• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Triển vọng kinh tế từ cây mắc ca

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn, 27/08/2019
Ngày cập nhật: 28/8/2019

Mắc ca là cây trồng “kén” khí hậu. Tuy nhiên, khi trồng tại Lạng Sơn, cây cho năng suất và chất lượng quả tốt. Vì vậy, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang mở rộng diện tích cây mắc ca, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới với nguồn thu nhập ổn định.

Ông Nông Văn Viên, thôn Kéo Coong, xã Tân Văn, huyện Bình Gia cho biết: Năm 2012, tôi mua 300 cây giống mắc ca (ươm bằng hạt) về trồng thử nghiệm. Sau 5 năm, cây bắt đầu bói quả. Năm 2018, tôi thu được hơn 3 tạ hạt. Số lượng chưa nhiều nên tôi sấy bán hai tạ hạt khô với giá 200 nghìn đồng/kg. Còn một tạ, tôi bán cho bà con quanh vùng làm cây giống, trừ chi phí thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên hiện nay, tôi đã trồng thêm 200 cây nhằm tăng thu nhập.

Ngoài gia đình ông Viên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang có khoảng 40 – 50 hộ chọn hướng phát triển kinh tế từ cây mắc ca. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến ông Hoàng Văn Trang, thôn Bó Mịn, xã Tân Việt, huyện Văn Lãng.

Người dân xã Tân Việt, huyện Văn Lãng thu hoạch mắc ca

Ông Trang cho biết: Năm 2015, tôi trồng 5 ha mắc ca. Năm 2018, tôi thu được 2 tấn hạt. Thu đến đâu thương lái đến tận vườn mua đến đó. Năm nay, nhờ gia đình chú trọng chăm sóc nên cây cho năng suất cao hơn. Hiện nay, thu hoạch 3,5 ha, tôi đã thu về gần 4 tấn hạt. Cả vụ, tôi dự kiến thu khoảng 5 – 6 tấn hạt. Với giá bán trung bình từ 75 – 80 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu được 200 triệu đồng từ mắc ca.

Tìm hiểu được biết, năm 2002, cây mắc ca được Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc trồng thử nghiệm tại hai huyện: Chi Lăng, Tràng Định. Tuy nhiên, thời điểm đó, người trồng chưa chú trọng khâu chăm sóc nên hiệu quả chưa cao. Đến năm 2010, qua các phương tiện thông tin đại chúng, một số hộ bắt đầu mua cây giống về trồng. Sau khi được thu hoạch, nhận thấy hiệu quả kinh tế, từ năm 2017 đến nay, người dân chủ động trồng và mở rộng diện tích. Hiện toàn tỉnh có khoảng 150 ha cây mắc ca được trồng tập trung ở một số huyện như: Cao Lộc, Văn Lãng, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Chi Lăng, Tràng Định… Trong đó, có khoảng 30 – 40 ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân ước đạt từ 1 – 1,5 tấn/ha. Năm 2019, sản lượng mắc ca toàn tỉnh ước đạt 45 – 50 tấn quả.

Theo ông Nông Văn Viên – một trong những hộ đầu tiên trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh, mắc ca là cây trồng có sức sống mạnh mẽ, ít sâu bệnh, tuổi thọ cao. Cây có thể trồng mới quanh năm nhưng để hiệu quả cao nên trồng vào mùa xuân hoặc mùa mưa. Đồng thời, để có hiệu quả kinh tế cao và rút ngắn được thời gian thu hoạch, bà con nên trồng cây ghép.

Quả mắc ca có 2 lớp, vì vậy, sau khi thu hái, người dân có hai lựa chọn, bán quả tươi (cả vỏ) với giá bình quân từ 35 – 50 nghìn đồng/kg hoặc bán hạt tươi (lớp bên trong) với giá từ 75 – 80 nghìn đồng/kg. Cùng với đó, vỏ tươi của quả nếu kết hợp với chế phẩm sinh học ủ hoai mục sẽ trở thành nguồn phân vi sinh rất tốt để bón cho cây trồng.

Đặc biệt, tại Lạng Sơn, hiện nay, bên cạnh các mô hình trồng cây mắc ca đã có hai doanh nghiệp trồng và chế biến mắc ca sấy khô có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ và được cấp chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm tại địa phương.

Ông Lục Văn Bằng, Giám đốc Công ty Cổ phần Mắc ca Sachi Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, từ quả mắc ca công ty chúng tôi sản xuất ra các sản phẩm như: mắc ca sấy nứt (giá từ 300 – 350 nghìn đồng/kg); nhân hạt mắc ca (giá từ 900 nghìn đồng – 1 triệu đồng/kg). Ngoài ra, còn có các sản phẩm như: bánh, kẹo, dầu ăn… Mắc ca là sản phẩm giàu chất dinh dưỡng và có rất nhiều đơn đặt hàng nên sản xuất đến đâu, chúng tôi bán hết đến đó, thậm chí có nhiều lúc công ty “cháy hàng”.

Trao đổi về triển vọng phát triển cây mắc ca, ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết: Mắc ca là cây trồng có rất nhiều dòng khác nhau, nhiều loại giống khác nhau. Qua thực tế, nếu chọn được giống phù hợp với khí hậu, kết hợp các biện pháp kỹ thuật tránh các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cây mắc ca sẽ có nhiều tiềm năng phát triển tại Lạng Sơn. Chính vì vậy, để phát triển bền vững cây trồng này, sở khuyến khích bà con chọn các cơ sở cây giống uy tín. Thời gian tới, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có định hướng đầu tư phát triển ổn định trên địa bàn, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến theo hướng tạo chuỗi liên kết ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

NGUYỄN PHƯƠNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang