• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Phước: Thận trọng khi chọn giống cho vụ mì mới

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 23/02/2019
Ngày cập nhật: 26/2/2019

Khoai mì (sắn) là loại cây từng được xem là “chìa khóa” để nông dân xóa đói giảm nghèo. Có giai đoạn giá mì tăng cao do nguồn cung khan hiếm, giúp nhiều nông dân thu nhập cao hơn so với trồng những loại cây khác. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người chạy theo cây mì mà không tìm hiểu kỹ thị trường lẫn kỹ thuật canh tác. Hiện nay, diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá vẫn diễn biến phức tạp và chưa có thuốc đặc trị. Song giá mì tươi vẫn ở mức cao (2.400-3.200 đồng/kg) nên nông dân vẫn lấy đó làm “động lực” tiếp tục trồng, bất chấp dịch bệnh, khuyến cáo.

Ngành chức năng từng khuyến cáo, nông dân nên cắt vụ chuyển đổi sang cây trồng khác, không nên tiếp tục tái canh cây mì. Tuy nhiên, do thiếu vốn để chuyển đổi, không ít hộ vẫn trồng mì và chấp nhận “đánh liều” với thực tế: Khi chưa có dịch bệnh, 1 ha mì có thể thu hoạch hơn 40 tấn, còn hiện nay mì bị nhiễm bệnh, chỉ cho sản lượng từ 20-30 tấn/ha (tùy mức độ bị bệnh).

Thu hoạch mì trên địa bàn thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú

Anh Phí Văn Nam, ngụ ấp 9, xã Tân Lập (Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) gắn bó với cây mì hơn 10 năm nay, cho biết, dịch bệnh khảm lá trên cây mì khiến nhiều nông dân lao đao do năng suất, sản lượng giảm. Gia đình anh trồng hơn 10 ha mì. Vụ mì năm nay do bị bệnh khảm lá nên năng suất giảm một nửa. Theo tính toán của anh, 1 ha mì bị bệnh khảm lá cho năng suất khoảng 20-30 tấn, nếu củ mì tươi bán với giá 3.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển..., người trồng vẫn còn lãi khoảng 20-30 triệu đồng/ha. Do đó, anh Nam cũng như nhiều nông dân khác tiếp tục chọn trồng mì chứ không chuyển sang cây trồng khác. Anh Nam dự tính, nếu giá mì vẫn duy trì ở mức cao, năm sau anh sẽ tiếp tục trồng và duy trì nguồn giống cũ (ở diện tích mì chưa bị nhiễm bệnh). “Nếu mua hom giống mới cũng chưa chắc có nguồn giống sạch bệnh. Các vựa giống trên địa bàn hay ở tỉnh Tây Ninh mì cũng bị nhiễm bệnh. Người trồng cần tìm mua cây giống ở những địa phương chưa bị bệnh, chọn giống mì dù khi trồng nhiễm bệnh nhưng vẫn cho năng suất cao. Hiện tôi trồng khoảng 5-6 giống mì khác nhau. Bên cạnh đó, trồng mì trong thời điểm dịch bệnh khảm lá mì chưa có biện pháp xử lý, ngoài chọn giống phù hợp, cách lên liếp cho từng loại giống mì cũng như quá trình chăm sóc, bón phân phải khác nhau. Có như vậy, dù mì bị bệnh khảm lá nhưng vẫn cho năng suất cao hơn” - anh Nam nói.

Ngay từ khi phát hiện dịch bệnh khảm lá trên cây mì, ngành chức năng của tỉnh, huyện đã khuyến cáo nông dân không sử dụng các hom mì ở khu vực bị bệnh để làm giống, không vận chuyển cây mì từ vùng có bệnh sang các vùng khác..., mà chỉ sử dụng hom mì không bị nhiễm bệnh. Về giải pháp trước mắt, tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền để cán bộ, người dân, doanh nghiệp chế biến... nhận thức rõ mục tiêu chống bệnh dịch, sự ảnh hưởng và tác hại lâu dài của bệnh... Đối với nguồn cung cấp giống mì, tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh tìm mua nguồn giống sạch bệnh từ tỉnh chưa có dịch, có địa chỉ rõ ràng, tin cậy để cung cấp cho người dân. Vào đầu vụ sản xuất, các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý điểm mua bán cây giống không rõ nguồn gốc trên địa bàn quản lý...

Chị Phạm Thị Nga ở ấp 6, xã Tân Lập cho biết: Do hầu hết các địa phương đều có dịch khảm lá trên cây mì nên nguồn cung hom giống sạch bệnh rất khan hiếm, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, một số hộ trồng tận dụng cả cây mì không đảm bảo để làm giống, bất chấp năng suất cây trồng và nguy hiểm hơn là khiến dịch bệnh khảm lá mì khó dập tắt. Giải thích việc tiếp tục chọn cây mì để trồng cho vụ tới, chị Nga nói: Từ năm 2018, xăng sinh học E5 chính thức đưa vào lưu hành trên toàn quốc thay thế xăng Ron 92, mà một trong những nguyên liệu dùng để phối trộn tạo ra xăng E5 là cồn ethanol được sản xuất từ củ mì. Điều này đã góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ nên giá mì có thể lên cao và ổn định trong vài năm tới.

Hiện nay, đa số người trồng mì đều nhận thức được sự nguy hại của bệnh khảm lá trên cây mì và nắm được khuyến cáo của ngành chức năng. Thế nhưng vẫn còn nhiều nông hộ tâm lý chủ quan, cộng với sự nôn nóng khi thấy giá mì ngày càng tăng, đã canh tác ngay trên đất bị nhiễm bệnh, đồng thời còn sử dụng giống mì không rõ nguồn gốc. Hậu quả, sau khi xuống giống, chỉ một thời gian ngắn cây mì có thể bị nhiễm bệnh. Rất mong ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền tác hại của bệnh khảm lá trên cây mì. Đồng thời giới thiệu nông dân những nguồn giống sạch, kháng bệnh cao cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; đặc biệt là đầu ra và định hướng quy hoạch cây mì mang tính lâu dài trên địa bàn...

M.H

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang