• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Loay hoay tìm đầu ra cho nấm linh chi

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 22/04/2019
Ngày cập nhật: 24/4/2019

Mô hình trồng nấm linh chi thuộc “Dự án hỗ trợ giảm nghèo” do Phòng Dân tộc huyện Lâm Hà triển (tỉnh Lâm Đồng) khai trong năm 2018 cho các nhóm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện. Thế nhưng, hiện nay, người dân không còn mặn mà, còn nhà trồng nấm thì bỏ hoang bởi sản phẩm làm ra không tìm được đầu mối tiêu thụ.

Nấm làm ra không bán được, các nhóm hộ không còn mặn mà chăm sóc, nhà nấm dần bỏ hoang. Ảnh: H.Thắm

Mục tiêu ban đầu của dự án là hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân; hỗ trợ đa dạng hóa các hình thức cải thiện sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường. Theo đó, hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm hộ về vật tư, trang thiết bị để xây dựng mô hình với tổng nguồn vốn 332 triệu đồng, còn người dân đối ứng 30% kinh phí, gồm công lao động, diện tích đất dựng nhà nấm cùng các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc chăm sóc nấm. Dự án được triển khai chính thức từ tháng 10/2018 bằng việc xây dựng nhà nuôi nấm cho 5 nhóm hộ thuộc thị trấn Đinh Văn (2 nhóm), xã Mê Linh (2 nhóm) và xã Đạ Đờn (1 nhóm). Ông Tô Vũ Ất, Trưởng Phòng Dân tộc cho biết, trước khi dự án đi vào thực hiện, việc người dân tộc thiểu số không có kinh nghiệm sản xuất là lo ngại lớn, đặc biệt là loại nấm khó trồng như nấm linh chi. Tuy nhiên, sau 4 tháng, mỗi nhà nấm có diện tích 60 m2 bình quân cho thu hoạch khoảng 30 kg nấm khô. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu sau khi thu hoạch, phơi khô, nấm vẫn nằm gọn ở góc nhà người trồng nấm. Anh K’Kai, Tổ trưởng Tổ trồng nấm với 3 thành viên nói trong sự thất vọng: Nhận thấy đây là mô hình mới nên dù chưa có kinh nghiệm anh vẫn mạnh dạn đăng ký tham gia. Hằng ngày bỏ công chăm sóc, chứng kiến từng phôi nấm phát triển, anh không khỏi vui mừng bởi nấm linh chi thuộc loại nông sản có giá trị cao. Nhưng thực tế lại không có đơn vị đứng ra thu mua nên chẳng còn mặn mà chăm sóc nấm và nhà nấm cứ thế bỏ hoang đã gần 2 tháng nay.

Anh K’Kai chia sẻ: “Kỹ thuật thì khó mà không bán được nên cả 3 hộ chẳng còn thiết tha gì. Do mới làm, kinh nghiệm còn chưa có nên không biết đường tìm đầu mối tiêu thụ. Cũng lên Đà Lạt để liên hệ một số đơn vị nhưng cũng không thấy hồi âm”.

Cùng chung nỗi niềm, gia đình ông Ha Ba (thôn Cổng Trời, xã Mê Linh) cũng lắc đầu và thở dài khi nghe hỏi thăm đến việc trồng nấm.

So với các nhóm hộ khác, nhà nấm của ông cho thu hoạch thấp hơn, khoảng 15 kg và thu từ cuối tháng 1/2018 đến nay, song ông vẫn chưa bán được kg nào.

Nhờ người liên hệ bán giúp thì được trả giá với mức chỉ 200.000đ/kg, trong khi giá trị của nấm linh chi trên thị trường dao động vào khoảng 700.000 đồng/kg. “Giá đó chắc có lẽ không đủ tiền công mình bỏ ra chăm sóc, phải chuyển sang trồng dâu nuôi tằm như bà con trong thôn”, ông Ha Ba nói.

Ông MBon Ha K’Lê - Bí thư chi bộ thôn Cổng Trời chia sẻ rằng, khi có chủ trương hỗ trợ bà con thoát nghèo, ai cũng vui mừng. Còn giờ đây là nỗi buồn và thất vọng. Chủ trương đã có, nhưng đường lối vẫn chưa tìm ra khi không thể hỗ trợ đầu ra cho bà con. Tiền Nhà nước hỗ trợ cũng mất, người dân bỏ công ra chăm sóc cũng mất. Giờ phải tự tìm cách tiêu thụ thì bản thân các hộ cũng không biết tìm ở đâu.

Theo ông Tô Vũ Ất, đây là mô hình thử nghiệm trong “Dự án hỗ trợ giảm nghèo” cho bà con. Nếu có hiệu quả thì sẽ được nhân rộng, tạo thành một chuỗi sản xuất cung cấp sản phẩm ra thị trường, giúp bà con tiến đến thoát nghèo. Huyện cũng đã hỗ trợ bằng cách liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị dược liệu nhưng cũng không tìm được hướng giải quyết. Đối với sản phẩm nấm đã thu hoạch của bà con, hiện giờ chỉ có thể tự bảo quản và chủ động tìm nguồn tiêu thụ.

HỒNG THẮM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang