• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu sắn của Việt Nam

Nguồn tin: Báo Công Thương, 23/01/2019
Ngày cập nhật: 25/1/2019

Năm 2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam giảm mạnh cả về lượng và giá trị. Dự kiến, xuất khẩu mặt hàng này năm 2019 chưa bớt khó khi mới đây Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tinh bột sắn, sắn lát xuất khẩu từ Việt Nam.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), năm 2018, xuất khẩu sắn đạt 2,4 triệu tấn, tương ứng 958,7 triệu USD, giảm 38% về khối lượng và giảm 7,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm tỷ trọng 88,1% về giá trị, tiếp theo là Hàn Quốc (2,7%), Malaysia (1,6%), Philippines (1,5%).

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu sắn của Việt Nam

Năm 2018, xuất khẩu sắn gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ do Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia quản lý với 80 triệu tấn ngô đã được bán trong năm 2018 dẫn tới dự sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát.

Đáng chú ý, kể từ ngày 15/12/2018, Cơ quan Hải quan phía Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường kiểm tra, quản lý việc nhập khẩu tinh bột sắn, sắn lát xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo đó yêu cầu: Hàng hóa (tinh bột sắn, sắn lát) phải do doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nằm trong danh sách đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phía Việt Nam đăng ký với Cơ quan Hải quan Trung Quốc; khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch của Việt Nam chứng nhận; nhãn mác hiển thị trên bao bì phải được in lên bao bì vừa đóng gói trước khi xuất xưởng, không cho phép hàng hóa đến cửa khẩu mới dùng biện pháp phun tạm thời hoặc lồng bao bì có in sẵn sản phẩm hay cách thức/hình thức khác; trên bao bì cần ghi rõ ít nhất 5 yếu tố gồm: nơi sản xuất, cấp bậc chất lượng, đơn vị sản xuất, ngày sản xuất và ghi rõ ràng hàng hóa dùng trong thực phẩm hay dùng trong công nghiệp (nếu dùng làm thực phẩm thì không cần phải ghi cấp bậc chất lượng).

Hiện Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản là cơ quan chủ trì đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về danh sách doanh nghiệp, quy cách bao bì, nhãn mác và các vấn đề liên quan khác. Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tinh bột sắn của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi, đáp ứng đúng yêu cầu của phía bạn.

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn vẫn gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ thị trường, đặc biệt là những quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, năm 2019 sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc các nhà sản xuất có chấp nhận rủi ro khi tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nữa không hay hướng tới các giải pháp như: giảm diện tích trồng sắn, nâng cấp chất lượng sắn phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi...

Nguyễn Hạnh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang