• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sử dụng phân bón hữu cơ - hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 28/03/2019
Ngày cập nhật: 1/4/2019

Thời gian qua, người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có thói quen lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… Thế nên, hiện nay, việc sử dụng phân bón hữu cơ đang được xem là hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Khi nông dân thay đổi nhận thức

Từ cuối năm 2018 đến nay, ở thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung (Đắk Song), có hàng trăm ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh - một con số kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay. Trong bối cảnh đó, vườn hồ tiêu hơn 15 ha của anh Khương Văn Nhân nằm trong vùng dịch này vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất cứ cây trồng nào bị chết và vụ thu hoạch tiêu năm nay thu về trên 40 tấn hạt hồ tiêu. Để có được kết quả đó, 3 năm trước, anh Nhân đã tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học có lợi cho cây trồng…

Vườn hồ tiêu của anh Nhân không có bất cứ cây nào bị chết trong trận đại dịch hồ tiêu vừa qua

Theo anh Nhân, trước đây vườn tiêu của gia đình anh cũng từng bị chết trắng khá nhiều. Gia đình anh cũng từng nghĩ trồng hồ tiêu như cây ngắn ngày, làm sao năng suất, lợi nhuận cao. Thế nên gia đình anh đã vô tình vắt kiệt sức cây trồng theo từng năm chứ không nghĩ đến chuyện thu hoạch lâu dài 10 năm, 20 năm. Đối với vấn đề canh tác cây hồ tiêu, cũng như nhiều loại cây trồng khác, cam go nhất là khi xảy ra dịch bệnh. Khi cây trồng khỏe thì dễ dàng phòng trị, còn ngược lại khi cây trồng yếu thì rất nguy kịch, thậm chí là vô phương cứu chữa. Từ khuyến cáo của các chuyên gia, gia đình anh Nhân chuyển hướng sản xuất hồ tiêu bền vững và đến nay đã có kết quả rõ ràng.

Ở một góc độ khác, anh Trần Quang Đông, chủ Trang trại sản xuất măng cụt, ở xã Đắk Nia, Gia Nghĩa thường xuyên có sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài cho rằng: “Hiện nay, việc sản xuất nông sản chất lượng cao đòi hỏi khắt khe về vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những năm qua, vấn đề thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu của ngành nông sản gặp không ít khó khăn. Đối với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mỗi quốc gia có tiêu chuẩn, quy định riêng. Nhưng, chung quy lại, sản phẩm nông nghiệp bắt buộc phải có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong phạm vi cho phép, thậm chí bằng 0 mới bảo đảm an toàn chất lượng, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Chỉ khi đó, sản phẩm nông nghiệp của người nông dân mới có giá cao và đầu ra bền vững”.

Ngay bên cạnh vườn tiêu của anh Nhân, vườn hồ tiêu của gia đình khác bị dịch bệnh và chết la liệt

Lợi ích lâu dài

Phân hữu cơ cung cấp thêm cho đất các chủng vi sinh vật có tác dụng cố định đạm, phân giải lân và các hợp chất khó tiêu trong đất, từ đó, cân bằng hệ sinh thái môi trường, tăng sức đề kháng cho cây và diệt trừ mầm bệnh, mầm cỏ. Do phân hữu cơ có nguồn gốc từ phế, phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi nên nông dân có thể tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để sử dụng làm phân bón, cải tạo đất canh tác, nâng cao chất lượng nông sản, thân thiện với môi trường và vẫn mang hiệu quả kinh tế cao...

Phân bón hữu cơ là loại phân bón có chứa các nguyên tố trung, vi lượng có tác dụng làm đất tơi xốp, bổ sung cho đất nông nghiệp một số loại axit hữu cơ có ích như: Axit Humic, Axit Fulvic… giúp cây hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng.

Theo ông Phạm Quang Vượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Đắk R’lấp, thì làm nông nghiệp giờ đã thay đổi nhiều so với trước. Nhiều sản phẩm nông nghiệp cung đã vượt quá cầu. Thế nên, người nông dân cần chọn cho mình kỹ thuật sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, bảo đảm sản phẩm làm ra an toàn đối với người tiêu dùng. “Hiện nay, người nông dân có thể áp dụng những quy trình sản xuất như: Viet GAP, hữu cơ, sinh học… nhằm bảo đảm chất lượng, giá thành cao, đủ sức để cạnh tranh, không chỉ thị trường trong nước mà còn cả xuất khẩu. Đó mới là những lợi ích lâu dài người nông dân cần phải hướng tới” – ông Vượng khẳng định.

Bài, ảnh: Phan Tuấn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang