• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng Nai: Nông dân trồng mì: Khó vì dịch, khổ vì giá

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 18/03/2019
Ngày cập nhật: 21/3/2019

Thời gian qua, dịch khảm lá mì lan rộng tại nhiều địa phương khiến nông dân trồng mì trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp không ít khó khăn. Chưa kịp hết lo vì dịch bệnh thì cây trồng này lại rơi vào cảnh rớt giá khiến người trồng càng khốn khó.

Nông dân tại thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) thu hoạch mì giống cho vụ trồng mới. Ảnh: B.Nguyên

Theo nông dân, dù giá thấp nhưng cũng không dễ tìm được nơi tiêu thụ vì nhiều doanh nghiệp lớn hiện tạm ngưng thu mua mặt hàng này. Thị trường của mặt hàng mì lát vẫn còn nhiều rủi ro do chủ yếu chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc.

* Hàng trăm hécta mì nhiễm bệnh

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, năm 2018 toàn tỉnh trồng trên 13,8 ngàn hécta cây mì. Riêng vụ đông - xuân 2018-2019, toàn tỉnh trồng 1.152 hécta, trong đó gần 32% diện tích trồng giống HL-S11, giống nhiễm bệnh khảm lá mì. Từ giữa năm 2018, Đồng Nai bắt đầu xuất hiện bệnh khảm lá mì và nhanh chóng lan thành dịch với diện tích gần 380 hécta bị nhiễm bệnh. Trong đó, trên 46 hécta cây mì nhiễm bệnh nặng bị tiêu hủy.

Các địa phương tại Đồng Nai đã triển khai các mô hình quản lý giống mì sạch bệnh với diện tích 92 hécta. Mục tiêu để có nguồn giống mì sạch bệnh cung cấp cho nông dân. Mì trước thu hoạch tại các mô hình này được lấy mẫu kiểm tra để xác định sạch bệnh. Đồng Nai tiếp tục duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá mì cấp huyện, xã để thống nhất công tác chỉ đạo trong triển khai thực hiện. Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất giống mì sạch bệnh; tăng cường công tác điều tra nhằm phát hiện sớm diện tích mì nhiễm bệnh và hướng dẫn nông dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Huyện Vĩnh Cửu đứng đầu về diện tích mì bị nhiễm bệnh. Ông Dương Quang Vinh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Diện tích mì tại địa phương bị bệnh nhiều do nông dân sử dụng đại trà giống mì mới bị nhiễm bệnh. Loại bệnh này hiện chưa có thuốc chữa. Đến nay, dịch khảm lá mì cơ bản đã được khống chế, chúng tôi cũng đã khoanh vùng bị dịch, khuyến cáo nông dân không sử dụng giống mì nhiễm bệnh để tái sản xuất”.

Dịch khảm lá mì đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng củ mì thu hoạch năm nay. Ông Trần Quốc Sang, nông dân trồng hàng chục hécta mì tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) nhận xét, nhiều nông dân có rẫy mì bị nhiễm bệnh giảm gần một nửa năng suất, tỷ lệ chữ bột cũng bị ảnh hưởng.

Nhưng khó khăn lớn nhất của nông dân trồng mì vẫn là giá bán củ mì tươi năm nay giảm cả ngàn đồng/kg. Ông Sang so sánh: “Tôi phải thuê đất với giá cả chục triệu đồng/hécta/năm để trồng mì. Năm nay, giá mì bán ra chỉ được 2 ngàn đồng/kg, giảm 1 ngàn đồng/kg so với vụ thu hoạch trước nên hầu như không còn lợi nhuận. Tôi phải bán mì non ngay sau Tết Nguyên đán 2019 chứ không để đến giờ mới thu hoạch vì càng để giá càng giảm”.

* Khổ vì rớt giá

Cũng theo ông Sang, khó khăn lớn nhất cho nông dân trồng mì là giá rẻ vẫn không dễ bán. Vì khoảng 2 tháng trở lại đây, một số doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến mì tạm ngưng thu mua bởi còn tồn hàng nhiều. Nông dân phải bán cho các lò sấy nhỏ giá vừa thấp, vừa chậm được trả tiền.

Cùng nỗi lo về giá, ông Hoàng Ngọc Tân, nông dân đang vào vụ thu hoạch mì tại xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) lo lắng: “Hiện giá mì rớt xuống chỉ còn 1.700-1.800 đồng/kg. Nhưng khó hơn là nhiều doanh nghiệp kinh doanh lớn trong ngành này thua lỗ đóng cửa hoặc tạm ngưng mua hàng. Vì trồng với diện tích lớn, tôi buộc phải chở mì sang bán cho các doanh nghiệp tại tỉnh Tây Ninh nên càng khó khăn, vất vả”.

Thị trường cho loại nông sản này ngày càng bấp bênh cũng vì đầu ra hiện hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc. Những năm trước, đầu ra cho cây mì khá ổn định vì Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến, kinh doanh mặt hàng này. Hiện nay, những doanh nghiệp chế biến mì lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, họ cũng không mở rộng đầu tư vì ngành hàng này quá rủi ro.

Ông Lê Duy Hoạch, chủ vựa chuyên thu mua mì lát tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, thị trường mì năm nay kém sôi động hơn mọi năm vì vụ trước có giá tốt, nông dân đua nhau trồng, doanh nghiệp cũng trữ hàng nhiều nhưng đầu ra gặp khó nên vụ này bị tồn hàng. Hiện ông chỉ cung cấp những đơn hàng nhỏ cho các cơ sở chế biến bột mì bán ngay trong tỉnh. “Giá mì khô hiện không giảm nhiều so với cùng kỳ nhưng giá mì tươi giảm mạnh chủ yếu vì công lao động hiện quá cao và nhiều chi phí khác đội lên. Mặt khác, giá mì tươi bị kéo xuống còn do chất lượng củ, nhất là chữ bột thấp khiến chi phí chế biến cao lên” - ông Hoạch nói.

Bình Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang