• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lợi ích từ mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 10/09/2019
Ngày cập nhật: 13/9/2019

Đưa được cơ giới hóa vào sản xuất để giảm công lao động và nhiều khoản chi phí khác trong canh tác lúa là kết quả mà dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa” do Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Hậu Giang hực hiện lần đầu trong vụ lúa Hè thu tại huyện Long Mỹ.

Nông dân đánh giá cao tính hiệu quả dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa” mang lại.

Hậu Giang là tỉnh thuần nông, trong đó lúa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh khi chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp. Theo đó, tổng diện tích canh tác lúa cả 3 vụ trong năm (Đông xuân, Hè thu, Thu đông) của tỉnh thường đạt trên 200.000ha và sản lượng hơn 1,2 triệu tấn/năm. Tuy diện tích lúa nhiều nhưng lợi nhuận mà nông dân có được là không cao do phải tốn nhiều chi phí đầu tư. Trong đó, vấn đề gieo sạ mật độ dày là tác nhân chính gây nhiều hệ lụy và tăng chi phí sản xuất. Do đó, để thay đổi tập quán trong sản xuất lúa cho người dân, trong vụ lúa Hè thu đã và đang thu hoạch, Hậu Giang là một trong những tỉnh của khu vực phía Nam được TTKN Quốc gia hỗ trợ kinh phí và giám sát việc thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa”, nhằm giải quyết các vấn đề còn bất cập trong canh tác lúa hiện nay, nhất là mật độ gieo sạ.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc TTKN Hậu Giang, cho biết: Trong canh tác lúa, nếu năng suất thấp hoặc chi phí đầu tư cao sẽ khiến nông dân không có lời, từ đó ảnh hưởng đến đời sống. Do đó, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh triển khai không ít chương trình, dự án nhằm giúp người trồng lúa đạt hiệu quả cao trong sản xuất và dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa” là một minh chứng cụ thể. Điều đáng phấn khởi là mô hình đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực và được người dân đánh giá cao về mặt hiệu quả.

Theo đó, khi được TTKN Quốc gia hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình, TTKN tỉnh đã tiến hành chọn vị trí triển khai tại cánh đồng lớn trong canh tác lúa ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ. Tổng diện tích đất tham gia mô hình là 72ha, của 37 hộ dân và giống lúa bà con chọn canh tác là OM 5451. Bên cạnh đó, nông dân áp dụng mô hình còn được hỗ trợ 2 máy cấy lúa đi bộ và 10 bình phun thuốc bằng động cơ để giúp bà con đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Đang cùng bà con đi thăm ruộng lúa 1ha của gia đình gần đến ngày thu hoạch, ông Tăng Văn Xiêm, là một trong 37 hộ dân áp dụng mô hình ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, cho biết khi tham gia mô hình bà con được cán bộ kỹ thuật của TTKN tỉnh, huyện tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo hình thức sản xuất sinh thái (SRI). Tức là, áp dụng biện pháp máy cấy và sạ theo khóm với lượng lúa giống sử dụng chỉ 50kg/ha. Đồng thời, hướng dẫn bà con quản lý và phòng trừ dịch hại trên cây lúa theo nguyên tắc IBM và quản lý nước trên đồng theo hình thức ngập, khô xen kẽ để tiết kiệm nước và đây là giải pháp rất hữu ích khi vùng đất này thường bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm.

“Do áp dụng biện pháp cấy máy và sạ theo khóm nên nông dân giảm được hơn phân nửa tiền mua lúa giống. Bên cạnh đó, khi sạ thưa thì thấy cây lúa ít bị sâu bệnh tấn công nên trong vụ lúa này đã giảm được từ 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời lúa cũng ít bị đổ ngã do mưa, bão nên hạn chế thất thoát khi thu hoạch. Nhờ vậy, kéo theo nông dân giảm được công lao động, bảo vệ sức khỏe, môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Xiêm thông tin thêm.

Dự kiến, các ruộng lúa áp dụng mô hình sẽ thu hoạch lúa vào ngày 10-9. Tuy chưa cắt lúa, nhưng qua phân tích và đánh giá của cán bộ TTKN tỉnh thì ước năng suất lúa của mô hình cấy máy và sạ theo khóm có khả năng đạt lần lượt là 7,32 tấn/ha và 7,57 tấn/ha. Với năng suất này thì ruộng lúa áp dụng mô hình đạt cao hơn ruộng đối chứng 1,18 tấn/ha. Ông Trần Văn Nghiêm, hộ dân có ruộng lúa nằm cặp ranh với ruộng thực hiện mô hình, cho hay: “Do vùng đất nơi đây bị nhiễm phèn, ít màu mỡ nên năng suất lúa vụ Hè thu chỉ đạt khoảng 600-650kg/công (1.300m2) là trúng nhất. Tuy nhiên, khi thấy bà con trong mô hình đạt năng suất gần 800kg/công và còn giảm được nhiều khoản chi phí trong sản xuất nên tôi và nông dân bên ngoài rất tâm đắc với cách làm theo mô hình. Do đó, trong vụ lúa Đông xuân tới đây, tôi sẽ học tập kinh nghiệm để áp dụng cho gần 2ha lúa của mình nhằm có được nguồn lợi nhuận cao sau khi bán lúa”.

Giống như ông Nghiêm, ông Nguyễn Văn Non, nông dân ở ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Khi được mời tham quan mô hình, tôi và một số bà con ở cùng địa phương đánh giá cao kết quả mà mô hình mang lại, nhất là việc giảm lượng lúa giống, giảm số lần phun thuốc, bón phân… nhưng năng suất đảm bảo ở mức cao. Bên cạnh đó, nông dân trong mô hình còn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và mua lúa với giá cao hơn 500 đồng/kg so với thị trường. Từ đó, giúp bà con trồng lúa đạt hiệu quả cao trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Đặc biệt là đưa được cơ giới hóa vào tất cả các khâu trong sản xuất lúa nên nhẹ công lao động rất nhiều. Từ những hiệu quả của mô hình mang lại, trong vụ lúa Đông xuân tới, tôi cùng nhiều bà con ở cánh đồng lúa của mình sẽ áp dụng mô hình này và chọn phương pháp sạ theo khóm”.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc TTKN Hậu Giang, cho biết thêm: Nếu chúng ta giảm được lượng lúa giống gieo sạ còn 50kg/ha cho toàn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh như mô hình thì đồng nghĩa với việc nông dân sẽ giảm ít nhất 13.000 tấn lúa giống mỗi năm, đồng thời giảm được nhiều khâu khác trong sản xuất nên giúp nông dân tăng được lợi nhuận đáng kể. Do đó, dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa” cần được các địa phương trong tỉnh nghiên cứu nhân rộng. Ngoài ra, TTKN tỉnh cũng đề xuất TTKN Quốc gia tiếp tục xem xét hỗ trợ kinh phí cho Hậu Giang để mở rộng thêm quy mô, diện tích về mô hình này. Qua đây, giúp cho nhiều người trồng lúa của tỉnh được tiếp cận và áp dụng, từ đó đưa nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung ngày càng theo hướng hiện đại, an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị, nguồn lợi nhuận…

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện tại mật độ gieo sạ lúa giống của nông dân trên địa bàn tỉnh ở mức dưới 100kg/ha chỉ chiếm khoảng 5% diện tích lúa của tỉnh, còn mật độ từ 100-150kg/ha thì chiếm đến 47% và trên 150kg/ha là 48%.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang