• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ðịnh hướng phòng trừ virus gây bệnh xoăn lá cà chua Lâm Ðồng

Nguồn tin: Báo Lâm Ðồng, 22/03/2019
Ngày cập nhật: 23/3/2019

Trong phóng sự “Chua chát cà chua” đã được đăng tải trước đây, Báo Lâm Ðồng phản ánh về hiện tượng cây cà chua bị bệnh xoăn lá trên diện rộng và trong thời gian dài đã gây thiệt hại kinh tế không nhỏ đối với nông dân cũng như các lĩnh vực liên quan. Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là khẩn trương tìm giải pháp khắc phục, Trường Ðại học Ðà Lạt (ÐHÐL) đã nghiên cứu đề tài này trên cơ sở đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Ðồng.

Hội thảo giữa 4 nhà: quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Ảnh: M.Đạo

Thiệt hại kinh tế không nhỏ

PGS. TS Sinh học Nguyễn Văn Kết - Hiệu phó Trường ĐHĐL cho rằng, đây là đề tài khó, nhưng nếu kết quả nghiên cứu thành công sẽ đưa lại hiệu quả lớn, rất có ý nghĩa xã hội đối với ngành nông nghiệp. Được biết, năm 2017, riêng 2 địa phương huyện Đức Trọng và Đơn Dương (địa bàn tập trung canh tác cà chua lớn nhất tỉnh) có tổng diện tích 951 ha cây họ cà bị nhiễm bệnh xoăn lá virus; trong đó, 450 ha nhiễm nặng và 64 ha phải nhổ bỏ tiêu hủy. So với những năm trước, thành phần loài virus trên cây họ cà hiện nay rất đa dạng, làm cây còi cọc, phát triển kém, không đậu trái hoặc trái bị sượng, dẫn đến năng suất thấp, sản lượng giảm nghiêm trọng. Cùng đó, tình hình diễn biến bệnh vẫn lặp lại những năm sau. Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) thuộc Sở NN&PTNT Lâm Đồng và Khoa Sinh học Trường ĐHĐL đã triển khai đề tài nhằm nghiên cứu và định hướng phòng trừ. Bước đầu nhóm tác giả đã công bố một số thông tin và giải pháp trước sự thảo luận của đại diện Hội Nông dân tỉnh và huyện, doanh nghiệp và nông dân.

Số liệu từ Cục Thống kê Lâm Đồng, năm 2018, toàn tỉnh gieo trồng 12.150 ha rau họ cà; trong đó, cà chua 6.623 ha. Về diễn biến nhiễm virus gây hại cà chua, Phó Chi cục TT&BVTV Đào Văn Toàn cho biết: bệnh gia tăng mạnh từ giữa tháng 7/2016, diện tích nhiễm 936 ha, trong đó 366 ha nhiễm nặng và 150 ha phải nhổ bỏ tiêu hủy. Năm 2017 như đã nêu số liệu ở trên; năm 2018 có 850 ha nhiễm, tỷ lệ thiệt hại từ 20-70%; năm 2019, hiện đang có 74 ha nhiễm virus, tỷ lệ thiệt hại từ 17-40%. Về nguyên nhân, kết quả nghiên cứu được công bố từ các đơn vị, tổ chức khoa học Việt Nam và khu vực cho thấy: 65,3% mẫu thu thập tại vườn ươm sản xuất cà chua ghép nhiễm virus ToMV; 80,7% nhiễm CMV. Trên vườn sản xuất có 25,6 mẫu nhiễm virus TNRV và 7,6% nhiễm virus TSWV. Vector truyền bệnh bao gồm rệp, bọ trĩ, bọ phấn. Theo ông Toàn, khó khăn và tồn tại hiện nay là chưa sản xuất, kiểm soát được nguồn cây giống sạch bệnh từ các cơ sở cung cấp cây giống. Chính thực tế này, đại diện Hội Nông dân huyện Đơn Dương, ông K’Điệp mong nhóm nghiên cứu làm cầu nối giữa nông dân với cơ sở sản xuất giống, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng. Một tồn tại khác là hiện biện pháp quản lý tại vườn trồng cũng chưa đồng bộ; trong lúc đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh cây giống ở huyện hầu hết chưa chủ động thực hiện.

Bệnh xoăn lá trên cây cà chua ở huyện Đơn Dương (ảnh chụp năm 2018). Ảnh: M.Đ

Cần nhiều giải pháp đồng bộ từ 4 nhà

Qua điều tra, thu thập tại hiện trường các vườn ươm Thiên Sinh, Thuần Hiền ở huyện Đơn Dương; Tiến Trâm, Phong Thúy, Trang Thời-K’Nai ở huyện Đức Trọng, cùng 32 vườn trồng ở 2 huyện này, nhóm nghiên cứu bước đầu đưa ra một số kết quả để nhận diện. Thay mặt nhóm, ông Lê Ngọc Triệu (ĐHĐL) có một số nhận xét sau: Tần suất các mẫu nhiễm virus tập trung nhiều hơn ở các vườn trồng không được che chắn, do đó vấn đề lây nhiễm virus gây xoăn lá cà chua qua các loại côn trùng là vector trung gian truyền bệnh. Bên cạnh đó, sự có mặt của virus ToMV trong hạt giống gốc ghép, cho thấy nguy cơ lây nhiễm qua hạt giống. Các virus ToMV, CMV, ToRSV và PVY có khả năng gây xoăn lá cà chua cũng được tìm thấy trên mẫu các ký chủ chung. Do vậy, nguy cơ duy trì và phát tán nguồn bệnh từ các cây trồng là hiện hữu. Trong các loại virus xuất hiện ở địa bàn Đơn Dương và Đức Trọng, phổ biến nhất là ToMV và Topovirus chưa xác định được loài.

Đại diện Vườn ươm Tiến Trâm ở Đức Trọng mong các nhà khoa học cung cấp thông tin hiện tượng xoăn lá cụ thể về thời gian, mức độ... để người nông dân và doanh nghiệp chủ động hơn trong phòng ngừa. Theo cảm quan của đại diện doanh nghiệp này, vùng nào có mật độ trồng càng dày thì mức độ nhiễm virus càng lớn. Ông Nguyễn Khoa Trưởng (ĐHĐL), thành viên nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra một số giải pháp cụ thể. Đối với vườn ươm, phải có khu ủ giá thể riêng, tách biệt các khu vực thao tác đóng vỉ, gieo, nuôi cây chưa ghép, ghép cây ủ tối... Mặt khác, thường xuyên vệ sinh các khu vực sản xuất và phát quang, làm cỏ khu vực xung quanh định kỳ. Vườn ươm cần có khu vực nuôi cây từ hạt, nuôi cây ghép trong mát và nuôi cây chuẩn bị xuất vườn trong màng với mái, chân nylon kết hợp với lưới chắn côn trùng > 50mesh trở lên. Cùng đó, các yếu tố cần và đủ của nhà ươm còn là: cao ráo, thông gió, có gian trung gian cùng với quạt thổi gió ngược và bể chứa dung dịch vệ sinh trước khi vào các khu vực nuôi, ủ cây. Hạt giống phải đảm bảo không bị nhiễm virus; giá thể ươm cây cần được xử lý mầm bệnh kỹ lưỡng...

Đối với vườn trồng, việc phun thuốc BVTV đúng liều lượng và phương pháp là hết sức quan trọng. Khâu này không chỉ phòng trừ sâu bệnh cho cà chua mà còn đối với cỏ dại hoặc cây trồng khác có mặt trên diện tích trồng lân cận. Một thực tế cần được khắc phục nghiêm đó là thu gom tàn dư thực vật phải vừa thường xuyên vừa đảm bảo tiệt sạch được trùng bệnh bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp sâu ở nơi xa vùng canh tác cà chua. Việc thường xuyên phát quang, làm cỏ để xử lý dứt điểm côn trùng truyền bệnh cũng là một giải pháp hữu hiệu. Để kiểm soát, ngăn chặn và tiêu diệt các nhóm côn trùng, người trồng còn cần đặt bẫy côn trùng, làm nhà màng, nhà lưới đúng quy cách (lưới > 50mesh), cửa ra vào có khu vực cách ly và sử dụng thuốc BVTV đúng quy chuẩn...

Với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất bệnh xoăn lá cây cà chua ở Lâm Ðồng như tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Chỉ có khi đạt được tính kịp thời, sự đồng bộ và nhất quán từ nhận thức đến hành động giữa 4 nhà thì mới đạt được hiệu quả như mong đợi.

MINH ÐẠO

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang