• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo vệ diện tích nhãn thời kỳ thu hoạch trước diễn biến của mưa bão

Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 04/08/2020
Ngày cập nhật: 6/8/2020

Do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn thành phố Hưng Yên có mưa vừa, mưa to kèm theo gió. Do làm tốt công tác tiêu thoát nước nên trên địa bàn thành phố không xảy ra tình trạng úng ngập khu dân cư cũng như các khu vực canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều diện tích nhãn của thành phố đang vào thời kỳ thu hoạch chính vụ nên cũng gây ra những thiệt hại cho người trồng nhãn.

Các chủ vườn kiểm tra chất lượng quả nhãn sau mưa bão

Vườn nhãn Khánh Lâm của gia đình anh Đỗ Kỳ Nam, thôn Phương Thượng, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) có gần 4 ha nhãn với sản lượng thu hoạch ước trên 60 tấn. Khi thông tin về cơn bão số 2 có thể ảnh hưởng tới tỉnh gây ra mưa lớn, anh không khỏi lo lắng vì quả nhãn lúc này đang “vào nước” nên vỏ mỏng, nhiều nước dễ bị nứt, rụng. Tuy nhiên, những ngày qua lượng mưa vừa phải, gió không quá lớn nên vườn nhãn của gia đình anh vẫn an toàn. Anh Nam chia sẻ: “Trận mưa đợt này được ví như trận mưa “vàng” cung cấp nguồn nước quý báu nuôi dưỡng cây trồng sau nhiều ngày nắng nóng. Tuy nhiên, do trái nhãn đang vào độ chín nên mưa xuống kèm theo nấm bệnh phát triển sẽ khiến trái nhãn nứt, thối và rụng quả. Tại vườn của gia đình tôi, tỷ lệ nhãn bị nứt, thối, rụng quả ước chỉ khoảng 2% nhưng đối với các vườn nhãn chưa được chăm sóc tốt, tỷ lệ này sẽ cao hơn”.

Xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) là địa phương chủ lực về cây nhãn của thành phố Hưng Yên. Sau mưa, người dân xã Hồng Nam khẩn trương thực hiện các biện pháp dọn vườn, bảo đảm phòng, trừ các loại bệnh có thể phát sinh trong điều kiện mưa ẩm, đồng thời tạo điều kiện để tiêu thoát nước hiệu quả. Đồng chí Vũ Duy Hân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Nam cho biết: “Với sự chủ động thực hiện các biện pháp tiêu úng nên trên địa bàn xã không xảy ra úng ngập. Sau mưa, các diện tích nhãn đều được rút hết nước trên vườn tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, thu hoạch nhãn. Trước mắt, mưa bão chưa gây ảnh hưởng lớn tới cây nhãn nhưng hiện tượng nứt, rụng quả cũng đã xuất hiện với tỷ lệ nhỏ. Dự báo sau mưa, thời tiết âm u sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển trên quả nhãn trong khi nhãn đang trong thời kỳ thu hoạch không thể thực hiện phun thuốc phòng trừ. Do vậy, xã khuyến cáo người dân tập trung phát quang, vệ sinh vườn để tạo độ thông thoáng nhằm hạn chế nấm, bệnh phát triển gây hại”.

Thời kỳ này, cây nhãn khá mẫn cảm với các điều kiện của thời tiết. Do vậy, chủ động, tích cực phòng, chống úng ngập cho nhãn được thành phố Hưng Yên quan tâm đặc biệt. Trước ảnh hưởng của cơn bão số 2, thành phố đã huy động nguồn lực khơi thông dòng chảy, đầu tư kết nối lưu thông hệ thống thoát nước. Khi diễn ra mưa lớn, lãnh đạo UBND thành phố Hưng Yên và các đơn vị chức năng của thành phố cùng chính quyền các phường, xã đã đi kiểm tra, khảo sát tình hình nhằm chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời các biện pháp tiêu úng. Đồng chí Doãn Quốc Hoàn, quyền Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết: “Nhãn là cây trồng chủ lực của thành phố lại đang vào thời kỳ cho thu hoạch chính vụ. Do vậy, bảo vệ cây nhãn trước các diễn biến bất lợi của thời tiết, đặc biệt là mưa úng được thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện. Trước đó, thành phố đã đầu tư xây dựng một số công trình phục vụ tiêu úng vùng nhãn và trận mưa vừa rồi cho thấy hiệu quả bước đầu công tác tiêu úng của thành phố.

Theo dự báo, trong thời gian tới tình hình mưa bão còn có thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới cây nhãn đang giai đoạn thu hoạch. Đồng chí Bùi Tuấn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên cho biết: “Trước tình hình mưa lớn có thể tiếp tục xảy ra trên địa bàn, để bảo vệ thành quả lao động, ngành chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động khơi sâu rãnh thoát nước trong vườn, trục vớt, làm thông thoáng dòng chảy, thực hiện cắt, tỉa các cây, cành nhãn bị gẫy, đổ, chết. Những cây, cành sai quả cần chằng chống, kê cành để tránh đổ, gẫy hoặc ngập nước…

Mai Nhung

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang