• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả dự án VnSAT

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 18/04/2019
Ngày cập nhật: 20/4/2019

Giá thành sản xuất lúa thấp do tiết giảm được nhiều khâu trong canh tác nên kéo theo lợi nhuận tăng là kết quả đánh giá của ngành chức năng các địa phương trong tỉnh sau 3 năm thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT).

Nhờ áp dụng tốt chương trình tập huấn nên nông dân trồng lúa trong vùng dự án VnSAT tỉnh đã tăng mức lợi nhuận từ 1-5 triệu đồng/ha.

Những kết quả ấn tượng

Hậu Giang là một trong 8 tỉnh, thành phố của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Trung ương chọn thực hiện thí điểm dự án VnSAT giai đoạn 2015-2020. Ngay sau khi có quyết định của Trung ương, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong 3 năm qua. Nổi bật là tỉnh đã thành lập và hàng năm tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh, đồng thời xác định những vùng sản xuất lúa để thực hiện dự án. Cụ thể, tỉnh đã chọn 32 xã thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với tổng diện tích lúa khoảng 40.000ha/36.600 hộ nông dân tham gia. Đặc biệt, Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, trong đó nòng cốt là cán bộ của ngành bảo vệ thực vật và khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân trong vùng dự án về mô hình sản xuất lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Thông qua các lớp đào tạo kỹ thuật kết hợp với hội thảo đầu bờ đã từng bước thay đổi hành vi và thói quen sản xuất lệ thuộc vào hóa chất, thay vào đó là hướng nông dân canh tác lúa an toàn vệ sinh thực phẩm bằng việc giảm lượng lúa giống trong gieo sạ để giảm phân bón, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất vẫn đảm bảo, từ đó đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Hiện toàn tỉnh có hơn 16.700ha lúa trong vùng dự án VnSAT được nông dân áp dụng tốt mô hình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”.

Ông Trần Hoàng Nho, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Danh Tiến, ở ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, thông tin: “Trong 3 năm qua, HTX được Ban Quản lý VnSAT tỉnh mở 10 lớp tập huấn về canh tác lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và sản xuất lúa giống. Sau khi được tập huấn, hiện có 608ha lúa của 500 hộ nông dân trong HTX vận dụng khá tốt các kiến thức được truyền đạt vào thực tế đồng ruộng của mình. Nổi bật là bà con giảm lượng lúa giống trong gieo sạ từ 20 kg/công xuống còn 10 kg/công, đồng thời giảm lượng phân đạm và số lần phun thuốc, nhưng năng suất lúa vẫn ổn định ở mức cao (vụ Đông xuân hơn 1 tấn/công, 2 vụ còn lại khoảng 800-900 kg/công). Nhờ áp dụng mô hình trên mà bà con tăng thêm lợi nhuận từ 1-5 triệu đồng/ha (tùy vụ) so với cách làm truyền thống, qua đây góp phần nâng cao đời sống cho nông dân”.

Cùng niềm phấn khởi, ông Lê Hữu Tín, Giám đốc HTX nông nghiệp Vị Thắng, ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, khoe: “Sau khi được thay đổi nhận thức thông qua các lớp tập huấn VnSAT nên giờ đây 66 thành viên của HTX không ai gieo sạ hơn 10kg lúa giống/công. Riêng trong vụ lúa Hè thu này, có 12ha lúa của thành viên HTX thực hiện thí điểm mô hình “Sản xuất lúa thông minh ứng dụng công nghệ cao”. Khi áp dụng mô hình, bà con sử dụng máy cấy “3 trong 1”, gồm: cấy lúa (còn 60kg lúa giống/ha), bón phân một lần cho cả vụ và phun thuốc vi sinh. Việc sản xuất lúa thông minh đã giúp nông dân tiết kiệm được nhiều khâu trong sản xuất nên giảm chi phí và bảo vệ sức khỏe cho bà con”.

Theo thống kê của Ban Quản lý VnSAT tỉnh, 3 năm qua, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật đã mở 450 lớp đào tạo, tập huấn mô hình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” cho 18.497ha/18.150 hộ dân, đồng thời mở 211 lớp “1 phải, 5 giảm” cho 8.889ha/8.076 hộ dân. Diện tích lúa nông dân áp dụng tốt chương trình “3 giảm, 3 tăng” sau đào tạo là 11.294ha, đạt 53,48% mục tiêu dự án đề ra và diện tích áp dụng tốt chương trình “1 phải, 5 giảm” là 5.505ha, đạt 51% mục tiêu. Điều phấn khởi là qua các lớp tập huấn đã giúp nông dân giảm giá thành sản xuất từ 4.172 đồng/kg (vụ Đông xuân 2011-2012) xuống còn 2.900 đồng/kg (vụ Đông xuân 2018-2019), từ đó đã góp phần nâng cao nguồn lợi nhuận cho nông dân.

Ngoài tập trung hỗ trợ kỹ thuật, trong 3 năm qua, Ban Quản lý VnSAT tỉnh còn tổ chức xét, chọn và tiến hành đầu tư cho 4 HTX về cơ sở hạ tầng như: lò sấy lúa, kho chứa, trạm bơm điện, cống… Qua đây, tạo điều kiện cho nông dân trong vùng dự án được thuận lợi trong sản xuất lúa, cũng như có kho dự trữ lúa khi gặp lúc giá lúa thấp nên không bị thương lái ép giá. Ngoài 4 HTX đang được đầu tư cơ cở hạ tầng trong giai đoạn 1 thì Ban Quản lý VnSAT tỉnh còn lựa chọn được thêm 7 HTX chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 trong năm 2019 này. Bên cạnh công việc trên, Ban Quản lý VnSAT tỉnh còn kết nối với doanh nghiệp tham gia cùng nông dân từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm nên tạo tâm lý an tâm canh tác lúa cho bà con. Hiện diện tích lúa của nông dân trong vùng dự án VnSAT được doanh nghiệp liên kết bao tiêu là 6.130ha, đạt 85,4% mục tiêu của dự án đề ra. Cùng với đó, một số gói thầu liên quan đến dự án như: tư vấn, mua sắm hàng hóa thiết bị, xây lắp… cũng được Ban Quản lý VnSAT tỉnh triển khai đúng kế hoạch.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh, cho biết: Qua 3 năm thực hiện dự án VnSAT, Hậu Giang luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Trung ương, đồng thời có sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp và sự tham gia tích cực của nông dân, doanh nghiệp nên dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, việc ứng dụng mô hình tiết giảm chi phí sản xuất lúa được bà con tích cực thực hiện, đồng thời việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được doanh nghiệp tham gia ngày một tăng và hiệu quả, từ đó tạo được lòng tin trong Nhân dân nên bà con tích cực tham gia để nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Điều đáng phấn khởi là Hậu Giang được Ban Quản lý VnSAT Trung ương đánh giá là một trong hai tỉnh, thành phố của vùng ĐBSCL thực hiện có hiệu quả nhất các nội dung và mục tiêu mà dự án muốn hướng đến sau 3 năm triển khai vào thực tế sản xuất của bà con.

Nhiều mục tiêu lớn đặt ra

Từ nền tảng của những kết quả đạt được, tới đây Ban Quản lý VnSAT tỉnh và chính quyền địa phương trong vùng dự án tiếp tục đề ra nhiều mục tiêu lớn nhằm đạt các hợp phần mà dự án muốn hướng đến. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh có hơn 26.000 hộ nông dân và có tối thiểu 16 tổ chức nông dân, HTX được hỗ trợ về hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đi theo hướng tận dụng sản phẩm phụ rơm rạ, luân canh cây trồng, sản xuất giống xác nhận, sản xuất tiêu chuẩn VietGAP… để đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng với nhiệm vụ trên, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông và tạo gắn kết tốt mối liên kết “4 nhà”. Đồng thời, chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ghi chép sổ tay sản xuất lúa, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và thúc đẩy nhanh việc áp dụng cơ giới hóa trong các khâu canh tác lúa để 100% diện tích đất thực hiện dự án VnSAT của tỉnh sẽ cơ giới hóa các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch và sấy.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo VnSAT tỉnh yêu cầu trong thời gian tới các đơn vị liên quan của VnSAT cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn nông dân để bà con ứng dụng được những nội dung của dự án trên cánh đồng của mình. Song song đó là tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, hỗ trợ phát triển các tổ chức nông dân, hợp tác xã đạt tiêu chí dự án để phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể. Trong đó, ưu tiên thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với vùng chuyên canh, phát triển cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện phối hợp tốt giữa doanh nghiệp với người nông dân. Đồng thời, vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả để nhân rộng…

Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2015-2020) hơn 300 tỉ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới gần 190 tỉ đồng, vốn đối ứng hơn 51 tỉ đồng và vốn tư nhân hơn 62 tỉ đồng. Qua 3 năm thực hiện dự án, Hậu Giang đã giải ngân và sử dụng nguồn vốn cho các công việc liên quan được hơn 60 tỉ đồng.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang