• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sử dụng rác hữu cơ trong gia đình để trồng rau sạch bảo vệ môi trường

Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM, 1/4/2019
Ngày cập nhật: 7/4/2019

Là một trong những người phụ nữ xem việc trồng cây xanh xung quanh nhà là niềm đam mê và là niềm vui của bản thân, nên ngoài việc trồng hoa, cây kiểng trong khu vườn rộng hơn 250 m2 của gia đình, chị Trần Thị Kiều Thơ (Tỉnh lộ 43, Khu phố 2, Phường Bình Chiểu, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) - là một trong những hội viên nông dân có nhiều hoạt động tích cực trong việc xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới ở địa phương. Như năm 2015, chị đã tham gia mô hình trồng lan Dendrobium do Khuyến nông Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ. Và mới nhất là năm 2018 chị đã mạnh dạn đi đầu thực hiện mô hình “Trồng rau sạch từ thùng rác hữu cơ trong gia đình” do Hội Nông dân Phường hỗ trợ.

Theo chị, hiện nay do sự e ngại về những thực phẩm rau xanh bẩn trên thị trường, nên xu hướng tự trồng rau sạch cho gia đình đã được nhiều người triển khai trên khuôn viên đất xung quanh nhà dù ít hay nhiều. Đặc biệt, với những gia đình ở Thành phố, không gian đất hạn hẹp, nên họ đã tự thiết kế mô hình trồng rau sạch trên sân thượng để vừa tự cung tự cấp, vừa tạo mảng xanh trong lành. Do đó, khi được giới thiệu về những lợi ích và tiện dụng của mô hình trồng rau sạch từ rác hữu cơ do Hội Nông dân Phường hỗ trợ, với những ưu điểm có thể tạo thêm nguồn rau sạch cải thiện bữa ăn gia đình, đồng thời giảm thiểu lượng rác thải, tạo mảng xanh, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sống,… nên chị đã tích cực tham gia.

Một cách say sưa, chị giới thiệu: “Đây là mô hình sử dụng rác hữu cơ trong gia đình làm nguồn phân đạm cho việc rau trồng, nhằm giảm lượng rác thải, tạo nguồn dinh dưỡng dồi dào cho rau xanh. Là người đam mê trồng trọt, nên tôi hiểu tác hại của việc sử dụng phân bón hóa học trên cây trồng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và môi trường sống, làm đất nhanh bị bạc màu, rau xanh chỉ được một, hai vụ là phải thay đất,… điều này vừa tốn công vừa mất phí. Vì vậy, khi đăng ký thực hiện mô hình trồng rau sạch từ thùng rác hữu cơ, ngoài việc được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện mô hình, tôi còn tự tìm tòi, nghiên cứu cách riêng của mình là làm phân bón vi sinh từ việc tận dụng rác thải sinh hoạt của gia đình”.

Minh chứng là chị đã tận dụng cuống rau xanh, rau úa xung quanh vườn ủ lên để tạo phân vi sinh bón cho rau xanh. Chị cho biết, chị đã pha nấm trichoderma vào thùng để riêng. Mỗi ngày chị gom hết số rác hữu cơ rồi cho vào thùng, rưới nước lên lớp rác vừa đủ ẩm, đóng nắp thùng ủ. Sau khi đã hoàn thành bổ sung phân rác hữu cơ này vào gốc rau hoặc có thể pha phân với nước theo tỷ lệ 1:10 rồi tưới rau tuần 2 lần, giúp rau phát triển xanh tốt. Theo chị: “Sử dụng phân vi sinh tốt hơn phân hóa học rất nhiều, đất nhanh chóng hồi phục dinh dưỡng sau mỗi đợt trồng cây mới và đặc biệt là mình có thể tận dụng tối đa rác thải trong gia đình, hạn chế được ô nhiễm môi trường và phù hợp với những mô hình sản xuất nhỏ tại nhà”.

Thùng rác hữu cơ chị Thơ sử dụng trồng rau

Bởi luôn yêu công việc, nên từ sự tỉ mỉ với niềm đam mê của mình, chị đã tận dụng những khoảng đất trống của gia đình để trồng rau xanh từ nguồn rác hữu cơ. Do đó, lúc nào khu vườn của chị cũng xanh tươi với các loại rau cải ngọt, cải cúc, rau muống, rau dền, mồng tơi,... vừa có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, vừa có một lượng hàng nho nhỏ để chia sẻ cho người quen có nhu cầu. Chị kể, mỗi tháng chị có thêm một ít thu nhập “vui vui” từ nguồn rau xanh này. Với giá trung bình 30.000đồng/kg và tùy mỗi loại rau có giá khác nhau, như cải cúc thì 40.000 đồng/kg, cải ngọt 35.000 đồng/kg,… chị phục vụ cho các chị em hội viên phụ nữ sinh hoạt chung ở phường.

Qua đó, chị còn giới thiệu đến nhiều hội viên khác mạnh dạn thực hiện mô hình, vừa nâng cao ý thức tự giác của mỗi người trong việc phân loại rác tại hộ gia đình, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên và đặc biệt có thể tận dụng những nguồn phế liệu rác hữu cơ để tái chế và trồng thành những luống rau sạch, an toàn, đáp ứng dinh dưỡng hàng ngày cho gia đình.

Chia sẻ về điều này, chị cho biết “Nhiều chị em thấy sản phẩm rau tôi trồng an toàn, xanh sạch, nên muốn tìm hiểu tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Hiện nay, theo nhiều chuyên gia môi trường xác định rác thải hữu cơ là nguồn tài nguyên, nếu thực hiện phân loại rác thải ngay từ khâu đầu tiên, thì sẽ dễ dàng cho việc tái chế. Điều này sẽ rất hữu ích khi vừa giảm thiểu được chi phí xử lý rác, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vì thế tôi rất mong mô hình trồng rau sạch từ rác thải sinh hoạt hữu cơ được nhiều hộ gia đình biết tới và làm theo. Qua đó, sẽ từng bước tạo ra được những sản phẩm hữu ích phục vụ cho gia đình và xã hội, đồng thời, giúp mọi người nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường”.

M.Hiếu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang