã lưu giữ, bảo tồn; phát triển các nguồn gen cây rừng bản địa, cây dược liệu có giá trị theo Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững.

Sở KH&CN đang xây dựng Đề án bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo rà soát, đề xuất của Sở, trong giai đoạn này dự kiến sẽ đưa 19 đối tượng vào nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, gồm; cây đằng sâm, cây hoằng đằng, cây nam hoàng liên, loài bình vôi, cây cẩu tích, cây cốt toái bổ, cây hoàng tinh hoa trắng, cây re hương, cây trai lý, cây gù hương, cây gụ lau, cây thông tre lá ngắn, cây tùng La Hán, giống lúa chiêm đá, gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, lợn hương, rươi nước lợ Đông Triều và cây nấm chẹo.

Nguyên Ngọc

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang