• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Phúc: Hiệu quả lớp học IPM trên cây chuối

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 27/11/2020
Ngày cập nhật: 30/11/2020

Hạn chế tối đa sâu bệnh gây hại, cây chuối sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng quả, tiết kiệm chi phí sản xuất... là những kết quả đạt được từ lớp học quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chuối do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức tại huyện Yên Lạc.

Lớp học IPM thực hành điều tra sâu bệnh trên cây chuối tại xã Đại Tự.

Những năm gần đây, mô hình trồng chuối phát triển mạnh ở các xã ven sông Hồng của huyện Yên Lạc như: Liên Châu, Hồng Châu, Hồng Phương, Trung Kiên, Đại Tự…, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho nông dân vươn lên làm giàu.

Với những ưu thế vượt trội như mẫu mã quả vàng đẹp, hương vị thơm ngon, khi chín vỏ quả dày và rắn, không nhũn nên quả chuối Yên Lạc không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh, thành phố lân cận như: Bắc Ninh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung.

Đặc biệt, tháng 11/2018, lô hàng đầu tiên 216 tấn chuối tiêu hồng của người dân huyện Yên Lạc đã được xuất khẩu sang thị trường Nga và Trung Quốc.

Tháng 4/2019, chuối tiêu hồng Yên Lạc chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu.

Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất chuối của nhiều hộ còn hạn chế, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng quả không cao.

Để gia tăng năng suất, tạo ra sản phẩm chuối an toàn đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã tổ chức khai giảng lớp FFS về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chuối tại huyện Yên Lạc nhằm huấn luyện nông dân thực hiện các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để quản lý dịch hại hiệu quả.

Tham gia mỗi lớp học có 35 học viên; thời gian học kéo dài một 1 vụ sản xuất chuối từ tháng 3-11/2020.

Với phương pháp vừa trao đổi kiến thức trên lớp, vừa thực hành ngoài đồng ruộng, lớp học IPM đã phát huy tính sáng tạo, tự nghiên cứu đồng ruộng của nông dân, giúp nông dân nâng cao kiến thức hệ sinh thái vườn chuối như:

Đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây chuối qua từng giai đoạn; kỹ thuật nhân giống chuối từ tách chồi và củ cây mẹ; thời điểm bón phân hợp lý, liều lượng bón và phương pháp bón; quy luật phát sinh và gây hại của sâu, bệnh như sâu đục thân, rầy mềm, sâu cuốn lá, nhện, bệnh đốm lá, thán thư, héo rũ, chùn đọt, tuyến trùng hại chuối; sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng” không ảnh hưởng đến môi trường.

Đồng thời trở thành “chuyên gia” hướng dẫn và chuyển giao kiến thức cho các hộ nông dân khác từng bước hình thành vùng sản xuất chuối hàng hóa tập trung và có thương hiệu.

Chị Nguyễn Thị Vui, xã Đại Tự chia sẻ: Trước đây, gia đình trồng chuối chủ yếu làm theo kinh nghiệm nên nhiều cây chuối bị bệnh héo rũ, đốm lá (cháy lá), nghẹt rễ.

Vừa qua, được tham gia lớp học IPM do Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh tổ chức, gia đình đã áp dụng ngay tại diện tích trồng chuối của gia đình.

Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên những quả chuối có mẫu mã rất đẹp và được khách hàng ưa chuộng.

Ông Đàm Đình Lương, xã Đại Tự là hộ có diện tích trồng chuối lớn của địa phương với gần 1ha. Vừa qua, được tham gia lớp học IPM của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tư duy sản xuất của ông đã thay đổi.

Ông cho biết: "Sau khóa học, tôi đã hiểu được từng giai đoạn sinh trưởng của cây chuối, xử lý dịch hại bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ nấm Trichoderma trị bệnh vàng lá, thối rễ, tăng sức đề kháng cho cây trồng; sử dụng nấm Metarhizium diệt tuyến trùng, bọ hung hại rễ; sử dụng chế phẩm sinh học BVTV có nguồn gốc thảo mộc như thuốc trừ sâu vi sinh BT, thuốc trừ sâu hoạt chất Abamectin.

Qua đó góp phần cải tạo đất, giải độc hữu cơ giúp cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tiết kiệm chi phí sản xuất".

Nói về hiệu quả của IPM, đại diện lãnh đạo Chi cục trồng trọt và BVTV khẳng định: Đã là cây trồng thì phải sử dụng vật tư nông nghiệp, trong đó có hai thành phần rất quan trọng là phân bón và thuốc BVTV.

Để vừa nâng cao năng suất, vừa bảo đảm chất lượng cây trồng và quan trọng nhất bảo đảm sức khỏe cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, các lớp học IPM do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức đã truyền tải được những tiến bộ kỹ thuật mới đến nông dân, đáp ứng tiêu chí đầu tư ít nhưng mang lại gia tăng lợi nhuận; giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng, nhất là thuốc BVTV, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sống và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục mở các lớp học IPM trên cây trồng, trong đó có cây chuối; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả áp dụng IPM vào sản xuất; xây dựng các mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý dịch hại bền vững, từng bước tiến dần đến sử dụng thuốc trừ cỏ sinh học được chiết xuất từ cây cỏ, thảo dược góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững.

Bài, ảnh: Mai Liên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang