• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người trồng cà phê Gia Lai oằn mình vì chi phí đầu vào

Nguồn tin: Báo Gia Lai, 10/04/2019
Ngày cập nhật: 13/4/2019

Giá điện và giá dầu tăng đúng vào cao điểm mùa tưới cà phê khiến nhiều nông dân phải gánh thêm một khoản chi phí sản xuất đáng kể. Trong khi đó, giá cà phê trên thị trường vẫn đang ở mức rất thấp càng khiến nông dân lo lắng.

Tăng chi phí sản xuất

Đang tất bật lắp máy, kéo ống để tưới cà phê đợt 3, anh Rơ Châm Anh (làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) cho hay, gia đình anh có hơn 2 ha cà phê trồng ở 2 khu vực khác nhau. Trong đó, hơn 8 sào phải kéo ống tưới bằng dầu, còn lại 1,2 ha dùng điện tưới. “Vì nguồn nước giếng có hạn nên nhiều khi đang tưới lại phải tắt máy bơm vì nước cạn. Cứ như vậy, mỗi ngày, tôi bơm được vài tiếng đồng hồ nên phải mất 2-3 ngày mới tưới xong. Gia đình tôi tự tưới, không thuê công nhưng mỗi đợt tưới trước đây cũng tốn khoảng hơn 4 triệu đồng cho 2 ha cà phê. Nay giá dầu và giá điện tăng, chi phí đội lên gần 5 triệu đồng”-anh Rơ Châm Anh nhẩm tính.

Chi phí sản xuất tăng khiến người trồng cà phê không có lãi. Ảnh: V.T

Những gia đình có nhân công tưới như hộ anh Rơ Châm Anh thì còn tiết giảm được một phần chi phí. Trong khi đó, những hộ phải thuê nhân công tưới như chị Rơ Châm Kham (làng Bui, xã Nghĩa Hưng) thì phải tốn khoảng 3 triệu đồng/đợt tưới/ha cà phê. “Vụ vừa qua, sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi chỉ còn khoảng 20 triệu đồng từ 1 ha cà phê. Năm nay, giá cà phê xuống thấp quá, giá điện và dầu cùng tăng, lại phải thuê nhân công nên chắc không còn lãi bao nhiêu”-chị Kham cho hay.

Theo tính toán của nhiều hộ, hiện nay, 1 ha cà phê tốn khoảng 2,5-3,2 triệu đồng/đợt tưới. Như vậy, chỉ riêng chi phí cho cả 3 đợt tưới, người trồng cà phê phải tốn khoảng 10 triệu đồng/ha. Các loại chi phí đầu vào đều tăng trong khi giá cà phê đang ở mức rất thấp khiến nhiều nông dân không còn lãi. “Hiện nay, giá các loại vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng, cộng với giá điện, giá dầu cao khiến người trồng cà phê không còn có lãi. Cà phê năm rồi mất mùa, giá lại giảm, chẳng biết vụ tới đây giá có tăng được chút nào không”-ông Vũ Văn Lượng (thôn Châu Giang, xã Hneng, huyện Đak Đoa) rầu rĩ nói.

Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật-cho biết: “Hiện nay, bà con nông dân đã tưới cà phê được 3 đợt. Khi vào tưới đợt 3, tại một số địa phương như Đak Đoa, Mang Yang, Ia Grai, Pleiku đã có một vài cơn mưa nên phần nào người dân cũng tiết kiệm được chi phí. Cà phê thường năm được, năm mất. Năm ngoái, cà phê đã mất mùa thì năm nay dự kiến năng suất sẽ đạt cao”.

Duy trì mức đầu tư cho vườn cây

Ông Nguyễn Kim Anh-Chủ tịch UBND xã Glar (huyện Đak Đoa, Gia Lai) cho hay: “Thu nhập của bà con nông dân trên địa bàn chủ yếu từ trồng cà phê. Chi phí vật tư đầu vào hiện tăng mạnh nên suất đầu tư cho vườn cà phê sẽ đội lên. Trong khi đó, giá cà phê lại đang xuống rất thấp, khoảng 32 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, xã luôn vận động người dân tập trung chăm sóc ổn định vườn cây, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu vào có thể. Đối với những vườn cây già cỗi, năng suất kém thì tiến hành tái canh, hoặc có điều kiện thì trồng xen một số loại cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương”.

Người trồng cà phê đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: Đ.T

Giai đoạn 2015-2018, đặc biệt là năm 2018, người trồng cà phê gặp rất nhiều khó khăn do biến động giá cả thị trường. Có thời điểm, giá cà phê giảm xuống dưới 32 ngàn đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất lại ngày một tăng đã khiến một số hộ dân không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục bám trụ với loại cây trồng này. “Theo đánh giá, mức đầu tư bình quân cho 1 kg cà phê lên đến 28-35 ngàn đồng. Với giá bán thấp như hiện tại, người trồng được lãi ít, thậm chí những vùng năng suất thấp thì tiền thu được không đủ để tái đầu tư vụ sau. Theo dự báo, năm 2019, năng suất cà phê trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 27,7 tạ/ha (tăng 0,1 tạ/ha so với năm 2018), tổng sản lượng cà phê ước đạt khoảng 222.000 tấn”-ông Trần Xuân Khải cho biết thêm.

Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 94.900 ha. Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh là 80.763 ha. Năng suất cà phê đạt 27,6 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 222.700 tấn. Toàn tỉnh có khoảng hơn 85% diện tích cà phê do nông hộ quản lý theo quy mô nhỏ nên mức độ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất thấp, dẫn đến chi phí sản xuất cao.

VŨ THẢO

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang