• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Tăng cường các biện pháp phòng, trừ sâu keo hại ngô

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 11/05/2019
Ngày cập nhật: 14/5/2019

Những ngày qua, nhiệt độ có chiều hướng giảm thì tình hình sâu keo sinh nở và phá hoại ngô lại lan rộng trên địa bàn tỉnh. Đây là loại sâu mới xuất hiện nên người dân chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật phòng, trừ.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát kiểm tra ruộng ngô bị nhiễm sâu keo.

Trước tình trạng sâu keo hại ngô có chiều hướng lan rộng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những giải pháp ban đầu hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng, trừ.

Theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn tỉnh Lào Cai đã có hơn 800 ha ngô trong tổng số 21.000 ha ngô xuân - hè bị sâu keo gây hại. Qua kiểm tra cho thấy, mật độ sâu phổ biến khoảng 1 - 2 con/cây, có những cây xuất hiện 5 - 7 con, một số diện tích ngô bị sâu keo ăn trụi lá. Các địa phương có diện tích lớn bị sâu keo gây hại là huyện Bát Xát (hơn 500 ha), huyện Văn Bàn (96 ha), huyện Bảo Thắng (23 ha) và huyện Bảo Yên (10 ha).

Bát Xát là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, sâu keo đã lan rộng hơn 500 ha ngô ở các xã: Dền Thàng, Bản Qua, Phìn Ngan, Pa Cheo... Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, từ giữa tháng 4, sâu keo đã lây lan, phá hoại cây ngô rất nhanh. Tuy nhiên, đây là loại sâu mới nên người dân chưa có kinh nghiệm cũng như thuốc đặc hiệu để phòng, trừ, việc khống chế triệt để gặp nhiều khó khăn. Với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, huyện Bát Xát đang hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiêu diệt tận gốc loại sâu này, không để lan rộng và ảnh hưởng đến năng suất cây ngô.

Là địa phương trồng ngô trọng điểm của huyện Văn Bàn, xã Hòa Mạc có 210 ha ngô xuân - hè và diện tích bị nhiễm sâu lên đến 70%, nằm rải rác ở các thôn Nà Lộc, Nà Khoen, Thái Hòa, Trung Đoàn. “Trước tình trạng sâu keo phát triển rất nhanh và lan rộng, UBND xã đã cử cán bộ xuống từng thôn, bản hướng dẫn người dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách, hiệu quả nên hầu hết diện tích đã được bảo vệ” - ông Ngô Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mạc cho biết.

Huyện Văn Bàn là địa phương có diện tích ngô bị sâu keo gây hại lớn thứ 2 (sau Bát Xát). Huyện có gần 96 ha ngô ở các xã Thẩm Dương, Sơn Thủy, Nậm Dạng, Hòa Mạc... bị nhiễm sâu keo. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện bày tỏ lo lắng bởi đây là loài sâu hại mới, có khả năng phát tán nhanh và gây hại nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống kịp thời. Từ kinh nghiệm của xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn đã phổ biến thông tin về loài sâu keo hại ngô đến cán bộ kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, cán bộ khuyến nông và nông dân các xã để phối hợp phòng, trừ.

Một ruộng ngô tại xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn bị sâu keo phá hoại.

Ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, sâu keo hại ngô được phát hiện đầu tiên tại một số địa phương của huyện Bảo Thắng với diện tích thiệt hại là hơn 50 ha. Loài sâu keo thích ăn lá, nõn ngô non, chúng tàn phá rất nhanh. Thời điểm gây hại khi cây ngô đạt 3 - 9 lá, thậm chí đã xoáy nõn chuẩn bị phun cờ nên sẽ ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và nếu không được phòng, trừ sẽ có thể mất mùa toàn diện. Ngay sau khi phát hiện, ngành nông nghiệp tỉnh đã gửi mẫu về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định đúng loài gây bệnh nhằm tìm biện pháp phòng, trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên, đây là loài sâu kháng thuốc bảo vệ thực vật rất tốt nên việc phòng, trừ gặp khó khăn, cần biện pháp tổng hợp để trừ sâu.

“Chúng tôi đã hướng dẫn người dân sử dụng một số loại thuốc có chứa các hoạt chất như Indoxacarb, Chlorantraniliprole, Flubendiamide. Cụ thể là thuốc Captain 350SC, Opulent 150SC, Virtako 40WG, Takumi 20WG, Dupont Prevathon 5SC… Về phương pháp, người dân có thể dùng các loại thuốc bột rắc thẳng vào nõn ngô. Đối với thuốc là dung dịch, khi phun phải hướng đầu vòi chĩa thẳng vào nõn của cây ngô, tránh thuốc trôi theo lá xuống đất. Bên cạnh đó, người dân có thể dùng tay vạch nõn ngô để bắt sâu. Nếu người dân áp dụng đúng quy trình phòng, trừ sâu như trên thì có thể khống chế sâu phát triển” - ông Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, sâu keo hại ngô là loài có khả năng di trú xa và kháng thuốc, gây hại nặng cho cây ngô xuân. Hiện nay, sâu keo đã xuất hiện và gây hại tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Ngay từ cuối tháng 4, ngành nông nghiệp đã tập huấn cho cán bộ chuyên môn các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố và biên soạn tài liệu hướng dẫn cách nhận biết, các biện pháp phòng trừ; tăng cường cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, theo dõi sát tình hình để tham mưu biện pháp phòng, trừ kịp thời...

TÙNG LÂM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang