• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Thí điểm mô hình tưới tiết kiệm cho cây tiêu ở Gio Linh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị,19/07/2019
Ngày cập nhật: 21/7/2019

Trước thực trạng nhiều diện tích trồng tiêu trên địa bàn bị khô hạn vì thiếu nước tưới, dẫn đến giảm năng suất, chất lượng vườn tiêu, ngành nông nghiệp huyện Gio Linh đã hỗ trợ người dân triển khai thí điểm mô hình tưới tiết kiệm tại vùng gò đồi phía tây để đảm bảo nguồn nước tưới, giúp cây sinh trưởng tốt và tiết kiệm được công sức người trồng…

Từ khi có hệ thống tưới nhỏ giọt, anh Lê Quang Tấn ở thôn Xuân Tây, xã Linh Hải tiết kiệm được chi phí, công sức tưới cho vườn tiêu

Những ngày đầu tháng 7/2019, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho nhiều vườn tiêu trên địa bàn huyện Gio Linh bị khô hạn, héo lá vì thiếu nước tưới. Thế nhưng, tại vườn tiêu của gia đình anh Lê Quang Tấn (sinh năm 1983) ở thôn Xuân Tây, xã Linh Hải vẫn xanh tốt. Nhà anh Tấn có 0,35ha tiêu với 600 gốc đều đã cho thu hoạch trên 4 năm.

Từ trước tới nay, anh Tấn cũng như nhiều hộ gia đình khác trong địa phương luôn sử dụng phương pháp tưới thủ công cho cây tiêu. Khi tưới, anh phải dùng vòi nước máy phun trực tiếp từng gốc nên rất mất thời gian, tốn nước, tốn điện, gây xói mòn gốc và cỏ mọc nhiều. Anh Tấn kể, vào thời gian nắng hạn, cứ 7-8 ngày anh tưới cho vườn tiêu 1 lần, mỗi lần tưới như vậy phải hơn 3 ngày mới xong. Tháng 4/2019, anh được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây tiêu với diện tích 0,35ha, hệ thống ống tưới được nối đến từng gốc tiêu với tổng chiều dài đường ống khoảng 900 mét. Kinh phí xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt trên 52,5 triệu đồng; trong đó huyện hỗ trợ 15,75 triệu đồng, còn 36,75 triệu đồng gia đình anh đầu tư. Đến nay, hệ thống tưới vận hành rất hiệu quả.

Từ khi ứng dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho vườn tiêu, anh Tấn tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí. Bên cạnh đó, nước tưới nhỏ giọt được thấm sâu vào đất nên đất có độ ẩm cao, không gây xói mòn gốc, cỏ mọc ít. “Nếu tưới thủ công, phải tốn 300m3 nước cho 1 ha thì đối với tưới nhỏ giọt chỉ tốn 60m3 nước. Tưới thủ công mất 3-5 ngày mới xong 1ha, trong khi tưới nhỏ nhỏ giọt chỉ mất 8-10 giờ đồng hồ. Rõ ràng là tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả gấp nhiều lần tưới thủ công”, anh Tấn nói.

Anh Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Hải thông tin, diện tích cây tiêu của toàn xã là 19,24 ha. Hiện có 4 hộ trồng tiêu áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ở thôn Xuân Tây, gồm các hộ anh Lê Quang Tấn, Lê Chí Hoà, Lê Minh Căn và Cáp Văn Sáng với diện tích 1ha. Mô hình tưới nhỏ giọt triển khai từ tháng 4/2019 với kinh phí 324 triệu đồng; trong đó, huyện hỗ trợ 100 triệu đồng/ha, còn lại nhân dân đối ứng 224 triệu đồng. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt do Công ty TNHH Duy Prosper lắp đặt. “Những năm trước, cứ đến mùa hè là trong xã có nhiều diện tích tiêu bị khô héo, chết cây vì thiếu nước tưới. Vì vậy, nếu mô hình điểm này hiệu quả thì xã sẽ nhân rộng cho nhân dân thực hiện. Ngày 19/4/2019, xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu Xuân Tây gồm 4 hộ tham gia mô hình tưới tiết kiệm cho cây tiêu để hỗ trợ lẫn nhau; trong đó anh Lê Quang Tấn là tổ trưởng”, anh Tài cho hay.

Rời Linh Hải, chúng tôi đến xã Gio Hòa, là địa phương thứ 2 vừa được huyện Gio Linh hỗ trợ xây dựng mô hình tưới tiết kiệm cho cây tiêu từ tháng 4/2019. Phó Chủ tịch UBND xã Gio Hoà Tạ Văn Hoà cho biết, toàn xã hiện có 19,6 ha tiêu, trong đó có 1ha ở vườn đồi áp dụng mô hình tưới tiết kiệm bằng phương pháp tưới nhỏ giọt với 3 hộ (thôn Nhất Hoà 2 hộ, thôn Trí Hoà 1 hộ) của tổ hợp tác sản xuất tiêu hữu cơ. Anh Hòa nói: “Nếu so với phương pháp tưới truyền thống thì mô hình tưới nhỏ giọt có nhiều ưu điểm vượt trội, cụ thể như thời gian tưới nhanh hơn, giúp người dân tiết kiệm đáng kể chi phí, công sức và tiết kiệm được nguồn nước khan hiếm trong mùa nắng; ống nước nhỏ giọt được bắt trực tiếp vào gốc cây nên nguồn nước chảy đều, thấm sâu vào đất, không hao hụt, không gây xói mòn gốc, từ đó cỏ dại ít mọc hơn nên đỡ tốn công làm cỏ, dọn vườn. Hiện nay, nhiều vườn tiêu trong xã đã bị vàng lá, khô héo và chết cây do thiếu nguồn nước tưới, nhưng những gia đình áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt thì vườn tiêu vẫn rất xanh tốt, cho năng suất cao”.

Để minh chứng cho lời mình nói, anh Hòa dẫn chúng tôi vào nhà ông Nguyễn Đa (sinh năm 1953), ở thôn Nhất Hoà. Vườn tiêu nhà ông Đa rộng 1ha, những hàng tiêu được trồng đều tăm tắp, tán lá sum suê, phiến lá xanh thẫm và dày. Ông Đa áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt trên diện tích 0,7ha, số diện tích còn lại gần hồ nước nên ông tưới thủ công. “Trước đây, tôi tưới tiêu bằng thủ công, lấy nước từ lòng hồ Hà Thượng. Ngày nào cũng tưới, 1 ha chia ra tưới 3 lần, 1 lần tưới 4 giờ, vậy là ngót 12 giờ mới tưới xong vườn tiêu, vừa tốn điện, tốn nước vừa tốn công. Tưới nhỏ giọt thì tôi chỉ cần bật công tắc là nước tự động chảy đến từng gốc tiêu, chỉ 1 giờ là tưới xong gần 1 ha tiêu”, ông Đa chia sẻ.

Đánh giá về mô hình tưới nhỏ giọt cho cây tiêu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Nguyễn Văn Thức cho biết, toàn huyện hiện có 428 ha tiêu. Từ vài tháng nay, nhiều diện tích tiêu trên địa bàn huyện bị khô héo, chết cây vì thiếu nước tưới. Trong khi đó, mô hình tưới nhỏ giọt lại phát huy hết tác dụng và mang lại hiệu quả rất cao. Mô hình này được triển khai đầu tiên tại xã Trung Sơn vào năm 2018 với diện tích 1 ha. Đến tháng 4 năm nay, Phòng Nông nghiệp huyện tiếp tục hỗ trợ thêm 2 xã Linh Hải và Gio Hòa (mỗi xã 1 ha) thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ 30% kinh phí và người dân đóng góp 70% để xây dựng mô hình. Đây là mô hình thí điểm và đang rất hiệu quả. Sắp tới, Phòng Nông nghiệp sẽ tham mưu chính quyền, ban, ngành các cấp quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ để nhân rộng mô hình này nhằm giúp người dân thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cho cây hồ tiêu.

Trần Tuyền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang