• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cây môn Vĩnh Linh cho thu nhập bền vững

Nguồn tin: Báo Quảng Trị,13/07/2019
Ngày cập nhật: 14/7/2019

Những ngày này, người nông dân các xã vùng Đông huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đang hối hả thu hoạch môn lấy củ kịp thời cung cấp cho thị trường. Môn là một loại cây trồng ngắn ngày cho thu nhập cao, bền vững, giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định hơn kể từ khi mủ cao su trên vùng đất này xuống giá nhanh.

Vườn môn tây ở xã Vĩnh Hòa

Xã Vĩnh Kim là địa phương có diện tích trồng môn lớn nhất huyện Vĩnh Linh, vụ cao nhất người dân ở đây trồng gần một trăm hecta. Ông Nguyễn Đình Dũng ở thôn Bàu trồng 5 sào môn đang cho thu hoạch. Đầu vụ mỗi kg môn bán có giá 7 đến 8 nghìn đồng, đến nay giữa vụ giá môn lên 10 nghìn đồng. Ông Dũng cho biết trồng môn ít tốn công chăm sóc, nhưng giá trị mang lại cao hơn nhiều so với một số cây trồng ngắn ngày khác. Ông Nguyễn Đức Điền, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim cho biết phần lớn các gia đình ở xã đều trồng môn, bà con xem môn là cây trồng chính, ngắn ngày, cho thu nhập cao. Vụ này nông dân trong xã trồng hơn 70 ha môn với các loại môn tây (còn gọi môn lựu đạn), môn sáp và môn nịch. Trung bình mỗi ha môn cho năng suất 18 đến 20 tấn củ, nhân với giá bình quân 9 đến 10 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí công lao động và tiền mua phân hữu cơ, mua giống, phần còn lại bà con thu về cũng rất lớn. Nhờ trồng môn, nhiều gia đình nông dân xã Vĩnh Kim có thêm thu nhập, cộng với tiền thu về từ trồng hồ tiêu, cao su nên bà con có cuộc sống khá sung túc.

Một xã khác có diện tích trồng môn tương đối nhiều, là Vĩnh Thạch. Ông Hồ Xuân Dũng ở thôn Động Sỏi trồng một mẫu môn (10 sào), do nắng hạn quá lớn nên năng suất môn của ông Dũng chỉ đạt cho 8 tạ/sào. Những ngày này ông Dũng đang khẩn trương thu hoạch, bán môn tây với giá 8 nghìn đồng/kg, môn nịch 14 đến 15 nghìn đồng/kg cho tư thương. Ông Nguyễn Như Thanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch cho biết toàn xã năm nay trồng được 60 ha môn tây, môn nịch và môn sáp. Trung bình mỗi ha môn cho thu nhập từ 150 đến 170 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các cây trồng khác…

Bà Trần Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, trồng môn rất dễ, bên cạnh những diện tích đất lấy môn làm cây trồng chính, thì môn còn được trồng xen canh trong những lô cây cao su chưa khép tán hay trong quanh vườn nhà, các thửa đất nhỏ gần bờ ao, bờ ruộng. Môn không chỉ trồng ở đất đỏ mà còn trồng bên những thửa ruộng cát đang bỏ trống hay được trồng khoai lang rải rác. Cây môn được người dân Vĩnh Linh bắt đầu trồng vào thời điểm tháng 7, tháng 8 năm trước với những giống chủ yếu như môn sáp, môn nịch, môn tây và thu hoạch vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 âm lịch năm sau. Chi phí đầu tư trồng mỗi sào môn cần bón khoảng 1 tấn phân xanh, 20 kg lân, 20 kg đạm và kali, vốn mua 500 mặt môn giống/ sào có giá hơn 100 đồng/mặt. Trồng môn khâu đầu tư quan trọng nhất là giống môn, nhà nào giữ được giống môn là nhà đó thắng lợi trong sản xuất.

Theo bà Thu Hà, nông dân các xã vùng Đông huyện Vĩnh Linh vào mùa thu hoạch môn không cần mang đi bán xa, các tư thương từ nhiều nơi khác tìm về với người nông dân, mua sản phẩm tại ruộng rồi sau đó họ phân phối lại cho thị trường các tỉnh phía bắc. Môn trồng tại đất đỏ Vĩnh Linh ngon nổi tiếng, củ môn bở, ăn rất thơm ngon nên nhiều người yêu thích.

Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Linh nhận định, trồng môn đã trở thành mô hình cây trồng chính có giá trị kinh tế cao trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện. Môn vừa trồng thâm canh, xen canh, cho thu nhập từ 150 đến 170 triệu đồng/ ha. So với cây lúa, cây lạc, những cây ngắn ngày khác thì trồng môn có giá trị gấp nhiều lần. Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có hơn 500 ha môn, huyện xem môn là một thế mạnh trong những cây trồng ngắn ngày của địa phương. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho môn Vĩnh Linh. Đây là một lợi thế lớn cho môn Vĩnh Linh đi xa, xuất khẩu sang các nước khác, tăng giá trị trên cùng diện tích đất so với các cây trồng ngắn ngày khác.

Hiện cây môn được huyện Vĩnh Linh quy hoạch phát triển trên diện tích tại các xã vùng trung du và gò đồi, ven biển. Từ đó cây môn được trồng tập trung hơn và nhanh chóng trở thành cây trồng ngắn ngày, lợi thế nhất ở vùng này, đang được thị trường ưa chuộng vì giá trị cao.

Tuệ Linh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang