• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Mủ cao su tăng giá, người trồng vơi bớt nỗi lo

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 15/06/2019
Ngày cập nhật: 18/6/2019

So với năm ngoái, giá mủ cao su tăng gấp 1,5 lần khiến người trồng phấn khởi. Theo các cơ quan chức năng, trong tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt, nông dân cần chăm sóc cũng như có phương pháp khai thác mủ cao su hợp lý.

Người dân huyện Nam Đông chăm sóc, khai thác mủ cao su

Dấu hiệu khả quan

Thời điểm này, nhiều người dân tại các huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới và các địa phương vùng gò đồi huyện Phong Điền, TX. Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang thu hoạch mủ cao su để bán cho thương lái. Những năm qua, thị trường mủ cao su bấp bênh khiến người trồng lâm vào cảnh khó khăn.

Một thời, cây cao su mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân vùng núi và các địa phương vùng bán sơn địa. Giá mủ có thời điểm lên đến 45-50 nghìn đồng/kg khiến nhiều người đổ xô trồng cao su. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, giá mủ giảm sâu, năm 2016 chỉ còn khoảng 5-6 nghìn đồng/kg. Với mức giá này không đủ chi phí công cạo.

Mủ cao su rớt giá, nhiều người dân ở huyện Nam Đông đành chuyển đổi số diện tích già cỗi sang trồng cam, thậm chí có người dân chặt bỏ để trồng keo.

Sau một thời gian biến động về giá, năm 2018, giá mủ cao su nhích dần nhưng chỉ dừng ở 8-9 nghìn đồng/kg. Đến năm nay, thị trường mủ cao su mới có dấu hiệu khả quan. Và theo đánh giá của người trồng, mức giá vào thời điểm này cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

“Hiện nay, giá mủ vào khoảng 14-15 nghìn đồng/kg mủ đông. So với thời “hoàng kim”, mức giá này không cao. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, mủ cao su tầm giá này đã là cao. Người trồng cao su phấn khởi vì có thêm thu nhập. Hy vọng giá mủ tăng hoặc giữ ổn định để người trồng duy trì, khai thác số diện tích hiện có”, ông Hồ Văn Nam (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) chia sẻ.

Sau thời gian điêu đứng vì giá mủ cao su “chạm đáy”, bây giờ người trồng cao su đang vui mừng bởi mủ cao su tăng đúng thời điểm vào vụ khai thác.

Tại xã Hương Bình (TX. Hương Trà), người dân mỗi ngày khai thác khoảng 50 kg mủ đông. Ông Hồ Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết, địa phương này hiện có khoảng 650ha cao su. Đây là thời điểm chính vụ nên sản lượng mủ cao su khá cao. “Nhiều năm rồi giá mủ cao su mới lại cao như vậy. Tại địa phương, cứ hai ngày người dân lại khai thác mủ một lần”, ông Sanh nói.

Theo ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Nam Đông, giá mủ cao su đang có xu hướng tăng, so với các năm gần đây, giá tăng khá mạnh. Đây là dấu hiệu lạc quan cho người trồng cao su sau thời gian dài điêu đứng. Ngoài ra, sau khi mủ được thu hoạch thương lái đến tận nơi để thu mua.

Mủ cao su đang có giá từ 14 - 15 nghìn đồng/kg (đối với mủ đông)

Duy trì diện tích

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 8.955ha cao su. Trong đó, hơn 6.392ha đang trong giai đoạn cho khai thác mủ và 2.562,4ha kiến thiết cơ bản.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, những năm trở lại đây, diện tích cây cao su không quá đột biến và luôn giữ ổn định. Sau những đợt biến động của thị trường mủ cao su, có thời điểm loại cây từng được xem là “vàng trắng” bán rẻ như cho, một số hộ dân chặt bỏ để thay thế cây trồng khác. Chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động người hạn chế chặt bỏ, thay vào đó là tăng cường chăm sóc, ổn định vườn cây.

“Thị trường mủ cao su tăng giảm tùy theo nhu cầu từng thời điểm. Chúng tôi khuyến cáo người dân dùy trì số diện tích hiện có. Đối với những diện tích trong giai đoạn kiến thiết cơ bản thì cần tăng cường chăm sóc. Đến thời điểm này của năm 2019, giá mủ đang cao nên người trồng có thu nhập khá”, ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết.

Trong toàn tỉnh, huyện Nam Đông được xem như “thủ phủ” của cây cao su với với tổng diện tích khoảng 3.100 ha. So với trước đây, diện tích cao su ở Nam Đông đã giảm do qua nhiều đợt mưa bão khiến cây gãy đổ và một số diện tích già cỗi được người dân thay thế bằng cây trồng khác. Hàng năm, sản lượng khai thác mủ cao su rơi vào khoảng 11.000 tấn mủ nước, tao ra thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ dân.

“Huyện Nam Đông nói riêng và toàn tỉnh nói chung chưa có cơ sở để chế biến mủ cao su. Mủ được người dân khai thác bán cho thương lái hoặc đại lý lớn tại huyện. Theo chủ trương chung, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân ổn định vườn cây. Hiện nay, dù giá cao nhưng người trồng cao su cũng cần có những phương pháp khai thác hợp lý để có chất lượng mủ tốt”, ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Nam Đông thông tin.

Hàng năm, từ tháng 5-11 là giai đoạn người trồng cao su khai thác mủ, và năm nay, thời điểm khai thác trúng vào lúc giá mủ tăng cao.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện A Lưới cho rằng: “Với mức giá như hiện nay, người trồng cao su đang có thu nhập cao. Tại địa phương có hơn 1.200 ha cao su. Trong đó có khoảng 520 ha đang đưa vào khai thác. Toàn huyện, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 18 tạ mủ đông/ha. Người trồng cao su bây giờ ngoài khai thác hợp lý cũng cần có những biện pháp chăm sóc diện tích cây cao su trong giai đoạn sinh trưởng”.

Bài, ảnh: L.Thọ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang