• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khấm khá nhờ liên kết trồng atisô

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 15/04/2019
Ngày cập nhật: 16/4/2019

Không khó để gặp những vườn atisô tươi tốt trải dài trên triền dốc của bà con dân tộc thiểu số ở xã Đạ Sar, Đa Nhim (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Các hộ dân nơi đây thoát nghèo từ trồng dược liệu bán cho Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar (Cty Ladophar).

Diện tích liên kết trồng atisô của gia đình ông Kră Jăn Ha Ku đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: H.Yên

Ông Liêng Jrang Ha Đoan (Thôn 3, xã Đạ Sar) cho biết, gia đình ông bắt đầu hợp tác trồng atisô với Cty Ladophar từ tháng 9/2018 đến nay. Với diện tích 0,3 ha đất trồng cà phê già cỗi, dịch bệnh, ông chuyển sang trồng atisô, sau 4 tháng cây đã bắt đầu cho thu hoạch lá. Ông chia sẻ, từ hôm trồng đến giờ với chừng ấy diện tích gia đình đã thu được 30 triệu đồng. Với số tiền đó, cộng với thu nhập từ trồng cà phê, ngoài cuộc sống hàng ngày, gia đình ông đủ nuôi hai con đi học. Mới đây, ông Đoan xây dựng được ngôi nhà khang trang.

Vườn atisô rộng 0,4 ha nhà ông Kră Jăn Ha Ku (Thôn 4, xã Đạ Sar) đang cho thu hái lá atisô. Ông Ha Ku tâm sự, trước đây, mỗi năm cả gia đình ông chỉ trông chờ vào cà phê, mà mấy năm nay cà phê bị dịch bệnh bọ xít muỗi khiến năng suất giảm, thu hoạch không được bao nhiêu nên cuộc sống lâm vào cảnh thiếu thốn. Nhờ chuyển đổi trồng atisô cho công ty mà gia đình ông đã có thu nhập cao hơn rất nhiều. Ông cho biết, được Nhà nước đối ứng nguồn giống tốt, sạch bệnh (theo tỷ lệ 70/30), gia đình phá toàn bộ diện tích 1 ha cà phê để chuyển hướng cây trồng. Ông dành 0,6 ha để trồng rau cải, diện tích còn lại liên kết với công ty trồng atisô. Cứ đều đặn hàng tháng gia đình cắt một đợt lá mang lại khoảng 15 triệu đồng. Nếu cùng diện tích đó thì cà phê một năm mới cho thu hoạch một lần mà chắc chắn không tạo ra mức thu nhập như hiện tại. Hàng tuần, nhóm nhân viên kỹ thuật của Cty Ladophar xuống kiểm tra đồng ruộng để xem người dân trồng và chăm sóc cây như thế nào, cây có dịch bệnh gì không để kịp thời khắc phục. Đồng thời, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch, bảo đảm thu mua toàn bộ lá atisô với giá thỏa thuận từ đầu vụ. “Giá được điều chỉnh theo giá thị trường, thanh toán sòng phẳng với người bán nên người dân chúng tôi rất yên tâm khi sản xuất” - ông Ha Ku cho hay.

Ông Cil Niêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Sar chia sẻ, trong khi cây cà phê bị dịch bệnh nên giá trị kinh tế không còn cao nữa thì hướng đi phát triển dược liệu đang mở ra triển vọng thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Hiện tại, trên địa bàn xã có 25 hộ dân đã chuyển đổi trồng atisô với diện tích 5 ha, trong đó có 11 hộ tham gia liên kết với công ty, và con số mong muốn chuyển đổi một phần diện tích của gia đình sang trồng một số cây dược liệu, trong đó có cây atisô có liên kết với Cty Ladophar tiếp tục tăng nhanh do hiệu quả kinh tế của nó mang lại.

Nhu cầu được cung ứng giống sạch bệnh, cho năng suất và hàm lượng dược tính cao đang trở nên cấp thiết đối với hộ nông dân huyện Lạc Dương. Hiện nay, để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh và nâng cao hàm lượng dược chất của atisô, Cty Ladophar đang triển khai thử nghiệm chuyển đổi từ giống cấy mô đã thoái hóa sang loại gieo hạt, để đảm bảo chủ động nguồn cung cấp dược liệu cho chế biến các loại sản phẩm. Theo đó, năm 2018, Công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm giống atisô trồng từ hạt để thay thế cho giống cây truyền thống hiện nay. Hiện nay, người dân ở xã Đạ Sar và Đa Nhim nhận giống cây atisô chất lượng được Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị cây giống, còn lại người dân tự đối ứng. Sau khi diện tích giống mới này sinh trưởng và phát triển, người dân có thể tự cấy mô để lấy lại nguồn giống chất lượng.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết: Để phát triển diện tích dược liệu mới này, huyện khuyến khích các công ty liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thành lập tổ hợp tác, tạo việc làm cho các hộ này khi tham gia trồng dược liệu. Đó cũng là lý do khi Cty Ladophar đã ký kết hợp tác với hai địa phương Đạ Sar và Đa Nhim để hình thành vùng nguyên liệu với diện tích 20 ha. Còn về lâu dài, huyện Lạc Dương phấn đấu đến năm 2025 trở thành vùng nguyên liệu cây dược liệu của tỉnh Lâm Đồng.

HOÀNG YÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang