• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Đồng bào miền núi cần nước cho sản xuất

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 28/05/2019
Ngày cập nhật: 29/5/2019

Cán bộ nông nghiệp huyện Đồng Xuân hướng dẫn nông dân chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước sang trồng đậu phộng - Ảnh: MINH DUYÊN

Thiếu nước mía khô lá, sắn chậm phát triển, keo không đạt kích thước gỗ… Hiện trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn phụ thuộc vào nước trời, nên khi nắng nóng kéo dài, sản xuất của bà con gặp khó. Các địa phương đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế khó khăn trước mắt.

Trông trời mưa xuống

Mang Y ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) chỉvào hai đám keo, nói: Đám trên cao không có nước, đọt lá bắt đầu vàng đi. So với đám gần suối (tuy suối đã cạn nhưng vẫn còn độ ẩm) lá cây còn xanh. Người trồng rừng như tôi chỉ cần nhìn vào màu lá là biết cây thiếu nước hay không. Năm nay nắng gay gắt quá, nếu trời không mưa thì đám keo thiếu nước chắc chắn sẽ bị còi, phải trồng 6-7 năm mới khai thác được, chứ không phải 5 năm như keo có điều kiện nước tưới thuận lợi.

Còn theo Ksor Y Múp ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), sắn năm nay mất mùa, thiếu nước, trồng 2-3 tháng rồi nhưng cây chỉcao khoảng 20-30cm. “Mọi năm, khoảng thời gian này là giai đoạn sinh trưởng tốt nhất của cây sắn, thân vươn cao, lá xanh, bộ rễ phát triển chuẩn bị tạo củ. Tôi vừa nhổ thử một gốc sắn chỉ có 2 rễ, mọi năm tầm này phải ra cả chùm rễ rồi. Tôi lo lắm, cứ tình trạng thiếu nước thì không thu hoạch được bao nhiêu”, Ksor Y Múp nói.

Ông Nguyễn Văn Huyên ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: Mía vừa chặt, tôi cũng vừa đốt rẫy để gốc có kali từ tro mà nảy mầm, nhưng năm nay mía nảy mầm chậm, nguyên nhân chính là thiếu nước. Mọi năm cũng nắng hạn, nhưng thường thì ngày nắng chiều mát và thỉnh thoảng có mưa, đủ ướt đất để cây có điều kiện phát triển. Năm nay nắng oi, nhiều ngày liền không có lấy một cơn mưa nào. Tôi cũng đã mua phân về chuẩn bị bón cho mía, nhưng thời tiết thế này phân không tan được vào đất, cây cũng chẳng nhận được gì…

Giải quyết khó khăn trước mắt

Tại huyện Sông Hinh, ngoài hệ thống sông suối, hồ chứa nước, hiện có hơn 20 công trình thủy lợi được xây dựng với khoảng 125km kênh mương, đảm bảo nước tưới cho hàng ngàn hécta đất sản xuất nông nghiệp. Song bà con phải có đủ phương tiện như máy bơm, đường ống để kéo nước về ruộng rẫy của mình. Theo ông Ksor Y Phao, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, đồng bào sống ở vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế hạn chế nên không có nhiều điều kiện đầu tư cho sản xuất. Rẫy của đồng bào chủ yếu ở núi cao với địa hình phức tạp nên ngoài nước trời và nước từ các khe suối, bà con khó lấy nước từ nguồn nào khác vì không đủ kinh phí đưa nước lên. Để hạn chế trước mắt tình trạng này, đơn vị đã hướng dẫn bà con tạo ra các bể chứa nước linh hoạt đặt tại rẫy để giải quyết một phần khó khăn về nước tưới khi gặp thời tiết cực đoan. Đơn vị cũng phối hợp với Phòng NN-PTNT hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng trên diện tích thiếu nước không đạt hiệu quả kinh tế.

Tại các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân thì khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật vào sản xuất để giảm nhu cầu về nước tưới. Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Đơn vị hướng dẫn đồng bào chuyển diện tích trồng lúa thiếu nước sang trồng đậu phộng, bắp. Với diện tích trồng rừng sản xuất trên các đồi, núi cao thì khuyến khích bà con áp dụng kỹ thuật trồng cây gỗ lớn từ 8-10 năm tuổi. Vì cây gỗ lớn bám sâu vào đất tự tìm nguồn nước nên khả năng sinh tồn cao hơn trong thời tiết nắng nóng khô hạn. Đồng thời giá trị kinh tế của cây gỗ lớn cao hơn gấp nhiều lần so với gỗ 5 năm. Đối với hộ đồng bào có diện tích sản xuất lớn, đơn vị khuyến khích bà con phát triển mô hình trang trại, kết hợp trồng trọt với đào ao thả cá, chăn nuôi heo bò, để vừa có nước tưới, phân bón cho cây trồng vừa tăng nguồn thu nhập.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, do địa hình và điều kiện về kinh tế nên việc xây dựng các công trình cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Hàng năm, nguồn kinh phí từ các chương trình, chính sách hỗ trợ hạ tầng cơ sở cho đồng bào thiểu số chỉ mới chủ yếu tập trung cho xây dựng đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học và các công trình cấp nước sinh hoạt. Sản xuất của bà con ở đây phụ thuộc chủ yếu vào nước trời nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Các giải pháp tình thế trước mắt cũng chỉ góp phần hạn chế phần nào tình trạng thiếu nước, song về lâu dài thì chỉcó đầu tư hạ tầng cho thủy lợi mới giúp bà con sản xuất ổn định, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

MINH DUYÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang