• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Phước: Thêm giải pháp phòng trừ bệnh trên cây tiêu

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 07/04/2019
Ngày cập nhật: 8/4/2019

Những năm qua, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu diễn biến rất phức tạp khiến nhiều hộ trồng tiêu trong tỉnh Bình Phước thất thu và hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bị thiệt hại nặng. Trước tình hình này, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động phối hợp các ngành hữu quan, nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật... tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp phòng, trị bệnh. Đến nay đã có giải pháp mang tính tích cực trong phòng ngừa bệnh cho cây tiêu trên địa bàn tỉnh.

Đắk Ơ là xã có diện tích tiêu lớn nhất huyện Bù Gia Mập với khoảng 1.540 ha. Trong 2 năm vừa qua, các vườn tiêu trên địa bàn xã xảy ra dịch bệnh chết nhanh làm tiêu chết hàng loạt. Cụ thể, năm 2017, toàn xã có 268 ha cây tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó diện tích bị bệnh chết từ 70% trở lên gần 43 ha. Đến cuối năm 2018, Đắk Ơ có 531 ha tiêu của 958 hộ dân bị nhiễm bệnh, trong đó diện tích bị bệnh chết từ 70% trở lên gần 226 ha, đặc biệt có nhiều vườn cây tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đã làm không ít hộ nông dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì thiếu vốn không thể tái canh hay không trồng được cây khác. Theo đánh giá, Đắk Ơ là xã có diện tích hồ tiêu chết vì bệnh chết nhanh, chết chậm lớn nhất tỉnh hiện nay.

Vườn tiêu của gia đình bà Lâm Thị Hương ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập bị thiệt hại do bệnh chết nhanh, chết chậm gây ra

Trước tình hình bệnh trên cây tiêu diễn biến phức tạp, đầu năm 2019, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ và các phòng, ban chuyên môn đã tới thực địa các vườn tiêu bị chết hàng loạt ở xã Đắk Ơ để nắm tình hình và tìm giải pháp phòng trị bệnh. Tiếp đó, sở đã phối hợp Hội Nông dân tỉnh, huyện Bù Gia Mập, Công ty TNHH Japan - Tech, Công ty TNHH Sinh Bắc tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đến kiểm tra, khảo sát tại một số vườn tiêu của người dân ở xã Đắk Ơ. Dịp này, các thành viên trong đoàn đã khảo sát, đo độ pH của đất tại vườn cây có tiêu chết và những vườn bị nhiễm bệnh. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Sinh Bắc cho biết: “Có nhiều tài liệu cho rằng tiêu là loại cây dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất. Nhưng thực tế không đúng như vậy, bởi với đất không tơi xốp, bị úng nước và tầng đất mặt mỏng, nghèo dinh dưỡng, độ pH thấp thì không thể trồng được cây tiêu. Nếu người dân chạy theo nhu cầu thị trường hay theo sở thích để cố trồng thì trong 2 năm đầu cây vẫn phát triển tốt. Nhưng đến năm thứ 3 trở đi bộ rễ sẽ ăn sâu hơn mà tầng đất mặt mỏng không chỉ cản trở sự phát triển của bộ rễ mà còn gây khó cho cây khi hút dinh dưỡng. Lúc này, tuyến trùng và nấm bệnh có sẵn trong đất xâm nhập vào cây làm tiêu bị vàng úa dần, cành bắt đầu khô và chết. Khi tuyến trùng ăn hết rễ, cây tiêu cũng chết và bệnh sẽ lây lan toàn vườn”.

Từ nhận định này, ngay sau buổi khảo sát, ngành khoa học và công nghệ tỉnh cùng các thành phần tham gia đoàn đã triển khai thử nghiệm phương pháp ứng dụng công nghệ vi sinh của Nhật Bản tại 3 hộ dân trên địa bàn xã Đắk Ơ (hộ ông Điểu Ghế ở thôn 3; ông Điểu Do, thôn 7 và ông Trần Văn Tưởng, thôn Đắk U). Các hộ này được hỗ trợ chế phẩm sinh học Sakura tưới vào gốc và phun lên lá tiêu. Chế phẩm này sẽ cung cấp các vi sinh vật hữu ích, amino acid tự nhiên, nguyên tố trung, vi lượng... nhằm cải tạo đất, tăng khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh, diệt nấm có hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật đã dùng, chống rửa trôi vi sinh vật có ích để hỗ trợ cây sinh trưởng và phát triển. Trung bình mỗi hộ sẽ chọn 100 nọc tiêu để làm thí điểm, sau mỗi tháng cán bộ kỹ thuật sẽ đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm một lần. Thời gian thí điểm sẽ kéo dài trong 3 tháng.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng, việc thử nghiệm nếu thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người trồng tiêu ở Bình Phước. Bởi từ trước đến nay, tiêu chết hàng loạt là nỗi lo không chỉ của nông dân, mà còn của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn. Vì vậy, với việc phân tích mẫu đất, đo độ pH, độ ẩm, chất dinh dưỡng trong tầng đất mặt... để lựa chọn giải pháp ứng dụng công nghệ vi sinh của Nhật Bản hiện nay là hợp lý và nhiều hy vọng hơn cả.

Bên cạnh ứng dụng công nghệ vi sinh, các thành viên trong đoàn khảo sát cũng mong muốn người trồng tiêu ở Bình Phước cần xem xét lại phương pháp canh tác, nên bón phân hữu cơ ủ hoai, hạn chế bón phân vô cơ và không sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, tại những vùng nghi nhiễm bệnh cần nhanh chóng cải tạo đất tơi xốp, khử trùng bằng vôi bột và tạo rãnh thoát nước tốt. Bởi Bình Phước đang chuẩn bị vào mùa mưa, nếu không có rãnh thoát nước sẽ dễ làm cây bị ngập úng, thối rễ... đây là cơ hội để tuyến trùng, nấm bệnh xâm nhập gây hại cây tiêu. Việc đào rãnh thoát nước còn là biện pháp ngăn ngừa và hạn chế sự lây lan tuyến trùng, bệnh gây ra cho cây khác. Đồng thời không nên tiếp tục tái canh cây tiêu tại các vườn cây đã chết, nếu chuyển đổi cây trồng thì phải cải tạo đất.

Gia Nghi

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang