• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thận trọng khi cạo mủ bằng khí ethylene

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 17/09/2019
Ngày cập nhật: 19/9/2019

Vì một số lợi ích trước mắt, như sản lượng khai thác vượt trội, kéo dài thời gian cho mủ mỗi khi khai thác, tiết kiệm nhân công… nên không ít hộ trồng cao su tiểu điền đang áp dụng cách cạo mủ cao su bằng khí ethylene. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, phương pháp này đã bộc lộ nhiều nhược điểm, như mủ ra nhiều khoảng 2-3 tháng đầu, sau đó giảm dần. Hiện một số hộ áp dụng cho cả vườn cây mới khai thác phải “nếm trái đắng” vì lượng mủ giảm, vỏ cây bị hoại tử và khó phục hồi dẫn đến bỏ vườn.

LỢI THÌ CÓ LỢI...

Nghe giới thiệu của các đơn vị phân phối về phương pháp cạo mủ bằng khí có rất nhiều ưu điểm, sản lượng vượt trội nên chị Trương Thị Thành ở ấp An Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú đầu tư 10 triệu đồng mua bộ áp khí, bình gas chứa ethylene, khoan cầm tay, ống chọc mủ, máng che mưa... phục vụ khai thác mủ trên 1 ha cao su thanh lý. Sau hơn 1 tháng lắp đặt, chị Thành thấy phương pháp này có nhiều ưu điểm, như mủ chảy liên tục 12 giờ/lần cạo, lượng mủ chảy nhiều gấp đôi và kéo dài nên tận thu được mủ chén. Trước đây, mỗi ngày gia đình chị thu 30kg mủ các loại thì nay tăng lên 50kg. Chị Thành cho biết: Kỹ thuật mới này giúp giảm ngày công lao động, tận thu tối đa mủ ở vườn cây thanh lý mà không mất nhiều công sức. Ngày mưa vẫn có thể thu hoạch mủ và kéo dài thời gian khai thác.

Chị Trương Thị Thành ở ấp An Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú áp dụng phương pháp cạo mủ bằng khí ethylene trên vườn cây thanh lý cho hiệu quả khả quan

Anh Đoàn Văn Nhân ở ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú cho biết: “Sau khi bơm khí, ethylene sẽ thẩm thấu vào vỏ cây. Sau 24 giờ, hormone bắt đầu phát huy tác dụng mạnh trong bán kính khoảng 30cm từ nút khí. Lần đầu lấy mủ sau khi bơm, mủ ra nhiều, nhưng giảm dần ở những lần cạo tiếp theo. Mỗi lần bơm khí chỉ được cạo lấy mủ 3 lần. Để duy trì lượng mủ, 10 ngày sau phải bơm khí lại. Cạo mủ bằng khí có ưu điểm là không phải thức đêm, lượng mủ nhiều hơn gấp đôi.

Theo các chuyên gia, ethylene là một hormone thực vật có trong cao su. Quá trình khai thác, hormone ethylene ngày càng giảm, nhất là khi cây cao su khai thác từ 15 năm trở lên. Mủ khai thác càng nhiều thì lượng hormone bị thiếu hụt càng lớn. Việc bơm thêm khí ethylene vào cây nhằm bổ sung hormone giúp cây tái tạo mủ và phục hồi tuyến mủ trở lại. Phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại Thái Lan, ở Việt Nam mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây.

Ưu điểm của phương pháp này là hấp thụ khí ethylene vào cây thông qua ống tiêm cắm vào lớp vỏ cây. Sau đó có thể kết hợp nhiều phương pháp lấy mủ, như: Khoan lỗ lấy mủ từ ống nhựa theo nhịp độ D3 hoặc theo cách cạo truyền thống với vết cạo nhỏ theo nhịp độ cạo D3, D4. Mỗi lần bơm khí sử dụng được 3 lần khoan. Sau 1 tháng thì tháo nắp chóp di chuyển vị trí mới.

NHƯNG "LÃNH ĐỦ" NẾU KHÔNG TUÂN THỦ ĐÚNG KỸ THUẬT

Hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh chỉ thấy cái lợi trước mắt, tin theo lời quảng cáo của các đơn vị cung ứng về áp dụng đại trà trên vườn cây mới khai thác, không theo quy trình kỹ thuật. Thậm chí bơm khí quá nhiều, quá lâu tại một điểm cố định dẫn đến tình trạng vỏ cây bị khô, nghiêm trọng hơn cây bị đông mủ nhanh, lớp vỏ bị sẫm màu, thoái hóa.

Anh Đoàn Văn Nhân cho biết thêm: Gia đình tôi đang thí điểm phương pháp cạo mủ bằng khí trên 200 cây cao su cận thanh lý và trên 100 cây cao su khai thác năm thứ 7. Sau khi lắp đặt và bơm khí tôi thấy có hiệu quả tức thì. Cứ 4 ngày tôi khai thác mủ 1 lần, sản lượng mủ ra nhiều hơn so với cách cạo cũ. Tuy nhiên, sau 2 tháng tôi nhận thấy mủ giảm dần và tính ra cũng không nhiều hơn là bao so với cạo truyền thống. Trước đây, tôi cạo D2 một ngày thu được 40kg mủ, giờ cạo D4 mỗi ngày khoảng 70kg nhưng công sức bỏ ra rất nhiều. Mặt khác, do cạo vào buổi chiều hôm trước và trút mủ vào sáng hôm sau nên hàm lượng mủ giảm khoảng 20%. Ngoài ra, nếu 1 tháng không dịch chuyển nút khí thì vỏ cây sẽ bị khô và hoại tử. Sau 2 tháng cạo mủ bằng khí trên vườn cao su mới khai thác, 15% số cây trong vườn bị thối vùng vỏ khoan. Những cây bị vết thối này buộc phải ngưng khai thác 1 năm chờ phục hồi mới cạo lại.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Trước tình trạng nông dân trồng cao su tiểu điền áp dụng kỹ thuật kích thích cho mủ bằng khí ethylene tăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi khuyến cáo đến các huyện, thị, thành phố đề nghị chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai thông tin đầy đủ đến nông dân về phương pháp này và tăng cường thanh - kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ bảo vệ thực vật về sử dụng chất kích thích bằng khí cho cây cao su. Đồng thời khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trong sử dụng khí để kích thích mủ. Chỉ áp dụng với vườn cây có tuổi thọ từ 15 năm trở lên; vườn có tán lá tốt, không nhiễm bệnh; vườn cây đã hết vỏ cạo hoặc vùng huy động mủ kém; vườn đã áp dụng cạo hủy hoặc cạo không đúng kỹ thuật. Vườn cây đang cạo ở nhịp độ D2 thì tuyệt đối không sử dụng phương pháp này...”.

Thạc sĩ Nguyễn Năng, Trưởng phòng Nghiên cứu sinh lý khai thác cao su Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam cho biết: Phương pháp khai thác mủ cao su bằng khí chỉ áp dụng trên một số giống cũ, kém hiệu quả hoặc khi cây chuyển qua cạo úp, thanh lý. Việc bơm khí cần định lượng chính xác, bảo đảm vừa với sức cây để cây cho mủ ổn định và không ảnh hưởng tuổi thọ của cây. Yêu cầu của phương pháp này chỉ nên áp dụng với cây có tuổi cạo thứ 15 trở lên. Nhưng để tăng lượng mủ đồng nghĩa với việc phải tăng lượng phân bón lên gấp đôi, bón nhiều lần và trải đều trong năm.

“Nguyên lý của việc kích thích bằng khí gas là phải giảm chiều dài miệng cạo hoặc giảm nhịp độ cạo. Phương pháp này chỉ hiệu quả trên một số giống như: RRim6, GT1, VM515. Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam đã làm thử nghiệm trên một số vườn cây ở các tỉnh Tây Nguyên, tuy nhiên chỉ 4-5 tháng đầu năng suất tăng rất cao so với cạo truyền thống, nhưng sau đó lượng mủ giảm dần. Vì vậy, nông dân cần thận trọng và tính toán kỹ trước khi áp dụng phương pháp này” - thạc sĩ Trương Văn Hải, Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam nói.

Từ thực tế cho thấy, muốn cạo mủ bằng khí ethylene phải thực hiện đúng phương pháp, quy trình kỹ thuật và có dụng cụ bơm khí với định lượng chính xác. Hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh đang làm theo phong trào, tự tìm hiểu qua các tờ rơi quảng cáo hoặc mạng xã hội rồi lắp đặt đại trà trên vườn cây, không có cơ quan chức năng nào quản lý, hướng dẫn. Rất mong các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc, tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân hiểu rõ ưu, khuyết điểm của phương pháp này, tránh tình trạng “tiền mất tật mang” vì thiếu hiểu biết.

Ngân Hà

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang