• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân Cao Văn Luận tiên phong trồng cà phê ghép

Nguồn tin: Báo Kon Tum, 25/09/2019
Ngày cập nhật: 26/9/2019

Ông Cao Văn Luận ở thôn 3, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) triển khai mô hình trồng cà phê ghép đã được 10 năm và chính mô hình này góp phần quan trọng đưa ông trở thành “triệu phú chân đất”.

Cơ duyên trồng cà phê ghép

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Tân Cảnh, chúng tôi cùng lãnh đạo huyện Đăk Tô đến thăm mô hình cà phê ghép của gia đình ông Cao Văn Luận. Ông là người đầu tiên ở Tân Cảnh và cả huyện Đăk Tô xây dựng mô hình cà phê ghép. Nhìn vườn cà phê nặng trĩu quả, mọi người đều trầm trồ khen ngợi. Một mùa cà phê bội thu đang hiện hữu tại khu vườn nhà ông Luận. Nhiều cành trĩu quả, ông phải dùng cây chống đề phòng gãy cành.

Ông Cao Văn Luận cho biết, đến nay, mô hình cà phê ghép này của gia đình ông phát triển được 10 năm.

Khi được hỏi, xuất phát từ đâu dẫn đến quyết định trồng cà phê ghép, ông Cao Văn Luận vui vẻ sẻ chia: Năm 2009, tôi được Hội Nông dân xã Tân Cảnh cử tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng cà phê tại thị trấn Đăk Tô. Tại buổi tập huấn này, tôi được cán bộ kỹ thuật giới thiệu về mô hình cà phê ghép và những hiệu quả kinh tế mang lại trong thực tế. Tôi bị cuốn hút và say mê lắng nghe từng lời của cán bộ kỹ thuật thuyết giải. Sau đó, tôi tự tìm tài liệu nghiên cứu, đọc kỹ thấy cà phê ghép năng suất và hiệu quả vậy mà sao chưa thấy trồng phổ biến tại địa phương. Đọc tài liệu tôi thấy ưng ý nhất là loại cà phê vối ghép vào gốc cà phê mít. Vì vậy, tôi quyết định tìm đến xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trồng cà phê ghép.

Khi tìm hiểu kỹ, ông Luận tìm đến Viện EKaMat, tỉnh Đăk Lăk đặt mua hơn 2.000 cây (mỗi cây giá 6.000 đồng) để về trồng thử. Quá trình trồng thử nghiệm ông được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật của Viện EKaMat nên khi áp dụng vào trồng cây cà phê ghép sinh trưởng và phát triển khá tốt. Sau 3 năm cây cho thu bói và năm đầu năng suất đạt khoảng 15 tấn/ha.

Mở rộng diện tích

Sau khi có kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây cà phê ghép, ông Luận mày mò, nghiên cứu, tự ghép để phát triển vườn cà phê của mình. Ông chọn giống cà phê vối ghép vào thân cây cà phê mít và để chăm sóc chung cho chúng phát triển song song. Khi ngọn cà phê ghép phát triển tốt, ông bắt đầu chặt dần những cành trên cây cà phê cũ để nhường chỗ cho cà phê ghép phát triển. Cứ vậy, mỗi năm một ít, sau 10 năm kiên trì, đến nay, vườn cà phê 3ha của gia đình ông được thay thế hoàn toàn bằng cà phê ghép.

Cà phê ghép của gia đình ông Luận trĩu quả. Ảnh: PN

Theo ông Luận, so với cà phê vối bình thường, sau khi trồng 3 năm cho thu bói thì năng suất của cà phê ghép cũng cao hơn vài tấn/ha và đã được chứng minh bằng thực tế.

Như để minh chứng cho lời mình nói, ông Luận dẫn chúng tôi tham quan tại vườn cà phê ghép của gia đình ông và so sánh với vườn cà phê ngay sát bên cạnh; thực tế cho thấy, vườn cà phê ghép quả nhiều, dày hơn...

Ông Luận cho biết: So với cà phê cũ, cà phê ghép năng suất cao hơn từ 30-40%. Đơn cử như năm 2018, với diện tích 3ha cà phê ghép, nhà tôi thu được hơn 83 tấn. Còn cũng với diện tích này, trước kia giống cà phê cũ chỉ đạt khoảng 50 tấn. Năm 2018, chỉ riêng bán cà phê tươi, gia đình tôi thu lãi được hơn 300 triệu đồng.

Điều đáng nói, theo kinh nghiệm của ông Luận trồng cà phê ghép 10 năm nay, bản thân ông nhận thấy cà phê ghép có khả năng chịu hạn tốt và hạn chế sâu bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cảnh cho biết: Gia đình ông Cao Văn Luận là hộ gia đình tiên phong trong việc phát triển cà phê ghép. Từ mô hình này và được sự giúp đỡ, hỗ trợ của ông Luận, hiện nay trên địa bàn đã có hàng chục hộ gia đình học tập, triển khai cho mô hình trồng cà phê ghép tại vườn cà phê gia đình. Đến nay, diện tích cà phê ghép xã Tân Cảnh phát triển được hơn 20ha.

Hy vọng, mô hình trồng cà phê ghép của ông Cao Văn Luận tại xã Tân Cảnh sẽ được nhân rộng, phát triển hơn nữa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo tại địa phương này.

Phúc Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang