• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển chỉ dẫn địa lý Dứa Đồng Giao

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 23/05/2020
Ngày cập nhật: 25/5/2020

Dứa Đồng Giao là đặc sản của Ninh Bình, có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00074 cho sản phẩm Dứa Đồng Giao. Tuy nhiên, đây chỉ là bước ban đầu để xác lập quyền sở hữu và những yếu tố pháp luật có liên quan, về lâu dài, để khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ này, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường thì đơn vị quản lý và người dân trồng dứa còn nhiều việc phải làm.

Chăm sóc dứa tại Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: Từ năm 1967, cây dứa được đưa về trồng ở Nông trường Đồng Giao (nay là Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao), nó tồn tại và phát triển bền vững và trở thành biểu tượng và sản phẩm chính của đơn vị.

Hiện nay, ở Tam Điệp, cây dứa chiếm 60% diện tích trồng các cây ăn quả (khoảng 3.600 ha) với khoảng 1.700 hộ chuyên trồng dứa, tổng sản lượng dứa mỗi năm từ 55.000- 60.000 tấn. Dứa Đồng Giao có 2 giống chính là Dứa Cayen với diện tích trồng khoảng 1.900 ha và Dứa Queen 1.700ha. Dứa Cayene Đồng Giao có hình trụ, màu vàng cam nhạt, mùi thơm, vị ngọt đậm, không xơ; khối lượng quả từ 1,53 đến 1,78 kg; đường kính quả từ 12,90 đến 13,90 cm; chiều dài quả từ 19,45 đến 20,39 cm; số lượng mắt dứa từ 111 đến 115 mắt; tỷ lệ phần ăn được từ 72 đến 75%. Dứa Queen Đồng Giao có hình trụ, màu vàng rơm, mùi thơm, vị ngọt, không xơ; khối lượng quả từ 0,54 đến 0,61 kg; đường kính quả từ 7,71 đến 8,49 cm; chiều dài quả từ 10,46 đến 11,27 cm. Số lượng mắt dứa từ 92 đến 94 mắt; tỷ lệ phần ăn được từ 60 đến 74%.

Bên cạnh kinh nghiệm và bí quyết canh tác, kỹ thuật thu hoạch và bảo quản sản phẩm của người dân, các đặc tính trên của dứa Đồng Giao có được là nhờ điều kiện tự nhiên độc đáo của khu vực này: vùng bán sơn địa, có mức độ phân cắt địa hình ít nên tạo sự đồng đều về khí hậu, tiêu thoát nước tốt, thuận lợi cho việc trồng và sản xuất cây dứa. Đất đai nơi đây có hàm lượng sét cao, tầng mặt của đất tơi xốp, phù hợp với đặc điểm của cây dứa là có bộ rễ yếu, ăn nông và cần lượng nước cao.

Ngoài ra, đây là khu vực có biên độ nhiệt ngày đêm lớn (4oC - 6oC) và lượng bức xạ cao giúp tạo nên điểm đặc thù cho sản phẩm dứa. Để bảo tồn nguồn gen, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Ninh Bình đã được phê duyệt và triển khai dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý Đồng Giao cho sản phẩm dứa của tỉnh Ninh Bình”. Sau thời gian triển khai thực hiện, dự án đã nhận được sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Và tháng 5/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00074 cho sản phẩm Dứa Đồng Giao.

Đây là bước ban đầu để xác lập quyền sở hữu và những yếu tố pháp lý có liên quan song đã có những tác động tích cực, bước đầu giúp gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ đồng thời làm thay đổi nhận thức của người sản xuất…Minh chứng là trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thì quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu của Công ty vẫn bằng 431% so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi, mà chính bà con nông dân cũng đang rất vui mừng bởi sản phẩm dứa sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ đến đó, nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha. Anh Nguyễn Văn Thanh, đội Hang Nước, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao phấn khởi cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá dứa ổn định, thậm chí thời điểm này, mặc dù đã vào chính vụ nhưng giá không bị giảm mà còn tăng gấp đôi so với năm ngoái. Bà con chúng tôi rất tự hào và sẽ cố gắng giữ gìn bản sắc, thương hiệu dứa Đồng Giao. Niềm vui của những người nông dân chúng tôi là sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, để chế biến và xuất khẩu đi các nước, được thế giới biết đến.

Ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Để phát triển nhãn hiệu Dứa Đồng Giao cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, ngành chuyên môn, tất cả các nhà sản xuất, nhà chế biến và những người nông dân. Trước tiên, cơ quan quản lý nhãn hiệu này là UBND thành phố Tam Điệp phải thực hiện đúng các quy trình, các quy định đã đề ra trong quá trình tạo lập, xây dựng chỉ dẫn địa lý Dứa Đồng Giao. Cụ thể như việc quản lý tem, nhãn mác hay tuyên truyền, quảng bá, đào tạo, tập huấn cũng như giám sát quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là thực phẩm cần gắn với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, chúng ta phải tích hợp được chỉ dẫn địa lý với cải thiện chất lượng, công nghệ và chế biến sâu để bán được sản phẩm với mức giá ngày càng cao. Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá ra thị trường trong và ngoài nước để người tiêu dùng biết đến, qua đó giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Hà Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang