• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ca cao thượng hạng và câu chuyện 20 năm thăng trầm - Kỳ 1: Những người tiên phong

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 27/09/2019
Ngày cập nhật: 1/10/2019

Bén rễ vùng đất Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ năm 2000, trải qua nhiều thăng trầm vì không có thị trường tiêu thụ, vài năm trở lại đây, ca cao BR-VT đã “hồi sinh” mạnh mẽ. Diện tích trồng ca cao được mở rộng, hạt ca cao BR-VT đủ sức chinh phục các thị trường khó tính.

Anh Trịnh Văn Thành (phải) kiểm tra chất lượng trái ca cao tươi tại vườn của bà con xã viên.

Anh Trịnh Văn Thành (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) được coi là người đầu tiên ở BR-VT trồng cây ca cao. Anh Trịnh Văn Thành cho biết, khoảng những năm 2000, khi đang công tác tại Hội Nông dân xã Xà Bang, nhìn cây chủ lực của địa phương là cà phê lúc đó bị chặt bỏ do không bán được, anh rất xót xa. Trong tâm trí luôn đau đáu phải tìm ra loại cây, hướng đi mới cho bà con. Sau khi tìm hiểu, được các chuyên gia tại Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh giới thiệu, anh Thành quyết định chọn cây ca cao, một loại cây hoàn toàn mới đối với BR-VT. Thời gian đầu, anh cùng 12 nông dân của huyện Châu Đức trồng thử nghiệm ca cao trên diện tích 12ha. Anh Trịnh Văn Thành cho biết: “Ca cao BR-VT được các đối tác từ Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ xếp vào loại thượng hạng của thế giới. Hơn nữa, cây ca cao rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của BR-VT nên năng suất cao. Nhờ đó, cây ca cao mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Vì vậy, diện tích trồng ca cao của tỉnh tăng nhanh, có thời điểm lên đến cả ngàn ha. Tuy nhiên, giai đoạn 2007-2012, ca cao bị lấn át bởi lợi nhuận “khủng” của hồ tiêu. 3 năm trở lại đây, với sự suy thoái của một số loại cây công nghiệp khác, cùng với sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền địa phương, diện tích ca cao Châu Đức đã tăng trở lại”, anh Thành nói.

Anh Hồ Sĩ Bảo kiểm tra chất lượng trái cacao tươi tại vườn. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Từ những bước đi ban đầu, anh Trịnh Văn Thành đã thành lập HTX TM-DV nông nghiệp Xà Bang (huyện Châu Đức) và hiện có 70 xã viên, trong đó có 20 hộ trồng ca cao với tổng diện tích trên 30ha. Anh Trịnh Văn Thành cho biết, nhận thấy ca cao trồng tại địa phương chất lượng tốt, HTX đã vận động bà con tham gia lớp tập huấn, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ (chương trình phát triển ca cao bền vững). Theo tiêu chuẩn UTZ, nông dân thay đổi thói quen canh tác. Các khâu làm đất, tưới nước, chăm sóc, bón phân đều theo một quy trình nghiêm ngặt, nhật ký canh tác được ghi chép cẩn thận.

Cùng có chung niềm đam mê với ca cao, anh Hồ Sĩ Bảo cũng từ bỏ một công việc ổn định, thu nhập cao tại TP. Hồ Chí Minh để về Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) mua đất làm nhà và rong ruổi tìm hiểu về cây ca cao. “Khi đưa ra quyết định táo bạo này, tôi nghĩ rằng để cho ra được một sản phẩm chất lượng thì tiêu chí đầu tiên là phải hiểu về cái gốc của sản phẩm đó, phải thật sự là người nông dân để hiểu được những điều mong muốn của họ”, anh Bảo chia sẻ. Nói là làm, ngay khi về BR-VT, ròng rã 4 tháng trời, anh đã thuyết phục được hơn 30 hộ nông dân tại Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) và huyện Châu Đức thành lập HTX ca cao hữu cơ Châu Đức. HTX ca cao hữu cơ Châu Đức hiện có 30 thành viên canh tác 70ha ca cao, sản lượng khoảng 40 tấn/năm. Anh Hồ Sĩ Bảo cho biết thêm: Để có thị trường tiêu thụ bền vững, HTX đã tập hợp những hộ nông dân trồng ca cao và hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ. HTX hỗ trợ kỹ thuật và giám sát nghiêm ngặt toàn bộ quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV, bảo quản và lên men nhằm tạo sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm ATVSTP.

Ông Nguyễn Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.200ha ca cao, là 1 trong 7 địa phương có diện tích trồng ca cao lớn trong cả nước. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 520ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 300 tấn. Chất lượng ca cao canh tác theo tiêu chuẩn UTZ của BR-VT có thể chinh phục được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp… “Hiện Châu Đức đã triển khai quy hoạch vùng trồng ca cao, mục tiêu đến năm 2020, ca cao là một trong những cây chủ lực của địa phương với diện tích 650ha. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất ca cao theo hướng có chứng nhận đạt chuẩn quốc tế, đầu tư chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ”, ông Linh nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - QUANG VINH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang