• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kế Sách (Sóc Trăng): Niềm vui từ trái vú sữa đầu mùa

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng, 26/11/2020
Ngày cập nhật: 30/11/2020

Trái ngược với niềm vui từ trái vú sữa đầu mùa của năm 2019, thời điểm này, không khí thu hoạch vú sữa tại nhiều tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long có phần trầm lắng hơn khi giá được thu mua tại vườn thấp hơn từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg. Một điều đáng mừng là câu chuyện buồn này đã không xảy ra đối với nhà vườn trồng vú sữa tại tỉnh Sóc Trăng; đó cũng chính là kết quả mang lại từ quá trình xây dựng chuỗi giá trị liên kết trên cây ăn trái mà ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã nỗ lực triển khai trong thời gian qua.

Nếu như trong năm 2019, vú sữa đầu mùa được thương lái thu mua tại vườn từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg thì hiện nay đã giảm chỉ còn trên dưới 20 nghìn đồng. Neo vườn để chờ giá đang là giải pháp mang tính may rủi mà rất nhiều nhà vườn đang áp dụng. Riêng tại huyện Kế Sách, địa phương chiếm hơn 80% diện tích trồng cây vú sữa của toàn tỉnh Sóc Trăng, nông dân nơi đây vẫn hăng hái tiến hành thu hoạch khi trái vừa đủ độ chín. Bởi kể từ khi được kí kết hợp đồng xuất khẩu với công ty, họ đã có thể ước tính được lợi nhuận sản xuất ngay từ đầu vụ mà không cần phải quan tâm, lo ngại về giá cả thị trường như nhiều năm về trước. Ông Lê Văn Hoàng – thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Trinh Phú phấn khởi cho biết: “Tham gia hợp tác xã được kí kết tiêu thụ nên vô cùng an tâm. Giá ngoài thị trường dù có giảm thế nào thì bà con ở đây cũng được công ty thu mua với giá ổn định 30 nghìn đồng/kg. Nói chung là chỉ lo chăm sóc cho cây tốt, trái ngon chứ không phải lo lắng gì nữa hết”.Năm 2017, Hoa Kỳ chấp nhận Việt Nam là quốc gia duy nhất được xuất khẩu mặt hàng vú sữa vào thị trường này. Đến năm 2018, Sóc Trăng cũng chính thức xuất khẩu lô hàng vú sữa tím đầu tiên sang thị trường khó tính như Hoa Kỳ. Niềm vinh dự này đã thúc đẩy hơn nữa quá trình liên kết hợp tác giữa các hợp tác xã trồng vú sữa trên địa bàn huyện Kế Sách. Tính đến nay, toàn huyện đã có 03 hợp tác xã có công ty liên kết tiêu thụ và 01 hợp tác xã đang trong giai đoạn đàm phán kí kết.

Nếu như liên kết hợp tác là xu thế tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững trong thời hội nhập thì tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lại là vấn đề cần đặt lên hàng đầu. Bởi việc xây dựng vùng vú sữa sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được bắt đầu từ hợp tác xã. Vì chỉ có sức mạnh tập thể mới giúp chuyển đổi nhanh hơn, tạo mối liên kết vững chắc trong sản xuất và tiêu thụ. Tín hiệu lạc quan từ liên kết hợp tác cũng đã giúp hầu hết nông dân trồng vú sữa tại tỉnh đã có ý thức hơn trong mọi khâu canh tác như thực hiện mã code vùng trồng, kỹ thuật bao trái, bón phân, tuân thủ đúng quy trình VietGAP trong canh tác.

Nông dân thu hoạch vú sữa

Ông Sử Quốc Lộc – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lộc – Mãi thông tin thêm: “Trong năm 2020, chúng tôi kí kết tiêu thụ mỗi tuần 3 chuyến, mỗi chuyến như vậy là 3 tấn. Phải đảm bảo trái không có sâu, dồi, dư lượng thuốc trừ sâu cũng như phân hóa học phải tuyệt đối hạn chế, trái phải bảo quản ngay từ trên cây bằng việc thực hiện bao trái, trồng toàn bộ theo hướng VietGAP hết, bà con nói chung rất đồng tình”.

Diện tích trồng vú sữa toàn tỉnh gần 1.900 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm trên 28.000 tấn. Để nâng tầm chất lượng trái vú sữa Sóc Trăng, hướng đến mục tiêu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Ban Quản lý Dự án cây ăn trái đặc sản của tỉnh cũng đã xây dựng 62,3 ha trồng vú sữa VietGAP tại xã Xuân Hòa và Trinh Phú; đồng thời cấp 19 mã code cho 140 hộ với diện tích 125, 49 ha. Nhà vườn nỗ lực chăm sóc trái, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của tỉnh thì chú trọng công tác kêu gọi, xúc tiến quảng bá, sản phẩm. Nói cách khác, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã lo đầu ra trước khi sản phẩm đạt chuẩn và tìm nơi tiêu thụ ngay khi trái vẫn chưa được hái khỏi cành. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm liên kết của cả 4 nhà: nhà nước – nhà nông – nhà khoa học và doanh nghiệp. Tất cả không nằm ngoài mục đích chung là ổn định lợi nhuận kinh tế, giúp nhà vườn an tâm sản xuất.

Ông Vũ Bá Quan – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách cho biết: “Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn cũng như một số đầu mối tiêu thụ để có thể tiêu thụ trái vú sữa cả trong và ngoài nước. Chúng tôi phân thành nhiều phân khúc khác nhau để có thể đưa trái vú sữa vào trong siêu thị, các chợ đầu mối nhằm đảm bảo số lượng trái vú sữa được kí kết tiêu thụ xứng tầm với sản lượng thu hoạch hằng năm”.

Một khi liên kết trong sản xuất thật sự chặt chẽ và chữ tín giữa nông dân với doanh nghiệp được đề cao thì nhà vườn mới có thể tự hoạch toán được giá trị sản phẩm; và khi đó, giá tiêu thụ cũng sẽ không do tư thương quyết định. Câu chuyện bảo toàn được lợi nhuận kinh tế trước tình trạng biến động về giá đối với trái vú sữa của các hợp tác xã sản xuất vú sữa trên địa bàn huyện Kế Sách là một minh chứng rõ nhất về lợi ích của mô hình phát triển kinh tế tập thể và liên kết tiêu thụ. Chỉ khi cùng hợp sức, người nông dân mới có thể làm chủ được thị trường và nỗi buồn được mùa mất giá hay được giá mất mùa sẽ không còn là câu chuyện đáng bận tâm vào mỗi mùa vụ.

Ngọc Thơ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang