• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngành mía đường loay hoay tìm giải pháp

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 07/05/2019
Ngày cập nhật: 8/5/2019

Nông dân trồng mía ở ĐBSCL đang thu hoạch cuối vụ 2019, tuy nhiên giá mía xuống thấp nhất trong nhiều năm qua (chỉ có 400-500 đồng/kg) nên hầu hết nông dân thua lỗ hơn 20 triệu đồng/ha.

Càng về cuối vụ, nông dân bán mía càng bị lỗ.

Lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ 2018-2019, sản lượng mía của cả nước ước đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước, nhưng tương đương với niên vụ 2015-2016. Tính đến nay, có 36/36 nhà máy đường trong cả nước vào vụ sản xuất, thế nhưng tình hình tiêu thụ đường rất chậm khiến việc tồn kho ngày càng tăng cao. Hiện giá đường xuống rất thấp chỉ khoảng 10.500 đồng/kg, vẫn khó bán. Các nhà máy lý giải, giá đường thấp do ảnh hưởng của việc tồn kho lớn từ vụ trước, cộng với tình trạng buôn lậu đường phức tạp khiến đường nội địa không thể cạnh tranh.

Lãnh đạo VSSA phải thốt lên rằng, toàn ngành mía đường đang gặp muôn vàn khó khăn bởi giá đường thấp nhất trong vòng 20 năm qua, khiến cả nông dân và nhà máy hoạt động không hiệu quả. VSSA kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng những giải pháp cấp bách “cứu” ngành mía đường trong giai đoạn khốn đốn hiện nay. Theo đó, tái cơ cấu lại ngành mía đường theo hướng giảm mạnh chi phí sản xuất, giảm giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lãi; nỗ lực hạ giá thành sản xuất đường ở mức 10.000 đồng/kg trở xuống, nhằm tăng tính cạnh tranh. Ngành chức năng cần có biện pháp hiệu quả về chống buôn lậu đường, từ đó tiến tới bình ổn thị trường đường trong nước. VSSA cũng kiến nghị Chính phủ chỉ cho phép nhập khẩu đường thô để tinh luyện và áp dụng việc cấp phép nhập khẩu để theo dõi số lượng nhập khẩu, nhằm bảo đảm điều tiết cung cầu tại từng thời điểm nhất định…

Các nhà chuyên môn cho rằng, hạn chế của ngành mía đường là chậm đổi mới, chậm thích ứng với tình huống, việc sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ nên khó áp dụng cơ giới hóa. Chính vì vậy, ngành mía đường cần mạnh dạn “thay máu”, phải ứng dụng công nghệ mới để giảm giá thành ở nhiều khâu khác nhau; đồng thời nâng giá trị trên các nhóm sản phẩm làm ra từ cây mía. Mạnh mẽ thay đổi cơ cấu giống phù hợp với điều kiện từng vùng, xây dựng hệ thống canh tác hiệu quả, tăng năng suất, tăng chất lượng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị ngành mía đường phải nhìn rộng hơn, không chỉ đơn giản là sản xuất hạt đường mà cần khai thác nhiều tiềm năng, lợi thế khác như việc sử dụng bã mía có thể làm nguyên liệu phát điện và cũng có thể làm giá thể trồng nấm, làm phân bón hữu cơ… từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo đề án phát triển ngành mía đường đến năm 2020 và định hướng năm 2030 được Bộ NN&PTNT phê duyệt vào tháng 4-2018, phấn đấu đến năm 2020 diện tích sản xuất mía ổn định 300.000ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn, sản lượng đường đạt 2 triệu tấn. Đến năm 2030, giữ ổn định diện tích mía, nhưng tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường đạt 2,5 triệu tấn. Song song đó, nâng tỷ lệ đường tinh luyện; tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất mía đường để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh và các sản phẩm phụ khác nhằm tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương xây dựng những vùng mía nguyên liệu tập trung, phù hợp với công suất chế biến của các nhà máy đường; thực hiện cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng mía với doanh nghiệp sản xuất đường.

Mục tiêu là vậy, tuy nhiên gần đây ngành mía đường lâm vào khủng hoảng khiến hàng loạt nông dân ở ĐBSCL và các nơi khác phá bỏ ruộng mía do giá quá thấp; trong khi nhiều nhà máy đường cũng điêu đứng vì hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Tại ĐBSCL, không ít lãnh đạo các nhà máy đường từng hàng chục năm gắn bó trong ngành thì nay cũng rời bỏ mía đường để chuyển sang lĩnh vực khác.

Ngành mía đường cần giải pháp đồng bộ và sự năng động của doanh nghiệp để vực dậy. Ngược lại, nếu cứ loay hoay, chậm đổi mới, trông chờ… thì rất khó hội nhập với khu vực và thế giới; thậm chí sẽ còn khốn đốn hơn.

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang