• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phòng, chống sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô: Tích cực sử dụng biện pháp thủ công

Nguồn tin: Báo Hải Phòng, 16/08/2019
Ngày cập nhật: 18/8/2019

Là loại sâu mới xuất hiện tại Hải Phòng, từ giữa tháng 7-2019 đến nay, sâu keo mùa thu đang có xu hướng gây hại diện rộng tại các huyện có diện tích trồng ngô trên địa bàn thành phố. Vì vậy, việc kiểm soát và phòng, chống hiệu quả sâu keo đang được ngành chức năng và các huyện quan tâm, chỉ đạo sát sao…

Nông dân xã An Hòa ra đồng diệt sâu keo trên các ruộng ngô.

Khẩn trương chống sâu keo

Từ ngày 25-7 đến nay, khi phát hiện sâu keo hại ngô trên diện rộng, người dân tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương để phòng, chống. Ông Phạm Văn Nước, Phó giám đốc HTX nông nghiệp xã An Hòa (An Dương) cho biết, 2 tuần gần đây, sâu keo vũ hóa rộ lứa 1,2,3 khiến nhiều ruộng ngô ở thôn Hà Nhuận 1 thiệt hại đáng kể. Cây ngô đang giai đoạn ra bắp bị sâu đục từ bắp đến lá; cây giai đoạn bánh tẻ bị sâu ăn xoắn hết nõn. Khi người dân phát hiện, thông báo về tình trạng sâu keo, cả xã dồn dập, khẩn trương phun thuốc phòng trừ. Tuy nhiên, sâu hại diện rộng nên bà con phải kết hợp nhiều biện pháp để trừ sâu.

Theo Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) Hải Phòng, ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Dương trung bình trồng 250 ha ngô/vụ. Đầu tháng 8-2019, các huyện đã trồng 40 ha ngô vụ hè thu, trong đó có khoảng 20 ha ngô mới trồng, một số diện tích chuẩn bị cho thu hoạch. Vài tháng trước, sâu keo chỉ gây hại rải rác, song 2 tuần gần đây, sâu keo tấn công dồn dập các ruộng ngô. Một số ruộng bị thiệt hại nặng, cây gãy, đổ; cây đang ra bắp không được thu hoạch. Vào thời điểm giữa tháng 8-2019, sâu keo gây hại ở hầu hết các xã có trồng ngô tại các huyện trên, nặng nhất trên cây ngô giai đoạn từ 5 lá đến xoáy nõn với mật độ phổ biến 1-2 con/m2, có nơi 6-8 con/m2. Sâu xuất hiện đủ các giai đoạn trên ruộng ngô như trứng, sâu non, sâu trưởng thành. Toàn thành phố có khoảng 9 ha bị sâu keo gây hại nặng. Các xã có diện tích trồng ngô lớn bị thiệt hại nặng là Thắng Thủy, Dũng Tiến (Vĩnh Bảo), An Hòa (An Dương). …

Các hội, đoàn thể cần tích cực vào cuộc

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Hải Phòng Chu Thanh Hà, sâu keo mùa thu mới xâm nhập vào Việt Nam, gây hại nhanh và nặng nhất trên cây ngô. Loại sâu này chủ yếu hoạt động về đêm. Đặc điểm gây hại của chúng là chủ yếu sâu non tuổi nhỏ gây hại ở biểu bì mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc chữ nhật màu trắng. Sâu non tuổi lớn hơn sẽ ăn khuyết lá, bẹ lá thành các lỗ lớn...

Tháng 4-2019, khi sâu keo chưa xuất hiện tại Hải Phòng, Chi cục TT- BVTV đã có công văn yêu cầu các huyện có diện tích trồng ngô chú trọng theo dõi, phát hiện và phòng trừ sâu keo. Vào tháng 5-2019, sâu xuất hiện rải rác ở một vài nơi nhưng chưa gây hại, Chi cục TT- BVTV Hải Phòng có hướng dẫn cụ thể về các biện pháp kỹ thuật để phòng, chống sâu keo. Các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn gồm Trung tâm Khuyến nông, Phòng Kỹ thuật nông nghiệp, Chi cục TT-BVTV cử cán bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo thời gian phát sinh gây hại; tổ chức thông tin, tuyên truyền về sâu keo mùa thu cho cán bộ cơ sở và nông dân biết, chủ động phòng, chống.

Tại các huyện có diện tích trồng ngô, UBND huyện chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, phối hợp với cán bộ chuyên môn bảo vệ thực vật, khuyến nông… điều tra diễn biến sâu keo, hướng dẫn nông dân phun trừ sâu bằng các biện pháp hóa học khi mật độ sâu keo từ 4 con/m2 trở lên. Một số huyện hỗ trợ thuốc BVTV cho nông dân tại các vùng trồng ngô với diện tích trồng lớn, đang bị sâu keo gây hại nặng.

Hiện, sâu keo gây hại diện rộng ở một số xã có diện tích trồng ngô lớn, nếu không được kiểm soát, phòng trừ kịp thời, sâu có thể lây lan sang rau màu và cây họ cà, thiệt hại sẽ lớn hơn. Vì vậy, cần huy động các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tích cực tham gia thông tin, vận động hội viên thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu keo hiệu quả cao. Đối với nông dân, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi sâu ở ngưỡng cần phun trừ. Khuyến khích bà con sử dụng các biện pháp thủ công như dùng tay để ngắt ổ trứng, bắt và diệt sâu trưởng thành. Bên cạnh đó, bà con có thể dùng tro bếp, nước xà phòng loãng để diệt sâu non hay thả ong mắt đỏ để đuổi sâu non giai đoạn nhỏ, sử dụng các biện pháp bẫy bằng đèn, dùng bả chua ngọt để diệt sâu…

Bài và ảnh: Hương An

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang