• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Cần thời gian để cây thảo quả phục hồi

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 11/01/2019
Ngày cập nhật: 13/1/2019

Thảo quả từng một thời là cây xóa đói, giảm nghèo, thậm chí là làm giàu của nhiều hộ ở các xã vùng cao trong tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan nên nhiều diện tích thảo quả bị giảm năng suất, chất lượng.

Một thời hoàng kim

5 năm về trước được cho là thời kỳ hoàng kim của cây thảo quả, nhiều người gọi thảo quả với cái tên “cây làm giàu” của người vùng cao. Khi đó, có những năm cây thảo quả vừa được mùa, vừa được giá đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thậm chí làm giàu chỉ trong vài tháng. Ông Sùng A Cở, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lèng Hồ (Bát Xát) cho biết: “Trung Lèng Hồ là một trong những xã có diện tích thảo quả lớn của huyện Bát Xát. Trước đây, những năm được mùa, được giá, hộ trồng nhiều có thu nhập hàng tỷ đồng, hộ ít cũng vài chục triệu từ bán quả thảo quả. Có tiền, người dân xây nhà, mua sắm đồ dùng có giá trị, thậm chí cả ô tô”.

Cần thời gian để cây thảo quả phục hồi và cho năng suất, chất lượng cao nhất.

Huyện Sa Pa cách đây vài năm được mệnh danh là “thủ phủ” của thảo quả. Cây thảo quả được trồng nhiều ở các xã: Nậm Cang, Thanh Kim, Thanh Phú, Bản Khoang, Tả Van. Có thời điểm, ở xã Nậm Cang, người dân hay vui đùa “ra ngõ là gặp triệu phú” và đa phần triệu phú xuất hiện là nhờ cây thảo quả. Ông Tẩn Sành Quẩy, ở thôn Nậm Cang 1 - một trong những người trồng thảo quả nhiều nhất xã Nậm Cang - nhớ lại: Cây thảo quả dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, lại có giá trị kinh tế cao nên tôi trồng hàng chục ha. Năm 2010, cây thảo quả được mùa, gia đình tôi thu hoạch được gần 7 tấn quả khô, bán được gần 600 triệu đồng.

Giai đoạn 2009 - 2014, cây thảo quả phát triển mạnh ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, có những thời điểm tổng diện tích lên đến 12.000 ha, sản lượng quả thảo quả sấy khô lên tới hàng nghìn tấn, giá bán dao động khoảng 100.000 - 250.000 đồng/kg, giá trị thu nhập hàng trăm tỷ đồng/năm. Cũng từ đây, nhiều tỷ phú đã xuất hiện ở khắp các thôn, bản vùng cao Lào Cai nhờ cây thảo quả.

Bao giờ cho đến… ngày xưa

Sau 2 năm liên tiếp (2015 và 2016) bị những trận rét đậm, rét hại, mưa tuyết tàn phá, một diện tích lớn thảo quả trong tỉnh bị chết, đổ, gãy, khiến năng suất cũng như chất lượng giảm. Không khỏi xót xa khi tận mắt chứng kiến cảnh người dân ở các xã vùng cao của huyện Bát Xát, huyện Sa Pa khóc ngất bên những nương thảo quả gãy rạp, thối úa sau những ngày tuyết rơi…

3 năm sau, nhờ bàn tay cần cù, chịu khó của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Xa Phó… những nương thảo quả ở các xã vùng cao cơ bản đã hồi phục, sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên năng suất, chất lượng vẫn chưa thể đạt được như trước đó. Ông Lý Páo Di, thôn Trung Hồ, xã Trung Lèng Hồ (Bát Xát) cho biết: Diện tích thảo quả của gia đình tôi cơ bản đã hồi phục nhưng chủ yếu là cây non nên năng suất cũng như chất lượng quả còn rất thấp. Có những diện tích gia đình tôi chỉ thu được vài kg quả thảo quả khô/ha. Ngoài ra, giá bán thảo quả khô cũng xuống mức thấp, thương lái thu mua khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg tùy chất lượng, mẫu mã quả. Năm nay, hơn chục ha thảo quả của gia đình tôi thu chưa nổi một trăm triệu đồng.

Không khuyến khích người dân mở rộng diện tích thảo quả trong rừng già, rừng tự nhiên.

Ông Di là một trong những hộ may mắn bởi hiện vẫn còn nhiều hộ chỉ thu được vài triệu đồng, thậm chí trắng tay trong mùa thảo quả. Con đường mòn dẫn vào khu vực trồng cây thảo quả ở thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van (Sa Pa) vốn đã khó khăn, nay trở nên xa hơn với anh Tẩn Láo Sử. Vất vả từ sáng đến tối, anh Sử đi khắp nương thảo quả của gia đình mà chỉ thu được mấy bao quả tươi. Sau khi sấy khô ngay tại lán trong rừng, lượng thảo quả khô anh thu được chỉ hơn 20 kg. Với giá bán như hiện nay, cả nương thảo quả hơn 1 ha, anh Sử thu về được khoảng 10 triệu đồng.

Được biết, các huyện, thành phố trong tỉnh đều trồng cây thảo quả, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Sa Pa và huyện Bát Xát. Hiện có gần 17 nghìn hộ trồng với tổng diện tích hơn 17 nghìn ha, tổng thu nhập từ cây thảo quả trong năm 2018 ước đạt 145 tỷ đồng.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cây thảo quả hiện vẫn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng. Tuy nhiên để có đầu ra ổn định cho quả thảo quả thì các cấp, các ngành cần tập trung đầu tư công nghệ, chế biến để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, cần tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích thảo quả, vì có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tự nhiên. Theo tính toán, để sấy được 1 kg thảo quả khô cần 50 đến 70 kg củi, việc này khiến một lượng lớn cây gỗ trong rừng bị chặt, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện tích rừng già, rừng tự nhiên.

Thảo quả hiện vẫn là cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo của đồng bào vùng cao Lào Cai, tuy nhiên để cây thảo quả trở lại thời kỳ hoàng kim về năng suất và giá phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc, tìm giải pháp để phát triển bền vững cây thảo quả, đồng thời bảo vệ diện tích rừng già, rừng tự nhiên, góp phần thay đổi diện mạo vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai.

TẤT ĐẠT

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang